Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cáo chết ba năm quay đầu về núi’

(VOH) - Dù cho đi đâu thì quê hương cũng chính là nơi cuối cùng mà con người ta muốn trở về. Câu thành ngữ ‘Cáo chết ba năm quay đầu về núi’ đã thể hiện rõ điều đó.

Ai cũng đều có những hoàn cảnh và lựa chọn riêng. Có người chọn xa quê để tha hương cầu thực. Có người xa quê chỉ vì muốn tìm một chân trời mới để trải nghiệm cuộc sống.  Vì lí do nào đi chăng nữa thì giữa họ chắc chắn đều có một điểm chung là muốn trở lại quê nhà sau những bôn ba để tận hưởng những tháng ngày còn lại đúng như câu nói “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”.

1. Cáo chết ba năm quay đầu về núi nghĩa là gì?

Nghĩa đen của câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” là con cáo dù có sắp chết cũng phải tìm đường quay về núi chính là nơi ở của nó, cho dù có bị chết dọc đường thì đầu của nó cũng luôn hướng về núi (tức quê hương) của mình.

Ý nghĩa và nguồn gốc của câu ‘Cáo chết ba năm quay đầu về núi’ 4
"Cáo chết 3 năm quay đầu về núi" là câu thành ngữ quen thuộc với nhiều người

Mượn hình ảnh con cáo, câu thành ngữ “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” chính là nói về việc dù con người có đi đâu xa làm gì chăng nữa, dù đã đạt được thành công hay không thì cuối cùng đều mong muốn trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, về với nơi gọi là quê hương. Ngoài ra, câu thành ngữ còn răn dạy chúng ta không được quên đi cội nguồn của bản thân mình.

2. Nguồn gốc của câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” là gì?

Nguồn gốc của câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” vẫn còn là điều gây tranh cãi. Hiện nay, đang có hai giả thuyết giải thích về nguồn gốc của câu thành ngữ này:

Giả thuyết thứ nhất cho rằng câu thành ngữ này có nguồn gốc từ một điển tích của Trung Quốc là “Hồ tử thú khâu” (trong đó hồ là hồ ly tức chỉ cáo, tử là chết, thú hoặc thủ là đầu, khâu là gò là nơi có hang cáo). 

Sở dĩ ông cho rằng như vậy là bởi vì Thiên “Thuyết lâm” trong sách Hoài Nam Tử có câu “Điểu phi phản hương, thố tẩu quy quật, hồ tử thú khâu” (Chim bay về quê, thỏ chạy về hang, cáo chết hướng gò). Truyện Khấu Vinh trong Hậu Hán thư có câu “Bất thắng hồ tử thú khâu chi tình” (Không bằng cái tình của con cáo chết mà (còn biết) hướng về gò).

Ông còn nói thêm rằng người Việt Nam đã cải biên câu nói bằng cách thêm cụm từ “ba năm” và thay đổi từ “khâu” có nghĩa là gò (hoán dụ dùng để chỉ nơi ở của cáo) sang từ “núi”. Việc tại sao lại sử dụng cụm từ “ba năm” thì đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Ý nghĩa và nguồn gốc của câu ‘Cáo chết ba năm quay đầu về núi’ 1

Giả thuyết thứ hai lại cho rằng câu nói có nguồn gốc từ quẻ CẤN ☶, tượng của Cấn là Núi và đại diện cho quẻ CẤN là con Cáo. Điều này được ghi lại trong câu chuyện “Cóc kiện Trời và Đầm xác Cáo”, là câu chuyện về nguồn gốc Tiên Thiên Bát Quái của người Việt Nam.

Còn về ý nghĩa của cụm từ “ba năm”, bà giải thích rằng quẻ Cấn có 3 hào (3 gạch), tượng trưng cho quá khứ - hiện tại - tương lai, cũng như con người sinh ra mãi mãi chỉ có một quê hương. Chính vì vậy “ba năm” không phải là số đếm mà là số tuyệt đối, cũng như việc nói trăm năm hạnh phúc vậy.

Xem thêm: Học câu ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ đã lâu, vậy đến nay bạn đã thực hiện những gì về lòng biết ơn rồi?

3. Những câu ca dao tục ngữ, thành ngữ hay nói về cội nguồn

Bên cạnh câu thành ngữ “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, văn học dân gian Việt Nam còn có rất nhiều câu ca dao tục ngữ, thành ngữ khác nói về cội nguồn để răn dạy con cháu sau này phải biết ghi nhớ nguồn gốc bản thân.

  1. Lá rụng về cội
  2. Trâu bảy năm còn nhớ chuồng
  3. Uống nước nhớ nguồn
  4. Chim có tổ, người có tông
  5. Con người có tổ có tông
  6. Như cây có cội như sông có nguồn
  7. Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây.
    Ăn khoai, nhớ kẻ cho dây mà trồng
  8. Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây.
    Ăn gạo, nhớ kẻ đâm xay giần sàng
  9. Ta về, ta tắm ao ta.
    Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn. 
Ý nghĩa và nguồn gốc của câu ‘Cáo chết ba năm quay đầu về núi’ 2
  1. Cây kia ăn quả ai trồng. Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu
  2. Ăn nắm xôi dẻo, nhớ nẻo nhà hàng.
  3. Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi.
  4. Cây có gốc mới nở cành xanh lá,
    Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.
    Người ta nguồn gốc từ đâu,
    Có tổ tiên trước rồi sau có mình.

Xem thêm: Tổng hợp 47 câu ca dao tục ngữ về lòng yêu đất nước - tình cảm cao quý được trao truyền bao thế hệ

4. Những câu nói, câu thơ hay về quê hương, cội nguồn

Quê hương là nơi sinh ra ta và nuôi ta khôn lớn. Quê hương như một người mẹ mà bất kì người con nào cũng yêu thương và muốn quay về sau những bôn ba cuộc sống. Tương tự như câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, những câu thơ, câu nói ý nghĩa dưới đây sẽ giúp bạn hiểu và thêm yêu quê hương, để biết rằng quê hương là nơi duy nhất mà chúng ta ghi nhớ và trở về.

  1. Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên).
  2. Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi.
    Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người. (Quê hương - Đỗ Trung Quân).
  3. Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi, cội nguồn ơi chiếc lá lại rơi về. (Chợ quê - Nguyễn Đức Mậu).
  4. Thân cư hải ngoại, tâm tại cố hương. - Khuyết danh
  5. Không có mảnh đất nào êm dịu bằng quê cha đất tổ. - Khuyết danh
  6. Ra đi cánh gió phương trời lạ.
    Vẫn nhớ non sông một mái nhà. - Khuyết danh
  7. Ô hay mọi cái đều thay đổi, còn với non sông một chữ tình. - Khuyết danh
  8. Dù xa cách mấy trùng dương, ở đâu cũng có quê hương trong lòng. - Khuyết danh
  9. Quê hương là nơi chân ta có thể rời đi nhưng tim ta vẫn mãi ở đó. - Khuyết danh
  10. Con người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về. - Khuyết danh
  11. Bạn có thể khiến mọi người rời bỏ quê hương họ, nhưng bạn không thể cướp mất quê hương trong trái tim họ. - Dos Parsons
  12. Ăn cơm mẻ bát xứ người, vẫn còn canh cánh góc trời chân quê (Chợ quê - Dương Thúy Mỹ).
  13. Trên đời này, ngoài gia đình, sẽ chẳng có ai sẵn sàng nhận trách nhiệm cho những sai lầm của bạn, rồi còn an ủi, vỗ về bạn. - Khuyết danh
  14. Trăng đâu chẳng phải là trăng.
    Mà sao vẫn nhớ vầng trăng quê nhà. - Khuyết danh
    Ý nghĩa và nguồn gốc của câu ‘Cáo chết ba năm quay đầu về núi’ 3
  15. Quê hương là suối tóc huyền, là duyên nón là là thuyền nón ai. - Khuyết danh
  16. Đêm nay gió lạnh trùng khơi, quê hương còn mãi những lời mẹ ru. - Khuyết danh
  17. Ra đi vọng lại cố hương, nhớ người yêu dấu vấn vương bao tình. - Khuyết danh
  18. Ta đã xa bao nhiêu ngày chưa đủ, bao ngày dài vần vũ nhớ quê hương. Nơi quê nghèo bao nỗi nhớ niềm thương, của bao người luôn chờ mong ta đó (Nhớ quê - Bình Minh).
  19. Xa nhà, ta biết trân trọng hơn tình đồng hương, tình nghĩa bạn bè. Phải sống ở một nơi xa lạ thì mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc khi bắt gặp một giọng nói quen thuộc của quê ta, mới thấu hiểu được hơi ấm của bạn bè khi không có gia đình bên cạnh. - Khuyết danh

“Cáo chết ba năm quay đầu về núi” - câu thành ngữ thể hiện tình cảm của những người con xa xứ đồng thời răn dạy con người không được quên đi tổ tiên, nguồn cội. Dù cho có đi xa tới đâu thì quê hương cũng chính là nơi mà ai cũng phải ghi nhớ và luôn hướng về.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận