Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mượn gió bẻ măng” là gì?

VOH - Ông cha ngày xưa hay dùng câu “mượn gió bẻ măng” để nói về những kẻ hay lợi dụng cơ hội, tình huống để trục lợi cá nhân.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn nghe người ta thường xuyên sử dụng câu “mượn gió bẻ măng” để chỉ về một người nào đó có hành động xấu xa, hay chèn ép người khác để giành phần lợi về mình. Vậy mượn gió bẻ măng là gì? Hãy cùng VOH đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Mượn gió bẻ măng là gì?

Từ trước đến nay, khi nghe đến câu “mượn gió bẻ măng” nhiều người sẽ diễn giải nó theo nghĩa là: Lợi dụng sức gió để bẻ măng. Tuy nhiên, theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, “mượn gió bẻ măng” vốn là cách đọc chệch của “thừa gió bẻ măng”. Ngoài ra còn có một số cách đọc khác như “nhờ gió bẻ măng”, “lừa gió bẻ măng”.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mượn gió bẻ măng” là gì? 1
"Mượn gió bẻ măng" là thành ngữ có từ thời xa xưa - Ảnh: Internet

Theo tư liệu này diễn giải, “thừa gió bẻ măng” có nghĩa là: Nhân lúc trời nổi dông gió, cát bay mù mịt, nhà nhà đều đóng cửa không ra ngoài, kẻ gian lợi dụng điều đó để đi bẻ trộm măng mà không lo sợ bị phát hiện và bị bắt.

Trong các làng xã ngày xưa thường có Khoán lệ cấm bẻ măng để giữ tre, chắn gió cát. Một khi có người bẻ măng thì buộc phải nộp khoán (khoản tiền) cho làng. Tuy nhiên, một số người lại đi bẻ măng lén, nhằm tránh việc phải nộp khoán cho làng.

Như vậy, “mượn gió bẻ măng” vốn bắt nguồn từ việc lợi dụng khi gió to, mọi người ở nhà mà ra ngoài bẻ trộm măng. Cụm từ “thừa gió” ở đây có thể hiểu là nhân cơ hội mà “bẻ măng” để không phải nộp tiền.

Thành ngữ “Mượn gió bẻ măng” có ý nghĩa gì?

“Mượn gió bẻ măng” là một câu thành ngữ có nghĩa đen là “nhân gió to, mọi người ở nhà mà ra ngoài bẻ trộm măng”. Vậy còn nghĩa bóng của câu thành ngữ này là gì?

Theo Tục ngữ sưu tập và lược giải của Phan Thượng Hải, ý nghĩa thành ngữ “mượn gió bẻ măng” chính là lợi dụng cơ hội, lợi dụng lúc có nguyên cớ bao che để làm việc xấu, sai trái. Ví như kẻ lợi dụng có gió lớn mà bẻ măng, dè chừng khi có người biết còn có cớ chối cãi, đổ cho gió lớn quật ngã chữ không phải do mình.

Câu thành ngữ xuất phát từ một điển cố xưa. Chuyện kể rằng, vào một buổi sáng nọ, chủ nhà nhìn ra bụi tre góc vườn thì phát hiện mấy cái măng đã “không cánh mà bay”. Đoán thủ phạm chính là lão hàng xóm xấu tính đã chặt mất, nhưng vốn là người tử tế, không muốn chuyện bé xé to nên người chủ chỉ nói vài câu bóng gió tỏ ý tiếc.

Lão hàng xóm có tật giật mình, nghe xong liền lý giải rằng “đêm qua có một trận gió to, chắc mấy cái măng bị gãy rồi gió thổi đi mất”. Rõ ràng đây là một cách giải thích rất vô lý, nhưng với kẻ tham lam, lại không còn nhân cách thì vốn không cần lý lẽ, họ chỉ lấy đại một cái cớ, tạm xoa dịu, bất chấp người nghe có tin được hay không. Và rồi câu thành ngữ “mượn gió bẻ măng” cũng ra đời từ đó.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu "Nghĩa tử là nghĩa tận" là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Gieo gió gặt bão" trong cuộc sống
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mưa dầm thấm lâu”

“Mượn gió bẻ măng” có tồn tại trong xã hội ngày nay?

Nếu xét từ những khía cạnh trên, thành ngữ “mượn gió bẻ măng” mang ý nghĩa khá tiêu cực. Người xưa dùng nó để phê phán những kẻ lợi dụng tình thế để mưu lợi cá nhân.

Và cho đến ngày nay, cũng có không ít người “mượn gió bẻ măng” tồn tại trong xã hội hiện đại. Đó có thể là việc một người dùng danh tiếng, quyền lực, tiền bạc để gài bẫy người khác, khiến họ bị tổn hại về kinh tế, tinh thần. Nhưng cũng có người dùng nó để tạo cơ hội cho mình và gặt hái thành công.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mượn gió bẻ măng” là gì? 2
Trong xã hội hiện đại không ít người có thói "mượn gió bẻ măng" - Ảnh: Internet

Vậy để có thể bàn về sự tốt xấu của “mượn gió bẻ măng”, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất chính là hoàn cảnh.

Ví dụ, trong môi trường công sở, có trường hợp một cô nàng thực tập mới đến dựa vào kỹ năng giao tiếp khéo của mình, cô ta dùng đủ lý do để nhờ các đồng nghiệp làm thay công việc của mình. Lấy cớ lương thấp để được người khác mời ăn mỗi ngày. Hành động “mượn gió bẻ măng” này là rất xấu xí và đáng được lên án.

Tuy nhiên, nếu xét trong môi trường kinh doanh, thì chưa hẳn là xấu. Ví dụ, một công ty sản xuất hàng gia dụng đang trên đà phát triển với nguồn doanh thu cao. Thị trường ngày càng mở rộng, song quy mô sản xuất của họ lại nhỏ. Họ cần mở rộng quy mô nhưng ngại bỏ ra một khoảng vốn lớn. Thế là, họ quyết định thôn tính một công ty khác (làm cùng lĩnh vực).

Công ty này có số lượng nhân công dồi dào nhưng lại đang rơi vào khủng hoảng. Sau khi đàm phán và cả hai công ty đi đến quyết định hợp nhất lại với nhau. Tập đoàn hợp nhất từ hai công ty trên đều nhanh chóng nổi tiếng, lợi nhuận ngày càng tăng cao.

Nhìn vào câu chuyện, rõ ràng công ty kia đang “mượn gió bẻ măng” để thôn tính công ty khác. Thế nhưng, trong môi trường kinh doanh quan trọng nhất chính là việc biết nắm bắt thời cơ, lợi dụng khéo léo mọi điều kiện để mở ra cơ hội cho mình, để đạt được thành công.

Mặc dù vậy, không phải bất cứ trường hợp kinh doanh nào dùng chiêu “mượn gió bẻ măng” cũng tốt. Có những trường hợp, người kinh doanh lợi dụng khó khăn của người khác để chèn ép, tăng giá nhằm trục lợi thì đây lại là một hành vi xấu, liên quan nhiều đến vấn đề đạo đức con người.

Thành ngữ liên quan "Mượn gió bẻ măng”

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam phong phú và đa dạng. Khi bàn về một thói quen, tính cách con người hay một khía cạnh nào đó trong xã hội, ông cha ta đã “biến hóa” thành những câu nói ngắn gọn, dễ đọc dễ nhớ, nhưng lại chứa đầy ý nghĩa thâm thúy, sâu xa.

Ngoài thành ngữ “mượn gió bẻ măng” để chỉ những hành động cơ hội, lợi dụng tình thế để trục lợi cá nhân của những kẻ tham lam, dưới đây là một số câu thành ngữ khác mang ý nghĩa tương tự mà bạn có thể tham khảo.

Thừa nước đục thả câu

Ý nghĩa: Thành ngữ ám chỉ hành động trục lợi khi thấy người khác đang gặp phải hiểm họa, khó khăn. Câu thành ngữ mang tính chất phê phán những người lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, tình huống rối ren của người khác để cầu lợi cho mình.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mượn gió bẻ măng” là gì? 3
Có nhiều thành ngữ chỉ thói xấu "mượn gió bẻ măng" của con người - Ảnh: Internet

Đục nước béo cò

Ý nghĩa: Lợi dụng tình thế lộn xộn để kiếm lợi lộc về cho mình.

Tát nước theo mưa

Ý nghĩa: Thành ngữ dùng để chỉ những kẻ ăn theo, lợi dụng lúc người khác thuận lợi thì hùa vào để kể công, nhằm được chia phần.

Đắm đò nhân thể giặt mẹt

Ý nghĩa: Thành ngữ ám chỉ những người tận dụng cơ hội, nhân tiện sự cố xảy ra để làm việc riêng cho mình.

Theo đóm ăn tàn

Ý nghĩa: Câu thành ngữ mang ý nghĩa kẻ chuyên nịnh bợ dù có được hưởng lợi thì cũng chẳng là bao. Đồng thời mang ý nghĩa phê phán những người thích hùa theo, a dua để mong kiếm chác lợi lộc.

Vừa trói vừa đánh, khen thay chịu đòn

Ý nghĩa: Câu thành ngữ ám chỉ đẩy người ta vào thế cùng còn giả vờ khen ngợi.

Giậu đổ bìm leo

Ý nghĩa: Lợi dụng lúc người khác gặp khó khăn để vùi dập, lấn lướt.

Từ một hiện tượng xã hội, ông cha ta đã ví von thành một câu thành ngữ chỉ vỏn vẹn bốn chữ, nhưng chứa đựng rất nhiều triết lý sống để người đời có thể lấy đó mà nhận biết, đề phòng. Hy vọng với những lời giải thích về ý nghĩa thành ngữ “mượn gió bẻ măng” sẽ giúp cho bạn có thêm những kiến thức bổ ích, thú vị khi tìm hiểu về tục ngữ, thành ngữ Việt Nam.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.