- Trung thực là gì?
- Những từ cùng nghĩa và trái nghĩa với trung thực
- Những biểu hiện của tính trung thực và không trung thực
- Ý nghĩa của tính trung thực trong cuộc sống?
- Nên làm gì để trở rèn luyện tính trung thực
- Những câu ca dao tục ngữ nói về lòng trung thực
- Vững tin hơn với những câu nói về trung thực hay nhất
- Những câu chuyện kể về lòng trung thực
Trung thực chính là một đức tính tốt đẹp mà mỗi con người cần phải rèn luyện để có được. Là một điều tốt đẹp, tuy nhiên không phải ai cũng có thể luôn luôn trung thực trong mọi hoàn cảnh. Chính vì điều này mà chúng ta phải luôn cố gắng, trau dồi để có thể trung thực, ngay thẳng nhất.
Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người có suy nghĩ như câu tục ngữ “Thật thà là cha thằng dại”, người ta cho rằng việc trung thực, thật thà là một việc dại dột và chẳng việc gì mà chúng ta phải làm. Nhưng suy đi nghĩ lại, đã là một đức tính tốt đẹp thì trung thực chắc chắn sẽ đem đến những giá trị tuyệt vời cho mỗi con người. Vậy sống trung thực sẽ giúp cho ta có một cuộc sống như thế nào?
1. Trung thực là gì?
Trong từ điển Tiếng Việt, trung thực là một tính từ chỉ sự ngay thẳng, thật thà của con người. Có thể hiểu một người trung thực chính là người không nói dối, là người luôn làm việc đúng với sự thật, không cố tình làm sai lạc đi.
Theo từng đối tượng cụ thể, trung thực được biểu hiện rất rõ ràng. Trung thực trong học tập chính là khi bạn nghiêm túc học thuộc bài và làm bài, không sử dụng tài liệu trong thi cử, không nói dối với thầy cô và bạn bè. Trung thực trong kinh doanh chính là không buôn bán sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
Trong những mối quan hệ giữa người với người, trung thực chính là khi ta không nói dối, luôn đối xử thật lòng với mọi người, không mưu cầu hay tính toán những điều xấu xa.
2. Những từ cùng nghĩa và trái nghĩa với trung thực
Có rất nhiều từ ngữ nói về đức tính trung thực trong cuộc sống. Một số từ cùng nghĩa với trung thực như: Ngay thẳng, ngay thật, thật thà, thẳng thắn, thành thật, bộc trực, chính trực, trung thực, thực tâm, thật lòng,...
Trái nghĩa với trung thực chính là dối trá, gian lận, gian manh, gian xảo, gian dối, gian trá, lừa bịp, lừa dối, lừa lọc, giả dối, lừa đảo, bịp bợm,...
3. Những biểu hiện của tính trung thực và không trung thực
Biểu hiện của lòng trung thực luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, trong các môi trường, hoàn cảnh khác nhau và những lứa tuổi khác nhau. Trong môi trường học đường, các học sinh, sinh viên không gian lận trong thi cử, thật thà với bạn bè, thầy cô là biểu hiện của lòng trung thực.
Trong môi trường công việc, nhân viên sống ngay thẳng, thẳng thắn với mọi người, dám nhận lỗi lầm nếu bản thân có sai sót, sống trong sạch với lương tâm của mình. Lãnh đạo, cấp trên luôn trung thực, chính trực, không nhận hối lộ, tham ô, công tư phân minh. Tất cả những biểu hiện đó sẽ tạo một môi trường làm việc văn minh, lành mạnh và tốt đẹp.
Ngoài xã hội, lòng trung thực được thể hiện khi có người dám đứng lên bảo vệ lẽ phải, không bao che cho người có hành vi xấu. Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất cũng là một nghĩa cử cao đẹp của lòng trung thực.
Ngược lại, biểu hiện của lòng không trung thực là những hành vi quay cóp, gian lận trong kiểm tra, có thói quen xấu như ăn cắp, ăn trộm, nói dối, đổ lỗi cho người khác trong khi bản thân làm sai. Những người như vậy sẽ dần bị mọi người coi thường và xa lánh.
Ngoài ra, trong kinh doanh, tính trung thực là yếu tố quan trọng và hàng đầu với mỗi doanh nghiệp. Với những cửa hàng, doanh nghiệp luôn đặt chữ tâm và chữ tín lên hàng đầu, trung thực, ngay thẳng không gian dối sẽ được mọi người tin tưởng và quan tâm. Trái lại những nơi chỉ biết lừa lọc khách hàng, gian xảo, bịp bợm đối tác sẽ chỉ nhận lại sự chỉ trích và phỉ báng của mọi người, không thể đứng vững trong giới kinh doanh.
Xem thêm:
Bảo thủ là gì? 29 câu nói hay về sự cố chấp bảo thủ
Nhân cách là gì? Giải mã lý do vì sao nhân cách quý hơn tiền bạc
Vô tâm là gì? Chúng ta có đang vô tâm với chính mình và xã hội?
4. Ý nghĩa của tính trung thực trong cuộc sống?
Đừng bao giờ xem thường ý nghĩa của trung thực bởi nó sẽ giúp cho cuộc sống của ta trở nên tốt đẹp hơn. Từ định nghĩa của trung thực, ta có thể thấy đây là một điều chẳng dễ gì để làm được trong cuộc sống. Bởi có nhiều trường hợp, một câu nói dối sẽ khiến ta trở nên “đỡ lo sợ” hơn.
Đi học và không học thuộc bài, bạn sẽ nói gì?. Cố tình kinh doanh hàng giả để thu nhiều lợi nhuận, bạn cũng có thể đổ lỗi do khâu kiểm tra hàng hóa. Những trường hợp đó, có thể sự trung thực sẽ khiến bạn “lao đao” hơn. Vì thế, rất nhiều người đành chọn cách “không trung thực”.
Từ những trường hợp trên, chúng ta cũng hoàn toàn có thể hiểu được vì sao người ta nói “Thật thà là cha thằng dại”. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà sự trung thực trở thành một đức tính tốt đẹp, trở thành một điều mà ai cũng muốn hướng tới.
Khi ta có sự trung thực, ta không phải đau đầu để suy nghĩ lý do để nói dối. Ta cũng không cần phải “nhìn trước, ngó sau” xem thử có bị “lộ” ra ngoài hay không. Có sự trung thực, ta dễ dàng đương đầu với cuộc sống hơn bởi cho dù có chuyện gì xảy ra, ta cũng có thể mỉm cười và chấp nhận nó bởi nó là sự thật, nó không hề giả dối.
Người trung thực sẽ có một cuộc đời đơn giản, sẽ luôn suy nghĩ, sống và làm việc theo sự thật. Và tất nhiên, khi chúng ta sống ngay thẳng, thật thà thì những người xung quanh cũng sẽ đối đãi với ta như vậy!
5. Nên làm gì để trở rèn luyện tính trung thực
Là một đức tính tốt đẹp, đáng quý nhưng hiện nay không phải ai cũng giữ được bản chất thật thà, chính trực của mình. Tính trung thực trong học tập, trong môi trường làm việc, trong kinh doanh,... là điều quan trọng cần có ở mỗi người để tạo ra một môi trường sống và làm việc thật lành mạnh, văn minh. Vì vậy, để rèn luyện tính trung thực chúng ta cần:
- Tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải
- Dũng cảm nhận lỗi khi bản thân mắc sai lầm
- Không ham vật chất, vinh hoa phú quý mà bán rẻ sự thật, bán rẻ lương tâm
- Không thảo mai, giả tạo để lấy lòng người khác vì lợi ích bản thân
- Biết giữ lời hứa
- Dám đứng lên nói sự thật, phê phán những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức xã hội
- Tạo nguyên tắc riêng cho bản thân để hành xử với mọi người xung quanh
- Dám nói dám làm, nói được làm được
Xem thêm:
Tác động độc hại của tính tự phụ, tự mãn tới cuộc sống của chúng ta?
Làm thế nào để có lối sống đẹp như những bông hoa tô điểm cho cuộc đời
Bản lĩnh là gì và làm thế nào để rèn luyện được bản lĩnh sống của bản thân?
6. Những câu ca dao tục ngữ nói về lòng trung thực
Lòng trung thực là một phẩm chất tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy. Để răn dạy chúng ta phải luôn sống ngay thẳng, thật thà, ông cha ta đã để lại vô vàn câu ca dao tục ngữ thể hiện tính trung thực.
- Cây ngay không sợ chết đứng
- Ăn ngay nói thẳng
- Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng
- Thuốc đắng giã tật - Sự thật mất lòng
- Một lần bất tín, vạn lần bất tin
- Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành
- Mật ngọt chết ruồi
- Thẳng mực thì đau lòng gỗ
- Mất lòng trước, được lòng sau
- Thật thà ma vật không chết
- Nhà nghèo yêu kẻ thật thà
Nhà quan yêu kẻ giàu ra nịnh thần. - Người gian thì sợ người ngay.
Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo. - Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy. - Những người tính nết thật thà
Đi đâu cũng được người ta tin dùng. - Đừng bảo rằng trời không tai
Nói đơm nói đặt cây tài mà chi. - Tu thân rồi mới tề gia
Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai. - Đời loạn mới biết tôi trung,
Tuế hàn mới biết bá tùng kiên tâm. - Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong gian hiểm giết người không đao. - Của phi nghĩa có giàu đâu,
Ở cho ngay thật, giàu sau mới bền. - Sông sâu còn có kẻ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
7. Vững tin hơn với những câu nói về trung thực hay nhất
Vì trung thực là một khía cạnh của nhân cách đạo đức con người, người có tính trung thực là người biết tôn trọng lẽ phải, chân lý và sự thật. Đọc thêm những câu nói hay về lòng trung thực dưới đây chắc chắn giúp bạn vững tin hơn vào đức tính tốt đẹp này!
- Tin tất cả mọi người đều trung thực là ngu xuẩn. Không tin có người trung thực là điều còn tồi tệ hơn.
- Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời trung thực và can đảm. Đây là cách tính cách hình thành.
- Bạn không trung thực, trừ phi thỉnh thoảng bạn vẫn thấy xấu hổ vì bản thân.
- Trung thực là bước đệm đầu tiên thậm chí khi mà bạn không thấy tất cả các bậc cầu thang.
- Trung thực là "chương đầu tiên" trong cuốn sách về sự khôn ngoan.
- Lòng trung thực thường không mang tới sự đáp lại trong tình yêu, nhưng nó hiển nhiên là điều cần thiết để có được tình yêu.
- Bạn bè là những người luôn trung thực và thẳng thắn với nhau dù sự thực có đau lòng tới mức nào.
- Nếu bạn không nói sự thật với chính bản thân mình bạn không thể nói điều đó với những người còn lại.
- Người trung thực có thể bị truy nã, nhưng không thể bị làm mất danh dự.
- Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vạy.
- Chết thằng gian, chết gì thằng ngay.
Xem thêm:
60 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực, thật thà
58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về tôn trọng sự thật, căn dặn sống làm người chính trực
16 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng dũng cảm nâng cao giá trị con người
8. Những câu chuyện kể về lòng trung thực
Có rất nhiều câu chuyện về lòng trung thực được lưu truyền nhằm đề cao, duy trì đức tính tốt đẹp này. Dưới đây là 3 câu chuyện nổi tiếng và được sử dụng nhiều nhất về những tấm gương tiêu biểu về lòng trung thực trong cuộc sống.
8.1 Hạt thóc giống
Thuở xưa có một ông vua cao tuổi mà không có con cái nên muốn tìm người nối ngôi. Vua ra lệnh phát cho mỗi người dân một thúng thóc về gieo và giao hẹn: Ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi và ai không có thóc sẽ bị trừng phạt.
Ở làng nọ có chú bé tên là Chôm mồ côi cha mẹ. Cậu cũng đi nhận thóc về và cố chăm sóc mà không một hạt thóc nào nảy mầm. Đến vụ thu hoạch, mọi người chở thóc về kinh đô thu nộp cho nhà vua. Chôm lo lắng, đến trước vua quỳ tâu:
- Tâu bệ hạ! Con không làm sao cho thóc của người nảy mầm được.
Mọi người sững sờ trước lời thú tội của Chôm, phen này sẽ bị phạt nặng nhưng nhà vua đã đỡ chú bé dậy, ôn tồn nói:
- Trước khi phát thóc giống, ta đã cho luộc kỹ rồi. Lẽ nào chúng còn nảy mầm được sao? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta.
Rồi nhà vua dõng dạc tuyên bố:
- Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.
Có thể thấy rằng, trung thực là phẩm chất quý giá, cao đẹp mà qua đó có thể đánh giá được giá trị của một con người. Những người dân trong câu chuyện trên đều vì sợ bị vua trừng phạt nên không dám nói ra sự thật, vì lo sợ mà quên rằng sự thật mới là điều quan trọng. Ngược lại, cậu bé trong truyện là một người thật thà, trung thực, dám nói sự thật, vì vậy cậu đã nhận được phần thưởng xứng đáng cho mình.
8.2 Ba lưỡi rìu
Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.
Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.
Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:
-Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?
Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:
-Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!
Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:
-Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.
Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:
– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?
Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:
– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.
Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:
-Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?
Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:
-Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ
Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:
-Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!
Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:
-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.
Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:
-Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.
Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.
“Ba lưỡi rìu” là một câu chuyện điển hình về đức tính trung thực. Anh chàng tiều phu trong chuyện là người hiền lành, thật thà, không tham lam những thứ không thuộc về mình, vì vậy anh đã được ông bụt giúp đỡ và ban tặng món quà mà anh xứng đáng được nhận.
Câu chuyện giống như một bài học trong cuộc sống, nếu chúng ta sống trung thực, chân thành, không ham vật chất, không vì vinh hoa, lợi ích mà bán rẻ lương tâm, bán rẻ sự thật thì chúng ta sẽ đạt được thành công và hạnh phúc.
8.3 Pinocchio - Cậu bé người gỗ
Ngày xửa ngày xưa có một bác thợ mộc tên là Gepetto. Bác sống một mình vì bác không có gia đình. Sau những ngày làm việc vất vả, bác rất thích làm những búp bê bé xinh bằng gỗ. Một đêm, có một bà tiên đến thưởng cho công việc nặng nề của bác và biến một bức tượng gỗ nhỏ thành một chú bé thật. Gepetto vô cùng vui sướng đặt tên cho nó là Pinocchio và cho chú bé theo học ở ngôi trường tốt nhất của làng. Than ôi! Pinocchio không hề thích đi học và nó bị hai đứa trẻ lang thang nó gặp trên đường đi học lôi kéo. Chẳng bao lâu nó bị người làm nghề múa rối bắt và bị giam trong một cái lồng.
Pinocchio hối tiếc cuộc sống được đi học, nó cầu xin bà tiên đến cứu. Bà tiên xuất hiện yêu cầu nó kể lại toàn bộ sự thật, nhưng Pinocchio vẫn nói dối và cậu bé hoảng sợ nhận thấy mũi của nó cứ dần dần dài ra khi nó vẫn tiếp tục nói dối. Sau đó, khi bà tiện nghi hình phạt như vậy là quá đủ nên đã đưa cái mũi Pinocchio về hình dạng bình thường, cứu nó ra khỏi lồng và cho nó biết rằng bác Gepetto vì quá buồn phiền về sự mất tích của nó đã bỏ nhà ra đi.
Bác Gepetto đã bị một con cá voi khổng lồ nuốt vào trong bụng. Pinocchio nhận ra những lỗi lầm nó đã gây ra và quyết định đi cứu bác, nó lặn xuống biển. Nó chui vào bụng cá voi, ở đó nó gặp lại bác Gepetto. Họ cùng đốt một ngọn lửa to trong bụng cá voi. Quá đau đớn, con cá voi đã phải thả tất cả ra và thế là hai người bạn của chúng ta được giải thoát.
Trở về nhà, bác Gepetto lại bắt tay vào việc, còn Pinocchio từ đó tỏ ra là một đứa bé rất ngoan ngoãn.
Pinocchio là một nhân vật thường được người lớn nhắc và kể với trẻ con để phê phán tật nói dối, không thành thật. Câu chuyện cũng như một lời cảnh báo rằng nếu chúng ta nói dối sự thật thì sẽ nhận lại hình phạt thích đáng.
Hy vọng rằng qua bài viết trên bạn sẽ hiểu được trung thực là gì và ý nghĩa của tính trung thực trong đời sống. Lòng trung thực là một phẩm chất tốt đẹp và đáng quý. Mỗi người hãy rèn luyện cho bản thân mình đức tính cao quý ấy để xã hội ngày càng phát triển hơn, văn minh hơn.
Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet