Chờ...

Tiểu sử và những bài thơ bất hủ của Đỗ Phủ người được mệnh danh "Thi Thánh"

(VOH) - Đỗ Phủ được mệnh danh là ‘Thi thánh’ trong tứ đại thi nhân. Với tư tưởng táo bạo, lối viết riêng, ông để lại kho tàng thơ lớn với hơn 1000 bài thơ cho nhân loại.

Đời thơ của Đỗ Phủ là một bức tranh sống động về lịch sử Trung Quốc mà nhiều người vẫn hay gọi nó là thi sử. Lời thơ của ông thường trầm uất, nghẹn ngào bộc lộ nỗi cảm thông, thấu hiểu với nhân dân trong cảnh lầm than và thể hiện lòng yêu nước của ông. Do đó, các tác phẩm của Đỗ Phủ được người đời đón nhận và suy tôn ông là “Thi thánh”.

1. “Thi Thánh” - Đỗ Phủ là ai?

do-phu-voh-0
 

Đỗ Phủ (712 - 770), tự là Tử Mỹ, hiệu là Thiếu Lăng dã lão, Đỗ Lăng dã khách hay Đỗ Lăng bố y, là một nhà thơ Trung Quốc nổi bật thời kỳ nhà Đường. Ông cùng với Lý Bạch được coi là những nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc. Vì tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng nên Đỗ Phủ từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi Sử và Thi Thánh

Theo sử sách ghi chép lại, Đỗ Phủ sinh ra tại huyện Củng, tỉnh Hà Nam, nguyên quán ở Tương Dương, Hồ Bắc. Tuy nhiên, sau này, ông tự xem mình là người của kinh đô Trường An.

Song thân của nhà thơ Đỗ Phủ đều xuất thân trong một gia đình danh giá. Cha ông là Đỗ Nhàn. Mẹ là Thôi thị xuất thân từ Thôi Thị Thanh Hà. Tuy nhiên, bà đã mất sau khi hạ sinh nhà thơ Đỗ Phủ.

Vì có xuất thân và được sinh trưởng trong gia đình quyền quý từ nhỏ nên ông đã lãnh hội, tiếp thu nền giáo dục truyền thống của Trung Quốc. Những tiếp thu này nhằm phục vụ cho sự thăng tiến trên con đường quan lại sau này của ông. Đỗ Phủ học thuộc lòng các tác phẩm triết học kinh điển Khổng giáo, lịch sử và thi ca. Một số sử sách ghi chép, ông đã sáng tác một số thơ ca ngay từ sớm, khi còn trẻ nhưng đã bị thất truyền vì nhà thơ không lưu giữ lại.

2. Cuộc đời và sự nghiệp của Đỗ Phủ - Ánh trăng sáng của thơ ca nhà Đường

Đỗ Phủ có xuất thân từ gia đình quyền quý nhưng cuộc đời, sự nghiệp làm quan gặp khá nhiều truân chuyên. Để hiểu thêm về con người cũng như sự nghiệp của Đỗ Phủ, cùng nhau tìm hiểu các thông tin sau đây nhé!

2.1 Cuộc đời và con đường quan trường truân chuyên của Đỗ Phủ

do-phu-voh-1
 

Vào năm 730, Đỗ Phủ đến Trường An để dự thi nhưng bị trượt. Sự việc này đã tạo ra nhiều tranh cãi, chỉ trích trong nhiều thế kỷ tiếp sau. Có người cho rằng ông bị đánh trượt bởi cách hành văn thời bấy giờ quá rắc rối và tối nghĩa, nhưng có người lại cho rằng ông trượt kỳ thi vì không tìm kiếm được các mối quan hệ ở kinh đô. Song, đến nay, vẫn chưa một ai có thể đưa ra chứng cứ để chứng minh lý do ông bị rớt trong kỳ thi mà tất cả chỉ đều là suy đoán.

Cho đến khoảng năm 740, cha của nhà thơ Đỗ Phủ qua đời. Theo cấp bậc của cha, ông có thể được nhận một chức quan dân sự nhưng ông đã từ chối và nhường lại cơ hội cho một người em khác mẹ. Sau đó, Đỗ Phủ đến Lạc Dương để sinh sống.

Vài năm sau, Đỗ Phủ gặp Lý Bạch -  người bạn vong niên của ông. Lúc bấy giờ, ông vẫn đương ở độ tuổi trẻ. Trong khi đó, Lý Bạch đã ở độ tứ tuần và nổi tiếng trên văn đàn. Song đó không phải là ranh giới cản trở hai tâm hồn đồng điệu kết thành tri kỷ.

Đến năm 746, Đỗ Phủ một lần nữa đến Trường An để kiếm một chức quan nhưng ông lại một lần nữa bị đánh trượt. Từ đó, ông quyết định không đi thi nữa. Thay vào đó ông đã trực tiếp thỉnh cầu hoàng đế trong nhiều năm với mong muốn có thể được ban một chức quan. Mãi đến năm 755, ông mới được chỉ định làm quan coi kho vũ khí. Tuy nhiên, trước khi ông nhậm chức, một các sự kiện diễn ra đã khiến Đỗ Phủ không thể nhận được chức quan như mong muốn.

Loạn An Lộc Sơn xảy ra vào tháng 12/755 đã khiến Trung Hoa rơi vào cảnh lầm than, nhà cửa bị thiêu rụi, dân chúng sống trong cảnh đói nghèo, bệnh tật, bị triều đình bạc đãi. Trong giai đoạn này, Đỗ Phủ cũng bị khốn đốn phải lưu lạc khắp nơi để tìm chốn dung thân. 

Thế nhưng, thời gian không hạnh phúc này lại giúp cho Đỗ Phủ có cơ hội gần gũi với cuộc sống lầm than của người dân. Đây là yếu tố làm nảy sinh lòng cảm thông sâu sắc với kiếp người cùng khổ, làm nên hồn thơ nhân đạo trong thơ ca Đỗ Phủ. Cuộc chiến này vừa là sự kiện lịch sử lớn làm chao đảo triều đại nhà Đường vừa ảnh hưởng sâu sắc đến đời thơ, phong cách sáng tác của ông.

Năm 756, Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) buộc phải thoái vị, bỏ kinh đô tháo chạy. Đỗ Phủ khi ấy cũng phải đưa gia đình đi lánh nạn và tìm đường đi theo triều đình mới của Đường Túc Tông (hoàng đế thứ 8 hay thứ 10 của nhà Đường). Trên đường đi, ông bị quân nổi loạn bắt đưa về Trường An. Vào mùa thu năm ấy, con trai út của Đỗ Phủ ra đời.

Về sau, trong triều đại mới, ông được ban chức Tả thập di. Chức vụ này giúp ông có cơ hội được gặp Hoàng đế, nhưng thực chất chỉ mang tính lễ nghi. Nhà thơ lợi dụng cơ hội này để dâng thư can gián cho Hoàng đế việc loại bỏ Phòng Quán. Tuy nhiên, ý kiến của ông lại không hợp lòng vị vua mới. Năm 758, Đỗ Phủ bị giáng xuống làm Tư công tham quân ở Hoa Châu. Chức vụ này làm ông chán ngán.

Mùa hè năm 759, Đỗ Phủ rời bỏ triều đình và đến Tân Châu. Ở đây, ông đã sáng tác sáu mươi bài thơ. Năm 760, ông tới Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) và sau đó ông rơi vào cảnh túng quẫn. May mắn, ông được Nghiêm Vũ - một người bạn, đồng môn làm Tổng trấn ở Đô Thành giúp đỡ. 

Mặc dù rơi vào cảnh khó khăn như vậy nhưng có thể nhận định đây là một trong những giai đoạn thanh bình, hạnh phúc của Đỗ Phủ. Cũng trong giai đoạn này nhiều bài thơ được sáng tác miêu tả cuộc sống thanh bình đã ra đời. Tuy nhiên, đến năm 762, để tránh cuộc bạo loạn Đỗ Phủ quyết định rời Thành Đô. 

Mùa xuân 765, nhà thơ Đỗ Phủ cùng gia đình đi thuyền xuôi sông Dương Tử quay về Lạc Dương. Thế nhưng, chuyến đi rất chậm bởi tình trạng sức khỏe của ông lúc ấy không tốt. Họ buộc dừng lại ở Quỳ Châu cho tới tận năm 766. Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của ông với 437 bài thơ được sáng tác, đa phần là thơ Đường luật

Mùa thu 766 tổng trấn trong vùng đã giúp đỡ tài chính và trao một chức quan thư ký nhưng không chính thức cho Đỗ Phủ. Đến tháng 3/768, Đỗ Phủ bắt đầu hành trình đến tỉnh Hồ Nam, tiếc thay, vào tháng 11 hay tháng 12/770, nhà thơ đã ra đi tại Đàm Châu trên chiếc thuyền rách nát, ở tuổi 59. 

Xem thêm:
Những câu thơ hay về tình yêu khiến bạn bồi hồi thổn thức
Top những bài thơ hay về cuộc sống hạnh phúc giúp bạn hiểu về cuộc đời
25 bài thơ tình bất hủ Việt Nam, những áng thơ tình yêu bất diệt

2.2 Sự nghiệp sáng tác của “Thi Thánh”

Có thể nói, Đỗ Phủ gắn liền với duyên bút mực. Ông sáng tác từ rất sớm, để lại cho đời sau với hơn một nghìn bài thơ đang được lưu truyền cùng những tác phẩm bị thất lạc.

do-phu-voh-2
 

Thơ của Đỗ Phủ chủ yếu sáng tác ở 3 chủ đề là lòng yêu dân, ái quốc và tinh thần đấu tranh chống bọn cường quyền. Những tác phẩm của ông chính là những trang thiên ký sự về cuộc đời thăng trầm của chính nhà thơ. Trong đó, có một số bài thơ nổi tiếng với năm tháng mà khi nhắc đến ông ai cũng đều nhớ tới như: Vọng nhạc, Binh xa hành, Thứ lão vô thanh lệ thùy huyết, Nguyệt dạ, Xuân Vọng, Đăng nhạc dương lâu,...

Đặc biệt, thể loại thơ của Đỗ Phủ vô cùng đa dạng. Chỉ cần qua tư duy của ông thì từ ngũ ngôn, thất ngôn, cổ thể đến cận thể đều trở nên xuất sắc, nhuần nhuyễn. Thế nhưng, sở trường của ông vẫn là ngũ ngôn. Ở thể thơ này phải kể đến Vịnh hoài ngũ bách tự, Tráng du, Thuật hoài,... được ông trau chuốt, gọt giũa công phu tạo nên những vần thơ hoàn mỹ.

Ngoài ra, có thể chia thơ ông thành hai loại cổ thi và cận cổ thi. Thế nhưng, dù ở thể loại nào thì Đỗ Phủ cũng đều dụng công rất nhiều. Ông nắm vững được thanh vận trong ngôn ngữ Trung Quốc, có thể vận dụng một cách dễ dàng và thuần thục trong sáng tác.

Không chỉ nắm vững các niêm luật nghiêm ngặt của thơ cổ mà nhà thơ còn tiếp thu có chọn lọc, kết hợp với sự sáng tạo trong thơ ca đương thời, ông đa đẽo gọt những nguyên liệu vốn có một cách tỉ mỉ nhất để làm ra những viên ngọc quý cho đời.

Theo sử sách ghi chép thì thời đỉnh cao mà của sự nghiệp thơ văn của nhà thơ Đỗ Phủ được công nhận và học tập là thời kỳ Bắc Tống. Các tác phẩm thơ ca của ông thời bấy giờ đều được đánh giá một cách toàn diện nhất. Tên tuổi ông gắn liền với sự phát triển của Tân Khổng giáo. Ông đã dành cả đời để minh chứng cho người đời thấy rằng dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Đỗ Phủ vẫn chưa bao giờ quên đi quân vương của mình.

Bên cạnh đó, thông qua vần thơ của mình, ông khẳng định tấm lòng người chí sĩ giữa cảnh binh đao loạn lạc. Có thể nhận định, dưới con mắt của một thi sĩ tài hoa thì cảnh chiến loạn đã được phô bày một cách trọn vẹn nhất, bức tranh đầy tang thương được phác họa một cách chân thực nhất.

3. Những bài thơ bất hủ thể hiện lý tưởng cao đẹp của Đỗ Phủ

Để lại cho đời với hơn 1000 bài thơ, song tên tuổi của Đỗ Phủ không chỉ dừng lại ở sự tài hoa trong sáng tác thơ ca mà còn ở tư tưởng và đạo đức cao cả, không bị sự đau thương bào mòn. Chính những tư tưởng mới lạ trong thi ca của ông đã tạo sức ảnh hưởng to lớn đến thi ca Trung Quốc. Một số bài thơ bất hủ sau đây thể hiện rõ tài hoa của Đỗ Phủ.

3.1 Nguyệt dạ

Phiên âm

Kim dạ Phu Châu nguyệt

Khuê trung chỉ độc khan

Giao liên tiểu nhi nữ

Vị giải ức Trường An

Hương vụ vân hoàn thấp

Thanh huy ngọc tí hàn

Hà thời ỷ hư hoảng

Song chiếu lệ ngân can.

Dịch nghĩa

Vầng trăng ở Phu Châu đêm nay

Trong phòng khuê chỉ một người đứng nhìn

Ở xa thương cho con gái bé bỏng

Chưa hiểu nỗi nhớ Trường An

Sương thơm làm ướt mái tóc mai

Ánh trăng trong sáng làm giá lạnh cánh tay ngọc

Bao giờ được tựa bên màn mỏng

Để trăng chiếu cả đôi ta cho ngấn lệ ráo khô?

Dịch thơ 

Đêm trăng

Đêm nay Phu Châu sáng

Mình em ngắm trăng khuya

Nỗi nhớ Trường An ấy

Thương con chửa biết gì

Sương thơm làn tóc đẫm

Ánh lạnh cánh tay tê

Bao giờ cùng soi bóng

Đôi mình ngấn lệ se.

(Tác giả: Khương Hữu Dụng dịch)

Đêm trăng

Châu Phu này lúc trăng soi,

Buồng the đêm vắng riêng coi một mình.

Đoái thương thơ dại đầu xanh,

Tràng An chưa biết mang tình nhớ nhau.

Sương sa thơm ướt mái đầu,

Cánh tay ngọc trắng lạnh màu sáng trong.

Bao giờ tựa bức màn không,

Gương soi chung bóng lệ dòng dòng khô

(Tác giả: Tản Đà dịch)

Xem thêm:
Tổng hợp 3254 câu thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du
Chùm thơ hay về vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ Việt Nam
Tuyển tập thơ 2 câu về cuộc sống ai cũng nên đọc một lần             
     

3.2 Khúc Giang

do-phu-voh-3
 

Phiên âm

Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân

Phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân

Thả khan dục tận hoa kinh nhãn

Mạc yếm thương đa tửu nhập thần

Giang thượng tiểu đường sào phỉ thúy

Uyển biên cao trủng ngọa kỳ lân

Tế suy vật lý tu hành lạc

Hà dụng phù danh bạn thử thân.

Dịch nghĩa

Ao Khúc Giang

Một mảnh hoa rơi bay làm giảm bớt vẻ đẹp của xuân

Lúc gió thổi tung vạn cánh hoa đến mọi nơi cũng chính

Là lúc làm cho người buồn.

Hãy nhìn và cảm nhận hết hoa bay qua trong mắt.

Đừng nên chán vì xót thương nhiều, cứ để rượu thấm môi

Chim phỉ thúy còn làm tổ ở ngôi nhà trên sông.

Trong khi con kỳ lân lại nằm im nơi ngôi mộ bên vườn.

Suy cho cùng về lý lẽ của sự vật, ta nên hưởng thú vui.

Tại sao còn để phù danh trói buộc tấm thân này?

Dịch thơ

Ao Khúc Giang

Một mảnh hoa bay xuân kém tươi

Gió tung ngàn cánh để sầu người

Hãy nhìn cảm tận hoa trong mắt

Đừng xót thương nhiều rượu thấm môi

Chim thúy ven sông còn kết tổ

Kì lân bên mộ lặng im hơi

Suy cùng trời đất nên vui sống

Sao để phù danh buộc trói đời?

(Tác giả: Hoàng Nguyên Chương dịch)

3.3 Lữ dạ thư hoài

Phiên âm

Tế thảo vi phong ngạn

Nguy tường độc dạ chu

Tinh thuỳ bình dã khoát

Nguyệt dũng đại giang lưu

Danh khởi văn chương trứ

Quan ưng lão bệnh hưu

Phiêu phiêu hà sở tự

Thiên địa nhất sa âu

Dịch nghĩa

Đêm ở đất khách, viết nỗi lòng

Trên bờ cỏ lăn tăn dưới gió hiu hiu

Chiếc thuyền vươn cao cột buồm trong đêm quạnh

Sao rũ xuống cánh đồng bằng phẳng bao la

Trăng tung toé trên sông chảy cuồn cuộn

Danh tiếng há nhờ văn chương mà lừng lẫy

Làm quan cũng nên về nghỉ khi già ốm

Chơi vơi giống như cái gì ?

Một con chim âu giữa trời đất.

Dịch thơ

Nỗi niềm đêm đất khách

Gió êm bờ cỏ mượt

Thuyền chiếc cột buồm cao

Sông rộng trôi vầng thỏ

Đồng bằng rợp ánh sao

Thơ văn danh há cậy

Già yếu chức nài bao

Âu trắng trong trời đất

Chơi vơi tựa chốn nao?

(Tác giả: Lê Nguyễn Lưu dịch)

Nỗi niềm đêm đất khách

Bên bờ cỏ dợn gió hiu hiu,

Cô quạnh thuyền con dưới bóng chiều.

Đồng rộng mênh mông sao rủ thấp,

Sông dài cuồn cuộn bóng trăng thâu.

Văn chương mấy thuở lừng danh tiếng,

Hoạn lộ già nua phải cáo lui.

Thân thế chơi vơi tuồng ngoại vật,

Bãi sa trời rộng giống chim âu.

(Tác giả: Chi Điền dịch)

3.4 Binh xa hành

Phiên âm

Xa lân lân,

Mã tiêu tiêu,

Hành nhân cung tiễn các tại yêu.

Gia nương thê tử tẩu tương tống,

Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều.

Khiên y đốn túc lạn đạo khốc,

Khốc thanh trực thướng can vân tiêu.

Đạo bàng quá giả vấn hành nhân,

Hành nhân đãn vân : điểm hành tần.

Hoặc tòng thập ngũ bắc phòng Hà,

Tiện chí tứ thập tây doanh điền.

Khứ thời lý chánh dữ khỏa đầu,

Qui lai đầu bạch hoàn thú biên.

Biên đình lưu huyết thành hải thuỷ,

Vũ Hoàng khai biên ý vị dĩ.

Quân bất văn : Hán gia sơn đông nhị bách châu,

Thiên thôn vạn lạc sinh kinh kỷ ?

Túng hữu kiện phụ bả sừ lê,

Hoà sinh lũng mẫu vô đông tê.

Huống phục Tần binh nại khổ chiến,

Bị khu bất dị khuyển dữ kê !

Trưởng giả tuy hữu vấn,

Dịch phu cảm thân hận !

Thả như kim niên đông,

Vị hưu Quan Tây tốt.

Huyện quan cấp sách tô,

Tô thuế tòng hà xuất ?

Tín tri sinh nam ác,

Phản thị sinh nữ hảo.

Sinh nữ do đắc giá tị lân,

Sinh nam mai một tùy bách thảo.

Quân bất kiến Thanh Hải đầu,

Cổ lai bạch cốt vô nhân thu ?

Tân quỷ phiền oan, cựu quỷ khốc,

Thiên âm vũ thấp, thanh thu thu.

Dịch thơ

Binh xa hành

Xe rầm rầm,

Ngựa hí rân,

Người đi cung tên đeo bên lưng.

Cha mẹ, vợ con chạy theo tiễn,

Bụi mù chẳng thấy cầu Hàm Dương.

Níu áo giậm chân, chặn đường khóc,

Tiếng khóc xông lên thẳng chín tầng.

Khách qua đường thấy, hỏi người đi,

Người rằng: "Bắt đi những mấy kỳ.

Lấy từ mười lăm giữ Hoàng Hà,

Cho đến bốn mươi ra khẩn điền.

Lúc đi ông lý quấn chỏm cho,

Trở về đầu bạc lại đi liền.

Ngoài biên máu chảy thành biển đỏ,

Mở cõi nhà vua ý chưa bỏ.

Há chẳng nghe nhà Hán, Sơn Đông hai trăm châu,

Ngàn thôn muôn xóm ùn gai cỏ.

Ví có đàn bà khoẻ cuốc cày,

Lúa mọc tràn lan khắp bốn bề.

Huống nữa quân Tần quen khổ chiến,

Khác chi gà chó bị lùa đi.

Thương tình, dù ông hỏi,

Nỗi hờn đâu dám nói,

Và mùa đông năm nay,

Lính Quan Tây chưa nghỉ.

Nhà vua bức đòi tô,

Chạy đâu ra tô thuế?

Mới biết sinh con trai,

Chẳng bằng sinh con gái.

Sinh con gái còn được gả gần nhà,

Sinh con trai lấp vùi theo cỏ dại!

Há chẳng thấy miền Thanh Hải kia sao?

Xưa nay xương trắng ai nhặt đâu!

Ma mới kêu oan, ma cũ khóc,

Trời âm mưa thấm, tiếng hu hu.

(Tác giả: Khương Hữu Dụng dịch)

Xem thêm: 
Thơ hay ngắn về tình yêu và cuộc sống dạt dào cảm xúc
Tổng hợp những bài thơ về sóng biển dạt dào cảm xúc
21 bài thơ tâm trạng chất chứa nỗi buồn và sự cô độc

3.5 Thu hứng

Phiên âm

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm

Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng

Tái thượng phong vân tiếp địa âm

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ

Cô chu nhất hệ cố viên tâm

Hàn y xứ xứ thôi đao xích

Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Dịch nghĩa 

Cảm hứng mùa thu

Sương móc làm cho rừng phong tiêu điều

Núi Vu, khe Vu hơi thu hiu hắt

Mặt sông in trời, sóng như nhảy tận lưng trời

Trên cửa ải mây giãng sát mặt đất

Bụi cúc nở hoa bấy nay đã hai lần làm rơi nước mắt 

Lòng nhớ quê chỉ còn biết buộc vào chiếc thuyền lẻ loi này

Ở đây ai nấy đều đang lo cắt may áo rét

Trên thành Bạch Đế cao, tiếng chày giặt áo về chiều nghe hối hả.

Dịch ra thơ Đường luật

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa.

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,

Thành Bạch, chày vang bóng ác tà.

(Tác giả: Nguyễn Công Trứ)

Vàng úa rừng phong, hạt móc bay,

Non Vu hiu hắt phủ hơi may.

Dòng sông cuồn cuộn, trời tung sóng,

Ngọn ải mờ mờ, đất rợp mây.

Lệ tủi: sợ coi chòm cúc nở,

Lòng quê: mong buộc chiếc thuyền đầy.

Giục ai kéo thước lo đồ lạnh,

Đập vải trời hôm rộn tiếng chày.

(Tác giả: Ngô Tất Tố dịch)

Móc trắng rừng phong vẻ úa gầy,

Vu Sơn, Vu Giáp khí thu dày.

Lòng sông sóng tận lưng trời nhảy,

Đầu ải mây sà mặt đất bay.

Lệ cũ nở hai mùa cúc đó,

Lòng quê buộc một chiếc thuyền đây.

Nơi nơi áo lạnh địi dao thước,

Bạch Đế thành hôm rộn tiếng chày.

(Tác giả: Khương Hữu Dụng dịch)

Sương đọng rừng phong héo hắt cây

Vu Sơn, Vu Giáp, khí mù bay

Trên sông sóng cuộn, trời liền nước

Ngoài ải hơi đùn, đất giáp mây

Một chiếc thuyền đơn tình cũ buộc

Hai phen cúc nở lệ xưa đầy

Nơi nơi áo lạnh tìm dao thước

Bạch Đế chiều hôm rộn tiếng chày.

(Tác giả: Bùi Khánh Đản)

Dịch ra thơ lục bát

Rừng phong xơ xác sương bay,

Vu sơn Vu giáp hơi may lạnh lùng.

Ngất trời sóng dội lòng sông,

Mịt mù mặt đất, mây lồng ải xa.

Con thuyền buộc mối tình nhà,

Hai lần cúc nở, lệ sa hai hàng.

Áo đông may cắt rộn ràng,

Tiếng chày đập vải, hôm vang Bạch thành.

(Tác giả: Trần Trọng Kim dịch)

Rừng phong quạnh quẽ sương rơi

Non xa dáng cũng buốt hơi thu rồi

Lòng sông sóng nhảy lưng trời

Ải xa mặt đất bời bời mây giãng

Vàng hoa thôi lại ướt khăn

Thuyền côi nhớ bến bâng khuâng vô vàn

Rét lên thước, kéo rộn ràng 

Thành cao chầy nện âm vang bóng chiều.

(Tác giả: Thu Tứ dịch)

3.6 Xuân vọng

Phiên âm

Quốc phá sơn hà tại

Thành xuân thảo mộc thâm

Cảm thời hoa tiển lệ

Hận biệt điểu kinh tâm

Phong tỏa liên tam nguyệt

Gia thư để vạn kim

Bạch đầu tao cánh đoản

Hồn dục bất thăng trầm

Dịch nghĩa

Nước bị tàn phá, núi sông vẫn còn đấy

Mùa xuân trong thành, cỏ cây mọc đầy

Cảm (thương) thời thế, hoa rơi lệ

(Oán) hận biệt ly, chim kinh sợ trong lòng

Khói lửa báo động liên miên ba tháng trời

Thư nhà (đến), quý như muôn lạng vàng

Ðầu bạc, xoa thấy càng lưa thưa

Coi bộ không đủ (dày) để cài trâm.

Dịch thơ

Nước phá tan, núi sông còn đó

Đầy thành xuân cây cỏ rậm sâu

Cảm thời hoa rỏ dòng châu

Biệt ly tủi giận, chim đau nỗi lòng

Ba tháng khói lửa ròng không ngớt

Bức thư nhà, giá đắt bạc muôn

Gãi đầu tóc bạc ngắn ngun

Dường như hết thảy, e khôn búi tròn.

(Tác giả: Trần Trọng Kim dịch)

Nước tàn sông núi còn đây

Thanh xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi

Cảm thời hoa cũng lệ rơi

Chim kia cũng sợ hận người lìa tan

Lửa phong ba tháng lan tràn

Thư nhà đưa đến muôn vàng chắt chiu

Xoa đầu tóc bạc ngắn nhiều

So le lởm chởm khó điều cài trâm.

(Tác giả: Trần Trọng San dịch)

Nước mất còn sông núi

Thành xuân cảnh um tùm

Biệt ly lòng chim hãi

Cám cảnh lệ hoa tuôn

Lửa hiệu liền ba tháng

Thư nhà đáng mấy muôn

Gãi hoài cùn tóc bạc

Chừng tuột chiếc trâm luôn.

(Tác giả: Tương Như dịch) 

Nước mất nhưng núi sông còn,

Thành xuân quạnh quẽ um tùm cỏ gai.

Cảm thời, hoa để lệ rơi,

Biệt li hoa cũng vì người xót xa.

Tháng ba rồi đến tháng ba,

Thư nhà buổi loạn đúng là vàng muôn.

Gãi đầu tóc bạc thêm cùn,

Búi lên xổ xuống, trâm luồn lại rơi.

(Tác giả: Khương Hữu Dụng dịch)

3.7 Đăng Nhạc Dương lâu

Phiên âm

Tích văn Động Đình thủy

Kim thướng Nhạc Dương lâu

Ngô Sở đông nam sách

Càn khôn nhật dạ phù

Thân bằng vô nhất tự

Lão bệnh hữu cô chu

Nhung mã quan san bắc

Bằng hiên thế tứ lưu.

Dịch nghĩa

Trước kia từng nghe nói đến (nước) hồ Động Đình 

Hôm nay lên lầu Nhạc Dương 

(Hồ này) phân chia đất Ngô ở phía đông, đất Sở ở phía nam 

Trời đất đêm ngày trôi mãi 

Bà con không có một chữ (cho biết tin tức) 

Già lão sinh bệnh chỉ có mỗi con thuyền 

Ở phía bắc quan ải, núi non, chiến tranh vẫn còn xảy ra 

Đứng tựa hiên lầu nước mắt tuôn trào.

Dịch thơ 

Động Đình nghe nói từ lâu

Hôm nay mới được lên lầu Nhạc Dương

Sở Ngô chia cắt nam đông

Ngày đêm trời đất mênh mông mặt hồ

Vắng tin bạn cũ người xưa

Chiếc thân già bệnh bơ vơ con thuyền

Chiến chinh ải bắc chưa yên

Lệ rơi chan chứa tựa hiên ngậm ngùi.

(Tác giả: Trần Trọng San dịch)

Động Đình nghe tiếng từ xưa

Mà đây lầu Nhạc bây giờ mới lên

Đông nam Ngô Sở tách miền

Mênh mang trời đất ngày đêm bềnh bồng

Bạn bè một chữ vẫn không

Thân già ma bệnh chiếc bồng lẻ loi

Bắc phương giặc giã rối bời

Bên hiên đứng tựa sụt sùi lệ sa.

(Tác giả: Nam Trân dịch)

Có thể thấy con người tài hoa như Đỗ Phủ lúc sinh thời phải chịu cảnh cơ hàn cho đến khi tạ thế cũng không thoát khỏi bệnh tật quấn thân. Tuy nhiên, đời thơ của ông lại rất vẻ vang, ông mãi là bóng cây cổ thụ che rộng khắp Trung Hoa đến muôn đời sau.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet