Thơ Chế Lan Viên không còn quá xa lạ với những tâm hồn yêu thơ. Đây là một trong những cây bút tiêu biểu cho phong trào Thơ mới. Thơ ông rất đa dạng và độc đáo, từ kỳ dị, bí ẩn cho đến tươi vui, hào hùng. Nhà thơ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc, góp phần cho sự thịnh vượng của nền văn học Việt Nam.
1. Đôi nét về Chế Lan Viên
1.1 Cuộc đời và sự nghiệp
Chế Lan Viên (1920 - 1989) tên thật là Phan Ngọc Hoan, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị. Ông được biết đến với nhiều bút danh như Thạch Hãn, Chàng Văn, Oah (tức Hoan). Năm 17 tuổi, Chế Lan Viên cho ra đời tác phẩm Điêu Tàn, ghi tên mình vào hàng ngũ nhà thơ tiêu biểu lúc bấy giờ.
Năm 1939, Chế Lan Viên ra Hà Nội học, vào Sài Gòn làm báo. Sau đó, nhà thơ lại về Thanh Hóa dạy học. Đến năm 1942, ông xuất bản tập văn Vàng sao. Năm 1945, ông cùng với Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư tham gia kháng chiến. Trong giai đoạn này, Chế Lan Viên viết báo và làm biên tập viên cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến.
Năm 1954, Chế Lan Viên làm biên tập viên báo Văn học. Từ năm 1956 - 1958, nhà thơ công tác ở phòng văn nghệ, Ban tuyên huấn trung ương. Nhiều năm liền, ông là thành viên trong ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam. Không những thế, cây bút tài hoa này còn là ủy viên Ban văn hóa - giáo dục, đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa IV, V, VI.
Sau 1975, Chế Lan Viên sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Chế Lan Viên cho ra đời nhiều tập thơ như Điêu Tàn (1937), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967), Hoa trước lăng Người (1976),... Ngoài ra, ông còn viết các tác phẩm văn xuôi Vàng sao (1942), Thăm Trung Quốc (1963), Bác về quê ta (1972),... hay tiểu luận phê bình Nói chuyện thơ văn (1960), Phê bình văn học (1962), Nghĩ cạnh dòng thơ (1981),...
1.2 Phong cách thơ Chế Lan Viên
Thơ Chế Lan Viên là dòng suối ngọt lành “tắm mát” cho tâm hồn, giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu sâu nặng dành cho quê hương, đất nước và con người. Đồng thời, những vần thơ ấy cũng không quên phản ánh những khó khăn, thử thách và nỗi đau mà đất nước, con người Việt Nam phải đối mặt trong thời điểm ấy.
Có thể nói, con đường thơ của Chế Lan Viên trải qua nhiều biến động theo từng chặng đường. Trước Cách mạng Tháng Tám, thơ ông mang khuynh hướng thần bí, kinh dị, đậm phong cách “trường thơ loạn”. Trong thời kỳ 1945 - 1975, các tác phẩm của ông có sự thay đổi rõ rệt. Đề tài chủ yếu là viết về đất nước và cuộc sống nhân dân, có chất chính luận, thời sự. Sau 1975, thơ Chế Lan Viên là những trăn trở, băn khoăn cái “tôi” vĩnh hằng của đời sống.
Phong cách thơ Chế Lan Viên vô cùng độc đáo, giàu tính suy tưởng, triết lý. Ông là một trong những cây bút tiêu biểu, "nhân sư" của thi đàn Việt Nam.
Hãy cùng lắng đọng, nhâm nhi tách trà, ngâm nga vài câu thơ chất chứa một chút “tình và đời” của Chế Lan Viên!
Xem thêm:
Tuyển tập 25 bài thơ của Tố Hữu sống mãi trong lòng người đọc
Thơ Xuân Quỳnh: gợi nhớ, gợi thương khiến người đọc vấn vương mãi không thôi!
2. Thơ Chế Lan Viên trước 1945
Thơ Chế Lan Viên trước năm 1945 mang đậm phong cách bí ẩn, ma mị, có một chút gì đó Điêu tàn, thoát ly hiện thực. Đây có thể được xem là giai đoạn đáng chú ý của ông, mang đến cho người đọc cảm giác nỗi niềm hoài cổ về một thời vàng son, oai hùng của đất nước.
2.1 Ánh sáng
Cả trời đất đêm nay tràn ánh sáng
Bên Chiêm nương ta say uống nguồn mơ
Miệng đầy trăng khôn cất một lời thơ
Mắt đầy ánh sao sa khôn thể nhắm
Tai đầy tiếng ái ân lời say đắm
Cũng không nghe tiếng động của trần gian
Mũi đầy hương xa lạ xứ Hoa Trăng
Ngăn hơi thở. Trí thơ ngây đầy mộng
Cũng khôn gieo lấy một vài ý tưởng.
Có ai không trên tận đảo mây trôi?
Quăng xuống đây dải lụa, hỡi ai ơi!
Để mau đem hồn ta đi cõi khác!
Trời thăm thẳm! Lời vang không tiếng đáp!
2.2 Mơ trăng
Mây chắp lụa dài vây núi biếc
Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng
Thuyền ai giỡn nước sông Ngân ấy
Mà để sao sa xuống cõi trần?
Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ
Tiếng khua vang rạn khớp đầu ta?
Có ai rên rỉ ngoài thôn lạnh
Như tiếng xương người rên rỉ khô?
Mơ rồi! Mơ rồi! Ta mơ rồi!
Xạc xào chỉ có lá vàng rơi
Quanh mình bóng tối mênh mang cả
Thấp thoáng đôi hồi lửa đốm soi.
2.3 Chiều chiều
Trăng tắt lâu rồi
Mà sao cánh gió
Cành cao chưa rời?
- Mà sao thương nhớ
Vẫn còn trong tôi
Xa nhau lâu rồi.
Chiều xưa đã tắt
Chiều nay chuông chùa
Vẫn còn tiễn đưa
- Chiều nay tôi nhác
Một lời chiều xưa
Từ chiều xưa tắt...
Chừ trải phương nao
Những chiều năm ngoái
Những chiều chưa tới
Bây giờ đợi đâu?
- Hồn tôi lạc lối
Ở trong chiều nào?
Gần nhau một chiều
Xa nhau trọn kiếp
Mà lòng còn yêu
Mà còn ngỡ hẹn
Gặp nhau một chiều
- Trăm chiều lạnh lẽo
Nghìn chiều quạnh hiu...
2.4 Đường đi trăm lối
Có những con đường quanh co nổi giận
Quá lên cao chết đi theo núi rậm
Những con đường theo dõi một người qua
Để đến đây nhường cuộc trước thềm hoa
Đây một con đường và đây hương lúa
Của đồng thơm trên lòng đường trải lụa
Ôi, giờ đây giam cấm cả mùa xuân
Trong lẫm cao kín đáo đến trăm lần
Có những con đường vỡ ra từng khúc
Cả đường gãy dưới núi xe nặng nhọc
Đây ý của đường bóng mát cây tươi
Và lòng đường, đường muôn dặm xa khơi
Là một con đường, lòng tôi đau khổ
Im lặng xé mình theo muôn xe cộ
Đường nào đâu vào hẳn giữa lòng xe?
Xe nào đâu theo mãi lối đường đi?
2.5 Đợi người Chiêm nữ
Tối hôm nay chị Hằng nghiêm nghị quá
Dãy cây vàng đợi mộng, đứng im hơi
Không một mối trăng ngà rung muôn lá
Không một làn mây bạc vẩn chân trời.
Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo, lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong im lặng của đồng quê.
Bên cửa tháp ngóng trông người Chiêm Nữ
Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng
Vài ngôi sao lẻ loi hồi hộp thở
Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng!
Nàng không lại, và nàng không lại nữa!
Cả thân ta dần tan trong hơi thở
Ôi đêm nay, lòng hỡi, biết bao sầu!
Kìa trời cao, trên mãi chín tầng cao
Hồn ta bay trong một làn khói tỏa
Chẳng biết rồi lưu lạc đàn nơi nao?
2.6 Không đề
Chẳng bao lâu đêm tối lạnh chân thềm
Hoa nhân ảnh dần rơi trên tấm vách
Của sông núi xây sầu như bóng khách
Bóng người qua nhà vũ trụ hoang tàn
Chiếu chăn ta, đen tối đến ăn nằm
Nơi ngõ sống hoa cười bóng cợt
Chỉ còn gió - han dài - rên tiếng sót
Thổi hư không cho bể chết dâng thành
Bề mất màu ru sóng tắt âm thanh
Nên mây nước chữa tan vàng huyễn mộng
Gối nhan sắc vẫn tham rồng tiếc phụng
Mắt ảo huyền còn rỡn đóa hư không
Lạnh thây con, tay mẹ vẫn ru bồng!
Ta còn nắm nhành đan. Son nếp áo
Chút tên tuổi vẫn chói ngời diễm ảo
Bạn phù du, ta đứng với thiên nhiên
Sáng tươi vui lòng giữ vững hoa đèn.
2.7 Đêm xuân sầu
Trời xuân vắng. Cỏ cây rên xào xạc
Bóng đêm luôn hoảng hốt mãi không thôi
Gió xuân lạnh, ngàn sâu thôi ca hát
Trăng xuân sầu, sao héo, cũng thôi cười.
Trên đồi lạnh, tháp Chàm sao ủ rũ
Hay hận xưa muôn thuở vẫn chưa nguôi?
Hay lãnh đạm, Hời không về tháp cũ
Hay xuân sang. Chiêm nữ chẳng vui cười?
Bên tháp vắng, còn người thi sĩ hỡi
Sao không lên tiếng hát đi, người ơi?
Mà buồn bã, âu sầu trong đêm tối
Người vẫn nằm há miệng đớp sao rơi?
2.8 Đọc sách
Ta nằm đọc sách trong vườn chuối
Chim khách trên nhành hót líu lo
Gió bay nhộn nhịp không ra lối
Hoa tàn luống cuống chẳng nên thơ.
Trời xanh ới hỡi! Xanh khôn nói
Hồn tôi muốn hiểu chẳng cùng cho!
Có cánh chim gì bay chới với
Chết rồi! Nó lạc giữa Hư Vô!
Kìa kìa nắng nở hoa muôn sắc
Trên những tàu tiêu rợn ý trinh
Kìa kìa, nắng bọc muôn hình xác
Những nét thơ tràng cổ sách xinh.
2.9 Nắng mai
Bóng đêm tan trên đồng xanh vô tận
Nắng trời bay phấp phới bọc muôn cây
Chốn cao xa, trên trán giời không giới hạn
Làn tóc mây đùa rỡn bảo nhau bay.
Cả vũ trụ biến dần ra ánh sáng
Nước sông Linh hòa lẫn nắng trời tươi
Nắng trời tươi, tưng bừng bay tản mạn
Gợi lòng ta bao dấu vết xa xôi.
Ta vẫn thấy hồn ta buồn ủ rũ
Và cõi lòng dày đặc bóng đêm mờ
Vì, bạn ơi, trong bao tia nắng rỡ
Tia nào đâu rơi tự nước Chàm ta?
2.10 Xuân
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?
- Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!
Có đứa trẻ thơ không biết khóc
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!
Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
Xem thêm:
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam
Tổng hợp 47 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về lòng yêu đất nước - tình cảm cao quý được trao truyền bao thế hệ
8 bài thơ 4 chữ về quê hương - Một làng quê Việt Nam yên bình, mộc mạc
3. Thơ Chế Lan Viên từ 1945 - 1975
Thơ Chế Lan Viên từ 1945 - 1975 có sự chuyển biến rõ rệt. Giai đoạn này, ngòi bút của ông có khuynh hướng đậm chất chính luận, sử thi hào hùng. Ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong văn học Việt Nam. Với tinh thần cách mạng đầy bản lĩnh và trách nhiệm, nhà thơ đã viết nên những bài thơ cảm xúc về cuộc sống và tình yêu đất nước. Đặc biệt, bài thơ Con cò của Chế Lan Viên được độc giả đánh giá cao.
3.1 Con cò
I
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay:
“Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Đăng…”
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng…”
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.
II
Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
Mai khôn lớn, con theo cò đi học
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn.
III
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi, ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi.
3.2 Tiếng hát con tàu
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.
Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng.
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân.
Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương.
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.
Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư.
Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương.
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.
Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao.
Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ
Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta.
Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.
3.3 Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn…
Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời
Cửa vẫn đóng và Đời im ỉm khóa
“Những pho tượng chùa Tây Phương” không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ…
Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!
Có phải cha ông đến sớm chăng và cháu con thì lại muộn
Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ
Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ
Thịt xương ta giặc phơi ngoài bãi bắn
Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ…
Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thuỷ triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…
Ôi! Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!
Ta tựa vào Ngươi, kéo pháo lên đồi
Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát
Dưới chân ta, đến đầu hàng Đờ Cát
Rồng năm móng vua quan thành bụi đất
Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười!
Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác
Chim cu gần, chim cu gáy xa xa…
Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt
Đêm no ấm, giọng chèo khuya khoan nhặt
Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta.
Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê... Đảng làm nên công nghiệp
Điện trời ta là sóng nước sông Hồng
An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép
Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?
Ong bay nhà khu tỉnh uỷ Hưng Yên
Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em
Cây xanh ngắt đất bạc màu Vĩnh Phúc…
Ôi! Cái thuở lòng ta yêu Tổ quốc
Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên?
Ôi, cái buổi sinh thành và tái tạo
Khi thiếu súng và khi thì thiếu gạo
Nhưng phù sa này đẻ ra những Cà Mau thịnh vượng mai sau
Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu
Ta đẻ ra Đời, sao khỏi những cơn đau.
Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!
Ôi! Thương thay những thế kỷ vắng anh hùng
Những đất nước thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận…
Nhà thơ sinh đồng thời với mưa phùn và những buổi hoàng hôn
Cả xứ sở trắng một màu mây trắng!
Ai biết mây trên trời buồn hơn hay thơ mặt đất buồn hơn?
Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn năm nào đấy nhỉ?
Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời
Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể
Ta với mẻ thép gang đầu là đứa trẻ sinh đôi
Nguyễn Văn Trỗi ra đi còn dạy chúng ta cười…
Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.
3.4 Con lên Quế Võ
Giặc ném đê Thái Bình
Gửi con lên Quế Võ
Vừa mới bốn tuổi đầu
Đã phải lo đê vỡ.
Ngủ cùng con một đêm
Mai mẹ về công tác
Trăm sự nhờ cơ quan
Có các cô, các bác.
Ôi con tôi thương sao
Ngủ còn ghì chặt mẹ!
Bom chúng nặng nghìn cân
Mà thịt con non thế!
Máy bay xoẹt mấy lần
Mẹ giật mình chẳng ngủ
Vội quá chưa đào hầm
Đất rắn đào lại khó.
Mẹ về thăm chẳng dễ
Đường đi lắm cầu phà
Thái Bình xa lắm mà
Con chơi ngoan con nhé...
3.5 Con tập nói
Ngày ngày con dậy sớm sao...
Bi bô trăm tiếng, tiếng đầu gọi cha
Ngỡ đời trở lại tuổi thơ
Mượn môi con gọi lòng cha mỗi ngày.
Tiếng “rơi” cùng với tiếng “cầm”
Tiếng “hoa” đẹp mắt, tiếng “chăn” ấm lòng
Cha dùng quen bốn mươi năm
Dạy con, như học lại lần đầu tiên
Ngỡ đời vừa đặt lại tên
Cỏ non theo mắt con nhìn lại xanh.
3.6 Cuối năm
Ngã ba trụi lá cây bàng
Cuối năm nghe rõ thời gian qua cành
Nghe chim ngày tháng bay nhanh
Năm đi như có đời mình theo đi
Xôn xao hoa trắng lại về
Thời gian lại gọi bên kia rặng đào
Lòng vui ta có thơ chào
Xuân đâu buộc ngựa bên rào đợi ta.
3.7 Nhớ Việt Bắc
Thôi nhớ hoa xong lại nhớ người
Chiến khu phương ấy trắng mây trời
Chửa về Tuyên Thái thăm tre trúc
Hãy đến sông Hồng ngóng nứa xuôi.
3.8 Vững lòng
Ra Thanh Nghệ Tĩnh
Nhớ Bình Trị Thiên
Núi cao xanh ngắt Ba Rền
Đi ngang đỉnh núi ngoảnh nhìn mà đau
Chém cha thằng Pháp mưu sâu
Đổ bao xương máu đồng bào xứ trong
Lúa tao bay cướp giữa đồng
Người tao bay trói bay còng dắt đi
Đốt tan xóm chợ làng quê
Sống đau chết khổ cũng vì tụi bay
Gian lao tính tháng tính ngày
Dân ta kháng chiến đã đầy tám năm
Tám năm cho chí trăm năm
Còn quân ăn cướp còn cầm gươm đao
Còn đắp ụ còn phá cầu
Còn chôn bom nổ còn đào đường quan
Căm thù đã sắt lá gan
Thì cho bay rụi bay tàn mới thôi...
Mặc cho kháng chiến lâu dài...
Dù trong gian khổ nhớ lời Cụ khuyên...
Đi qua đỉnh núi Ba Rền
Ngoảnh nhìn Quảng Trị, Thừa Thiên... vững lòng.
3.9 Ngủ yên đồng chí nhé
Gửi anh lại giữa rừng
Bốn bề núi dựng
Núi hiên ngang ngất trời vách đứng
Canh mồ cho anh.
Anh hãy ngủ ỵên
Chúng tôi về đồng nội
Đơn vị phủ anh quốc kỳ đỏ chói
Chi bộ ghi thêm dấu Đảng búa liềm.
Ngủ yên anh nhé
Rừng sâu “của” mình!
Tiếng nói “chân rừng và mặt bể”
Đất nước nơi nào không cha mẹ
Sống thác nơi nào không quang vinh
Bà mẹ đồng bằng có hỏi
“Ba, thằng Ba mô rồi?”
Sẽ kể: anh giờ hấp hối
Hai tay còn ghì bộc lôi
Nhớ lời anh dặn:
“Hy sinh đến cùng
Tất cả vì dân vì Đảng”
Thét to tên anh giữa trận
Thành lời xung phong.
Ngủ yên anh nhé
Chúng tôi khởi hành
Tin chắc đồng chí nhé
Giết hết chúng để trả thù cho anh.
3.10 Đưa con ra trận
Mẹ về trong xóm
Con đi công đồn
Theo chân ra tới đầu thôn
Rót thêm bát nước chân còn muốn theo
Xác xơ đất đỏ xóm nghèo
Khoai sắn chẳng thương con mấy hôm liền con ở
Nhà dột, phên thưa, đời mẹ khổ
Tắt nắng, lun ngày, còn mong chi nữa
Các con về mấy bữa
Đời mẹ già rạng rỡ thương yêu
Mẹ mẹ, con con chưa được mấy lam chiều
Chiều nay con ra trận
Lòng mẹ thương
Nhưng thôi tình chẳng bận
Đi đi, mẹ lắng tin chờ
Chao ôi! thù mấy năm thù
Tiếc đất chưa hoá lửa để thiêu tro trại đồn
Trời chưa đổ núi nhào non
Biển chưa dâng sóng mà chôn quân giặc cướp
Súng ống ở mô các con về nườm nượp
Ngàn ngàn lớp lớp
Nghĩ xung gan mấy năm cay đắng căm hờn
Thôi, vui chừ đời mẹ đang còn
Con đêm ni để nghe quân giặc chết
Giết hết, phá tan, bắn đi cho hết
Kìa con xem làng ni khòng còn một gốc mít, một cây chè
Xóm ni không còn một đứa trẻ khóc o oe
Không một tiếng gà kêu, chó sủa
Thì bọn giặc, cũng không còn một đứa...
Con cần chi nữa
Uống thêm bát nước
Cầm thêm củ gừng
Giữ lấy tấm khăn
Ra trận đêm sương mà buộc cổ
Trời đêm ni sao mà nhiều gió rứa?
Sao đêm ni răng mà lại tỏ?
Thôi con đi
Mẹ về
Đốt lửa
Chờ con
Nửa đêm súng nổ cho dòn
Mai tin con mạnh đồn tan mẹ mừng.
Xem thêm:
Phác họa vẽ đẹp chiến đấu của người lính Việt qua 20+ bài thơ mang khí thế hào hùng
24 bài thơ về kháng chiến anh hùng bất khuất
4. Thơ Chế Lan Viên sau 1975
Sau năm 1975, cây bút tài hoa của thi ca Việt Nam vẫn tiếp tục sáng tác với những tác phẩm đầy cảm hứng và sức sống, phản ánh chân thực tình hình xã hội mới trong giai đoạn đó. Các bài thơ Chế Lan Viên vẫn giữ được phong cách đặc trưng, có giá trị nghệ thuật cao, đậm chất nhân văn và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
4.1 Màu áo tím
Tiếng bom nổ. Cả phòng lặng phắc
Cốc nước hơi chao rồi thoắt lại đầy
Khối thuỷ tinh không hề rạn nứt
Lời thơ vút cao lên sau một thoáng cau mày.
Chị nhấn nhá từng nhịp lời thong thả
Đàn tranh đàn tỳ trắng muốt bàn tay
Pháo cao xạ bên ngoài đánh trả
Máy bay thù cút thẳng phía chân mây.
Áo chị màu hoa cúc dịu êm
Bỗng dưng sắc tím chói bừng lên
Màu hoa mùa áo rồi ta nhớ
Còn tiếng bom thù ta sẽ quên.
4.2 Chung một bóng đèn
Rồi anh cách xa em như hai thiên hà thiên thể cách trùng
Đo từ anh đến em dễ triệu năm ánh sáng
Tìm hương em phải qua vạn khoảng trời vô hạn
Đâu như một thuở một bóng đèn chung, một bóng hoa chung.
4.3 Phía ấy
Sáng ra thì em đi
Gió lạnh lùa theo xe
Gió chia làm hai nửa
Một nửa theo anh về.
Phía ấy trời vắng chim
Và thư em không lại
Chỉ có tiếng bom rền
Vắng người qua để hỏi.
Phía ấy xe hàng vắng
Hàng cây nối song song
Cây liền cây tít tắp
Giăng ngọn nhớ vô cùng
Mỗi ngày không một chuyến
Cho lòng ta đỡ mong.
Khi hai đứa hai trời
Hai phía đều phía ấy
Khi hai đầu ngoảnh lại
Vầng trăng nhớ chia đôi.
4.4 Các anh xưa
Ôn Như Hầu, con sông chảy hút phía siêu hình
Nguyễn Du, vết thương lòng ta phí máu
Yên Đổ, tiếng anh khóc, dẫu cười không thể giấu
Và Tú Xương cười gằn như mảnh vỡ thuỷ tinh.
Chúng tôi thắng nơi các Anh xưa bỏ cuộc
Nhưng thiếu các Anh là điều không thể được
Chính từ nỗi đau xưa mà ta mở cuộc hành trình.
Thời đại Hồ Chí Minh không quên rừng lau Hoàng Hoa Thám
Người lái máy cày nhớ người lên máy chém lúc bình minh.
4.5 Canh cá tràu
Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế
Khế trong vườn thêm một tý rau thơm
Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ
Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!
4.6 Rét đầu mùa
Nguy nga dựng vòm mây trắng
Trang nghiêm cái rét đầu mùa
Đưa ta vào đền kỷ niệm
Nghe từng ngọn gió thu qua.
4.7 Bát canh chua
Bốc lửa máy bay thù mà suýt nữa ta thua
Quần với giặc suốt ngày, chưa hạt cơm nào vào bụng
Kìa Bụt hiện lên rồi giữa đất trời cháy bỏng
Dân bỏ đến tận chiến hào cho một bát canh chua.
4.8 Bến đò mẹ tiễn
Tiễn con ra bến đò
Bốn bề bom đạn giặc
Thuyền con đi xa khuất
Mẹ vẫn đứng trông chờ
Chín nghìn đêm đại bác
Chín nghìn ngày chia cắt
Ba mươi năm đợi chờ
Mẹ đã về nhà chưa?
Con nửa đời xa mẹ
Đi sông Ngô bể Sở
Ngoảnh lại bến làng xưa
Làng xóm hoá ra tro
Đất trời thành toạ độ
Con đò mẹ tiễn đưa
Đã cháy vèo trong lửa.
Sao mẹ còn tại chỗ
Sao mẹ còn nguyên đó
Đầu tóc bạc phơ phơ...
4.9 Nhớ tuổi thơ
Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...
Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!
4.10 Lá bàng rơi
Năm hết đến nơi
Lá bầm quá nửa
Một đêm em rét dữ
Thì lá bàng anh rơi.
Lá bàng rơi đầy sân
Sáng phòng ta mở cửa
Cây trơ những đường gân
Thời gian đi qua đó.
Hết năm hết năm rồi
Những năm làm ra đời
Câu thơ đang viết dở
Mà lá bàng cứ rơi.
Xem thêm:
Top những bài thơ hay về cuộc sống hạnh phúc giúp bạn vượt qua thời gian khó khăn
Tuyển tập thơ 2 câu về cuộc sống ai cũng nên đọc một lần
Tuyển chọn thơ ngắn hay về cuộc sống giúp lòng ‘nhẹ tênh’
5. Chùm thơ Chế Lan Viên về tình yêu
Tình yêu là một đề tài không bao giờ cũ. Qua các vần thơ, những cảm xúc sâu lắng, phức tạp của tình yêu đã được lột tả một cách trọn vẹn. Đặc biệt, thơ Chế Lan Viên về tình yêu lại càng thi vị, thấm nhuần những triết lý nhân sinh.
5.1 Những bài thơ 4 câu của thơ Chế Lan Viên về tình yêu
Thơ Chế Lan Viên về tình yêu không nồng nàn, rạo rực như Xuân Diệu, không ray rứt, đau thương như Hàn Mặc Tử mà nó nhẹ nhàng, sâu lắng. Đọc thơ ông, chúng ta cảm nhận được nỗi cô đơn, hiu quạnh trong tình yêu.
Hãy lắng lòng mình lại, thả hồn theo từng vần thơ Chế Lan Viên để cùng chia sẻ, thấu hiểu những lời bộc bạch của nhà thơ.
1. Liễu cũng chờ em
Năm rét đi rồi liễu nhú tơ
Khắp cành lộc nhỏ sáng mau thưa
Tưởng ngày em lại buông cành rậm
Che khuất mình ta trong gió đùa.
2. Quả vải vào mùa
Mới gần đã vội chia xa
Không ăn quả vải vào mùa cùng anh
Trái hồng khuất lấp cành xanh…
Còn lưu quả chót trên cành chờ em.
3. Mây của hoa
Màu trắng là màu mây của em
Trắng trời anh lại nhớ em thêm
Em đi muôn dặm như về chậm
Chỉ lấy màu mây trắng nhắn tin.
4. Cây dẫn về em
Cây nối đầu cây… chạy tới em
Đếm hoài cây lại mọc cây thêm
Tình anh làm chiếc cây sau chót
Về tận quê em, đến tận thềm.
5. Nhớ
Sáng ra đã gặp em rồi
Còn đêm nay nữa sao dài bằng năm
Ước bay đến chỗ em nằm
Cùng chung đợi sáng, tay cầm trong tay.
6. Nhánh đào yêu
Đêm sắp tan rồi. Sương trĩu cây
Tình yêu, anh đỡ ở trên tay
Kìa nhánh đào in ngoài bực cửa
Sắp dậy cùng ta đón một ngày.
7. Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể
Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa
Một đắp cho em ở vùng sóng bể
Một đắp cho mình ở phía không em.
8. Gió mùa đông bắc
Từ lúc em ra đi, hai lần gió mùa đông bắc thổi qua phòng
Lần trước lạnh vừa, lần sau lạnh gắt
Ở đất nước đánh giặc này, ta chỉ sợ gió mùa không sợ giặc
Chỉ sợ lòng mình, ai sợ gió mùa đông.
9. Hoa tháng ba
Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra, mặt đất lan tràn mùi hương
Không em anh chẳng qua vườn
Sợ mùi hương… sợ mùi hương nhắc mình!
10. Lòng anh làm bến thu
Buổi sáng em xa chi
Cho chiều, mùa thu đến
Để lòng anh hóa bến
Cho thuyền em ra đi!
5.2 Những bài thơ Chế Lan Viết về tình yêu thấm đượm nỗi nhớ nhung
Tình yêu là một thứ gì đó khó hiểu, không thể lý giải. Nhưng qua những bài thơ Chế Lan Viên về tình yêu, chúng ta cảm nhận được gia vị của tình yêu. Thơ ông luôn chứa đựng những dòng suy nghĩ, trăn trở về tình yêu và tình người. Từ đó thấy rằng, nhà thơ đã viết về chủ đề này với một cách nhìn rất riêng, hiểu biết sâu sắc và đầy tình cảm.
1. Nhớ mình
Qua đây ta lại nhớ mình
Gió trăng chẳng nói hết tình ta đau
Ngọn riêng gió thổi sầu lau
Mắt xa em có sáng màu nhớ nhung?
Thời gian chảy khuất bên lòng
Nhỏ to mạch gối đôi dòng xót thương.
2. Chùm nhỏ thơ yêu
Anh cách em như đất liền xa cách bể
Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em
Em thân thuộc sao thành xa lạ thế
Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm.
Anh không ngủ. Phải vì em đang nhớ
Một trời sao rực cháy giữa đôi ta
Em nhắm mắt cho lòng anh lặng gió
Cho trời sao yên rụng một đêm hoa.
3. Hoàng hôn
Cây khẽ nói lên từng ý gió
Bóng gửi hồn thơm xuống rợp đường
Một chùa có lẽ xa xôi lắm
Trên những lòng tin rót suối chuông.
Hồn anh cũng đã bắt đầu đêm
Em hãy làm sương trút dịu mềm
Em hãy làm sao gieo sáng láng
Và ban thương nhớ, em làm em.
4. Chia
Em đi về phía ấy
Anh chia cho nỗi buồn
Chia cho cơn mưa nhỏ
Và nắng quái chiều hôm.
Một cái hôn ban sáng
Thành cơn mưa buổi chiều
Chia cho cơn mưa ấy
Ðể xa rồi em yêu.
Tia nắng ấm gần nhau
Xa nhau thành nắng quái
Chia làm gì nắng ấy
Ðể xa rồi em đau.
5. Tình ca ban mai
Em đi, như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc.
Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh tre
Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít.
Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết
Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về.
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya
Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít.
Mai, hoa em lại về…
6. Khúc ca chiều
Nắng hiền lành như một màu lụa cũ
Che gốc già, màn lá xanh buông rủ
Ngày chiều chiều, từng trút gió không hương
Lên cành cao khôn gợi dậy bụi đường
Ôi im lặng vẫn ôm nàng bất diệt
Chiều muôn thuở ngại ngùng cơn khóc biệt.
Hồn bao la mời mọc những tình say
Tình bao la quyến rũ mảnh hồn bay
Ôi, cho hồn đau thương vừa kết cánh
Ôi, cho trời hơi sương tăng giá lạnh
Giữa một chiều đôi chút gió không hương
Tình đôi ta như một chút bụi đường.
Lên bầu trời khôn đưa hồn đôi cánh
Cánh yêu đương trĩu nặng hồn mỏng mảnh
Và ngang chiều nghìn vạn hố cô liêu
Vô ảnh chờ hồn ngả lúc qua chiều
Ôi, im lặng của nắng chiều bất diệt
Ngỡ nghìn thuở vẫn chưa quen ly biệt
Để du dương lá khóc tiếng đôi cành
Sóng thời gian trôi chảy bến ngày xanh
Che gốc già, lá mấy màn buông rủ
Màn xuân khoác nắng vàng như lụa cũ
Hồn tôi nghe hờn khóc tự trong hồn
Một đám tang đưa hồn xuống huyệt buồn
Cành cây biếc nắng vàng vừa hết chiếu
Lòng tôi buồn như đám tang không triệu
Và hồn tôi là triệu đám tang nào
Mà phất phơ trong gió lá xôn xao?
7. Lặng im thì mới nghe
Lặng im
Lặng im thì mới nghe
Nhựa đong đầy các nhánh
Như hồn anh đầy em.
Lặng im
Lặng im thì mới tỏ
Nhánh đang hút từ sâu
Cái làm nên nụ đỏ.
Nghe, mùa xuân, nghe nghe
Lặng im mà mọi chỗ
Cái im giữa lòng ta.
Cũng là mùa xuân đó
Nếu lòng ta thiếu nó
Thì bao giờ ta nghe.
Cầm tay em vuốt ve
Hồn im cho tay nghe.
8. Trời đã lạnh rồi
Đổi gió mùa thu trời lạnh chăng em?
Màu xanh khuất mà mây cũng vắng
Hiu hắt lòng ta như thiếu nắng
Như căn nhà những tháng không em.
Roi trên cành chừng đã đi qua
Chen lá lục quả bàng vàng đã chín
Cỏ có dễ mềm hơn vì sương bén
Cúc bên đường nghiêng những giọt sương hoa.
Mùa thu chừng biết ta xa cách
Gió nửa đêm từng lúc gọi ta hoài
Nhắc anh biết miền xa em chẳng ngủ
Nhớ những ngày chăn mỏng đắp chung đôi.
9. Hồn trôi
Cô em ơi! Đằng xa cây tỏa bóng
Sao cô không ngồi đợi giấc mơ nồng?
Đến chi đây, cho thân cô rung động
Lớp hồn tôi êm rải khắp trời trong?
Đừng hát nữa! Tiếng cô trong trẻo quá
Khiến hồn tôi tê liệt khó bay cao
Này, im đi, nhìn xem, trong kẽ lá
Một mặt trời giả dạng một vì sao.
Ngoài xa xa, không, ngoài xa xa nữa
Thấy không cô, ánh nắng kéo hồn tôi?
Đến những chốn êm đềm như hơi thở
Nồng tươi như suối máu lúc ban mai.
Cô bảo: Hồn có hay không trở lại
Một khi trôi vào giữa giấc mơ cuồng?
– Có, cô ơi, hồn tôi rồi trở lại
Với lòng điên, ý chết, với tình thương.
10. Nhớ em nơi huyện nhỏ
Em đi về Kiến Xương
Mùa này mưa bão lắm
Phòng anh mờ hơi sương
Nhớ em như nhớ nắng.
Chiều nay ốm một mình
Vắng em ngồi bên cạnh
Ngọn gió lùa trêu anh
Cửa khép rồi vẫn đánh.
Đường xa trăm cây số
Ngỡ có em về đó
Đắp chăn dày cho anh
Và đứng nhìn anh ngủ.
Rồi lại đi Thái Bình…
Về Kiến Xương huyện nhỏ
Để lại trời bên cửa
Một màu xanh xanh xanh…
Xem thêm:
Chất chứa cảm xúc với những câu thơ tình yêu lãng mạn, ngọt ngào
Lắng đọng cảm xúc yêu thương, hạnh phúc, đau khổ, vấn vương qua 20 bài thơ ngắn về tình yêu chọn lọc
25 bài thơ tình bất hủ Việt Nam càng ngẫm càng thấy hay và sâu sắc
6. Những bài thơ của Chế Lan Viên về Bác Hồ
Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc đã dành cả cuộc đời mình cho nhân dân, đất nước. Ngoài Người đi tìm hình của nước và Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi, nhà thơ Chế Lan Viên còn có một loạt tác phẩm viết về Bác.
6.1 Bác
Là chân lý, Bác chẳng nói nhiều hơn chân lý
Cả nước nghe khi, im lặng, Bác cười
Chẳng phải lật sách nào ra tìm hiểu Bác
Bác sống trong ta, Bác ở giữa đời.
6.2 Bác vẫn còn đây
Chớ để quân thù nghe ta khóc, ơi em
Vết thương phải thành sẹo ngay đi mà đánh giặc
Đã đau rồi đừng khóc để đau thêm
Ta còn cả đời ta mà khóc Bác.
Bom Mỹ nguỵ tranh thủ phút này để tấn công ta
Pháo đài máu với những bom bảy tấn
Nguyện thương đau không thành tiếng khóc oà
Ta đau đấy nhưng giết thù, ta vẫn sẵn.
Ta có nước mắt thương đau nhưng ta còn có lửa thương đau
Giặc nếm cái chết lúc ta cười, cho chúng nếm thêm ngày ta khóc
Hễ đau nhiều thì dao chém lại càng sâu
Xuất kích lớn là giữa ngày tang tóc.
Hai mươi năm trôi phút giây nào Bác không nghĩ đến miền Nam?
Miền Nam “máu trong máu” và “thịt trong thịt” Bác.
6.3 Người đi tìm hình của nước
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây.
Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.
Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi.
Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người.
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, Người có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?
Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi.
Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.
Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao? Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu.
Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông.
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.
Bác thấy: dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc
Không còn người bỏ xác bên đường ray.
Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng.
Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che.
Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc...
Tuyết Mát-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân.
Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.
6.4 Đừng quên
Hỡi ai đi lên phía trước chớ quên sau lưng mình cái hang Pắc Bó
Đi tận cùng năm tháng không quên
Đi khuất lấp vẫn còn nhớ mãi
Đi muôn xa còn quay lại ngoái nhìn.
Qua Điện Biên, Ấp Bắc đừng quên
Vượt sông Hồng, sông Cửu không quên
Đong mùa vàng năm tấn, nào quên
Gặt vạn ngày thắng Mỹ, không quên.
Cả nước mắt, hang này là độc lập
Thay non sông đón Bác buổi ban đầu
Rừng hiền hậu suối khe chất phác
Lịch sử lấy nơi này làm đất chôn rau.
Dù muôn trùng còn cách mũi Cà Mau
Một tấc đất đã là Tổ quốc
Nay có trong tay trời Nam bể Bắc
Dám đâu quên hang nhỏ thuở ban đầu.
6.5 Hang mở nước
Ai đi lên phía trước
Chớ quên sau lưng mình
Cái cửa hồng bình minh
Chốn hang sâu mổ nước.
Nay núi sông hiển hách, nhìn đây
Cầm trang thơ rộng khổ nhìn đây
Lên đài cao nhân loại nhìn đây
Say vua Hùng chim Lạc nhìn đây.
Dân tộc rét chưa che Người đủ ấm
Hang đá này Bác đắp chiếc chăn sui
Khớp xương buốt vì hơi rêu lạnh thấm
Giò rừng đừng thổi nữa, gió rừng ơi.
“Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Bắt con ốc khe, chặt nõn chuối ngàn
Đây bát cơm ngô qua ngày bệnh yếu
Bác chia cùng dân tộc giữa lầm than.
Lạnh cánh chim đêm nó gọi thù thì
Bác ngủ đi nào, không Bác mệt
Thức đến sáng trời chưa hết việc
Kìa gà rừng đã gáy te te.
Những đêm ấy Bác thức cùng ngọn lửa
Thảo từng trang sử lớn cho đời
Tượng Mác trầm ngâm trong hình thạch nhũ
Dõi từng dòng từng chữ qua vai.
Sử Đảng thân yêu, sử cả loài người
Sử Tổ quốc trong hồn thơ lục bát
Bia Tự Đức, đã một thời mất nước
Lót đường in dòng sử ngày mai.
6.6 Mắt Bác trên cao
Trên non cao đã sáng ngời đôi mắt Bác
Không phải mắt Người khi ngắm một vầng trăng hay đọc một câu thơ
Không phải hồ thu hay là gương ngọc
Để khóc cười những số phận riêng ta...
Mà mắt lịch sử giương giữa trời bão táp
Mắt từng ngắm trăm dân tộc quốc gia đi những thế cờ
Những thế non sông. Nay định đoạt
Bước đường trường cách mạng sẽ xông pha.
Mắt thấy rụng các đế quốc sỏ sừng, các triều vua vạn đại
Nhân dân xô trong sức cuộn băng hà,
Thấy Hồng Lĩnh, Trường Sơn vươn vai Phù Đổng lại
Dòng Thương bi ca rồi sẽ hùng ca.
Có phải nhìn bằng mắt đâu, Bác nhìn với trái tim mình
Vô hạn thương yêu, vô hạn cảm tình
Trái tim ấy nghìn năm còn đập mãi
Đâu đời cần nhân ái lại hồi sinh.
Vạn xác máy bay thù hôm nay Người cũng nhìn thấy trước
Mắt mở ra không khép lại bao giờ
Dẫu ta bay đến thiên thể nào chói mắt
Thì cũng trong ánh sáng đường bay của chính Bác Hồ cho.
6.7 Ngoảnh về Pắc Bó
Nay ta hồi sinh cho cây chò đại thụ ngàn năm
Nay voi xa về uống lại Bạch Đằng
Nay xẻ vạn ngọn núi che trời làm bước tiến
Chỗ ngất trời là chỗ sẽ hành quân.
Nay múa sạp, xòe hoa với những gót hồng,
Mùa vui sao năm lúa chín thơm đồng
Hạt lúa mới gửi Người đi tuyến lửa
Có câu chèo điệu hát nằm trong.
Nay thế giới bình tâm lắng phương đây một tiếng đàn bầu
Biếc trời Việt Nam chung thuỷ một màu
Hồn ta đấy, bốn nghìn năm thế đấy,
Rót vào lòng, càng lắng lại càng sâu.
Nay... Nay... Nay... Hãy ngoảnh mặt về non cao Pắc Bó
Nghe Lênin giọng suối đang cười
Lắng tiếng suối Bác lại ngồi viết sử
Chương mới: Ngày mai. Dòng mới: Ngày mai.
6.8 Lộc của đời
Bạc phơ râu tóc của Người như một tiên ông
Người sinh ra là để ở một khu rừng
Cái xứ thiên nhiên không tên, thời gian không tuổi
Câu cá bên khe, làm thơ bên suối
Làm những bài thơ mở đầu bằng sắc núi
Xanh xanh.
Chính vì ta mà Bác phải lao vào giữa cuộc đấu tranh
Tám mươi năm chẳng nghĩ
Đi giữa xích xiềng đạn bom ầm ĩ
Giữa lý sự chua ngoa, cãi vã tục tằn
Lễ lạt, tiệc tùng và những diễn văn.
Bác đâu thích huân chương. Chỉ thích ngực trần
Áo mở cúc cho gió hè thổi mát
Mặc màu vải, màu mây đạm bạc
Để thoát cái, có thể lẫn vào thiên nhiên một cách bất thần
Nhớ kháng chiến trên ngàn cao Việt Bắc
Thấy cái yên tĩnh trầm tư, ta hiểu Bác
Tâm hồn Người ư, là yên tĩnh những khu rừng.
Ôi, những ngày chủ tịch phủ xanh um
Lộc non về, như trận thắng mùa xuân
Lộc chớm nở làm ta rưng nước mắt
Ta hiểu ra rồi. Người trồng cây cho Tổ quốc
Là muốn lộc của đời chia đến mỗi người dân.
6.9 Ném thừng
Bác ra thăm Ngọc Vừng
Mặc áo quần thủy thủ
Đầu đội mũ hải quân
Giải dài bay trong gió.
Bể vỗ sóng muôn trùng
Chào người quen biết cũ
Đàn hải âu lượn vòng
Quanh chòm râu trắng xóa.
Chủ tịch của một nước
Xa lâu về thăm “nhà”
Ra đi khá đột ngột
Biết lấy chi làm quà...
Dạy lũ cháu ném thừng
Chút nghề xưa của Bác
Liệu thử có quên chăng
Tự ngày xa sông nước.
Thừng Bác ném ra xa
Lượn đường dây đẹp mắt
Và khi cuộn thừng về
Ôi vòng tay bao quát.
Trời xanh xanh bao la
Bể bể ngời sóng bạc
Ngỡ cánh tay Bác vừa
Tóm gọn bầy đế quốc.
6.10 Thấy từ lúc ấy
Địa Trung Hải xanh ngời
Bác lên boong lặng ngắm
Uy nghi trước bể trời
Bỗng mắt Người rực sàng.
Hàng trăm chiến hạm Pháp
Chìm ngổn ngang bể khơi
Cái suy tàn đế quốc
Người vừa chợt thấy rồi.
Cảnh ấy theo Bác mãi
Trên hàng vạn dặm đường
Khi tàu qua Hồng hải
Lúc vào Ấn độ dương.
Về Hạ Long lặng sóng
Bác ước nhìn bể ta
Đo trước mồ chôn giặc
Vào một ngày không xa.
Trước bể trời lộng lẫy
Dim đôi mắt Bác cười
Nhìn trăm tàu giặc cháy
Trong trận thắng ngày mai.
6.11 Trong lăng và ở bên ngoài
Linh cữu chói ngời như đau thương như ánh sáng
Dân tộc mang theo bên mình vượt bể thời gian
Bể cách mạng lắm đá ngầm, hỗn sóng
Có Bác bên mình, ta vững tâm.
Thiên thu im lìm, thiên thu tịch lặng
Bác nằm bên trong, ta đi ở bên ngoài,
Đôi tay Bác nghi yên trên bụng
Xếp đấy mà, đâu phải buông xuôi.
Từ đây mỗi lần cách mạng đi lên
Mỗi khi khai sáng kỷ nguyên, trở mình thời đại
Khi lòng ta có việc chưa yên
Khi dân tộc có điều muốn hỏi
Ta quay nhìn về đây, chờ đợi
Chói ngời ở đấy, một niềm tin.
Bác mất rồi. Cái chết uổng công
Từ lâu Người hoá tinh thần Người hoá non sông
Là chiến thắng huy hoàng trời Tổ quốc
Người hoá dựng xây Người hoá vun trồng.
Có cái bất tử của người duy tâm
Hào quang loá mắt
Lại có cái bất tử của người duy vật
Nhập hạt lúa sổ thành mình vào mặt đất
Lên trong mùa vĩ đại của nhân dân.
Bác vĩnh cửu muôn đời không thể mất
Người trong lăng và Người ở ngoài lăng.
6.12 Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi
Những năm ấy tôi đi giữa lòng Hà Nội
Không hay trong xà lim anh Hoàng Văn Thụ đang nằm
Không biết anh Trần Đăng Ninh bị cùm tay mỗi tối
Không hay trên biên thùy Bác đã dừng chân.
Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa
Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ.
Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết
Người thay đổi đời ta đã về kia, ta vẫn không hay
Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày
Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy
Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không
Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy
Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng!
Ta làm con nai lạc giữa rừng thu
Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo
Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ
Làm tất cả! Chỉ trừ không đổ máu!
Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về
Xa nước ba mươi năm một câu Kiều, Người vẫn nhớ
Mái tóc Bác đã phai màu quá nửa
Lòng son ngời như buổi mới ra đi.
Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia. Ta nghe bừng tỉnh dậy
Câu quan họ, xẩm xoan xưa vứt ngã ba đường
Điệu lục bát và màu nâu nơi ruộng rẫy
Bức tranh làng Hồ và cô Tố nữ dáng quê hương.
Người đánh thức tương lai đã về kia, Bác hôn lên hòn đất
Nghe trong tay trở dậy những thành đồng
Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc
Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong.
Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì?
Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật
Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật
Lạc giữa sao trời, tôi vẫn còn mê…
Chưa có gì dính líu giữa thơ tôi và truyền đơn Bác viết
Tôi không biết khi Bác đau phải ăn một nắm lá rừng
Trong nước mắt thơ tôi, tôi chưa ngờ chất thép
Chưa thấy trong máu mình sắp cuộn máu nhân dân.
Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào?
Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc
Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu.
Ấy là khi ta có thể nhảy vào đồn mà không sợ lửa
Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon
Khi riêng tây, ta thấy mình xấu hổ
Khi nhìn đời, mỗi lá mỗi tơ non.
Khi uống ngụm nước trong, lưỡi ta không còn đắng chất thị thành
Đời tươi mát như ao sen mùa hạ
Anh em bốn bên mà ta ở giữa
Có được trái cây thơ, ta biết quý cả mùa lành.
Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc
Thành một nhành hoa mát mắt cho đời
Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp
Ta biết trong đời ta Bác đã đến rồi.
Với tài hoa và tâm hồn nhạy cảm, Chế Lan Viên đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm đậm chất nhân văn và triết lý. Những bài thơ của ông chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa về đất nước, gia đình, tình yêu và cuộc sống. Các tác phẩm ấy còn là niềm tự hào và tài sản văn hóa vô giá của đất nước. Thơ Chế Lan Viên vẫn mãi còn lắng đọng khôn nguôi…
Sưu tầm - Nguồn ảnh: Canva