Sĩ diện là gì? Vì sao nói "người càng bất tài càng sĩ diện hão"?

(VOH) – Có một vị tác gia từng nói “Sĩ diện là thứ khó buông bỏ nhất, nhưng cũng là thứ vô dụng nhất”. Vậy sĩ diện là gì?

Đâu đó chúng ta vẫn thường nghe được rất nhiều người nói “anh ta là đồ sĩ diện, “chị ấy có tính sĩ diện hão”… nói nhiều thành quen nên dần ai cũng cho sĩ diện là một cái gì đó rất tệ. Thế nhưng thật ra ý nghĩa ban đầu của từ sĩ diện không hề xấu. Vậy sĩ diện là gì và từ khi nào ý nghĩa từ sĩ diện không còn tốt đẹp như xưa?

1. Sĩ diện là gì?

Từ “sĩ diện” là một từ ghép của tiếng Việt, gồm hai từ Hán – Việt, là “sĩ” và “diện” ghép thành. Theo đó:

  • "Sĩ" (士): có nghĩa là người trí thức, người có học thức, người có phẩm chất đạo đức cao. Trong quá khứ, từ này thường được sử dụng để chỉ các quan chức thời xưa, người có địa vị và người yêu nước.
  • "Diện" (面): có nghĩa là mặt, vẻ bề ngoài. Từ này thường được sử dụng để chỉ diện mạo của một người (tai, mắt, má, mũi, miệng), nét đẹp, tốt hoặc xấu của một người. Hoặc để miêu tả sự tôn trọng, danh dự và uy tín của một người trong xã hội.

Theo từ điển tiếng Việt, từ “sĩ diện” khi là danh từ mang ý nghĩa thể diện cá nhân (ví dụ: mất hết sĩ diện, giữ sĩ diện). Còn khi là động từ (khẩu ngữ), “sĩ diện”  chỉ những người muốn làm ra vẻ không thua kém ai để được coi trọng.

Sĩ diện tiếng Anh được dịch là “face”, có ý nghĩa là những cái bên ngoài làm mình được coi trọng khi đứng trước mặt người khác. Ví dụ: It's a major loss of face for the police. (Đó là một sự mất mát lớn cho thể diện của lực lượng cảnh sát.)

Sĩ diện là gì 1
Dù nghe nhắc đến rất nhiều nhưng "sĩ diện là gì" thì không phải ai cũng biết - Ảnh: PAP15

Như vậy, từ “sĩ diện” có thể hiểu đơn giản là sự tôn trọng, danh dự và uy tín của một người trong xã hội dựa trên phẩm chất đạo đức, sự trí thức và năng lực của người đó. Thời xưa, người ta dùng từ “sĩ diện” để miêu tả những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trí tuệ và kiến thức rộng lớn. Họ được xem là người có giá trị trong xã hội.

“Sĩ diện” cũng có thể được sử dụng để miêu tả sự tinh tế và lịch thiệp trong cách ứng xử của một người thông qua lời nói, suy nghĩ, hành động, vẻ bề ngoài cho phù hợp với các tiêu chuẩn chung để nhận được sự tôn trọng từ người khác, hoặc muốn che giấu sự thua kém của mình để không bị coi thường.

2. Hàm nghĩa chân chính của sĩ diện

Trước đây, trong năm giai cấp chính "Sĩ nông công thương binh" trong xã hội xưa dưới các triều đại quân chủ, “sĩ’ được được xếp ở vị trí đầu tiên. Điều đó cho thấy tri thức thời xưa đóng một vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội.

Trong cuốn “Luận ngữ” có câu “Hành dĩ hữu sỉ, sử vu tứ phương, bất nhục quân mệnh”. Đại ý là một người có trí thức phải biết chịu trách nhiệm đối với những hành vi của mình, có ý thức trách nhiệm, có cảm giác xấu hổ và biết giữ trong sạch nhân cách, phẩm chất của bản thân. Đồng thời phải có ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người như thế sẽ không bao giờ làm những việc khiến quốc gia hổ thẹn, bản thân bị sỉ nhục. Đây được gọi là “sĩ”.

Kẻ sĩ trong văn hóa truyền thống là người được xã hội trọng vọng. Họ là những người có nhân cách, đạo đức, phong thái, tài năng đều vượt xa người thường.

Vậy thì đối với một người mà nói, vẻ ngoài có học thức, sang trọng, quý phái, lịch lãm, trầm ổn là điều ai cũng muốn hướng tới. Người có trí thức hiểu biết lễ nghĩa, giữ “sĩ diện" cũng là một lẽ tự nhiên.

Chỉ là ngày nay khi các giá trị văn hóa truyền thống đang bị phai nhạt dần, thậm chí bị hiểu sai lệch làm mất đi nội hàm vốn có của nó. Khi chỉ còn phần vỏ ngoài (diện) rỗng tuếch, từ sĩ diện này hầu như chỉ còn được dùng với ý nghĩa tiêu cực.

3. Vì đâu “sĩ diện” khoác trên mình hàm nghĩa tiêu cực?

Từ “sĩ diện” ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ thích khoe khoang, tự cao tự đại, thích làm ra vẻ có học thức. Lâu lâu chúng ta vẫn được nghe những câu như “anh ta rất sĩ diện”, “cô ta quá sĩ diện”…với hàm ý chê bai, rằng “sĩ diện” là một cái gì đó không tốt, không nên.

Vì sao một từ ngữ với hàm nghĩa ban đầu đang tốt đẹp, lại dần khoác lên mình hàm nghĩa tiêu cực? Có lẽ nguyên nhân xâu xa của nó bắt nguồn từ chính phong trào chống trí thức tại Trung Quốc (phong trào Trăm hoa đua nở 1956-1957), nhưng lại có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Sau phong trào này, những người đạt được kiến thức tại Trung Quốc được coi là xấu. Những người trí thức bị xếp vào loại hôi thối thứ chín, tệ nhất trên bậc thang từ một tới chín.

Cũng chịu ảnh hưởng cuộc đại cách mạng văn hóa và phong trào chống trí thức này mà từ “sĩ” bị xem như một sự sỉ nhục, và ở Việt Nam, từ “sĩ diện” bỗng khoác lên mình hàm nghĩa xấu xa. Trong khi ở thời xa xưa, với người bình thường “sĩ diện” cần lắm, với trí thức lại càng cần hơn.

Xem thêm:
Liêm sỉ là gì? Vì sao 'liêm sỉ' lại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày?
Nhạy cảm có ý nghĩa gì? Người nhạy cảm nhiều ưu thế hơn trong cuộc sống không?
Tinh tế là gì? Làm thế nào để trở thành người tinh tế, sâu sắc?

4. Vì sao sĩ diện hão lại là thói quen hại mình?

Như vậy, xét theo ý nghĩa tích cực bất cứ chúng ta ai cũng cần có sĩ diện, nhưng xin đừng nhầm lẫn giữa “sĩ diện” và “sĩ diện hão” đang ngày một lan rộng và gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho sự phát triển của văn hóa, kinh tế, giáo dục và mọi mặt của đời sống xã hội.

Sĩ diện là gì 2
Trong xã hội có rất nhiều người quen thói sĩ diện hão để mong muốn được tôn trọng, tán dương - Ảnh: Dolenglish

Vậy sĩ diện hão là gì? Đó là sự giả tạo, khoe mẽ, hợm hĩnh, bảo thủ, giấu dốt, phù phiếm… cố muốn làm người khác tôn trọng mình bằng những điều mình không có. Người sĩ diện hão luôn tự nâng mình lên quá tầm của mình, và thích thú khi nhận được những lời khen tặng có cánh hoặc sung sướng khi được người khác nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ hay ghen tị.

Biểu hiện của thói sĩ diện hão là muôn hình vạn trạng mà nhìn ở đâu trong xã hội này cũng điều thấy. Bạn đi làm mà chẳng bao giờ hỏi tiền công vì không muốn cái sự “hỏi tiền” làm mất cái thanh cao của người tri thức, đó là sĩ diện hão.

Nếu bạn chỉ khăng khăng làm những việc xứng đáng với chuyên môn chỉ vì không muốn tự hạ thấp mình, thì đó là sĩ diện hão. Khi bạn cố làm những việc mà thừa biết quá sức nhưng vì cho rằng từ chối hay thừa nhận mình không đủ khả năng là việc xấu hổ, bạn cũng đang sĩ diện hão.

Thời xưa có một câu chuyện cười thế này: Có một anh học trò trong nhà rất nghèo nhưng lại rất sĩ diện, nên đi đâu anh cũng cố tỏ vẻ hào phóng, chưa bao giờ nói trong nhà thiếu tiền.

Đêm ấy, có tên trộm nghĩ là anh thật sự giàu có nên đã mò vào ăn trộm thì lại phát hiện trong nhà ngoài 4 bức tường thì chẳng có gì cả, bèn nói: “Xui thật! Ra là một tên nghèo kiết xác!”.

Nghe vậy, anh học trò vội vàng mò ở đầu giường mấy đồng tiền đưa cho tên trộm và nói: “Là ngươi tới không đúng lúc, cầm lấy tiền này đi đi. Nhưng mà ngươi ra ngoài để lại cho ta chút thể diện; tuyệt đối đừng nói là nhà ta nghèo rớt mồng tơi đấy!”

Anh học trò nghèo cuối cùng thà để bị chết đói chứ không để mất sĩ diện, mà cái sĩ diện của anh là sĩ diện hão, tự hại mình.

Phải thừa nhận một điều, ai trong chúng ta ít hay nhiều cũng đều có tính sĩ diện hão, mà điều này có từ cổ chí kim chứ chẳng phải mới xuất hiện ở thời đại này. Thậm chí, tính sĩ diện hão cũng đã được ẩn dụ trong rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ Việt Nam như “con gà tức nhau tiếng gáy” hay “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”,…

Chính vì hiểu rõ sĩ diện hão mang đến nhiều hệ lụy nên người ta dần sợ nó, cứ thấy ai có vẻ hơi… nhiều sĩ diện là người ta lại phê phán, bởi vì nó làm con người sống mà rời xa thực tế, càng “hão” lại càng xa. Cuối cùng biến cả đời của mình thành hư ảo, không một chút thảnh thơi.

Bên cạnh sĩ diện hão, không biết sĩ diện cũng là một “cái gai” gây nhức nhối xã hội ngày nay. Khi các giá trị truyền thống bị lãng quên trong lòng người dân, thì không chỉ “sĩ diện”, mà cả “diện” theo nghĩa thông thường nhất người ta cũng không còn giữ được.

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay đã không còn chú trọng các nghi lễ lịch sự cơ bản, mặc quần áo ngủ ra ngoài đường, ăn mặc hở hang khoe hết mọi thứ… Liệu rằng đây có phải là hậu quả của việc không biết giữ “sĩ diện” không?.

5. Căn bệnh “sĩ diện” trong tình yêu là gì?

Cũng giống như cuộc sống, trong tình yêu cũng tồn tại căn bệnh sĩ diện hão. Và đặc biệt căn bệnh sĩ diện trong tình yêu thường gặp nhiều ở đàn ông.

Về bản chất, đàn ông sĩ diện không phải điều xấu nhưng khi sự sĩ diện đặt không đúng hoàn cảnh thì nó lại trở thành vấn đề. Khi bạn chỉ là một người có điều kiện kinh tế bình thường nhưng vì tính sĩ diện đàn ông, bạn vẫn thể hiện mình là một người giàu có lắm tiền. Bạn dẫn người yêu đi ăn ở những nơi sang trọng, tặng người yêu những món quà đắt tiền,… trong khi tiền sinh hoạt hàng tháng phải xin bố mẹ, hoặc vay mượn bạn bè.

Một tình yêu mà ngay từ đầu đã có sự giấu diếm, không thành thật thì điều tất yếu sẽ nảy sinh bi kịch cho chính tình yêu của hai người, khi một ngày người yêu phát hiện những thứ bạn thể hiện chỉ là cái vỏ bề ngoài.

Sĩ diện là gì 3
Trong hôn nhân và tình yêu sĩ diện hão được coi là "căn bệnh không có thuốc chữa" - Ảnh: VNE

Đó là với những người đang yêu, trong hôn nhân, sĩ diện hão cũng được coi là “căn bệnh không có thuốc chữa”. Nếu một người đàn ông chưa hoàn thành vai trò trách nhiệm làm chồng, làm cha của mình nhưng lại thích “cứu rỗi thế giới” thì về lâu dài gia đình rất dễ sinh ra mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí ly dị vì không tìm được tiếng nói chung.

Để nhận diện một người có tính sĩ diện trong tình yêu, bạn cần quan sát họ thông qua những đặc điểm sau:

  • Luôn khoe khoang về sự giàu có của bản thân và gia đình: Một người luôn miệng nói về tiền bạc, sự giàu có của mình, thì họ đích thị là một người coi trọng vật chất hơn tình yêu. Trong mắt họ, bạn cũng chỉ là một người ham vật chất, đến với họ vì tiền.
  • Ăn nói tục tĩu, thích dùng bạo lực khi mâu thuẫn đám đông: Đây là biểu hiện của một kẻ cộc cằn, vũ phu. Gửi gắm cuộc đời vào người đàn ông này tương lai bạn sẽ rất khó có được hạnh phúc.
  • Thích thể hiện mình là người thông minh, tài giỏi quá mức: Đây cũng đồng nghĩa với việc coi thường, xỉa xói, chê bai người khác. Nếu yêu đương với người này, liệu bạn có được tôn trọng, yêu thương hết lòng trong cuộc sống hôn nhân về sau không?

6. Làm sao để sửa được thói sĩ diện đã “ăn” sâu vào máu?

Có một tác gia từng nói: “Sĩ diện là thứ khó buông bỏ nhất, nhưng cũng là thứ vô dụng nhất”. Tuy nhiên, con người ta vẫn cứ thích cố đánh bóng vẻ bên ngoài bằng những thứ hào nhoáng như nhà cửa, xe cộ, trang sức… một phần là để che lấp cái trống rỗng bên trong, một phần cũng do trong xã hội, một bộ phận người dân quá đề cao những thứ bề ngoài, những giá trị vật chất.

Do đó, để có thể sửa đổi được thói sĩ diện hão đã “ăn” sâu vào máu qua nhiều thế hệ, chúng ta cần phải có một sự phản tỉnh, tức là phải biết suy nghĩ cái gì là quan trọng nhất trước khi làm bất cứ một việc gì. Ngoài ra, mỗi người chúng ta cũng cần phải không ngừng học:

  • Học để có kiến thức cho mình.
  • Học lại những giá trị nền tảng để hiểu con người được tôn trọng bởi những điều bên trong chứ không phải những thứ phù phiếm bên ngoài.
  • Học để biết cách ứng xử, đi đứng, nói năng đúng mực, đúng giá trị của mình và được tôn trọng đúng nghĩa.
  • Học để biết chấp nhận bản thân, để biết được vị trí của mình hiện tại mà cố vươn lên bằng thực lực chứ không phải đạp người khác xuống để tự coi mình cao hơn.

Một người biết sĩ diện đúng chỗ, đúng lúc sẽ luôn được tôn trọng dù chỉ mặc một cái áo một trăm ngàn, đi xe máy cà tàng. Vậy nên thay vì cứ mãi chạy theo những thứ hữu danh vô thực, chi bằng, làm người, làm việc một cách chân thành, chỉ cần bạn sống tử tế, người khác tự nhiên sẽ tôn trọng bạn.

Xem thêm:
Lương tâm có giá bao nhiêu? Muốn có một lương tâm nhẹ nhàng thanh thản phải làm sao?
Chính trực là gì? Những biểu hiện của đức tính và cách để phát huy
Chịu đựng là gì? Bạn có phải là người giỏi chịu đựng?

7. Sĩ diện và thể diện giống hay khác nhau?

Chúng ta thường rất hay nhầm lẫn “sĩ diện’ và “thể diện”. Tuy nhiên, thực chất đây lại là hai khái niệm khác nhau, mỗi khái niệm đề cập đến một khía cạnh khác nhau của con người.

Sĩ diện là gì 4
Sĩ diện và thể diện là hai khái niệm khác nhau - Ảnh: Internet

Thể diện thường được sử dụng để chỉ vẻ bề ngoài của một người, cách ăn mặc, cách trang điểm, cách ăn uống, hoặc hành vi, cách cư xử, trình độ văn hóa và xã hội của người đó. Từ "thể diện" có thể được sử dụng để miêu tả sự đẹp, tốt hoặc xấu của một người, tùy thuộc vào quan điểm của người nhìn. Ngoài ra, nó còn liên quan đến phẩm giá và uy tín mà một có được trong các mối quan hệ xã hội của họ.

Trong khi đó, sĩ diện thường được dùng để chỉ sự đức hạnh, phẩm chất đạo đức, lời nói lịch sự, sự hiểu biết, trí thức của một người. Từ "sĩ diện" có thể được sử dụng để miêu tả sự tinh tế và lịch thiệp trong cách ứng xử của một người, đặc biệt trong các mối quan hệ cộng đồng hoặc giao tiếp xã hội.

8. Những câu ca dao tục ngữ, câu nói hay về sĩ diện

Cùng điểm qua một số câu ca dao tục ngữ cùng những câu nói hay về sĩ diện được đúc kết thông qua kinh nghiệm sống của người xưa.

1. Thầy làng không sang cũng trọng
Quan huyện thì không lọng cũng xe.

2. Bảnh bao thôi cũng nhờ người
Áo tâm đi mượn, áo dài đi thuê.

3. Ra đường quần lĩnh áo the
Về nhà không có con me (con bê) mà cày.

4. Con gà tức nhau tiếng gáy

5. Trưởng giả học làm sang

6.  Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại

7. Kẻ sĩ diện không có bình yên, người hay giận ít có tiếng cười, còn ai hay chán ngán thì không có bạn bè. - Ngạn ngữ Ả Rập

8. Sĩ diện là thứ khó buông bỏ nhất, nhưng cũng là thứ vô dụng nhất . - Khuyết danh

Đã đến lúc mỗi người chúng ta cần ý thức thật rõ giá trị của bản thân. Đó chính là cuộc sống với những giá trị chân - thiện - mỹ đích thực, trong đó mỗi người đều được sống là chính mình, không phải đóng vai, đóng thế theo những kịch bản cuộc đời chỉ để đạt được cái danh “sĩ diện hão”.

Tổng hợp