Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lễ lại mặt là gì? Những điều cần làm trong lễ lại mặt sau đám cưới

(VOH) – Vốn là thủ tục cuối cùng giúp tạo nên một đám cưới trọn vẹn, lễ lại mặt có ý nghĩa quan trọng trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt. Vậy lễ lại mặt là lễ gì?

Trong phong tục cưới hỏi của người Việt, xuyên suốt một đám cưới truyền thống thường sẽ bao gồm 9 nghi lễ. Ngày nay, một số nghi lễ đã được giản lược nhưng các nghi lễ cần thiết vẫn được đảm bảo, đó là: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới (lễ xin dâulễ rước dâu) và lễ lại mặt. Vậy lễ lại mặt là gì và vì sao nó được xếp vào một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong đám cưới truyền thống?

1. Lễ lại mặt là gì?

Lễ lại mặt hay còn gọi là lễ Nhị hỷ hoặc lễ Tứ hỷ, là buổi lễ mà cô dâu và chú rể sẽ về thăm lại nhà gái sau lễ cưới chính thức từ hai đến bốn ngày. Đây là nghi lễ cuối cùng trong lễ cưới truyền thống của người Việt. Cũng là thời điểm chính thức đầu tiên sau đám cưới con rể hỏi thăm bố mẹ vợ với cương vị chính thức.

Trong lễ này, cặp vợ chồng mới cưới sẽ đem theo lễ vật được chuẩn bị bên nhà chồng về gia đình nhà gái để cúng gia tiên cũng như thăm hỏi ba mẹ vợ.

Lễ lại mặt là gì? Những điều cần làm trong lễ lại mặt sau đám cưới 1

Nguồn gốc lễ lại mặt của người Việt dựa theo cuốn văn thư cổ Thọ Mai Gia Lễ chính là việc dạy con người về cách thức tiến hành, ứng xử đúng lễ nghĩa đối với những việc liên quan đến quan, hôn, tang, tế. Sách Thọ Mai Gia Lễ có từ thời Lê, tuy đến nay đã có nhiều điểm lỗi thời nhưng tục lệ này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt dù trải qua nhiều thế hệ, đặc biệt là với người miền Bắc.

2. Ý nghĩa lễ lại mặt

Ngày xưa, lễ lại mặt có hàm ý thể hiện sự hài lòng của nhà trai đối nàng dâu mới. Trong ngày lại mặt, nếu nhà trai mang đến nhà gái một cái thủ lợn bị cắt lỗ tai thì điều đó ám chỉ cô dâu đã không còn trong trắng và muốn trả lại nàng dâu. Khi đó, nhà gái sẽ phải xin lỗi, đón con gái về và âm thầm đền bù nhà trai bằng sính lễ.

Ngày nay, lễ lại mặt bắt nguồn từ tình yêu thương của gia đình nhà chồng dành cho con dâu mới, bởi thông thường các cô dâu mới về nhà chồng sẽ cảm thấy buồn và nhớ nhà. Vì thế, đây là dịp để cô dâu được về thăm ba mẹ ruột, vừa để cha mẹ cô dâu hỏi han, an ủi, khuyên nhủ con gái về trách nhiệm ở nhà chồng. Đồng thời, chàng rể cũng được dịp thân thiết và gần gũi hơn gia đình nhà vợ.

Ngoài ra, các lễ vật ngày nay cũng không còn nặng nề ngụ ý như xưa. Những món quà được mẹ chồng chuẩn bị không chỉ là nghi thức xã giao mà còn là lời cảm ơn của nhà trai gửi đến nhà gái vì đã có công nuôi dưỡng cô gái và đồng ý gả làm dâu nhà mình.

3. Lễ lại mặt sau cưới tổ chức khi nào?

Lễ lại mặt thường diễn từ 2 – 4 ngày sau khi đám cưới kết thúc, thường sẽ được tổ chức sau đám cưới 3 ngày. Nhưng tùy phong tục từng địa phương, gia đình có thể chọn ngày thứ 2 (lễ Nhị hỷ) hoặc ngày thứ 4 (lễ Tứ hỷ) sau đám cưới để tổ chức.

Trong trường hợp khoảng cách hai gia đình quá xa hoặc cặp đôi quá bận rộn với công việc, hai gia đình có thể thống nhất tạm thời bỏ qua lễ lại mặt và thực hiện vào dịp Tết cùng năm.

Xem thêm:
Ý nghĩa phía sau vô cùng thiêng liêng về chiếc nhẫn cưới
Tên gọi và ý nghĩa mốc kỷ niệm ngày cưới qua các năm
Gợi ý món quà kỷ niệm ngày cưới cho vợ chồng, bố mẹ, bạn bè

4. Thành phần tham dự lễ lại mặt

Lễ lại mặt hiểu đơn giản chính là dịp để đôi vợ chồng trẻ về thăm gia đình nhà vợ nên đây là nghi thức diễn ra nội bộ trong gia đình, không cần mời bà con, hàng xóm như lễ cưới.

Lễ lại mặt là gì? Những điều cần làm trong lễ lại mặt sau đám cưới 2

Sau khi trò chuyện, cả nhà sẽ cùng nhau làm mâm cơm, trước là để thắp nhang dâng cúng tổ tiên, sau là cả gia đình cùng nhau ăn uống và chuyện trò thân mật.

Cô dâu, chú rể và ba mẹ cô dâu là những người sẽ có mặt trong buổi lễ lại mặt. Ngoài ra, những thành viên thân thiết của gia đình cô dâu như anh, chị em cô dâu cũng có thể tham dự. Nếu có bà con ở gần nhà, cặp đôi chỉ cần thu xếp qua thăm hỏi cho phải đạo con cháu là được.

5. Lễ lại mặt sau cưới gồm những gì?

5.1 Chuẩn bị lễ vật lại mặt

Dù chỉ là nghi lễ trong nội bộ, nhưng thời xưa lễ lại mặt vẫn được tổ chức rất rình rang. Khi đi sang nhà gái, chú rể sẽ chuẩn bị trầu cau, rượu thịt, xôi gà để cúng gia tiên. Trong khi đó, gia đình nhà gái cũng sẽ chuẩn bị một bữa cơm thịnh soạn để mời lại đôi vợ chồng mới cưới.

Theo thời gian, lễ lại mặt đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với thời đại. Các lễ vật được chuẩn bị cũng đơn giản hơn và chủ yếu là ở “tấm lòng” của cả hai bên gia đình. Nhà trai có thể chọn mua quà bánh đơn giản, không quá cầu kỳ, phô trương và bữa cơm nhà gái cũng có thể là một bữa đơn giản nhưng ấm áp, thân tình.

Các lễ vật thường thấy trong buổi lễ lại mặt là: bánh tây, trái cây, rượu, các loại trà ngon,... hoặc các món đồ cao cấp hơn như tổ yến, bào ngư, vi cá… để tặng cho ba mẹ cô dâu. Những lễ vật này sẽ do nhà trai chuẩn bị để chú rể mang sang nhà cô dâu trong ngày lễ lại mặt.

5.2 Chuẩn bị trang phục

Trang phục mặt trong ngày lễ lại mặt của cặp vợ chồng cũng không cần phải quá lộng lẫy, chỉ cần chọn một bộ quần áo chỉnh chu, giản dị và thoải mái là được.

Lễ lại mặt là gì? Những điều cần làm trong lễ lại mặt sau đám cưới 3

Chú rể có thể chọn quần tây, áo sơ mi và cô dâu có thể mặc chiếc váy họa tiết đơn giản. Nên lựa chọn những bộ trang phục có thể thoải mái vận động sẽ giúp ích cho cả hai vợ chồng trong việc phụ giúp mọi người chuẩn bị mâm cơm.

5.3 Chuẩn bị bữa cơm

Để chuẩn bị cho ngày lại mặt, gia đình nhà gái cũng sẽ sửa soạn mâm cơm thân mật để mừng đôi vợ chồng trẻ về thăm nhà.

Mâm cơm lễ lại mặt sẽ không mời thêm khách nên trong nhà có gì ăn nấy. Tùy điện kiện gia đình, cha mẹ vợ có làm gà, bắt cá… hoặc chiêu đãi các con bằng những món ăn đặc sản của địa phương.

Ngoài những lúc thưa chuyện, chàng rể nên xắn tay áo lên xông xáo giúp đỡ mọi người để thắt chặt thêm tình cảm với gia đình nhà vợ.

6. Những điều cần lưu ý về lễ lại mặt sau cưới

Dù chỉ là một nghi thức nhỏ nhưng cặp vợ chồng mới cưới khi tiến hành lễ lại mặt vẫn cần lưu ý một số điều sau đây:

6.1 Không về một mình

Trong ngày lễ lại mặt, bắt buộc phải có cả vợ và chồng về thăm hỏi ba mẹ vợ. Không đi một mình, vì điều đó thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với gia đình nhà gái. Đồng thời, người lớn trong nhà ít nhiều sẽ nghĩ rằng vợ chồng đang có chuyện cãi vã.

Do đó, nếu có việc đột xuất hai vợ chồng không thể về đúng như dự định, hãy xin lỗi gia đình và lùi lịch lại khi cả hai đều có thể tham dự.

6.2 Không về khi chiều tối

Vào ngày lễ lại mặt, hai vợ chồng nên về từ sáng sớm để có nhiều thời gian ở cùng ba mẹ. Về càng sớm, bạn sẽ có nhiều thời gian để phụ giúp mọi người làm cơm cũng như đi thăm hỏi họ hàng xung quanh.

Không nên về khi trời đã sập tối vì như thế, các thành viên trong gia đình sẽ cảm thấy xa lạ, giống như đang đón khách chứ không phải đang đón các con trở về nhà.

6.3 Không về tay không

Trong buổi lễ lại mặt, dù ít hay nhiều cô dâu và chú rể cũng nên chuẩn bị một ít quà về biếu cho ba mẹ vợ. Quà không cần quá giá trị, bởi cái mà ba mẹ cần chính là tấm lòng của bạn. Vậy nên hãy nhớ chuẩn bị chút quà nhỏ để không khí trong nhà thêm vui vẻ nhé!

Xem thêm:
Lễ Hằng Thuận là gì? Ý nghĩa lễ Hằng Thuận tại chùa
Mâm quả cưới của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm những gì?
Cách viết và 70 lời chúc ghi phong bì đám cưới bạn bè, người thân

7. Lễ lại mặt và lễ phản bái giống hay khác nhau?

Nhiều người hiện nay đang nhầm lẫn giữa lễ lại mặt và lễ phản bái, cho rằng hai lễ này chỉ là một. Tuy nhiên, thực tế lễ lại mặt và lễ phản bái hoàn toàn khác nhau, dù có sự tương đồng về việc cô dâu chú rể về thăm hỏi nhà gái sau lễ cưới.

Lễ lại mặt là gì? Những điều cần làm trong lễ lại mặt sau đám cưới 4

Lễ lại mặt thường hay thấy ở miền Bắc, trong khi lễ phản bái chỉ có ở miền Tây Nam bộ.

Thành phần tham dự lễ lại mặt thường chỉ có cặp vợ chồng mới cưới về thăm hỏi nhà vợ, nhưng nếu là lễ phản bái thì sẽ bao gồm cả ba mẹ của chú rể và cả họ hàng bên nhà gái cùng hàng xóm thân thiết.

Về mục đích, trong khi lễ lại mặt chỉ mang ý nghĩa cảm ơn gia đình nhà gái và để gắn kết tình cảm chàng rể với gia đình vợ, thì lễ phản bái còn là dịp để hai bên gia đình gắn kết tình thông gia, cũng như bàn bạc tương lai của đôi vợ chồng trẻ như ra riêng, chia ruộng đất,…

8. Lễ lại mặt ngày nay có thật sự cần thiết?

Đám cưới hiện đại ngày nay, nhiều gia đình đã bỏ qua rất nhiều nghi lễ, trong đó có cả lễ lại mặt. Tuy nhiên, nếu có thể sắp xếp thời gian, các cặp đôi vợ chồng trẻ nên thực hiện nghi lễ này bởi mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp:

  • Nhắc nhở con đạo hiếu, biết ơn đấng sinh thành, coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình.
  • Thắt chặt và mở rộng mối quan hệ gia đình, họ hàng ngay từ buổi đầu, tình cảm từ đó được nhân đôi.

Trên đây là những thông tin về lễ lại mặt – một trong những nghi lễ của phong tục cưới hỏi truyền thống. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các đôi vợ chồng trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của lễ lại mặt cũng như có được những sự chuẩn bị chu đáo nhất khi về nhà ba mẹ vợ.

Bình luận