Giải thích ý nghĩa tục ngữ "Cây có cội nước có nguồn” nói đến điều gì?

(VOH) - “Cây có cội nước có nguồn” thể hiện truyền thống tri ân đáng trân quý qua nhiều thế hệ. Câu tục ngữ còn chứa đựng nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật sâu sắc.

“Cây có cội nước có nguồn” đã không còn xa lạ với mỗi người Việt Nam. Vậy câu tục ngữ trên đã được đúc kết từ những giá trị nào? “Cây có cội nước có nguồn” và những câu tục ngữ, thành ngữ liên quan nào hay mà bạn nên tham khảo.

1. Ý nghĩa câu tục ngữ “Cây có cội nước có nguồn”

Tổ tiên ta ngày xưa luôn dùng những sự vật, hiện tượng thân thuộc nhất để làm hình tượng đầy tính đại diện trong các câu thành ngữ tục ngữ. “Cây có cội nước có nguồn” cũng không ngoại lệ.

“Cây có cội nước có nguồn” có ý nghĩa gì? 1
Ý nghĩa câu “Cây có cội nước có nguồn”

“Cây” và “Cội”: Cây cối là một sự vật gắn liền với đời sống nông nghiệp của nông dân. Hơn nữa, dòng đời sinh trưởng của một cái cây như được lấy làm sự tương đồng với con người. “Cội” có thể xem như là gốc của một cái cây, cũng chính là khởi nguồn cho mọi sự phát triển của cây. “Cây” có thể cao lớn thông qua vạn sự biến đổi, nhưng “cội” vẫn là giá trị cốt lõi.

“Nước” và “Nguồn”: Nước luôn tượng trưng cho sự sống mạnh mẽ, còn “nguồn” ý chỉ điểm khởi đầu của nước. Nước có thể lưu chuyển mà chảy khắp năm châu bốn bể, có thể là con sông nhỏ cũng có thể là đại dương rộng lớn, tuy nhiên phải có nguồn thì nước mới có thể bắt đầu hành trình của mình.

Phải nói, có “cội” mới có “cây”, có “nguồn” mới có “nước”. Vì thế hai cặp hình tượng trên đúc kết một chân lý khuyên răn con người tri ân nhớ về cội nguồn tổ tiên của mình. Đó cũng chính là truyền thống đáng trân trọng được duy trì qua nhiều thế hệ.

Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Chim có tổ người có tông' là gì?

2. Ý nghĩa “Cây có cội nước có nguồn” trong đời sống hàng ngày

“Cây có cội nước có nguồn” là một trong những đại diện cho các câu tục ngữ lưu truyền giá trị nhân cách của con người qua nhiều thế hệ với thông điệp biết ơn và trân trọng mối quan hệ tình cảm giữa người với người. 

“Cây có cội nước có nguồn” có ý nghĩa gì? 2
“Cây có cội nước có nguồn” trong cuộc sống

“Cây có cội nước có nguồn” là hiện thân của lòng tri ân đấng sinh thành cũng như biết ơn những những người đi trước, những anh hùng đã hy sinh vì cuộc sống no ấm hôm nay. 

Lòng biết ơn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay. Đó là lối sống ân nghĩa mặn mà, son sắc thủy chung giữa người với người. Bởi tất cả những gì chúng ta đang có ở hiện tại không phải tự dưng mà có, nó là sự đánh đổi, hy sinh của biết bao lớp người.

Từ những bát cơm dẻo ta ăn được làm ra từ chính những người nông dân lầm lũi trên đồng ruộng, đến những tấm áo ta mặc, chiếc giày ta đi đều được tạo ra từ đôi bàn tay của người thợ cùng với sự miệt mài, cần cù.

Bên cạnh đó là những di sản văn hoá, những thành tựu độc đáo sáng tạo để lại cho con cháu. Còn có rất nhiều công trình vĩ đại mà các thế hệ trước đã gầy dựng nhằm mục đích phục vụ thế hệ sau. 

Tất cả những điều ấy là công sức lớn lao, sự tâm huyết của mỗi người dồn lại để tạo nên một thành quả to lớn cho đời. Mà nhiệm vụ của lớp trẻ ngày nay không chỉ cần biết ơn, mà còn phải giữ gìn và phát huy những điều tốt đẹp đó.

Bởi vậy, tục ngữ “Cây có cội nước có nguồn” ngoài việc được sử dụng trong thi ca thì chúng còn được sử dụng trong đời sống hằng ngày để góp phần tạo nên những hành động thiết thực.

Khuyên răn, nhắc nhở con người: Không chỉ gợi nhớ mỗi con người về nguồn gốc tổ tiên và cha mẹ có công sinh thành dưỡng dục, mà “Cây có cội nước có nguồn” còn nhắc nhớ về những người có ân tình và giúp đỡ bạn.

Hình tượng đầy ý nghĩa cho những câu chuyện: Nhiều câu truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích lấy ý tưởng “Cây có cội nước có nguồn” mang đến giá trị giáo dục sâu sắc.

Xem thêm: 58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về giáo dục dạy dỗ con cái

3. “Cây có cội nước có nguồn” trong ngôn ngữ khác

“Cây có cội nước có nguồn”chính là một chân lý của đạo làm người. Ở những ngôn ngữ khác liệu có cách diễn đạt nào tương tự hay không, hãy cùng tìm hiểu những gợi ý sau đây.

“Cây có cội nước có nguồn” có ý nghĩa gì? 3
“Cây có cội nước có nguồn” trong ngôn ngữ khác
  • “Cây có cội nước có nguồn” trong tiếng Anh: “Gratitude is the sign of noble souls” (Lòng biết ơn là dấu hiệu của tâm hồn cao thượng). Câu này thể diễn đạt nghĩa trực tiếp mà không thông qua hình tượng ẩn dụ như văn hóa Việt Nam.
  • “Cây có cội nước có nguồn” trong tiếng Trung: “木有本, 水有源.(Mù yǒu běn, shuǐ yǒu yuán. - Cây có cội, nước có nguồn). Cách diễn đạt có nét tương đồng trong tiếng Việt.

Xem thêm: 55 ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng biết ơn, nhớ ơn

4. Những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao liên quan đến “Cây có cội nước có nguồn”

Đại ý của “Cây có cội nước có nguồn” thể hiện truyền thống tri ân biết ơn. Trong kho tàng văn học dân gian có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành  ngữ đúc kết những giá trị tương tự, hãy cùng khám phá ngay:

“Cây có cội nước có nguồn” có ý nghĩa gì? 4
Ca dao tục ngữ liên quan đến “Cây có cội nước có nguồn”

1. “Con chim có tổ, con người có tông.

2. “Cáo chết ba năm, còn quay đầu về núi.

3. “Lá rụng về cội.

4. “Uống nước nhớ nguồn.

5. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

6. “Uống nước nhớ kẻ đào giếng”

7. “Uống nước chớ quên người đào mạch”

8. Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

9. “Nước có nguồn, cây có gốc”

10. “Đàn anh có mã, kẻ cả có dòng”

11. “Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa”

12. “Một chữ cũng thầy nửa chữ cũng thầy

13. “Muốn ăn quả chín, nhớ ơn người trồng.”

14. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.”

15. “Ăn nắm xôi dẻo, nhớ nẻo nhà hàng.”

16. “Chanh chua chớ phụ, ngọt bòng chớ ham.”

17. “Mạch trong nước chay ra trong, thế nào đi nữa còn dòng cũng hơn.”

18. “Biển Đông còn lúc đầy vơi,

Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng”

19. “Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn”

20. “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen. “

21. “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”

22. “Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây,

Ăn gạo, nhớ kẻ đâm xay giần sàng”

23. “Sống tết, chết giỗ.”

24. “Tiền là gạch, ngãi là vàng.”

25. “Đường mòn ân nghĩa không mòn.”

26. “Bền người hơn bền của.”

27. “Ăn ở như bát nước đầy.”

Tục ngữ “Cây có cội nước có nguồn” như khắc ghi vào lòng mỗi con người. Dù ở đâu, làm già hay trở thành ai, luôn giữ trong lòng sự biết ơn sâu sắc đến tổ tông những người ơn nặng nghĩa sâu với mình. Đó chính là đạo làm người chân chính.