Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ "An phận thủ thường" là gì?

VOH - Những người thiếu nhiệt huyết, không có hoài bão, ước mơ cho rằng họ đang sống “an phận thủ thường”. Thế nhưng, ý nghĩa thật sự của “an phận thủ thường” có phải là như vậy hay không?

Trong tiếng Việt hiện đại, “an phận thủ thường” là một thành ngữ được dùng với hàm nghĩa xấu, để chỉ những người không có chí cầu tiến, sớm đầu hàng số phận. Tuy nhiên, quay ngược về quá khứ, ý nghĩa của “an phận thủ thường” không phải như vậy.

Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn đi tìm hiểu ý nghĩa của “an phận thủ thường” trong quá khứ, cũng như lý do vì sao nó lại bị biến đổi hàm nghĩa theo thời gian.

An phận thủ thường là gì?

Trong từ điển tiếng Việt, “an phận thủ thường” được giải nghĩa như sau:

  • An: Yên ổn
  • Phận: Số phận, thân phận
  • Thủ: Giữ
  • Thường: Bình thường, không có gì nổi bật
Giải thích ý nghĩa thành ngữ
"An phận thủ thường" là thành ngữ gốc Hán - Ảnh: Internet

Như vậy, câu thành ngữ “an phận thủ thường” có nghĩa là bằng lòng với số phận, với cuộc sống bình thường hiện tại, không muốn thay đổi hoặc ngại thay đổi. Trong Từ điển tiếng Việt cũng giải thích: An phận thủ thường là giữ đúng phận mình, không làm điều gì vượt quá, không đòi hỏi gì hơn.

Ý nghĩa thành ngữ “An phận thủ thường” trong quá khứ

“An phận thủ thường” là thành ngữ gốc Hán, nguyên văn là “安分守己” (an phận thủ kỷ). Câu thành ngữ mang ý nghĩa: Luôn tuân thủ bổn phận, không có hành động trái pháp luật, trái đạo lý.

Trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần có một đoạn trích đã sử dụng bốn chữ “an phận thủ kỷ” này. Đoạn trích nói về Thư Kỳ lén lút hẹn hò tình tự với người anh con nhà cô, bị Uyên Ương bắt gặp.

Người con trai vì sợ hãi đã “rẻ hoa chen liễu theo phía cửa ngách lẻn mất”. Thư Kỳ thì cả đêm mất ngủ vì hận người tình bạc bẽo, phần vì sợ Uyên Ương nói ra sẽ bại hoại thanh danh và bị tội.

Khi biết Thư Kỳ bị ốm, Uyên Ương không đành lòng liền sang thăm và hứa sẽ không mách cho ai biết. Đồng thời dặn dò Thư Kỳ rằng “Tòng thử dưỡng hảo liễu, khả yếu an phận thủ kỷ, tái bất hứa hồ hành loạn tác liễu” (Tạm dịch: Từ nay em nên cố gắng chữa chạy cho khỏi, rồi giữ thân giữ phận, đừng có làm bậy nữa).

Như vậy, thành ngữ “an phận thủ thường” trong xã hội xưa là mang hàm nghĩa tốt, tích cực. Một người “an phận thủ thường” là người hiểu rõ thân phận của mình mà hành xử đúng mực, không làm gì quá thân phận hoặc trái đạo lý.

Ví dụ, một người phụ nữ có gia đình biết “an phận thủ thường” là sẽ không ngoại tình, không dâm loạn, giữ tiết hạnh ôn nhu, sống trọn đạo nghĩa vợ chồng.

Tiếng Hoa còn có một câu ngạn ngữ là: 不在其位,不謀其政 (Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính). Nghĩa là: Không ở vị trí thích hợp, không nên toan tính chuyện. Hoặc có thể hiểu theo nghĩa “hãy an phận thủ thường”.

Quan niệm “An phận thủ thường” trong xã hội hiện đại

Theo thời gian, hàm nghĩa tốt đẹp của câu thành ngữ “an phận thủ thường” lại dần bị biến đổi và ngày nay nó được dùng để chỉ những người không có ý chí phấn đấu, không có hoài bão, ước mơ và hay bỏ cuộc.

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta nghe thấy những câu như: “Tôi biết sức mình chỉ có vậy, cố gắng mấy cũng chẳng được gì”, “Cái số em nó chỉ như thế thôi”, “Một thân một mình, được như thế là hay lắm rồi”… Tất cả những người này đang thổ lộ sự “biết mình” và dường như xem đó là phương châm sống. Thế nhưng, họ đâu biết xã hội đang xem họ là những kẻ “an phận thủ thường”.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ
Nhiều người trẻ chọn lối sống an phận thủ thường và xem đó như phương châm sống - Ảnh: Internet

Quay ngược về những năm chiến tranh của thế kỷ trước, thuở ấy người dân cả nước đang oằn mình chống giặc, già trẻ gái trai đều hừng hực khí thế chiến đấu. Những tấm gương xả thân, hy sinh vì Tổ quốc đã lôi cuốn tất cả, làm xã hội ít đi những người thụ động, an phận thủ thường.

Ngày nay, khi đất nước hòa bình, xã hội đang trên đà phát triển, con người ta lại tự bằng lòng với chính mình, với những gì mình đang có. Họ chọn lối sống an phận thủ thường, chỉ cần đủ ăn đủ mặc là được.

Có lẽ vì tâm lý thích an nhàn, ít cầu toàn, cầu tiến cộng thêm lối ứng xử cả nể, ngại đấu tranh nên rất nhiều người hiện nay đang thiếu đi một “lý tưởng sống” cho mình. Dường như họ đang “thiếu lửa” không dám nghĩ, dám làm và ước mơ một cái gì đó lớn lao.

Cuộc sống phát triển, nhưng nhiều người trẻ lại chậm bắt nhịp với sự phát triển đó. Thay vì học hỏi, tìm tòi nâng cao tri thức, tư duy, nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ biết sáng Facebook, chiều Facebook. Đến nằm mơ, cũng là chơi Facebook.

Không Facebook, thì họ lao đầu vào những trận game, cắm mặt vào máy tính thâu đêm suốt sáng. Trên mạng ảo thì hẳn là những “anh hùng bàn phím”, nhưng ngoài đời hỏi 10 người Chủ tịch huyện mình là ai thì có đến 9 người không biết, thậm chí họ còn đọc sai cả tên Chủ tịch xã.

Hàng đêm, các chàng trai cô gái rủ nhau đến những quán cà phê, trà sữa bàn đủ chuyện trên trời dưới đất. Hỏi nhiều bạn trẻ hiện nay muốn có gì? Câu trả lời nhận được đều là “muốn có nhiều tiền”. Thế nhưng, cái họ ước chỉ là tiền, còn cách nào để có được tiền thì họ không nghĩ tới.

Chính vì thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh, không ước mơ, không biết cầu tiến nên nhiều người dù “ôm” vài tấm bằng đại học trong tay vẫn đành chấp nhận con trâu đi trước cái cày theo sau.

Thực trạng ấy, tồn tại từ năm này qua tháng nọ, khiến cho những người trẻ sống trong thời đại mới đang cũ dần. Vì cái sự an phận thủ thường, mà nhiều người hài lòng, họ chọn “nằm yên” và bỏ qua mất đi thứ quý giá nhất của tuổi trẻ, đó là nhiệt huyết.

Xem thêm:
Sĩ diện là gì? Vì sao nói "người càng bất tài càng sĩ diện hão"?
Giải thích ý nghĩa câu "Nghĩa tử là nghĩa tận" là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Gieo gió gặt bão" trong cuộc sống

Học cách cầu tiến để không còn suy nghĩ “an phận thủ thường”

Thay vì sống an phận thủ thường, giới trẻ ngày nay nên học cách rèn luyện tinh thần cầu tiến, để đánh thức tư duy, suy nghĩ bên trong. Đây là cách tốt nhất để giúp mỗi người đi đến sự thành công.

Vậy làm thế nào để có được sự cầu tiến ấy? Dưới đây là những cách giúp bạn có được một tinh thần cầu tiến:

Khơi gợi ý chí phấn đấu

Chúng ta đều là những cá thể riêng biệt, có tính cách, quan điểm cũng như xuất phát điểm khác nhau. Cuộc sống là một chuỗi những khó khăn thách thức khiến nhiều người chấp nhận đầu hàng, để giữ lấy những điều tốt đẹp hiện tại. Thế nhưng, chính tư duy “an phận” đã bóp nghẹt nỗ lực tiến về phía trước.

Mỗi người cần học cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, nhìn xung quanh xem người ta đang phấn đấu, nỗ lực thế nào để đạt được thành công. Hiện thực chính là liều thuốc thức tỉnh tinh thần tốt nhất giúp chúng ta thoát khỏi thế giới yên bình, thúc đẩy sự phấn đấu của bản thân.

Tập thói quen phân tích, đánh giá khách quan

Chúng ta có quyền có nhiều mục tiêu, nhưng hãy nhớ rằng không phải tất cả đều sẽ khả thi. Thực hiện những mục tiêu quá xa vời sẽ không mang lại kết quả như mong đợi.

Thất bại có thể khiến bạn nản lòng, nhưng đừng vội buông xuôi. Chúng ta cần tỉnh táo để phân tích và đánh giá dựa trên các điều kiện cụ thể để đưa ra hướng phấn đấu phù hợp với năng lực bản thân. Đi từng bước nhỏ vẫn có thể đưa bạn đến được thành công, miễn bạn đừng bỏ cuộc.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ
Người trẻ nên học hỏi nâng cao kỹ năng, thoát khỏi vùng an toàn của lối sống an phận thủ thường - Ảnh: Internet

Luôn tâm niệm “thất bại là mẹ thành công”

Không có con đường nào là bằng phẳng. Do đó, phải luôn tâm niệm “thất bại là mẹ của thành công”. Thất bại chính là cơ hội để chúng ta làm lại bằng cách thông minh hơn, loại bỏ những “cản trở” mà chúng ta đã từng gặp trước đó.

Bài học rút ra sau mỗi thất bại không chỉ giúp ích bạn cho lần chinh phục này mà còn cho nhiều mục tiêu chinh phục khác.

Kiên định với lập trường của mình

Chúng ta có thể lắng nghe những lời góp ý, sẻ chia của những người xung quanh, nhưng chỉ bản thân ta mới hiểu năng lực thực sự của mình. Cho nên, hãy kiên định với những điều mình đã quyết định khi bạn đã phân tích, đánh giá kỹ lưỡng kế hoạch của mình.

Không mong chờ sự may mắn

Sống trên đời, đừng mong chờ vào vận may. Mọi hành trình điều cần dựa trên sự nỗ lực thực tế của chính bạn. Cuộc sống luôn vận động không ngừng, và chúng ta phải tự ý thức để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.

Một người biết cầu tiến là một người không chỉ hiểu rõ năng lực bản thân mà còn phải biết chịu trách nhiệm với mỗi bước đi mình đã vạch ra, nỗ lực nâng cao năng lực mỗi ngày để có thể chinh phục mục tiêu đúng theo kế hoạch.

Ca dao tục ngữ, câu nói về sự an phận

Ca dao, tục ngữ hay những câu nói hay về sự an phận dưới đây không mang hàm nghĩa xấu. Bởi chúng được đúc kết từ ngàn đời xưa, hàm nghĩa tích cực của “an phận thủ thường” vẫn được giữ nguyên trong từ câu nói.

1. An phận là hơn
An phận thân vô nhục.

2. An phận thu nhân, an thân tu nết.

3. Đàn cầm ai nỡ đứt dây
Ngẫm mình vô tội ai gây oán thù.

4. Ở sao như quế trên rừng
Thơm không ai biết, ngát lừng ai hay.

5. Xuống lên thăm bạn kẻo buồn
Gỗ đâu trôi ngược về nguồn mà lo.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ
Những câu tục ngữ, thành ngữ, nói về sự an phận hay và ý nghĩa - Ảnh: Internet

6. “Biết đủ trong cái đủ của mình thì luôn luôn đủ.” - Lão Tử

7. “Hãy biết ơn vì những gì mình có, rồi bạn sẽ có nhiều hơn. Nếu bạn tập trung vào những gì mình không có, bạn sẽ không bao giờ có đủ." - Oprah Winfrey

8. “Sự thỏa mãn khiến người nghèo giàu có; bất mãn khiến người giàu nghèo khổ.” - Benjamin Franklin

9. “Vì mình không tranh, cho nên thiên hạ không có thể cùng tranh nổi.” - Lão Tử

10. “Ai là người giàu có? Đó là người biết vui mừng với phần của mình.” - Benjamin Franklin

Trong xã hội hiện đại, “an phận thủ thường” đồng nghĩa với chấp nhận thiệt thòi, ngay cả khi bị tước đoạt lợi ích, họ vẫn chấp nhận để được yên thân. Cách sống này không tốt, cũng không được khuyến khích trong cộng đồng. Chúng ta an phận, nhưng chúng ta không nên chấp nhận sống trong “thế thủ”. Mạnh mẽ, tự tin, cầu tiến mới chính là con đường tốt nhất để mỗi cá nhân có thể phát triển và vươn xa trong tương lai.

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để có thể cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích khác.