Cưới hỏi là một phong tục truyền thống của người Việt và lễ rước dâu là một nghi thức quan trọng của phong tục này. Buổi lễ rước dâu thể hiện sự trân trọng của gia đình chú rể đối với cô dâu cũng như gia đình họ nhà gái. Vậy trong buổi lễ rước dâu bao gồm những gì? Nên phát biểu như thế nào trong lễ rước dâu?
1. Lễ rước dâu gồm những gì?
Theo thời đại các nghi thức trong lễ rước dâu đã được tối giãn rất nhiều nhưng trong đó vẫn có những bước quan trọng không thể bỏ qua. Cùng đọc một số hướng dẫn thủ tục làm lễ rước dâu chuẩn nhất dưới đây để hiểu rõ quy trình buổi lễ rước dâu bạn nhé!
1.1 Nhà trai đến
2 bên gia đình nhà trai và nhà gái cần bàn bạc kỹ trước các thứ như: Vị trí đỗ xe, chỗ để đoàn nhà trai ổn định đội hình, đặc biệt là khi nhà gái ở trong đường hay hẻm nhỏ, khó đi lại.
1.2 Trao lễ vật
Đội bưng quả nhà gái cần phải xếp hàng sẵn, đội bưng quả nhà trai đi vào, đứng đối mặt, rồi tiến tới trao quả cho đội hình bên nhà gái. Người phù rể sẽ đi đầu với tay bê khay rượu, cùng nữ trang đi vào. Đội bưng quả của hai nhà là những người độc thân. Nếu không thể nhờ bạn bè hay người thân thì cô dâu và chú rể có thể thuê đội bưng quả theo dịch vụ.
1.3 Nhận quả đem lên bàn thờ gia tiên
Đội bưng quả nhà gái sẽ mang quả đặt ở bàn thờ gia tiên. Thông thường, quả trầu cau đặt ở vị trí chính giữa để “đánh dấu”, vì khi mở quả sẽ mở quả này đầu tiên.
1.4 Trình lễ
Người chủ hôn bên nhà trai sẽ chịu trách nhiệm mở đầu buổi lễ mở nắp tráp, lật khăn đỏ phủ trên tráp và giới thiệu lễ vật có những gì.
1.5 Cô dâu được dắt ra mắt
Thông thường theo lệ thì cô dâu sẽ ở trong phòng và chờ cha mẹ mình dắt ra ngoài làm lễ. Nhưng ngày nay thì cô dâu có thể thoải mái đi lại cho đến giờ làm lễ.
1.6 Làm lễ gia tiên
Chú rể và cô dâu sẽ thắp hương để làm lễ gia tiên. Nhà trai sẽ chuẩn bị trước một cặp đèn long phụng, còn nhà gái sẽ chuẩn bị phần chân đèn để làm lễ.
1.7 Cô dâu và chú rể trao nhẫn và nhận tiền/quà từ cha mẹ, người thân
Cô dâu và chú rể sẽ thực hiện nghi thức trao nhẫn cho nhau. Kế đó mẹ đẻ và mẹ chồng sẽ tiến lên tặng nữ trang cho cô dâu và chú rể. Tiếp đến là người thân trong gia đình lên tặng quà mừng và dặn dò.
1.8 Tiệc nhà gái
Nếu đúng theo phong tục lúc trước thì nhà gái sẽ tổ chức tiệc ăn uống, nhưng hiện nay thì nó đã được giản lược đi nhiều với bánh, trái cây và trà nước. Thường đón dâu đều được làm theo giờ lành nên lễ rước ngắn gọn để còn kịp thời gian rước dâu về làm lễ ở nhà trai.
1.9 Trả lễ
Nhà gái khi đã làm lễ xong thì sẽ trả lại mâm quả cho nhà trai. Nếu là quả có phần nắp đậy thì khi trả cần lật ngược nắp lên, nếu là quả phủ khăn thì lật 1/2 khăn lên. Thêm nữa là thủ tục nữa là lì xì đội bưng quả để cảm ơn mọi người cũng như mang lại may mắn cho lễ cưới.
1.10 Đưa nàng về dinh
Mẹ chồng dắt cô dâu ra xe hoa cùng với chú rể và khi đi cô dâu không được ngoái đầu nhìn lại. Cô dâu sẽ chọn trước một phù dâu đi cùng.
1.11 Về nhà trai
Làm lễ ra mắt với tổ tiên nhà trai sau đó sẽ được người thân, dòng họ nhà trai tặng quà. Giường cưới sẽ là giường mới, được mẹ chồng trải giường, có thể nhờ họ hàng có con trai và con gái trải giường để thêm may mắn.
2. Mẫu bài phát biểu trong lễ rước dâu hay và ý nghĩa
Trong những buổi lễ quan trọng như lễ rước dâu thì chắc chắn không thể thiếu được những lời phát biểu hay và ý nghĩa. Phụ huynh từ nhà trai và nhà gái cần chuẩn bị riêng cho mình một bài phát biểu hay để mở màn cho buổi lễ. Dưới đây là mẫu bài phát biểu trong lễ rước dâu đầy đủ và ý nghĩa mà bạn có thể tham khảo:
2.1 Bài phát biểu của đại diện nhà trai trong lễ rước dâu
“Kính thưa quan viên hai họ. Tôi xin đại diện cho họ nhà trai kính chúc sức khỏe các cụ ông, cụ bà, anh chị em của hai gia đình, bạn bè thân thiết của hai cháu có mặt đông đủ tại hội trường ngày hôm nay để chúc mừng hạnh phúc cho hai cháu (tên của cô dâu – chú rể).
Tôi xin được tự giới thiệu tôi là (họ tên người phát biểu), là (quan hệ với chú rể). Được sự chấp thuận của gia đình hai bên. Hôm nay, gia đình chúng tôi xin phép thay mặt bên họ nhà trai, xin có cơi trầu kính dâng gia tiên bên nhà gái và xin phép được đón cháu (tên cô dâu) về làm dâu trong nhà tôi, về làm cháu trong họ … chúng tôi.
Đồng thời gia đình tôi cũng xin phép gia đình ông (họ tên bố cô dâu) và bà (họ tên mẹ cô dâu) cho cháu (họ yên chú rể) được làm con, làm cháu trong gia đình ông bà. Xin kính mong ông bà nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai chúng tôi”.
Sau phát biểu trên nhà gái sẽ nhận cơi trầu và nhà trai sẽ phát biểu xin dâu tương tự như sau:
“Thưa quan viên 2 họ, kính thưa đông đủ khách mời có mặt hôm nay!
Bên đàng trai chúng tôi rất lấy làm hạnh phúc khi được gia đình nhà gái đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Chúng tôi xin cảm ơn những tình cảm ấm nồng này và mong rằng, từ nay về sau, tình cảm của 2 gia đình sẽ ngày càng tốt đẹp, bền chặt hơn.
Đến nay, giờ lành đã điểm, chúng tôi xin phép gia đình và quan viên 2 họ được đón cháu A về để tiến hành lễ thành hôn cho 2 cháu. Trân trọng kính mời tất cả mọi người cùng về gia đình chúng tôi để tổ chức cho 2 cháu. Tôi xin chân thành cảm ơn.”
2.2 Bài phát biểu của đại diện nhà gái trong lễ rước dâu
“Kính thưa các cụ ông, cụ bà cùng gia đình nội ngoại, ông bà thân sinh cháu (tên bố mẹ chú rể) và anh em bạn bè gia đình cháu (tên chú rể).
Lời đầu tiên cho tôi được tự giới thiệu, tôi là (họ tên người phát biểu), là (quan hệ với cô dâu). Đại diện cho họ nhà gái, xin được gửi lời chúc phúc tới toàn thể các vị quan khách có mặt trong lễ cưới của 2 cháu ngày.
Hôm nay là ngày lành tháng tốt và cũng là ngày bên nhà trai sang có lời thưa chuyện, trước hết gia đình chúng tôi xin có lời cám ơn tới bên họ nhà trai đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Tôi xin thay mặt cho gia đình nhà gái nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai chính thức nhận cháu (tên chú rể) làm con rể ông bà (tên bố mẹ cô dâu), làm cháu dòng họ chúng tôi đồng thời cho phép nhà trai đón cháu (tên cô dâu), về họ nhà trai để tổ chức lễ thành hôn cho 2 cháu.
Kể từ giờ phút này trở đi: hai cháu (tên cô dâu – chú rể) đã là dâu là rể trong nhà, hai cháu còn trẻ và còn nhiều bỡ ngỡ nên kính mong toàn thể hai bên gia đình dạy dỗ, nhắc nhở để hai cháu có thể làm tốt bổn phận làm con làm cháu trong nhà. Mong rằng, hai cháu sẽ sống hạnh phúc trọn đời, làm ăn phát đạt, sớm sinh bé trai, bé gái.
Xin mời nhà trai uống chén nước, ăn miếng trầu chúc phúc cho hai cháu”
Xem thêm:
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì?
9 mẫu bài phát biểu trong lễ ăn hỏi của họ nhà trai và nhà gái
Đính hôn là gì? Thủ tục cần chuẩn bị cho lễ đính hôn hoàn hảo?
3. Những câu hỏi liên quan đến lễ rước dâu
Tuy là một trong những nghi lễ quan trong trong phong tục cưới hỏi.Thế nhưng, nhiều người vẫn không rõ một số vấn đề như xe rước dâu thì gồm những ai ngồi hay màu sắc nào được ưa chuộng khi đi rước dâu…. Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến lễ rước dâu được nhiều người quan tâm mà bạn không thể bỏ qua như:
3.1 Xe rước dâu ai ngồi?
Trong buổi lễ rước dâu thường sẽ có 3 loại xe được dùng, đó là: xe hoa, xe rước dâu và xe chở quan khách. Trong đó, xe hoa thường là xe dành riêng cho cô dâu chú rể. Xe rước dâu là xe chở dàn bê tráp cũng như họ hàng nhà tra và xe chở quan khác là xe được dùng để chở họ hàng nhà gái qua nhà trai dùng tiệc.
Như vậy, xe rước dâu chính là những người tham gia đoàn đón dâu gồm có đại diện nhà trai, cha mẹ, họ hàng và bạn bè thân thích. Lưu ý nên cân bằng số nam và số nữ đi cùng để đội hình được đẹp.
3.2 Mâm quả rước dâu gồm những gì?
Thông thường, mâm quả rước dâu đầy đủ sẽ bao gồm 8 món như sau:
- Trầu cau.
- Trà, rượu, nến đỏ.
- Mâm bánh ăn hỏi.
- Trái cây.
- Mâm xôi gấc.
- Mâm gà/heo quay.
- Tiền đen (tiền nạp tài).
- Vàng cưới.
3.3 Số người đi rước dâu là bao nhiêu?
Số lượng người đi họ để rước dâu (đón dâu) tương đối quan trọng với hai gia đình. Đây được gọi là đoàn họ nhà trai, đại diện cho nhà trai sang nhà gái rước dâu.
Dường như ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, số lượng người đi rước dâu thường không cố định, nó sẽ phụ thuộc vào số xe được thuê hoặc theo diện tích nhà cô dâu để có sự sắp xếp phù hợp.
Thông thường, số lượng người đi rước dâu thường dao động từ khoảng 10 - 15 người. Mọi người thường sẽ đi theo cặp vợ chồng hoặc phân chia số lượng nam-nữ sao cho có được đội hình rước dâu cân đối, đẹp mắt.
3.4 Rước dâu mặc áo dài màu gì?
Một số màu sắc áo dài hiện nay được nhiều người ưa chuộng mà các nàng dâu nên tham khảo như: trắng, vàng, cam đào, đỏ, hồng,…. Đây đều là những tông màu tươi sáng mang đến sự mềm mại và trang nhã cho cô dâu trong ngày trọng đại.
Như vậy bài viết trên đây đã mang đến rất nhiều thông tin bổ ích trong lễ rước dâu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tục lệ lễ rước dâu cũng như có được một đám cưới vui vẻ, hạnh phúc.
Sưu tầm
Nguồn ảnh internet