Ông bà ta thường dạy con cháu phải sống tử tế, biết giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn. Nhưng đôi khi lòng tốt trao lầm người, chúng ta chỉ nhận lại rắc rối, thị phi và thậm chí là “làm ơn mắc oán”. Để hiểu rõ bài học quý giá ẩn chứa trong câu thành ngữ trên thì hãy cùng VOH giải mã ý nghĩa qua bài viết sau.
Thành ngữ "làm ơn mắc oán" là gì?
Thành ngữ đã có từ rất lâu và ăn sâu vào trong tiềm thức con người. Đó là những câu nói ngắn gọn, đúc kết kinh nghiệm của cha ông về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội...). Thông qua nó, người xưa gửi gắm đến con cháu đời sau nhiều bài học vô giá giống như câu “làm ơn mắc oán”.
Câu thành ngữ “làm ơn mắc oán” được hiểu như thế nào cho đúng? “Làm”, “mắc” là hai động từ có nghĩa là dùng hành động và gặp phải một điều gì đó. Còn “ơn” ý chỉ ân tình, “oán” là báo oán hay căm giận người đã hại mình.
Đại ý câu thành ngữ “làm ơn mắc oán” là bản thân hết lòng giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn nhưng nhận lại toàn sự đau khổ, phản bội, thậm chí bị hiểu lầm, bị vu oan giá họa... bởi chính người mình cưu mang.
Bài học làm người qua câu thành ngữ “làm ơn mắc oán” - Khi lòng tốt đặt nhầm chỗ
Trong cuộc sống, khi ai đó gặp khó khăn và cần đến sự giúp đỡ. Lúc ấy, chúng ta sẽ sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp với mong muốn cho đi yêu thương để nhận lại hạnh phúc. Song, có những người lại đẩy ân nhân của mình vào tình cảnh trớ trêu khi “làm ơn mắc oán”.
Ngày còn bé, chúng ta thường hay được ông bà, bố mẹ dạy rằng, người tốt sẽ được đền đáp, “ở hiền gặp lành”. Vì thế, chúng ta luôn sống với một trái tim lương thiện, đầy nhiệt huyết. Thế nhưng, cuộc sống lắm bất ngờ khiến con người trở tay không kịp.
Thực tế, không ít người như “Lục Vân Tiên” đã rơi vào hoàn cảnh “làm ơn mắc oán”, giúp đỡ người khác nhưng bị hiểu lầm. Điều này khiến họ dần lo ngại và dễ trở nên vô cảm với con người và cuộc sống. Bởi không phải sự giúp đỡ nào cũng đều sẽ nhận về lòng biết ơn.
Chẳng hạn, khi đi trên đường, bạn bắt gặp người bị nạn nên có lòng tốt đưa họ đi bệnh viện. Tưởng chừng sẽ nhận được lời cảm ơn nhưng hóa ra là những lời trách móc vì nghĩ rằng bạn là người gây tai nạn. Thậm chí, họ không kịp suy xét đã vội “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với ân nhân của mình. Lúc ấy, ai cũng một phen hú vía và tự rút ra bài học cho bản thân: "Làm ơn mắc oán".
Đây cũng là lý do làm cho dòng người chỉ để lại ánh mắt tò mò khi các vụ tai nạn xảy ra thay vì dừng lại giúp đỡ. Ngay cả ở các vụ ẩu đả, mọi người thường chọn cách đứng ngoài nhìn thay vì can thiệp khuyên can, hòa giải. Họ thờ ơ, lãnh đạm do sợ chuốc lấy thị phi vào người nếu can thiệp giải quyết xích mích.
Một số trường hợp khác, ví dụ như giúp đỡ một người quá nhiều lần khiến người đó sinh ra tâm lý ỷ lại. Họ không học được cách "tự lực cánh sinh", không tự giải quyết vấn đề của bản thân. Nghiêm trọng hơn, những kẻ ấy còn có thể trở mặt, quay lại trách móc chính người đã giúp đỡ mình.
Hay khi cho người quen mượn tiền nhưng không có giấy tờ, điều kiện đảm bảo... Điều này dễ dẫn đến tranh chấp về sau, khiến mối quan hệ của bạn và người đó trở nên căng thẳng.
Giúp đỡ người khác là việc làm tốt, là nghĩa cử cao đẹp. Chỉ cần một lời an ủi, cái vỗ vai nhẹ nhàng hay sự tín nhiệm chân thành có thể làm ấm lòng người đang thất thế, vô vọng. Đối với chúng ta thì không mất mát gì nhưng với người gặp nạn là sự động viên, an ủi to lớn. Tuy nhiên, đôi khi có kẻ lợi dụng lòng tốt ấy để trục lợi, gây phiền phức cho chính ân nhân của mình.
Bằng chứng là có nhiều người trở thành nạn nhân bị kẻ xấu lợi dụng lòng nhân ái để kiếm lợi. Chúng dựng lên những màn kịch giả nghèo, giả khổ khiến họ mủi lòng rồi từ từ sa vào "chiếc bẫy" mà bọn chúng giăng sẵn.
Thậm chí, có một số thành phần còn xem sự giúp đỡ của người khác là trách nhiệm, là điều hiển nhiên mà mình đáng được nhận. Từ đó, sự tử tế của chúng ta trong một số tình huống trở nên dư thừa, gây khó chịu cho bản thân. Nó giống như tự “mua” thêm rắc rối vào người.
Do đó, đừng bao giờ lãng phí lòng tốt để giúp đỡ những người như thế, nếu không muốn “làm ơn mắc oán”. Khi đem sự tử tế trao lầm người, chúng ta chỉ nhận lại thị phi, toan tính.
Khôn khéo giúp người để tránh “làm ơn mắc oán”
Dẫu biết rằng lòng tốt chỉ lên lớn khi được cho đi, giúp đỡ người khác là tích thiện, thể hiện lòng khoan dung, độ lượng. Nhưng không phải cứ giúp người là được người trả ơn. Vậy làm thế nào để tránh “làm ơn mắc oán”, không đặt lòng tốt sai chỗ, trao niềm tin nhầm người?
Tốt thôi xin đừng tốt quá
Hãy đối tốt nhưng xin đừng đối tốt với ai quá. Nói vậy nghe có vẻ chạnh lòng, song lại là thực tế. Người giúp người là việc nên làm, sao phải đừng? Điều muốn nói ở đây là lòng tốt không được đặt đúng chỗ, đúng người.
Khi chúng ta hành xử tử tế, chân thành với người không xứng đáng sẽ khiến nghĩa cử cao đẹp của bản thân bị lợi dụng. Hay đau lòng hơn, người không hiểu sẽ cho rằng bạn thương người chỉ để mua danh, hám lợi, là một kẻ đạo đức giả. Trong mắt những kẻ toan tính ấy thì ai làm điều thiện cũng chỉ đang đóng kịch giỏi mà thôi.
Vì vậy, lương thiện cần đi cùng lý trí vì lý trí không tồn tại thì lòng tốt sẽ trở nên vô nghĩa. Đừng để sự hiền hành, tử tế của bạn chỉ đổi lấy sự coi thường thay vì lòng biết ơn.
Đừng lãng phí lòng tốt
Bạn đừng nên dễ tính và quá tin người. Ai muốn gì cũng cho, ai nói gì cũng tin. Vì trong cuộc sống không ít kẻ lợi dụng lòng tốt nhằm trục lợi khiến nhiều người mất tài sản, tính mạng gặp nguy hiểm. Họ chẳng khác nào “làm ơn mắc oán”, "mua dây buộc mình".
Có thể nói, điểm yếu của những người lương thiện là quá thương người. Chính lòng tốt, sự tin tưởng ấy khiến họ dễ bị "mắc bẫy" của kẻ xấu. Hậu quả là họ tự chuốc lấy phiền phức, khó khăn về mình khi hết lòng giúp người hoạn nạn.
Hãy ngừng phân phát lòng tốt và biết cách giúp đỡ người khác một cách thông minh, khôn khéo. Bởi cuộc đời luôn thiên biến vạn hóa, không ai đoán trước được tương lai sẽ xảy ra chuyện gì. “Không nên có tâm hại người, nhưng cần phải có tâm phòng người”.
Đặt đúng lúc, trao đúng người
Nhớ rằng, giúp đỡ người gặp hoạn nạn là điều đáng quý nhưng không đúng người, đúng việc chỉ khiến bạn trở thành trò cười mua vui cho thiên hạ, “làm ơn mắc oán”. Chúng ta nên trao lòng tốt thật cẩn trọng và tỉnh táo.
Chúng ta hãy là người đưa cho người khác cần câu chứ đừng tặng họ con cá. Chúng ta phải là người tạo cơ hội không nên biến mình thành người dọn sẵn. Làm việc thiện nhưng cũng cần có chừng mực để tránh gây hại cho bản thân.
Xem thêm:
40 câu nói hay về tâm đức của những con người sống có tâm
Sống đẹp là gì? Để có lối sống đẹp mỗi ngày cần rèn luyện những phẩm chất nào?
Sức mạnh và ý nghĩa của tình yêu thương giữa người với người trong cuộc sống hiện nay
Tổng hợp ca dao, tục ngữ, thành ngữ về ân oán hay, ý nghĩa
Hãy cùng đọc qua một số câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ bàn về chủ đề ân oán sau đây. Từ đó, có thể hiểu hơn những bài học đạo đức về cách làm người mà cha ông đã gửi gắm đến chúng ta nhé!
- Làm phúc phải tội.
- Ăn miếng trả miếng.
- Một thăng gạo ơn hơn đấu gạo thù.
- Ơn chóng quên
Oán nhớ đời. - Ơn ai một chút chớ quên
Oán ai một chút cất bên dạ này. - Đấng trượng phu đừng thù mới đáng
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.
Cuộc sống ngày càng hiện đại và tấp nập khiến chúng ta dần trở nên vô tâm trước những tình huống cần giúp đỡ vì sợ “làm ơn mắc oán”. Đừng sợ và hãy luôn nhớ rằng, mỗi người phải luôn bình tĩnh, suy xét vấn đề một cách thấu đáo, chu toàn để hành động đẹp luôn được tiếp tục lan tỏa.
Đừng quên cập nhật những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.
Nguồn ảnh: Canva