Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tuyển tập những bài thơ Tố Hữu đi cùng năm tháng

(VOH) – Chúng ta đã bao lần hòa cùng niềm vui của những ngày kỉ niệm đất nước được độc lập, tự do. Đọc thơ Tố Hữu, ta càng yêu và tự hào thêm về những người lính cũng như sự hi sinh to lớn của họ.

Được lao động cống hiến cho đất nước vừa là trách nhiệm của công dân, cũng là niềm vui khi ta có cơ hội sống trong hòa bình, hạnh phúc. Chiến tranh đi qua và đã để lại biết bao nhiêu ký ức. Cùng đọc thơ Tố Hữu và ôn lại từng chặng đường lịch sử đầy tự hào của dân tộc bạn nhé!

1. Những bài thơ của Tố Hữu sống mãi cùng năm tháng

Tố Hữu được biết đến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Cả cuộc đời ông cũng như sự nghiệp sáng tác, sự nghiệp cách mạng đều gắn liền với từng bước đi của lịch sử Việt Nam. Cho dù thời gian có trôi qua thật nhanh, thì những bài thơ của Tố Hữu sống mãi cùng năm tháng vẫn luôn mang đậm dấu ấn một thời dân tộc ta chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do và hạnh phúc. 

1.1 Bài thơ Từ ấy

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...

Tháng 7/1938

1.2 Bài thơ Khi con tu hú

Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Huế, tháng 7/1939

1.3 Bài thơ Lượm

Ngày Huế đổ máu
Chú Hà Nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè.

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...

- “Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá
Thích hơn ở nhà!”

Cháu cười híp mí,
Má đỏ bồ quân:
- “Thôi, chào đồng chí!”
Cháu đi xa dần...

Cháu đi đường cháu
Chú lên đường ra
Đến nay tháng sáu
Chợt nghe tin nhà.

Ra thế
Lượm ơi!

Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao

Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?

Đường quê vắng vẻ
Lúa trổ đòng đòng
Ca-lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng...

Bỗng loè chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...

Lượm ơi, còn không?

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...

1949

tho-to-huu-voh-0

1.4 Bài thơ Người con gái Việt Nam

Tặng chị Trần Thị Lý anh dũng

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành!

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!

Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho Lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả Nước ôm em, khúc ruột của mình.

Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa...

Cả Nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần!

Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!

Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em gò nổi Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!

7/12/1958

1.5 Bài thơ Hi vọng

Liên Xô nở trước đời tôi ba tuổi
Hai mươi xuân gội nhựa ướt đầu xanh
Có bao nhiêu đem khởi cuộc hành trình
Tôi chất cả vào rương còn lưng lẻo
Ồ vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo
Bốn phương trời và sau dấu muôn chân
Cũng như tôi, tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng
Tay hái sắc giầu như trăm móng ráng
Đường thơm tho như mật bộng trưa hè
Không gian hồng như giấc mộng đê mê
Tim bồng bột hát những lời âu yếm…

Anh, bước lại cùng tôi, ta sẽ nếm
Bên đường đây, đôi ba trái ngọt hiền
Vui ăn đi! Có lẽ một bà tiên
Đã để đó cho những hồn thanh khiết.
Khoan khoái chút như trong ba bữa tết
Rồi đứng lên, ta lại bước vang đường
Toả đầy nơi hơi mát của muôn sương
Và của gió nhịp tưng bừng linh hoạt!

Cứ như thế, cho tối ngày giải thoát
Cả loài ta. Và khi đó, Tự nhiên
Sẽ trố nhìn, ngơ ngác, lớp thanh niên
Xây thế giới cao quá trời xa thẳm.

1/8/1938

1.6 Bài thơ Tạm biệt

Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất,
Sống là cho. Chết cũng là cho.

1.7 Bài thơ Tri âm

Phải mấy hoa hồng, một giọt hương
Phải bao núi đá, hạt kim cương
Hỡi ai, số phận yêu thương ấy
Được mấy tri âm, bấy dặm đường...

1967

Xem thêm: Tuyển chọn 30 bài thơ hay nhất của thi sĩ Hồ Xuân Hương

2. Thơ Tố Hữu về Bác Hồ và niềm tự hào dành cho dân tộc Việt Nam

Tố Hữu vừa là nhà thơ, vừa là người chiến sĩ cộng sản luôn anh dũng, nhiệt thành và đầy trách nhiệm. Đọc những bài thơ của Tố Hữu về Bác Hồ và niềm tự hào dành cho dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ không khỏi bùi ngùi, xúc động. Đó là cả tấm lòng của nhà thơ dành cho Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại luôn sống mãi trong lòng người. 

2.1 Bài thơ Hồ Chí Minh

Người lính già
Đã quyết chiến hy sinh
Cho Việt Nam độc lập
Cho thế giới hoà bình!
Người đã sống nǎm mươi nǎm vũ bão
Vì nhân loại
Người quyết dâng xương máu
Vì giang sơn
Người quyết dứt gia đình!
Hồ Chí Minh
Người đã quyết
Mặc phong ba giá tuyết
Mặc gươm súng xiềng gông
Làm tên quân cảm tử đi tiên phong

Đánh trǎm trận, thề trǎm phen quyết thắng!
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi
Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến
Cờ đã phất, phải gương cao quyết tiến! 
Người xông lên
Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên
Rập bước tiến bên người Cha anh dũng.
Tiếng Người thét
Mau lên gươm lắp súng!
Và cả đoàn quân
Đã bao nhiêu nǎm tháng trải phong trần
Mắt sáng quắc như gươm trần mã tấu
Vụt ào lên quyết hy sinh chiến đấu
Diệt cường quyền!
Ôi sức mạnh vô biên!

Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trǎm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!
Chúng tôi đây
Lớp con cháu trên đường
Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới
Ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới
Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca

Hồ Chí Minh
Người trẻ mãi không già!

26/8/1945

2.2 Bài thơ Bác ơi

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay...

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau...

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa.

Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!
Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước...”
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.

Bác đã lên đường, theo tổ tiên
Mác - Lê-nin, thế giới Người Hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

6/9/1969

tho-to-huu-voh-1

2.3 Bài thơ Vui bất tuyệt

Vui quá đêm nay
Ta nhảy ta bay
Trong lòng Hà Nội
Biển sống trào lên thành đại hội
Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng
Xôn xao mặt đất, trăng là trăng
Chảy xiết Ngân Hà, muôn sao vàng rực
Mặt trời đỏ huyền kỳ mọc lên, ôi náo nức
Nhạc nhân gian cuồn cuộn bốc hồng trần!

Ta đi đây, là trăm vạn thiên thần
Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ
Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử
Đêm nay tràn hoa đỏ nhuỵ vàng tươi

Ta đi đây, với thế kỷ hai mươi
Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch!
Ta đi tới, biết đâu là tuyệt đích?
Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người
Đi đi hoài, đi mãi, anh em ơi
Đây cuối đất hay đầu trời chẳng biết!

Ta hát suốt đêm nay vui bất tuyệt
Trống rung tim ta đập nhịp bồn chồn
Đầu ta qua lớp lớp khải hoàn môn
Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc
Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên
Đôi cánh mở của đất trời giải phóng!

Kỷ niệm 2/9/1946

2.4 Bài thơ Trên miền Bắc mùa xuân

Tôi chạy trên miền Bắc
Hớn hở giữa mùa xuân
Rạo rực muôn màu sắc
Náo nức muôn bàn chân.

Đường nhựa dài óng ả
Đồng chiêm mạ xanh rờn
Ga mới hồng đôi má
Cầu mới thơm mùi sơn.

Bà con đi đâu vậy
Vui hơn cả hội hè?
Trống đánh cờ bay dậy
Sôi sục khắp đồng quê.

Đi đi ra trường đấu
Quật địa chủ cường hào!
Ruộng đất, ta làm chủ
Chấp chới đỏ cờ sao.

Đi đi ra chống hạn
Thay trời, ta làm mưa
Vui sao tiếng nước lên đồng cạn
Vui sao tiếng hát trên đồng bừa!

Tôi đi dưới nắng trưa
Mùa xuân ấm áp
Nghe hơi thở của đồng quê mập mạp
Bãi phù sa xanh mượt ngô non
Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn
Đủng đỉnh về xuôi quê hương mới lạ.
Rực rỡ những làng vàng tươi mái rạ
Gạch mới nung, đá trắng chất bên đường
Khói lò bay quanh những phố phường
Sắt sáng chói những bể dầu xưởng máy
Và trường học đã mọc lên từng dãy…

Sướng vui thay, miền Bắc của ta!
Cuộc sống tưng bừng đổi sắc thay da.
Ta nghe rõ: Mỗi giờ mỗi phút
Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt
Như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ
Mà bàn tay thần diệu của Bác Hồ
Cầm chắc lái, bay trên đường vạn dặm
Đường gai góc đang nở đầy hoa thắm…

Giữa mùa xuân, vững bước tới tương lai
Tôi vui đi, mê mải… một... hai
Giật mình nghe tiếng còi dài gióng giả
Trên đường sắt, chuyến tàu trưa hối hả
Chạy về Nam. Như một đạo quân
Chuyển rầm rầm trên miền Bắc mùa xuân.

5/2/1956

2.5 Bài thơ Mừng bạn, mừng ta

Chưa phải tết. Mà hoa đào rộ nở
Ào ào Xuân. Hớn hở từng giờ
Xứ sở mình lạ thật. Cứ như mơ
Đã biết trước, vẫn bất ngờ vui tới.

Lụt bắc lụt nam. Máu đầm biên giới
Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân
Chẳng hề chi. Cách mạng đâu cần
Lòng sẵn mở. Và chân sẵn bước
Cho ngày mai nay, rộn ràng cả Nước
Mở hội mừng Xuân. Mừng bạn. Mừng ta.
Quên hết cực rồi. Trời đất đầy hoa
Bữa rau muối, mà mặt người rạng rỡ.

Chúng con lại đến nơi Người ở
Bác Hồ ơi! 79 xuân này
Như Người hằng sống vậy, đâu đây
Thế là tốt. Người vui, bảo thế.

Ba khúc sông, chung một dòng
Tựa lưng nhau, cùng cội rễ
Tổ ba người, dời non lấp bể
Chào Ngày mai, nam bắc tây đông!

13/1/1979

Xem thêm: Thơ Xuân Quỳnh: gợi nhớ, gợi thương khiến người đọc vấn vương mãi không thôi!

3. Thơ Tố Hữu về tình yêu

Tình yêu trong thơ của Tố Hữu được trải rộng khắp nơi, cho cả người và cả những điều xung quanh. Đọc những bài thơ Tố Hữu về tình yêu, chúng ta sẽ hiểu thêm về những mảnh đời trong thời đại máu lửa đã qua nhưng vẫn lạc quan, mạnh mẽ, yêu đời.

3.1 Bài thơ Lạnh lùng

Tặng những trẻ em bơ vơ, chưa bao giờ sung sướng

Với gió bắc, đi về rét mướt,
Nương chuối già nghe lạnh sẽ rùng mình
Vài chim quen thưa thớt ở đầu cành
Còn lưu luyến ngày tàn trong nắng yếu...

Tìm chi em, trong sương chiều thất thểu,
Chân ngại ngùng e lạnh của ngày đông,
Chờ chi em mà vơ vẩn buồn trông
Cây xơ xác chìa tay khô gầy gỏ?

Em run rẩy thầm nghe trong tiếng gió,
Mùa thu qua, qua hết những tình thương
Mà tim em khao khát lượm trên đường!!
Rồi đây... lạnh, đây mưa và lặng lẽ,
Em sẽ bước, mình em, trong vắng vẻ,
Còn ai đâu, ái ngại, đứng nhìn em,
Còn ai đâu buông nhẹ một lời êm?
Cửa gài then sẽ thờ ơ chẳng mở,
Như bao cửa lòng khô không hé nữa!

Biết chăng em, hỡi bạn chơ vơ!
Anh từng phen ngừng bước thẫn thờ
Chạnh lòng tưởng chốn phương trời xa vắng
Một tấm lòng yêu thương trong yên lặng!

3.2 Bài thơ Mồ côi

Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới dòng mưa.

Con chim non chiu chít
Lá động khóc tràn trề
Chao ôi buồn da diết
Chim ơi biết đâu về.

Gió lùa mưa rơi rơi
Trên nẻo đường sương lạnh
Đi về đâu em ơi
Phơi thân tàn cô quạnh!

Em sưởi trong bàn tay
Cho lòng băng giá ấm
Lìa cành lá bay bay
Như mảnh đời u thảm!

Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ
Cùng vất vưởng bê tha

Rồi ngày kia rã cánh
Rụi chết bên đường đi...
Thờ ơ con mắt lạnh
Nhìn chúng: “Có hề chi!”

Huế, tháng 10/1937

3.3 Bài thơ Xuân lòng

Nắng xuân tưới trên thân dừa xanh dịu
Tàu cau non lấp loáng muôn gươm xanh
Ánh nhởn nhơ đùa quả non trắng phếu
Và chảy tan qua kẽ lá vườn chanh.

Gió nhè nhẹ, hương cỏ cây nhè nhẹ
Thoảng bay lên, hương mạ dưới đồng xa
Tự đâu đó, hương muôn hoa mới hé
Như khói trầm từ đỉnh rộng bao la.

Hơi xuân ấm trả cho trời đất lặng
Tiếng reo ca nhí nhảnh và ngây thơ
Của đàn sáo say phơi mình dưới nắng
Chim nghệ vàng rỉa cánh trên nhành tơ...

Xuân trong sáng, xuân thơm, xuân ríu rít
Nhưng xuân đâu tươi đẹp, không xuân lòng?
Ôi xuân nay chỉ là xuân lạnh chết
Trong buồn đau phẫn uất của công nông!

Xuân nay chỉ một mùa tang đẫm máu
Lòng người đang thét nỗi bi ai
Đứng phắt dậy! Hỡi muôn hồn phấn đấu
Phá bất bình, mưu sống cho ngày mai...

Rồi xuân ấy, cả nhân quần vui vẻ
Nắm tay nhau, tuy khác tiếng, màu da
Dẫm chân lên những núi sông chia rẽ
Và ôm nhau thân ái, cùng vang ca.

Xuân 1938

tho-to-huu-voh-2

3.4 Bài thơ Con chim của tôi

Nó chết rồi, con chim của tôi
Con chim sẻ sẻ mới ra đời!
Hôm qua nó hãy còn bay nhảy
Chỉ một ngày giam, đã chết rồi!

Tôi muốn cô đơn dịu bớt sầu
Nên tôi yêu nó, có gì đâu!
Tình thương vô ý gây nên tội
Tôi đã tù, sao bắt nó tù?

Sao nỡ dù trong giây phút thôi
Bắt con chim nhỏ hận câm lời
Sao không trả nó về mây gió
Cho nó say sưa uống ánh trời?

Tôi dẫu dành cơm mớm nó ăn
Đủ làm sao được: thiếu không gian!
Sao tôi không hiểu, sao không hiểu?
Để tội tình chưa, nó chết oan!

Xà lim số 1, lao Thừa Thiên

Tháng 5/1939

3.5 Bài thơ Một tiếng rao đêm

Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Không phải giọng của một hầu đứng tuổi
Cao thánh thót hay rồ khan gió bụi
Đây âm thanh của một cổ non tơ
Mà giây ngân còn vương vấn dại khờ
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ.
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái bén
Thôi cũng được, tiếng em vừa ngon đến
Rao đi em, kẻo nữa quá khuya rồi...

Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nho nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ.
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền
Manh áo mỏng che không kín ngực
Đầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt
Đuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi!
Ấy chân em leo lên bước đường đời
Ngày tháng đó trong mủng vài chục bánh.
Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng mảnh,
Biết bao giờ mà sướng được em ơi!
Có ai thương một com bé giữa trời
Mà thương nữa, cũng đôi người lơ đễnh
Kêu em lại, mua cho vài chiếc bánh
Trả vài xu và thoa má, ngọt ngào
“Ồ cái con bé nó mới ngoan sao
Chừng ấy tuổi đã làm ăn bán dạo!”

Và con bé đi rồi, tình mới đậu
Chưa nồng trên lòng khách, đã phôi pha
Theo dáng hình sương khuất, tiếng rao xa...

Xà lim Quy Nhơn

Tháng 11/1941

3.6 Bài thơ Tương thân

Tôi gặp bà con mới một lần
Mà sao lòng đã thấy yêu thân
Như quen biết tựa ngày xưa ấy
Mỗi mặt phong trần, một nét nhăn.

Ở cũng bàn tay đã nắm qua
Ngón tay gân guốc nhám chai da
Cũng mùi lưng khét quen mưa nắng
Cũng những lời quê ý thiệt thà.

Thôi kể làm chi nỗi đoạn trường
Sau ruồng tre ấy, chốn quê hương
Tháng ngày chát cổ cơm khoai sắn
Rách rưới lều che tạm gió sương

Hiểu nhau rồi, hiểu lắm bạn ơi
Chừ đây, không đợi nói lên lời
Tay cầm tay với lòng chung một
Mau xúm lưng nhau dựng lại đời.

Tháng 9/1942

3.7 Bài thơ Tình khoai sắn

Ngày xưa khoai sắn sống lang bang
Bãi cát nghèo khô, mé núi hoang
Như chẳng đòi chi, hồn giản dị
Quanh năm bè bạn, chị em làng

Một bữa, cờ son lên đổi ngôi
Sao thiêng nghiêng xuống những lưng đồi
Sắn khoai hăm hở về dinh chiếm
Quyền sống trên miền rối cỏ hôi

Rồi từ hôm đó, bọc hoàng cung
Lớp lớp khoai xanh mượt vạn vồng
Lòng đất kiêu kiêu nghe nặng củ
Khách dừng âu yếm, ngẩn ngơ trông…

Khoai mãn mùa đi, đến sắn về
Say màu hương mới, dậy hồn quê
Rướn thân lên trải ngàn tay rộng
Như những chàng trai đón bốn bề

Những buổi mai hường, nắng mới tinh
Bên đường sương mát, lá rung rinh
Ta đi trong gió thơm khoai sắn
Lòng nhẹ, vui vui, bát ngát tình…

1946

Xem thêm: Top 15+ bài thơ Song thất lục bát hay, nên đọc một lần trong đời!

4. Thơ Tố Hữu về người lính

Trong những ngày phải sống cùng tiếng súng, tiếng bom, người chiến sĩ đã hi sinh biết bao điều. Đọc thơ Tố Hữu về người lính, cho ta nhiều hơn những cảm nhận về họ - người đã ngã xuống để bảo vệ cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

4.1 Bài thơ Hồn chiến sĩ

Em hãy vặn dây đàn lên tí nữa
Và hãy cao giọng hát khúc sầu bi!
Đưa ngón tay nhỏ mềm, em hãy lựa
Tiếng đàn sao cho nức nở lâm ly!

Em không khóc, nhưng sao anh muốn khóc
Em không than, anh lại những buồn đau
Con chim non không đợi chờ cánh mọc
Cơ khổ em mới ngần ấy tuổi đầu!

Vui sao được, hở em, thân gầy gõ
Ôm đàn đi, chưa vững trên đường mòn
Trí vẩn vơ nghĩ đến đàn em nhỏ
Vây quan giường mẹ ốm ngóng chờ con!

Trẻ nhà sang nô đùa trong bóng mát
Em lạnh lùng nhìn chúng, bước chân qua
Em mạnh bạo chống bất công tàn ác
Không cầu xin, không cất tiếng kêu ca.

Em sẵn có linh hồn người chiến sĩ
Ngạo nghễ cười với nắng sớm sương đêm
Buông tiếng dây não nùng, em mai mỉa
Cả một thời, dưới ách nặng nằm im!

Huế, tháng 4/1938

4.2 Bài thơ Trưa tù

Đây thu gọn giữa thành cao bưng bít
Một mùa hé vây riết một hồn thơ
Mặt trời lên trên những ngọn bàng tơ
Bóng thưa thớt từ từ thu ngắn lại
Người hàng xứ về lao đi lải rải
Áo quần lam rách rưới dáng bơ phờ
Múc gió vàng trong những nón vàng khô
Và uể oải hắt vào lưng khét cháy
Mồ hôi. Mệt. Môi không buồn mấp máy
Mắt đờ cay sợ nắng khép lim dim
Mà ngoài sân, tất cả cũng im lìm:
Buồn không gió, hai hàng cây đứng ngủ
Đàn vịt nhỏ nằm ngây trên liếp cỏ
Đôi bồ câu trốn nắng dưới bờ mương
Đằng xa kia, nắng gắt dọc chông tường
Người lính đứng, gục đầu trên vọng gác.

Lao Thừa Thiên, tháng 5/1939

4.3 Bài thơ Dậy lên thanh niên

Lời Tổ quốc

Hỡi những con khôn của giống nòi
Những chàng trai quý, gái yêu ơi!
Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?

Hỡi những con khôn của giống nòi
Đã từng đau tự thuở trong nôi
Đã từng thấy Mẹ lăn trong máu
Lệ đã chua cay ngấm nụ cười.

Mẹ đã vì con khổ vạn đời
Hận thù đế quốc quyết khôn nguôi
Còn chi đâu nữa nuôi con lớn
Vú Mẹ giờ đây cạn sữa rồi!

Há để ai bênh vực lợi quyền
Dậy lên, tất cả những thanh niên!
Dậy lên, hỡi những linh hồn thép
Dân tộc lưu đây vạn tập truyền!

Phất ngọn cờ lên, tung bước lên
Với kho hùng khí của thanh niên
Vang lừng mặt trận rung trăm trống
Cách mạng quân ta cướp chính quyền!

Cờ tự do bay rợp chiến đài
Bốn phương trời đỏ rực tương lai
Dậy lên, hỡi những linh hồn trẻ
Máu của con yêu nhuộm thắm đời!

Tháng 5/1940

4.4 Bài thơ Người lính đêm

Đêm nay sương xuống phủ trăng mờ
Anh lính ngoài kia đi vẩn vơ
Lao ngủ mà anh còn thức đó
Với sương từng giọt, gió từng tờ.

Thỉnh thoảng dừng chân giữa lối đêm
Nghiêng nghiêng tai mỏng lắng im lìm
Lá bàng nhẹ nhẹ gieo đôi tấm
Như mảnh hồn qua, động vách thềm.

Anh tạm yên lòng trong phút giây
Tréo chân đứng tựa góc tường đây
Tì tay lên súng xuôi vai nặng
Rồi gục đầu trong tiếng ngáp dài.

Không ngủ nhưng mà thức với ai?
Anh lim dim mắt rát cay hoài
Nghĩ gì không biết sau đôi mí
Anh có buồn không, anh lính ơi?

Có lẽ, nên anh mới dối mình
Vờ vui lên huýt gió thanh thanh
Nhưng lòng kia chỉ thêm ngao ngán
Buồn lại thêm buồn, anh lặng thinh

Rồi lại mênh mông tiếng ngáp dài
Chán chường uể oải trút lên vai
Vẩn vơ anh lại lê từng bước
Chẳng biết mơ chi, lặng ngó trời?

Xà lim Quy Nhơn

Tháng 6/1941

4.5 Bài thơ Người về

Rồi một hôm nào cởi áo xanh
Hết cùm hết xích hết roi canh
Nghiêng vai trút nhẹ đời giam cấm
Anh trở về anh của gia đình

Đây nẻo làng quen tự bé thơ
Tre thân ngoắt ngọn ý mong chờ
Mái nhà ai khói lam lên đó
Có phải nhà anh những thuở xưa?

Có lẽ con anh lớn lắm rồi
Chúng cương đùa nghịch hét vang cươi
Anh về, chắc chúng ngừng vui lại
Bỡ ngỡ rồi la: “Cha! Cha ơi!”

Và vợ anh đương thổi lửa chiều
Run mừng quẳng đũa bỏ nồi niêu
Đôi hàng tóc xoã tung không búi
Ôm lấy anh mà khóc giận yêu.

Nhưng ngõ nhà xưa đã tới đây
Cột sơn đã đuổi liếp tre gầy
Bảng mờ ai khắc tên lên đó?
Anh thấy sao như kẻ lạc loài.

Chân muốn vô song lại ngập ngừng
Chó nhà đâu đã sủa người dưng
Anh nhìn len lét vườn cau mới
Và tấm bình phong đứng lạnh lùng.

Không, chính xưa anh ở chốn này
Tre già còn đó, miếu còn đây
Lòng bâng khuâng mãi ôn ngày cũ
Chợt tiếng người đâu: “Chú hỏi ai?”

Anh hỏi nhà anh – “Không phải đây!”
Rồi thôi quay đóng cửa then gài
Để ngoài sương gió chiều nghe lạnh
Bên khóm tre già, khách đứng ngây…

Tháng 9/1941

tho-to-huu-voh-3

4.6 Bài thơ Chiếc áo xanh

Em lại nhuộm cho anh
Chiếc áo màu lá xanh
Vì em ơi chiến tranh
Không chịu màu áo trắng.

Anh lại đi mưa nắng
Súng trên vai lên đường
Với màu xanh chiến thắng
Của miền Nam yêu thương

Giữa bom rơi đạn nổ
Những ngày đêm chiến trường
Anh sẽ quên gian khổ
Với màu xanh quê hương

Áo em nhuộm cho anh
Dù rách lành vẫn ấm
Vẫn tươi mãi màu xanh
Của tình yêu đằm thắm...

21/10/1965

4.7 Bài thơ Bài ca lái xe đêm

Khi mặt trời xuống núi
Anh em ơi lên đường
Ta băng qua cát bụi
Ta xông ra chiến trường!

Xe ta quý ta yêu
Ôi chiếc xe đồng chí
Cùng ta lăn sớm chiều
Cùng ta đi đánh Mỹ!

No chưa con ngựa chiến!
Ta mặc lá cho mày
Mau mau lên tiền tuyến
Chạy cho khoẻ cho hay!

Kéo cho nhanh pháo này
Chở cho đầy đạn đến!
Bộ đội ta đêm ngày
Đợi bàn tay tiếp viện!

Mang thêm dầu thêm sắt
Mang thêm thuốc thêm phân
Cho núi ta đánh giặc
Cho đồng ta nuôi quân

Đừng quên giấy quên kim
Cho các em các chị
Và cho những trái tim
Những thư tình chung thuỷ...

Ôi chiếc xe vận tải
Ta cầm lái đi đây
Nặng biết bao ơn ngãi
Quý hơn bao vàng đầy!

Xe ơi cùng ta bay
Dù mưa bom bão đạn
Ta lấy đêm làm ngày
Ta cùng cây làm bạn

Xe đi trong đêm tối
Dù đường lạ đường quen
Xe đi khôn lạc lối
Có mắt ta làm đèn.

Ta qua sông qua suối
Ta qua núi qua đèo
Lòng ta vui như hội
Như cờ bay gió reo

Ơi này anh xung phong
Ơi này o du kích
Có nghe thấy gì không?
Chuyện chi mà rúc rích!

Cảm ơn các đồng chí
Cho tôi mau sang phà
Hôm nay mừng thắng Mỹ
Xin hát tặng bài ca...

31/10/1965

Đọc thơ Tố Hữu cho ta cảm nhận sâu sắc về tình yêu nước cũng như lòng nhiệt thành luôn sôi sục trong trái tim ông. Thơ Tố Hữu ghi lại từng chặng đường mà tác giả đã gắn bó với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đọc những bài thơ ấy, chúng ta càng tự hào và yêu hơn những người chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do cho dân tộc.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận