“Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” là một câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe thấy trong đời sống. Câu nói này nhằm nhắc nhở mỗi người hãy thẳng thắn nói thật và ngưng vòng vo khi nói hay đề cập đến một vấn đề nào đó. Để hiểu hơn về câu nói này, chúng ta sẽ cùng đi sâu và phân tích “nói gần nói xa chẳng qua nói thật” ngay dưới đây.
1. “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” là gì?
“Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” là một câu thành ngữ Việt Nam được sử dụng rất phổ biến trong đời sống. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa trong câu thành ngữ này. Đầu tiên chúng ta có thể tách câu nói này thành hai phần và hiểu nó như sau:
- Nói gần nói xa: Nói chuyện theo kiểu úp úp mở mở, lòng vòng, bóng gió, không vào trọng tâm vấn đề.
- Chẳng qua nói thật: Nói chuyện thẳng thắn, thật lòng
Từ hai ý trên ta có thể hiểu câu “nói gần nói xa chẳng qua nói thật” có nghĩa là thay vì nói bóng nói gió, nói úp mở, nói mỉa mai hay nói một cách lòng vòng gợi ý cho người khác tự hiểu thì chẳng thà nói thẳng, nói thật ra để họ hiểu mà còn biết cách giải quyết vấn đề.
Nếu cứ nói quanh co thì chưa chắc họ đã hiểu được hết ý của người nói. Thậm chí là còn có thể hiểu sai hoặc không hiểu và kéo dài thời gian của bạn. Câu nói này có thể được xem là một lời khuyên, khuyên bạn nên thẳng thắn trong mọi vấn đề để tránh mất thời gian và tiền bạc của bản thân.
Xem thêm: ‘Cá mè một lứa’: Thành ngữ nhắc chúng ta chọn bạn mà chơi
2. “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” và sự khéo léo khi nói chuyện
“Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” ngụ ý khuyên con người nên nói thẳng nói thật, nhưng ngoài sự thẳng thắn thì bạn còn cần phải có sự khéo léo trong cách giao tiếp.
Như bạn đã biết có một số vấn đề khi nói thẳng thường sẽ gây mất lòng giữa người nghe và người nói. Nhưng chính những lời nói thẳng thắn đó lại giúp chúng ta nhận ra được đâu mới là hạn chế của bản thân để khắc phục và sửa đổi.
Những người có bản tính thẳng thắn không vòng vo là người sống thật, nói thật và họ thường nói ra những điều mà chẳng ai cũng dám nói. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng phải “thẳng như ruột ngựa”. Nói thẳng những phải có chừng mực, đúng lúc, đúng nơi và tùy vào đối tượng mà nói thẳng.
Một người có bản tính quá thẳng thắn cũng không tốt vì nó có thể khiến người khác bị tổn thương, thậm chí là khiến bản thân bị ghét. Nói thẳng giúp bạn tiết kiệm thời gian và thuận lợi trong công việc, nhưng nếu không tế nhị, khéo léo trong lời ăn tiếng nói thì bạn sẽ rất dễ gây ra sự bất đồng. Vì thế, trong các cuộc giao tiếp hàng ngày hãy khéo léo chọn câu từ, cũng như thời điểm thích hợp để nói. Không nên nói nửa úp, nửa mở khi không cần thiết, nhưng cũng không thể nói bừa, nói theo cảm tính.
3. Khi nào thì nên “nói gần nói xa chẳng qua nói thật”?
Khi nào thì nên nói thẳng, nói thật như câu “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” để không làm tốn thời gian của nhau và không làm mất lòng người nghe. Có một số hoàn cảnh nếu không nói thẳng ra sẽ kéo theo rất nhiều phiền phức cho những người xung quanh và chính bản thân bạn, cụ thể như:
3.1 Khi có nhân viên làm sai trong công việc
Đây chắc chắn là lúc bạn nên nói thẳng, nói ra cái sai của nhân viên mà không nhân nhượng hay lòng vòng. Việc úp mở trước lỗi sai của nhân viên chỉ khiến cho công việc của nhân viên của bạn và thậm chí là của cả doanh nghiệp đi xuống. Chính vì vậy mà bạn cần phải nói thẳng để nhân viên chấn chỉnh ngay sự sai lầm của họ.
3.2 Khi từ chối một ai đó
Trong tình yêu, trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày khi được nhờ vả mà cảm thấy năng lực không thể làm được thì nhất định phải từ chối thẳng. Không nói mập mờ, dài dòng vì nó có thể làm tốn thời gian quý báu của bạn và của người khác.
Đặc biệt là trong tình yêu khi được tỏ tình mà không bạn không thích thì hãy từ chối một cách rõ ràng. Để đối phương không hiểu nhầm ý mà hao tổn thêm thời gian cũng như tiền bạc cho đoạn tình cảm đó.
3.3 Khi việc làm đó ảnh hưởng đến bạn
Nếu trong các sự kiện, tiệc tùng mà bạn được mời rượu bia nhưng bản thân bị dị ứng hoặc cần lái xe khi hết tiệc thì nhất định phải nói thẳng là bản thân không uống được hoặc không thể uống. Đây là việc không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn mà nó còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những người xung quanh.
Xem thêm: Đi tìm lời giải đáp ý nghĩ câu thành ngữ “Thẳng như ruột ngựa”
4. Một số ca dao, tục ngữ, thành ngữ về cách ăn nói, ứng xử khéo léo
Cũng giống như câu “nói gần nói xa chẳng qua nói thật” nên ăn ngay nói thẳng, nói thật. Người Việt chúng ta vẫn còn rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ tương tự khuyên mọi người nên học cách ăn nói thật thà, khéo léo với người khác.
1. Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
2. Lời nói, gói vàng.
3. Học ăn học nói học gói học mở.
4. Đa ngôn, đa quá.
5. Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.
6. Lưỡi sắc hơn gươm.
7. Ăn đằng sóng, nói đàng gió.
8. Rượu lạt uống lắm cũng say,
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.
9. Ăn lắm, thì hết miếng ngon,
Nói lắm, thì hết lời khôn hóa rồ.
10. Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,
Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.
Như vậy chúng tôi đã giải thích cho bạn ý nghĩa của câu thành ngữ “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật”. Đồng thời liệt kê đến bạn một số câu ca dao, tục ngữ hay về cách ăn nói. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn câu thành ngữ này.
Sưu tầm
Nguồn ảnh Internet