Những câu tục ngữ, thành ngữ Việt Nam luôn ẩn chứa những bài học quý giá mà ông cha ta để lại. Trong số đó, có một câu tục ngữ mà ta rất hay sử dụng để nói về vấn đề giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống đó là “Mất lòng trước được lòng sau”. Vậy ý nghĩa chính xác của câu tục ngữ này là gì?
1. “Mất lòng trước được lòng sau” nghĩa là gì?
“Mất lòng” là việc khiến cho người khác cảm thấy khó chịu, phật ý, không bằng lòng, hài lòng thậm chí tức giận vì lời nói, hành động hay thái độ nào đó.
Trái ngược với “mất lòng” là “được lòng” - việc mang lại cho người khác sự hài lòng, vui vẻ thông qua lời nói, hành động, thái độ từ đó nhận được sự yêu mến, tin cậy.
“Mất lòng trước được lòng sau” hiểu theo nghĩa đen ý nói một việc làm nào đó khiến cho người khác không vui, không hài lòng nhưng sau đó bạn lại được họ thấu hiểu và chấp nhận.
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn luôn muốn được lòng mọi người, thể hiện được sự chân thành của bản thân thông qua các việc làm, hành động. Tuy nhiên với một số trường hợp đặc biệt, bạn buộc phải làm "mất lòng" người khác trước để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho họ về sau này.
Cuộc sống ngày càng gấp gáp, vội vã, con người trong xã hội hiện nay thường ít quan tâm và để ý đến nhau nên rất khó để có được những lời nói hoặc hành động thật lòng. Cũng vì vậy mà lời nói thật lòng quả thực vô cùng có giá trị. Những người dám nói lên sự thật là những người nên được tôn trọng bởi không phải ai cũng dám nói ra mọi sự thật vì đôi khi điều đó khiến họ bị ảnh hưởng và người khác cũng vậy.
“Mất lòng trước được lòng sau” tóm gọn lại muốn đề cập đến việc đôi khi bạn cần phải thẳng thắn nói ra những điều, làm những việc khiến người khác không vừa ý trước mắt, nhưng sau khi họ bình tâm suy nghĩ sẽ nhận ra được sự thật tâm và giá trị việc làm của bạn. Việc này tốt hơn là về sau, khi họ nhận ra bạn nói dối hay điều bạn làm chỉ để khiến họ vui, sự việc sẽ càng khó xử.
2. Những bài học trong cuộc sống qua câu tục ngữ “Mất lòng trước được lòng sau”
“Mất lòng trước được lòng sau” là câu tục ngữ có ý nghĩa khuyên bảo mọi người luôn thành thật trong mọi việc để tránh những hiểu lầm, phiền hà, rắc rối về sau.
Lời nói thật đôi khi không có lợi ngay khi vừa nói ra, nhưng khi đối phương hiểu ra vấn đề thì đó lại là điều tích cực, có lợi. Một triết gia đã nói rằng: “Người bạn thân nhất của ta là người chỉ trích những lỗi lầm của ta một cách gay gắt nhất”, và “sự thật mất lòng” ở đây cũng có giá trị tương tự với điều đó.
Một người thực sự muốn tốt cho bạn là người dám chỉ ra những khuyết điểm của bạn để bạn thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Còn một người không quan tâm hoặc có ý đồ xấu với bạn thì luôn có xu hướng nói những lời hay, nịnh nọt dù bạn có làm tốt hay không.
Sau đây là một vài ví dụ về “Mất lòng trước được lòng sau” phổ biến trong cuộc sống:
Ví dụ:
- Bạn nhắc nhở con cái của mình vì chúng chơi bời, bỏ bê học hành. Sự trách móc này thường sẽ gây khó chịu cho con bạn, nhưng đó lại là những điều đúng đắn bạn nên làm để có thể giúp chúng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
- Một người sếp khó tính, luôn nghiêm khắc với nhân viên trong công việc nhưng mục đích chỉ vì mong muốn nhân viên của họ có thể tiến bộ hơn. Có thể nhân viên của bạn sẽ sinh lòng căm ghét hoặc không vui, nhưng vẫn làm theo sếp, sau một thời gian họ nhận ra mình tiến bộ lên rất nhiều trong công việc và thầm cảm ơn sếp.
Một số bài học rút ra từ câu tục ngữ “Mất lòng trước được lòng sau”:
2.1 Sự thật thường mất lòng
Sự thật mãi mãi là sự thật, chỉ là bạn nhận ra điều đó sớm hay muộn mà thôi. Vì vậy, nếu ai đó nói những điều tuy là thật nhưng thô, khiến bạn tức giận trước mắt, đừng vội buồn, khi suy nghĩ kỹ, bạn lại cảm thấy vui vì họ nói đúng.
2.2 Người dám nói lời thật
Những người dám đứng ra nói sự thật, nói những điều khó nghe đối với bạn chính là những người chân thành với bạn. Có thể những lời đó không vừa tai bạn nhưng nó lại có ích và xuất phát từ ý tốt.
Xem thêm:
Đi tìm lời giải đáp ý nghĩ câu thành ngữ “Thẳng như ruột ngựa”
Phân tích ý nghĩa câu thành ngữ "Thẳng mực tàu đau lòng gỗ"
60 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực
3. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dạy bảo cách ứng xử trong cuộc sống
Bên cạnh câu tục ngữ “Mất lòng trước, được lòng sau”, ông cha ta còn để lại rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dạy bảo con cháu các ứng xử đúng đắn trong cuộc sống. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn tham khảo:
1. Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng.
2. Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
3. Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối.
4. Một lời nói dối sám hối bảy ngày.
5. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật.
6. Ăn ngay ở thẳng, chẳng sợ mất lòng.
7. Người gian thì sợ người ngay
Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo.
8. Lạ thay nết nói nết cười,
Nết sao lại khiến cho người muốn thương.
9. Vàng sa xuống giếng, khôn tìm,
Người sa lời nói, như chim sổ lồng.
10. Roi song đánh đoạn thời thôi,
Một lời xiết cạnh, muôn đời chẳng quên.
11. Ai ơi xin chớ nặng lời,
Bụt kia có mắt, ông trời có tai.
12. Cười người chớ vội cười lâu,
Cười người hôm trước hôm sau người cười.
13. Ăn lắm, thì hết miếng ngon,
Nói lắm, thì hết lời khôn hóa rồ.
14. Sảy chân, gượng lại còn vừa,
Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.
15. Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Qua nội dung bài viết, bạn đọc đã có thể hiểu rõ hơn về câu tục ngữ “Mất lòng trước được lòng sau”. Hy vọng qua những phân tích này, mỗi người có thể rút ra những bài học cho riêng mình để cuộc sống thêm phần ý nghĩa hơn.
Nguồn ảnh: Internet