Sẽ thật thiếu sót nếu nền văn học - nghệ thuật Việt Nam không có thơ, một thể loại làm tăng xúc cảm cho con người, ở đó ta được sống và thể hiện tình cảm của bản thân tự do. Người yêu thơ là người lãng mạn, mang tâm hồn hòa hợp với cuộc đời và con người.
1. Thơ là gì?
Thơ là thể loại văn học đã có tự bao đời, thậm chí còn được ra đời trước văn xuôi. Đã có hàng trăm định nghĩa, khái niệm khác nhau về thơ, tuy vậy rất hiếm định nghĩa có thể bao quát được tất cả mọi đặc trưng của thể loại này.
Theo từ điển tiếng Việt, nếu xét theo nghĩa danh từ, thơ là một khái niệm, một thể loại của văn học. Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu, vần điệu để thể hiện nội dung một cách hàm xúc. Về nghĩa tính từ, thơ được hiểu theo tính chất đặc điểm về nghĩa, như “thuở còn thơ”, “nên thơ”, “rất thơ”…
Còn trong Từ điển thuật ngữ văn học: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”.
Từ “thơ” thường được đi kèm với từ “câu’ để chỉ một câu thơ, với từ “khổ” để nói về một khổ thơ, hay với từ “bài” để nói về một bài thơ.
Một câu thơ là hình thức câu cô đọng, có thể truyền đạt một hoặc nhiều hình ảnh, có ý nghĩa và hoàn chỉnh trong cấu trúc ngữ pháp. Khổ thơ là tập của nhiều dòng thơ trong một bài thơ, được tác giả nhóm lại thành một khổ, ngăn cách với nhau bằng một dòng trống. Một bài thơ là tổ hợp của nhiều câu thơ hoặc khổ thơ.
Nhờ tính cô đọng trong số lượng từ, tính hình tượng và dư âm thanh nhạc trong thơ đã biến loại hình văn học này trở thành một hình thức nghệ thuật độc đáo, không giống với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác.
Thơ có lịch sử lâu dài. Định nghĩa sớm nhất về thơ có từ khoảng năm 384 – 322 TCN, bởi nhà triết học Aristotle. Ở Việt Nam, thơ có thể bắt nguồn từ ca dao, tục ngữ.
Thơ đa phần sử dụng ngôn từ mộc mạc, chứa đựng những cảm xúc dạt dào, cô đọng và giàu hình ảnh gợi tưởng. Kết hợp cùng quy luật gieo vần chặt chẽ nên âm điệu trầm bổng.
Mặc dù, thơ thường không đề cập trực tiếp đến sự kiện và số lượng chữ có phần ít hơn so với các thể loại văn học khác. Nhưng thông qua ngôn ngữ đầy chất trữ tình, thơ ca đã tinh tế truyền tải đầy đủ ý nghĩa và trọn vẹn câu chuyện ẩn chứa phía sau đó.
Nhà văn M. Gorki khẳng định “Không có cuộc sống, không có thơ”. Thật vậy, tác giả sẽ khó viết nên dòng thơ sâu lắng nếu không có sự góp nhặt tình cảm, kinh nghiệm của bản thân lấy từ cuộc sống.
Để khi đọc những vần thơ ấy, độc giả như bắt gặp hình ảnh chính mình, chạm đến từng cung bậc của cảm xúc. Thơ là nội tâm của tác giả, cũng chính là tiếng lòng của mọi người, phản ánh chân thực quá trình sinh hoạt, lao động và tình cảm của con người.
2. Những đặc trưng của thơ
Cũng giống như văn học, thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Tuy vậy, hình tượng trong thơ không phải được xây dựng từ óc quan sát, chiều sâu nhận thức, tư duy logic của lý trí mà nó đến từ cảm xúc và tâm hồn, bên cạnh lời (ngôn từ) và tư tưởng.
Theo đó, một số đặc trưng cơ bản nhất của thơ mà bất cứ một người yêu thơ nào cũng đều cảm nhận được đó là:
- Thơ là thể loại văn học có phương thức biểu đạt trữ tình, tác động đến người nghe bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Dù được phân thành nhiều loại khác nhau nhưng yếu tố trữ tình vẫn giữ vai trò cốt lõi.
- Nhân vật trữ tình (chủ thể trữ tình, cái tôi trữ tình) là người trực tiếp cảm nhận và bảy tỏ niềm rung động trong thơ trước sự kiện. Có thể nói nhân vật trữ tình là cái tôi thứ hai của tác giả, có sự tương đồng về tư tưởng tình cảm của nhà thơ. Tuy vậy, không thể đồng nhất nhân vật trữ tình với tác giả.
- Thơ là tiếng nói, tình cảm của con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Nhưng những tình cảm trong thơ không tự nhiên mà có, mà được tác giả cảm nhận trước một tình huống, sự việc khiến cảm xúc dâng trào.
- Mặc dù thơ cơ thể hiện cảm xúc, tâm trạng riêng tư, nhưng trong mỗi tác phẩm bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, cuộc đời, nhân loại, tạo sự đồng điệu giữa người với người trong cuộc sống.
- Thơ không trực tiếp nói về các sự kiện nhưng bao giờ cũng có ít nhất một sự kiện nảy sinh rung động thẩm mỹ mãnh liệt trong tâm hồn của nhà thơ được thể hiện thông qua từng câu chữ của tác phẩm.
- Số lượng câu chữ trong thơ ít hơn các thể loại khác (truyện, kịch…). Tuy nhiên, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, qua dòng thơ, qua vần điệu, tiết tấu,… tác giả vẫn thể hiện trọn vẹn được cảm xúc, thông điệp muốn truyền tải đến người đọc.
- Thơ ca chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống. Vẻ đẹp của thơ được thể hiện qua ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu kết hợp thông qua cách ngắt nhịp, thanh điệu, hiệp vần của lời thơ… Từ đó làm tăng sức âm vang và lan tỏa ý thơ.
- Thơ được sắp xếp thành các dòng (câu thơ), khổ thơ, đoạn thơ làm nên một hình thức có tính tạo hình. Đồng thời thông qua sự hiệp vần, luật thơ bằng trắc, cách ngắt nhịp tạo nên tính nhạc điệu, trầm bổng luyến lái của thơ.
- Ngôn ngữ thơ chủ yếu là ngôn ngữ của nhân vật trữ tình, là ngôn ngữ hình ảnh có tính biểu tượng cao và thiên về khơi gợi. Do đó, đòi hỏi người đọc phải có sự liên tưởng, tưởng tượng, đặc cảm xúc vào bên trong mới có thể hiểu được hết ý nghĩa độc đáo của tác phẩm.
Xem thêm:
360 câu ca dao dân ca Việt Nam hay nhất từ 3 miền đất nước
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam
250 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tình cảm gia đình hạnh phúc
3. Thơ bao gồm những thể loại nào?
Dựa vào tiêu chí, thơ sẽ được phân loại theo nhiều cách khác nhau.
3.1 Về nội dung biểu hiện
Về nội dung thể hiện, thơ được chia thành 3 loại là:
- Thơ trữ tình: Là những tâm tư tình cảm của tác giả, những chiêm nghiệm của con người về cuộc đời. Ví dụ: Thơ Tự tình – Hồ Xuân Hương
- Thơ tự sự: Là những cảm nghĩ vận động theo mạch kể chuyện. Ví dụ: Thơ Hầu trời – Tản Đà
- Thơ trào phúng: Là những sự phê phán, phủ nhận cái xấu theo lối viết mỉa mai, đùa cợt. Ví dụ: Thơ Vịnh Khoa thi Hương – Tú Xương
3.2 Về cách thức tổ chức
Thơ được phần thành 3 loại cơ bản là:
- Thơ cách luật: Thường viết theo luật đã định trước. Ví dụ các bài thơ Đường, thơ lục bát, song thất lục bát…
- Thơ tự do: Thường được viết không theo bất kỳ một niêm luật có sẵn.
- Thơ văn xuôi: Là những câu thơ giống như văn xuôi, nhưng có chứa nhịp điệu.
3.3 Về thời gian xuất hiện
Ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã dựa vào thời gian xuất hiện để chia thơ ca thành các thể loại như:
- Thơ trữ tình dân gian: Ca dao được xếp vào thơ trữ tình dân gian. Nội dung ca dao thường diễn tả đời sống nội tâm của con người.
Ca dao được coi là “thơ của vạn nhà” bởi nó không mang dấu ấn cá nhân. Trong ca dao, những tình cảm, tâm trạng và cách thể hiện thế giới nội tâm của các nhân vật trữ tình đều mang tính chất chung, phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp… Bất cứ ai, nếu thấy ca dao phù đều có thể sử dụng, xem đó là tiếng lòng của mình. Tuy vậy, trong cái chung đó, mỗi bài ca dao vẫn có những nét riêng độc đáo.
- Thơ trữ tình trung đại: Các bài thơ trữ tình thuộc giai đoạn trung đại thường mang nặng tính hình tượng, ước lệ, tính quy phạm và tính phi ngã. Theo đó, nhân vật trữ tình trong thơ trung đại cũng thường tập trung vào cái tôi đại chúng và cái tôi “siêu cá thể”. Nội dung thơ thường thể hiện ý chí lớn lao của con người và truyền tải đạo lý.
- Thơ trữ tình hiện đại (thơ mới): Xuất hiện những năm 20 của thế kỷ XX đã làm thay đổi diện mạo nền thơ ca Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi đây là cuộc cách mạng giải phóng thơ ca khỏi những ràng buộc lỗi thời, mà theo những tác giả của phong trào này cho rằng thể loại thơ trước đó quá gò bó về mặt nội dung lẫn hình thức.
Thơ trữ tình hiện đại là hình thức theo lối tự do, phá vỡ mọi niêm luật của thể thơ thời kỳ trung đại. Bởi thi sĩ tự do gieo vần, hiệp vần, thay đổi nhịp điệu trong bài. Khiến lời thơ có phần uyển chuyển, mềm mại và tiếp xúc gần hơn với bạn đọc.
Trong giai đoạn 1932 - 1945, thơ ca thể hiện cái "tôi" cá nhân đặc sắc. Đối diện chân thực với hoàn cảnh rối ren của đất nửa thực dân, nửa phong kiến. Cùng những tâm tư sầu uất, lạc lõng giữa cuộc đời.
Trong những bài thơ mới, ta dễ nhìn thấy tinh thần dân tộc từ vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, hình ảnh dòng sông - bến nước - con đò, cùng nỗi đau mất nước đau đáu trong trái tim của nhân dân.
Thơ mới cũng là giai đoạn hình thành nên những con người lý tưởng, tràn đầy khát vọng độc lập, tự do và hướng đến niềm hạnh phúc như: chiến sĩ cách mạng uy nghi trong bài “Con voi già” của tác giả Huy Thông hay người khách chinh phu trong “Tiếng gọi bên sông” của Thế Lữ.
Bên cạnh đó, thơ mới còn thể hiện tình cảm đôi lứa, trải qua nhiều chặng đường của tình yêu từ xa lạ thành thân quen, ‘chung đường chung lối’ đến duyên tình dang dở.
Thơ trải dọc theo chiều dài lịch sử, đa dạng hình thức như: thơ sử thi, thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn bát cú, thơ lục bát,... Hoặc thơ ngắn chỉ với ba, bốn dòng vẫn đủ phản ánh hết nội tâm và mang đến bức tranh rõ nét về cuộc đời.
Xem thêm:
Những bài thơ tình yêu lãng mạn của "Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu
Thơ Xuân Quỳnh: gợi nhớ, gợi thương khiến người đọc vấn vương mãi không thôi!
Tổng hợp 40 bài thơ Bùi Giáng hay nhất về tình yêu và chuyện đời
4. Tổng hợp một số bài thơ hay tiêu biểu dựa vào thể loại
Đọc thơ khiến lòng người dâng lên niềm cảm xúc khó tả, bởi thơ có khả năng gợi nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe.
Ban đầu, thơ có thể chỉ là những câu ca dao được cha ông ta đúc kết từ kinh nghiệm sống truyền lại. Thông qua giao lưu giữa các nền văn hóa, các thể loại thơ cũng dần đa dạng. Từ những cấu trúc đơn giản đến những cấu trúc phức tạp. Tuy vậy, ngoài thơ tự do – một thể loại thơ không có cấu trúc rõ rệt, các loại thơ khác hầu như đều có một cấu trúc nhất định.
Dưới đây là một số bài thơ tiêu biểu để giúp bạn có thể dễ hình dung hơn về các thể loại thơ đang được phân loại hiện nay:
4.1 Thơ lục bát
1. “Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.”
2. “Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.”
3. “Đường đi xa lắm ai ơi,
Nước non ngàn dặm, bể trời mênh mông.”
4. “Anh em cốt nhục đồng bào,
Vợ chồng là nghĩa lẽ nào không thương.”
(Ca dao)
5. "Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa".
(Trích Việt Nam đất nước ta ơi - Nguyễn Đình Thi)
6. Tương tư
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
(Tác giả: Nguyễn Bính)
7. Nằm Trong Tiếng Nói
Nằm trong tiếng nói yêu thương
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con.
Tháng ngày con mẹ lớn khôn,
Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha.
Đời bao tâm sự thiết tha
Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ…
(Tác giả: Huy Cận)
4.2 Thơ song thất lục bát
1. Đôi Mắt
Có hoa nào qua mùa không héo?
Có tiếng nào giàu đẹp hơn không?
Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em.
Đàn “nguyệt dạ” hương đêm bay lạc
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?
Phép gì khỏi nhớ đừng trông
Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi.
(Lưu Trọng Lư)
2. Người Mang Tâm Sự
Trời hôm nay chợt mưa chợt nắng
Tiễn người đi bến vắng đò chiều
Nghe hồn thổn thức cô liêu
Ta còn có biết bao điều trong nhau
Chim lẻ bạn âu sầu muôn lối
Lòng bao năm tăm tối não nề
Qua rồi một thoáng đam mê
Tóc xanh giờ đã mây che phủ đầu
Chân đếm bước dòng sầu nhạt nắng
Lòng bâng khuâng ngõ vắng thưa người
Đường trần chỉ một mình tôi
Trời cao sao nỡ tách đôi duyên mình…
Anh trở gót hành trình đếm bước
Trời vào Thu sướt mướt tình ngâu
Sóng giăng bủa bến giang đầu
Chiều nay hồn có trái sầu vừa rơi
(Hoàng Mai)
4.3 Thơ 4 chữ
1. Hạt gạo làng ta
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất…
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta…
(Trần Đăng Khoa)
2. Đồng giao mùa xuân
Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa
Một ngày hoà bình
Anh không về nữa.
Có một người lính
Chưa một lần yêu
Cà phê chưa uống
Còn mê thả diều
Một lần bom nổ
Khói đen rừng chiều
Anh thành ngọn lửa
Bạn bè mang theo
Mười, hai mươi năm
Anh không về nữa
Anh vẫn một mình
Trường Sơn núi cũ
Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành
Anh ngồi lặng lẽ
Dưới cội mai vàng
Dài bao thương nhớ
Mùa xuân nhân gian
Anh ngồi rực rỡ
Màu hoa đại ngàn
Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non…
Tuổi xuân đang độ
Ngày xuân ngọt lành
Theo chân người lính
Về từ núi xanh…
(Nguyễn Khoa Điềm)
Xem thêm:
Tìm đọc top 40+ bài thơ 4 chữ ý nghĩa, đong đầy tâm tình và niềm yêu đời
8 bài thơ 4 chữ về quê hương - Một làng quê Việt Nam yên bình, mộc mạc
Tuyển tập 33 bài thơ 4 câu về cuộc sống, tình yêu, gia đình… hay nhất
4.4 Thơ 5 chữ
1. Phò giá về kinh
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu."
(Trần Quang Khải)
2. Mang nặng đẻ đau
Đời con vừa viết xong
Xin cúi đầu dâng mẹ
Bao nhiêu sự đau lòng
Xin lòng mẹ đoái trông
Đời mẹ nhiều cay đắng
Lòng con mang vẫn nặng
Những cơn lệ ngập ngừng
Mẹ chưa hề khóc đặng
Mẹ buồn mà chẳng nói
Chỉ chờ lòng con gọi
Là mẹ khóc. Trời ơi!
Mẹ tôi buồn quá đỗi.
Mới ngoài bốn mươi tuổi
Mà xâu kim phải nhờ
Em con. Lòng mẹ tủi
Mắt trong khóc đã mờ.
Mẹ cho con thân con
Mẹ cho con tâm hồn
Đẻ con và mang nặng
Con lớn, mẹ hao mòn.
Và mặt mẹ, con nhìn
Sao không thương cho được!
Đường ngang và nét dọc
Là dấu vết sầu in.
Phải chăng cả thân mẹ
Quặn lại mà sinh ra
Máu xương cho con sống
Cho con đủ thịt da?
Mẹ ơi! Sao mẹ giống
Đất nước sinh ra con
Cũng một bầu khổ thống,
Cũng bấy nhiêu đau buồn.
Đời con vừa viết xong
Xin cúi đầu dâng mẹ
Bao nhiêu sự đau lòng
Xin hai Mẹ đoái trông!
(Tác giả: Huy Cận)
4.5 Thơ 6 chữ
1. Phố chiều thu
Thu về hồn nghe trống vắng
Lang thang xuống phố chợ đông
Nắng chiều vàng ươm nhè nhẹ
Heo may se sắt cõi lòng
Phố vui người người tấp nập
Dập dìu từng đôi từng đôi
Chiều ơi rơi chầm chậm nhé
Đừng bay sang phía mù khơi
Lối xưa thiếu người im vắng
Chỉ mình ta bước lẻ loi
Nâng chén men sầu uống cạn
Lệ lòng cứ thế tuôn rơi
Vui buồn nơi đây cõi tạm
Phù du một kiếp mong manh
Buông tay giờ đây còn lại
Mộng tàn cho em và anh.
(Nguyễn Ngọc Giang)
2. Mùa đông lối xưa
Đông sang mùa về lạnh quá
Anh nghe rét buốt tâm hồn
Em nơi phương trời xa lạ
Quên rồi một buổi hoàng hôn!
Anh đi về trên lối ấy
Gió đông buốt giá vai gầy
Đường xưa bây giờ vẫn vậy
Giọt sầu ngả bóng hàng cây
Em ơi! Mùa đông nơi đó
Có còn nhớ đến đông xa?
Gió đông thì thầm rất nhỏ
Đâu rồi em gái chiều qua?
Khói thuốc loang trong màn tối
Hồn thơ giăng lối em về
Nắng ơi thôi đừng lên vội
Cho ai quên những ước thề
Nét bút ngày nay lạ thế?
Rạng lên một dáng em hiền
Trăng lên trời mây chợt tím
Thẫn thờ vẽ dáng em nghiêng
Đông sang mùa về lạnh quá
Lâu rồi phố ấy em qua?
Gió vít hồn thơ trăn trở
Ai đưa em về nơi xa?
(Huỳnh Minh Nhật)
4.6 Thơ 7 chữ
1. Những Giọt Lệ
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
Họ đã xa rồi khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
(Tác giả: Hàn Mặc Tử)
2. Bánh trôi nước
Thân em thời trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm mấy nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
(Hồ Xuân Hương)
3. Bạn Đến Chơi Nhà
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
(Tác giả: Nguyễn Khuyến)
4. Qua Đèo Ngang
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta
(Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan)
4.7 Thơ 8 chữ
1. Quê hương
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
(Tế Hanh)
2. Nhớ hạ bên đời
Chiều hôm qua mưa rào dâng ngập lối
Tưới ruộng đồng... dịu mát nỗi niềm riêng
Xóa tan đi bao rát bỏng ưu phiền
Hạ đã về mỉm cười duyên lá cỏ
Nhớ ngày xưa áo dài bay trong gió
Nón nghiêng che đôi má đỏ môi hồng
Nụ tầm xuân sân trường rực rỡ bông
Nhặt cánh phượng sao nghe lòng nức nở
Mùa chia tay tuổi học trò luyến nhớ
Bạn và tôi mỗi đứa ở muôn nơi
Gói hành trang chập chững bước vào đời
Cánh chim di nơi phương trời viễn xứ
Rồi ngày kia dừng bước chân cô lữ
Dòng nhật ký còn nét chữ chưa phai
Bụi phong sương ôm kín cả hình hài
Nhưng con tim vẫn đập hoài mộng đẹp.
(Tuyền Mai)
Xem thêm:
25 bài thơ tình bất hủ Việt Nam càng ngẫm càng thấy hay và sâu sắc
Chất chứa cảm xúc với những câu thơ tình yêu lãng mạn, ngọt ngào
Lắng đọng cảm xúc yêu thương, hạnh phúc, đau khổ, vấn vương qua 20 bài thơ ngắn về tình yêu chọn lọc
4.8 Thơ tự do
1. Mời
Tôi trân trọng mời em dự chuyến tầu tình ái.
Trong một phút, một giây cuộc hành trình sẽ mở.
Tôi mời em.
Trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời.
Tôi mời em đi ngay - không cần lấy vé..
Còn nếu cần thì tôi sẽ làm người bán vé..
Vé có thể là những lá thư xanh.
Tầu là gian nhà rất nhỏ..
Em có thể tô môi son rất đỏ, như khi đi dự một dạ yến tưng bừng..
Nhưng nếu vội vàng mà em để vành môi tái nhợt, mớ tóc bù tung, thì có hại gì đâu em!..
Tôi cũng rất vội.
Hành lý chỉ mang theo một vòng tay để ôm em.
Em đến ngay cho cuộc hành trình được mở..
Tôi đi vào kiều diễm của thân em."
(Nguyên Sa)
2. Đất nước
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da…
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
(Nguyễn Đình Thi)
Nhìn chung, thơ cũng là một loại hình văn học ẩn chứa nhiều bài học ý nghĩa, mang giá trị nhân văn quý giá. Và dù hiện nay người ta đang phân chia thơ thành nhiều thể loại khác nhau, song loại thơ nào cũng chứa chất trữ tình và theo thi luật nhất định. Mong rằng, qua bài viết trên bạn đã có thêm những kiến thức và rút ra nhiều bài học bổ ích từ thơ ca nước nhà.
Tổng hợp