Chờ...

Lễ xin dâu là lễ gì? Lễ vật trong tráp xin dâu và một vài lưu ý cần nhớ

(VOH) – Một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt là lễ xin dâu. Vậy lễ xin dâu là lễ gì?

Thời xưa, người Việt Nam đã vô cùng chú trọng đến các nghi thức cưới hỏi, bởi đây được xem là cột mốc quan trọng đối với mỗi cặp vợ chồng. Khác với hiện tại, đám cưới thời xưa có khá nhiều nghi lễ được diễn ra trước khi cô dâu chính thức về nhà chồng. Một trong số đó chính là lễ xin dâu, thường được diễn ra nối tiếp giữa lễ cưới và lễ rước dâu của hai họ.

1. Lễ xin dâu là gì?

Lễ xin dâu là một nghi lễ nhỏ được thực hiện trước giờ đón dâu. Nghi lễ này được tổ chức khá đơn giản. Trước giờ rước dâu, mẹ của chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình tới nhà gái để thông báo thời gian đoàn rước dâu sẽ tới. Trường hợp mẹ chú rể bận thì có thể thay thế bằng một người thân thiết khác trong gia đình.

Lễ xin dâu 1
Lễ xin dâu là một nghi lễ nhỏ được tổ chức trước buổi lễ rước dâu

Thông thường, người đi làm lễ xin dâu sẽ đem theo một tráp xin dâu đến nhà gái. Mẹ cô dâu sẽ nhận lễ vật đó và đặt lên bàn thờ tổ tiên, tiến hành thắp hương, như một lời xin phép gia tiên về việc cưới hỏi của con gái mình. Sau đó, nhà trai cáo lui ra về để chuẩn bị cho nghi lễ rước dâu.

2. Ý nghĩa của lễ xin dâu

Lễ xin dâu là một nghi lễ truyền thống lâu đời và có ý nghĩa như lời chấp nhận chính thức việc cho cô dâu mới về nhà chồng.

Ngoài ra, ý nghĩa của lễ xin dâu còn biểu hiện cho sự cẩn trọng trong hôn lễ. Mặc dù hai bên gia đình đã quy ước với nhau từ trước về ngày giờ và các thành phần tham dự đưa đón cô dâu nhưng để đề phòng mọi sự bất trắc, mọi tin thất thiệt nên người xưa mới lập ra lễ này.

Để trong trường hợp vạn nhất hay do thời tiết, trở ngại giao thông, gần đến giờ quy ước mà đoàn đón dâu chưa đến kịp thì nhà gái biết đường chủ động làm lễ gia tiên, hoặc cử người sang nhà trai thăm dò.

Hiện nay, vì nhiều bất tiện về khoảng cách, thời gian, các gia đình đã chọn cách gộp lễ xin dâu và rước dâu vào làm một. Trước thời điểm diễn ra lễ đón dâu, nhà trai chuẩn bị sẵn một tráp xin dâu để làm thủ tục xin dâu. Lúc này, đại diện nhà trai đến nhà gái để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến. Nhà gái sau khi nhận lễ vật dâng lên tổ tiên thì nhà trai cáo lui về, chuẩn bị cho lễ rước dâu.

Khi gộp hai lễ, lễ xin dâu sẽ phải diễn ra nhanh chóng để lễ đón dâu được diễn ra theo đúng thời gian đã định sẵn.

Xem thêm:
Sính lễ là gì? 8 mâm sính lễ đám cưới không thể thiếu
Nam và nữ đeo nhẫn cưới tay nào, ngón nào là đúng nhất?
Lễ rước dâu là gì? Hướng dẫn cách phát biểu trong lễ rước dâu

3. Tráp xin dâu gồm những gì?

Trong nghi lễ xin dâu, tráp xin dâu là một phần không thể thiếu. Tráp xin dâu là những lễ vật được đựng trong một tráp nhỏ màu đỏ.

Theo phong tục truyền thống, nhà trai sẽ chuẩn bị trầu cau và chai rượu, đây là hai lễ vật chính mà trong bất kỳ tráp xin dâu nào cũng cần phải có. Ngoài trầu cau và rượu, gia đình nhà trai có thể chuẩn bị thêm bánh theo cặp, tượng trưng cho Âm Dương Ngũ Hành. Bánh chuẩn bị theo cặp còn có ý nghĩa mong ước vợ chồng được trọn vẹn, tràn đầy hạnh phúc.

Lễ xin dâu 2
Rượu và cau trầu là hai món lễ vật không thể thiếu trong lễ xin dâu

Thời xưa, ý nghĩa của tráp xin dâu giống như việc nhà trai đóng góp vật chất cho nhà gái nhằm giảm bớt chi phí hôn sự. Tuy nhiên, ý nghĩa này đang dần được thay thế bởi vì dễ làm ảnh hưởng đến danh tiếng nhà gái, tương tự như việc thách cưới hay gả bán con.

Các món lễ vật trong lễ xin dâu ngày nay mang ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của gia đình chú rể với công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ cô dâu. Bên cạnh đó, các món lễ vật này cũng thể hiện sự yêu thương và tôn trọng của gia đình nhà trai đối với nàng dâu tương lai.

4. Gợi ý bài phát biểu trong lễ xin dâu

Chuẩn bị bài phát biểu trong lễ xin dâu cũng là điều quan trọng. Yêu cầu của bài phát biểu trong lễ xin dâu phải đảm bảo sự trang trọng, đầy đủ ý nghĩa nhưng vẫn súc tích, ngắn gọn, tiết kiệm thời gian cho mọi người.

Dưới đây là mẫu bài phát biểu xin dâu hay nhất dành cho đại diện họ nhà trai khi đến nhà gái làm lễ xin dâu:

“Kính thưa cụ ông, cụ bà, bà con, anh em nội ngoại của gia đình hai bên!

Hôm nay tôi đại diện cho họ nhà trai, trước tiên xin kính chúc sức khỏe các cụ ông cụ bà của hai gia đình, anh em họ hàng của hai cháu.

Tôi xin được tự giới thiệu tôi tên là [họ tên người phát biểu] là…của cháu [họ tên chú rể]. Được sự chấp thuận của hai bên gia đình, hôm nay họ nhà trai chúng tôi xin có cơi trầu kính dâng gia tiên bên nhà gái.

Tôi trân trọng xin phép được cử hành lễ xin dâu, sau đó là buổi lễ đón dâu, chính thức đón cháu [họ tên cô dâu] về làm dâu trong nhà và làm con cháu dòng họ [họ nhà trai] chúng tôi.

Đồng thời gia đình chúng tôi cũng xin phép gia đình ông [họ tên cha cô dâu] và bà [họ tên mẹ cô dâu] cho cháu [họ tên cô dâu] được làm con làm cháu trong gia đình ông bà [họ tên song thân chú rể].

Kính mong ông bà nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai chúng tôi.

Tôi xin đại diện cho đoàn đại biểu họ nhà trai xin trân trọng cảm ơn sự đón tiếp của họ nhà gái. Tôi mong rằng trong tương lai, tình cảm mà hai gia đình dành cho nhau sẽ ngày càng thân thiết hơn.

Sau đây xin phép các cụ ông, cụ bà, anh em nội ngoại và các bạn của hai cháu họ nhà trai, chúng tôi cáo lui ra về để chuẩn bị tổ chức buổi lễ rước dâu.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!.”

Xem thêm:
10 bài phát biểu đám cưới của họ nhà trai và nhà gái hay nhất
9 mẫu bài phát biểu trong lễ ăn hỏi của họ nhà trai và nhà gái
7 bài phát biểu lễ dạm ngõ của họ nhà trai và nhà gái hay nhất

5. Một vài lưu ý cần nhớ khi tổ chức lễ xin dâu

Đối với những gia đình truyền thống, lễ xin dâu là một nghi lễ không thể bỏ qua. Vì vậy, để buổi lễ được diễn ra tốt đẹp người chuẩn bị tổ chức lễ cưới cần nắm rõ một số lưu ý cơ bản khi làm lễ xin dâu sau:

  • Thành phần tham dự lễ xin dâu khá đơn giản, thường chỉ cần hai người, một người là đại diện họ nhà trai và một người đi cùng để cầm lễ vật.
  • Lễ xin dâu có thể tổ chức riêng hoặc gộp chung với lễ rước dâu. Khi tổ chức gộp chung với lễ cưới, người được cử vào nhà gái để xin dâu phải vào trước. Sau khi hoàn thành lễ xin dâu, chú rể và nhà trai mới tiến hành vào làm lễ rước dâu.
  • Khi vào nhà gái xin dâu, nhà trai phải đặt lễ vật lên bàn thờ gia tiên của nhà gái, thắp hương kính báo tổ tiên nhà gái.
  • Nếu lễ xin dâu gộp với lễ cưới, nghi lễ này phải được tiến hành nhanh chóng để tránh làm lỡ giờ lành đón dâu.

Trong phong tục cưới hỏi truyền thống, lễ xin dâu là một nghi lễ nhỏ được tổ chức trước lễ rước dâu. Nhiều đám cưới hiện đại ngày nay ưa chuộng sự đơn giản, tiện nghi nên đã giảm bớt nhiều nghi lễ. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều gia đình thích tổ chức một đám cưới đầy đủ các nghi lễ truyền thống vì nó mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt.

Tổng hợp