Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Cốc mò cò xơi” nhắc đến bài học nào?

(VOH) – ‘Cốc mò cò xơi’ là câu thành ngữ nói về việc mình làm lụng cực khổ, vất vả nhưng người khác lại hưởng thành quả của mình. Vậy thông điệp mà câu thành ngữ muốn hướng tới là gì?

Cướp thành quả lao động của người khác là một vấn đề nhức nhối đáng lên án trong cả xã hội xưa và nay. Chẳng vậy mà cha ông ta đã đã sớm đúc rút ra câu thành ngữ ‘Cốc mò cò xơi’. Vậy ‘Cốc mò cò xơi’ có ý nghĩa gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

1. Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Cốc mò cò xơi”

Câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” xuất phát từ câu chuyện cùng tên. Chuyện kể về việc ăn chặn và lừa lọc của Cò đối với Cốc nhưng Cốc không hề nhận ra.

Đọc truyện Cốc mò cò xơi

Con cò và con cốc chơi với nhau. Con cò thì thì lanh lợi, hay bắt nạt con cốc nhưng nó lại lười biếng, co chân ngủ suốt ngày. Con cốc thì hiền lành thật thà. Một hôm, con cò nói với con cốc:

- Cốc ơi, mày có cái mỏ dài, lại mò cá giỏi. Mày chịu khó ra ruộng bờ sông kia, mỗi buổi mò lấy vài con chúng ta cùng ăn.

Cốc hiền lành, nhưng phàn nàn nói lại:

- Chị cũng là giống cò chuyên bắt tôm cá, vậy tôi với chị cùng đi, càng được nhiều.

Con cò mới tán tỉnh rằng:

- Hai người cùng đi, ai trông nhà, lỡ có con rắn hay con quạ cắp mất trứng thì khốn.

Cốc thật thà đi mò, nhưng được con cá tép nào nó tiện mỏ xốc luôn vào ruột. Lúc về chỉ quắp được mỗi con cá nhỏ mang về cho cò. Nhiều lần như thế, cò liền nghĩ ra một mẹo bắt cốc mò được con cá nào cũng phải mang về hết cho mình, liền nịnh cốc:

- Cốc à, ta có cái vòng xinh xắn, chị sếu mới tặng cho, ta thấy cốc thật thà hiền lành, ta tặng lại cốc. Lại đây, ta đeo vào cổ cho nào.

Cốc thấy cái vòng cổ đẹp thì thích quá. Nó giục cò đeo vào cổ cho mình. Nhưng cái vòng nhỏ làm cho cò phải hết sức mới cho vòng lọt xuống cổ cốc được. Vòng đeo vào cổ rồi, cốc lấy làm mãn nguyện lắm, bèn nhanh nhảu ra ruộng bắt cá. Nhưng mỗi lần mò được con cá, nó định nuốt vào bụng thì lại cứ nghẽn ở cổ vì cái vòng ở ngoài thắt chẹn lại, nó đành quắp về cho cò. Cứ thế, cứ thế, mỗi lần nó thèm con cá nhưng không sao nuốt cho được lại thật thà đem dâng cò. Cò ăn cá no bụng mới nói:

- Mày không ăn được con to thì có con tép tôm nào nho nhỏ có nuốt lấy mà sống.

Con vạc đứng trên cây cao chứng kiến cảnh ấy mới nghển cổ ca rằng:

- Cốc mò cò xơi. Cốc mò cò xơi

(Theo Đi tìm điển tích Thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn)

Thành ngữ “Cốc mò cò xơi” có nghĩa là gì, mang lại bài học gì? 2
Trong câu chuyện “Cốc mò cò xơi”, “Cốc” là hình ảnh tượng trưng cho sự lam lũ, vất vả của người lao động

Có lẽ như đối với người nông dân Việt Nam thì hình ảnh “cốc” và “cò” đã không còn quá xa lạ, đây là hai loài chim thường thấy ở các làng quê Việt Nam.Trong câu chuyện, “Cốc” là hình ảnh tượng trưng cho sự lam lũ, vất vả của người lao động nói chung và người nông dân nói riêng, “Cò” là sự tượng trưng cho những kẻ bóc lột thành quả lao động của người yếu hơn để làm lợi cho riêng cho mình chứ không chịu lao động và bỏ ra công sức để thu về thành quả của chính bản thân.

Do đó, câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” chỉ những người làm lụng vất vả để cho người khác hưởng thành quả. Nó cũng lên án thực trạng những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, bóc lột chiếm đoạt thành quả của người khác.

Thành ngữ “Cốc mò cò xơi” có nghĩa là gì, mang lại bài học gì? 1

Dân gian ta đã lưu truyền câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” để nói lên hiện trạng ngày này làm người khác hưởng

2. Bài học cuộc sống qua thành ngữ “Cốc mò cò xơi”

Từ góc nhìn xã hội, câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” ám chỉ tình trạng kẻ mạnh, kẻ tinh ranh, lười biếng chỉ thích đi bóc lột và lừa gạt kẻ yếu. 

Đây là một đức tính xấu cần loại bỏ, nếu không về lâu dài sẽ gây ra rất nhiều hậu quả như làm tan vỡ các mối quan hệ; tác động tiêu cực đến tương lai, khi gặp những tình huống nguy khó vì tính lười biếng, ỷ lại sẽ khiến người ta bị động, không chuẩn bị trước cho mọi thứ có thể xảy đến.

Nếu bạn thuộc đối tượng này, bạn cần nhanh chóng thoát khỏi nó, bằng cách đơn giản nhất là tập giải quyết mọi chuyện một cách độc lập hơn, khi nào thật sự khó khăn thì mới nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Việc chúng ta cho phép bản thân vượt ra khỏi vùng an toàn sẽ rèn luyện được nhiều phẩm chất đáng quý giúp ích cho tương lai.

Thành ngữ “Cốc mò cò xơi” có nghĩa là gì, mang lại bài học gì? 3
Câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” châm biếm thói lười biếng, ỷ lại

Mặt khác, câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi” còn nhắc nhở những người thật thà cần tỉnh táo và cảnh giác. Chúng ta cần phân biệt rõ giữa lòng tốt và việc bị lợi dụng. Lòng tốt là ta tự nguyện trao đi và mang lại lợi ích tích cực cho đối phương, trong khi đó bị lợi dụng là việc ta bị người khác bóc lột một cách không hay biết. Đôi khi chúng ta cần phải học cách nói “không”, để vừa đảm bảo quyền lợi cho mình vừa ngăn chặn tình trạng “Cốc mò cò xơi” - kẻ không làm nhưng vẫn muốn hưởng.

Ở đoạn cuối câu chuyện “Cốc mò cò xơi”, con vạc đứng trên cây cao chứng kiến cảnh ấy mới nghển cổ ca rằng: “Cốc mò cò xơi - Cốc mò cò xơi - Cốc mò cò xơi”. Do đó, bên cạnh các tầng nghĩa trên, câu thành ngữ còn tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta trong việc tố giác các hành vi gian dối, lừa gạt và ỷ mạnh hiếp yếu.

Xem thêm:
60 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực
45 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng tự trọng
28 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng nhân ái

Thành ngữ “Cốc mò cò xơi” có nghĩa là gì, mang lại bài học gì? 4
Câu thành ngữ tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta trong việc tố giác các hành vi gian dối, lừa gạt và ỷ mạnh hiếp yếu

3. Các câu thành ngữ, tục ngữ mang ý nghĩa tương tự câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi”

Trong kho tàng dân gian Việt Nam có vô vàn câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao lên án tình trạng người này làm người khác hưởng, lừa gạt, lười biếng tương tự như thành ngữ “Cốc mò cò xơi”. Có thể kể đến các câu tiêu biểu sau.

Thành ngữ “Cốc mò cò xơi” có nghĩa là gì, mang lại bài học gì? 5

1. Ỷ mạnh hiếp yếu.

2. Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ đem phần tới cho.

3. Há miệng chờ sung.

4. Của thời cha mẹ để cho,
Làm không, ăn có của kho cũng rồi.

5. Rượu chè cờ bạc lu bù
Hết tiền, đã có mẹ cu bán hàng.

6. Ăn thì lựa những miếng ngon,
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

7. Đi cuốc đau tay, đi cày mỏi gối.

8. Lẽ nào thương kẻ ngu si,
Hơi đâu thương đứa nằm lì mà ăn.

9. Làm trai cho đáng sức trai
Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng.

10. Công như công cốc.

11. Cú kêu cho ma ăn.

12. Thằng còng làm cho thằng ngay ăn.

13. Cú góp cọp ăn.

Thành ngữ “Cốc mò cò xơi” phản ánh hiện thực xã hội chua xót khi một người bỏ ra rất nhiều công sức nhưng lại chẳng nhận lại được gì trong khi kẻ khác thì ngang nhiên hưởng thụ thành quả đó. Qua những chia sẻ và bàn luận xoay quanh câu chuyện “Cốc mò cò xơi”, mong rằng đã mang đến cho độc giả những phân tích thú vị và đáng suy ngẫm.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận