Dân gian Việt Nam có rất nhiều câu nói hay và chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn như câu tục ngữ “Nồi nào úp vung nấy” để ám chỉ những người có cùng tính cách sẽ thường “hút” nhau. Thế nhưng, liệu điều này có đúng không? Hãy cùng VOH bàn luận chi tiết hơn trong bài viết dưới đây.
“Nồi nào úp vung nấy” là gì?
Nồi là một dụng cụ trong nhà bếp. Nồi thường được dù để kho, luộc, nấu các món ăn. Mỗi cái nồi thường sẽ đi kèm theo một cái vung. Nhà sản xuất thường sẽ làm từng bộ nồi keo kích thước riêng biệt, cho nên nồi nào phải dùng vung nấy mới khít được.
Nồi to thì vung úp phải to, nồi nhỏ thì vung úp phải nhỏ, nồi méo thì vung úp cũng méo… tức là “nồi nào vung ấy”. Điều này là để giúp khi bạn nấu cơm, nấu đồ ăn… sẽ đảm bảo được độ chín, dễ điều chỉnh theo khẩu vị mỗi người.
Đương nhiên, nồi nhỏ đậy vung to cũng có thể miễn cưỡng chấp nhận. Nhưng nồi to thì không thể nào dùng nắp nhỏ để đậy được. Do đó, “nồi nào úp vung nấy” vẫn là đúng đắn, hợp lý và dễ sử dụng nhất.
“Nồi nào úp vung nấy” tiếng Trung, tiếng Anh là gì?
Trong tiếng Trung, tục ngữ “Nồi nào úp vung nấy” được viết là “哪壶不开提哪壶” và đọc là “Nǎ hú bù kāi tí nǎ hú”.
Còn trong tiếng Anh, “Nồi nào úp vung nấy” được dịch thành “To rub somebody’s nose in something”.
Ngoài ra, một số câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có ý nghĩa tương tự với “Nồi nào úp vung nấy” như:
- Mây tầng nào gặp mây tầng đó
- Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy
- Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cá mè một lứa’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ muốn nhắc nhở điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Ở hiền gặp lành’ ẩn chứa điều gì?
Hàm nghĩa sâu xa của tục ngữ “Nồi nào úp vung nấy”
Từ xưa đến nay, khi bàn về một câu thành ngữ, tục ngữ hay ca dao, chúng ta ít khi chỉ xét đến nghĩa đen bên ngoài, bởi đằng sau ấy vẫn còn rất nhiều lớp nghĩa khác mà ông cha ta đã nhắn gửi đến con cháu đời sau. Nó có thể là những lời khuyên răn, nhắc nhở hay ngầm phê phán một điều gì đó.
Vậy câu tục ngữ “nồi nào úp vung nấy” có nghĩa là gì? Thực tế, trong câu tục ngữ, người xưa đã mượn hình ảnh cái nồi, cái vung để răn dạy con người về giáo dục nhân cách và ứng xử trong xã hội trong nhiều khía cạnh cuộc sống.
Chúng ta biết rằng, mỗi một chiếc nồi đều sẽ có một chiếc vung phù hợp. Cũng giống như con người ta khi sống ở trên đời, mình sống như thế nào thì sẽ gặp được người bạn đời hoặc sẽ chơi chung với những bạn bè có tính cách tương tự.
Điều này có thể được nhìn thấy rõ ràng trong đời sống xã hội hàng ngày. Những người có tính cách, phong cách sống hay quan niệm sống giống nhau thì có xu hướng "hút" nhau. Ví dụ, nếu bạn là người yêu sách, thích đọc sách thì bạn thường sẽ gặp được những người có sở thích tương tự như vậy.
Đương nhiên, bạn cũng có thể sẽ gặp phải những “đối tượng” khác hoàn toàn với bạn về mọi mặt, nhưng đó chỉ là những người góp phần làm phong phú, sinh động hơn thôi. Cũng không cần quá tức giận khi nhìn thấy người xấu luôn gặp may mắn, vì “nồi nào” thì sẽ gặp “vung nấy”, sống trên đời không thể lãng quên luật nhân quả.
Bởi vậy, nếu bạn là người tốt và sống thiện lương thì đừng quá lo lắng, bởi người tốt với bạn rồi cũng sẽ xuất hiện thôi. Bất cứ ai cũng đều sẽ gặp được những người phù hợp với mình, hay nói một cách văn vẻ là “sinh ra để dành cho nhau”.
Ý nghĩa câu tục ngữ “Nồi nào úp vung nấy” trong tình yêu
Câu tục ngữ “nồi nào úp vung nấy” thường được dùng nhiều trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa và hôn nhân gia đình.
Mỗi người sinh ra đều có những điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng có một điểm chung là khi nam và nữ đến tuổi trưởng thành đều muốn tìm được “một nửa” phù hợp của đời mình.
Cha mẹ và gia đình cũng thường định hướng con cái tìm kiếm những người tương xứng làm bạn đời, tránh sự chênh lệch về xuất thân, độ tuổi, điều kiện kinh tế, sắc đẹp… Dù tâm lý chung của các bậc phụ huynh là thương con cái, nhưng việc gợi ý, sắp đặt tình yêu, hôn nhân cho con có thể gây ra rắc rối, trở ngại trong đời sống và hạnh phúc gia đình sau kết hôn, nếu chẳng may đối tượng kết hôn ấy không phù hợp với con cái.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi gặp được người có tính cách tương đồng, chúng ta sẽ dễ hòa hợp hơn. Ví dụ, chúng ta dễ có tình cảm hơn với người mà cùng thích một bộ phim hay cùng cười vì một câu chuyện vui.
Tuy nhiên, “nồi nào úp vung nấy” trong tình yêu chỉ là tương tương đối. Cá tính giống nhau không quan trọng bằng thái độ và tư tưởng giống nhau, bởi cả hai hoàn toàn có thể thỏa thuận với người yêu, vợ/chồng về những thứ quan trọng với bản thân họ. Trong tình yêu, thấu hiểu, cảm thông, biết nhường nhịn yêu thương nhau mới là điều thiết yếu giúp mối quan hệ tình cảm được hạnh phúc và bền vững.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nói có sách mách có chứng’ khuyên chúng ta điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư'
Giải thích ý nghĩa câu ca dao ‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe’
“Nồi nào úp vung nấy” và quan hệ người với người trong xã hội
Trong đời sống xã hội, câu tục ngữ “Nồi nào úp vung nấy” nhằm răn dạy con người về việc hình thành nhân cách và lối ứng xử hàng ngày.
Gia đình là tế bào của xã hội, yếu tố quan trọng trong ba yếu tố (gia đình, nhà trường và xã hội) trong việc hình thành nhân cách một con người. Từ “tròn” là nói đến sự hoàn hảo, trọn vẹn, đẹp đẽ… như “mẹ tròn, con vuông”. Một người được sinh ra trong gia đình dù giàu hay nghèo, nếu được dưỡng dục tốt… sẽ trở thành người con cháu ngoan hiền, hiếu thảo “nồi tròn, úp vung tròn”.
Ngược lại, “méo” là chỉ sự méo mó về nhân cách. Người sinh ra một gia đình có cha mẹ bất hòa, làm điều sai trái, bất nhân… thì con cháu dễ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Rau nào sâu ấy, cũng như “nồi méo, úp vung méo”.
Trong xã hội, con người nên lấy nghĩa nhân nghĩa đặt làm đầu. Người tốt, tử tế với mình thì mình cũng đối xử tử tế với họ. Người ác, hiểm độc với mình thì mình nên biết, cảnh giác mà ứng phó cho phù hợp.
Bản thân mỗi người cũng không nên làm điều ác hoặc lấy oán trả ân. Nên lấy cái tốt để cảm hóa cái xấu, cái ác, làm cho “nồi méo” thành “nồi tròn”, “vung méo” thành “vung tròn”.
Thực tế, chiếc vung méo vẫn có thể úp cho nồi tròn nếu biết cách xoay chuyển. Nếu ta nấu nướng bằng chiếc nồi tròn, nhưng lại dùng vung méo, ta vẫn có thể khắc phục bằng cách lót lá chuối, lá khoai… Món ăn vẫn chín, vẫn ngon như thường.
Trong xã hội cũng có không ít những cặp vợ khuyết chồng lành, hay chồng lành vợ khuyết, cuộc sống của họ vẫn rất ấm êm, hạnh phúc. Lý do có thể là họ biết cách “xoay quanh vẫn vừa”. Hay những người sống lầm đường, lạc lối… nhưng nếu họ biết sửa chữa lỗi lầm, được gia đình, xã hội giúp đỡ để xóa đi nỗi mặc cảm thì họ sẽ dần trở thành người lương thiện.
Thế nhưng, cũng có những người “nồi” và ‘vung” đều rất tròn, nhưng lại không biết giữ gìn, thích có thêm “nồi” hoặc “vung” khác để sơ cua. Cuối cùng lại thành “nồi méo” hoặc “vung méo”, thậm chí là vỡ luôn cả “nồi” lẫn “vung”.
Do đó, ý nghĩa cuối cùng trong câu tục ngữ “nồi nào úp vung nấy” vẫn là khuyên răn con người nên biết thế nào là đúng, là đủ, là phù hợp. Thay vì tìm kiếm những thứ xa tầm với, chúng ta nên trau dồi thêm bản thân mình, sống tử tế, trong sạch thì rồi cũng sẽ gặp được người tốt, xứng đáng với mình mà thôi!
Hy vọng, câu tục ngữ “Nồi nào úp vung nấy” sẽ mang đến cho bạn những giá trị tinh thần tốt đẹp và niềm tin vào cuộc sống. Mỗi câu tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian đều là hành trang hữu ích giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm sống quý báu, do đó, đừng quên theo VOH Sống đẹp để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích, thú vị.