Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu "Nghĩa tử là nghĩa tận" là gì?

VOH - Trong văn hóa Việt có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Vậy ý nghĩa câu nói này là như thế nào?

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng. Trong tiến trình lịch sử dân tộc cũng đã viết nên tính cách con người Việt với những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, được lưu truyền qua các thế hệ. Một trong những nét văn hóa, sự lễ nghĩa của người Việt được nhắc đến qua câu “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Sau đây, hãy cùng VOH tìm hiểu nghĩa tử là nghĩa tận ý nghĩa là gì trong bài viết sau đây!

"Nghĩa tử là nghĩa tận" là gì?

Câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận” thể hiện một triết lý về sự sống/sự tồn tại và cái chết trong văn hóa Việt Nam. Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ đi tìm hiểu ý nghĩa của từ “nghĩa tử” và “nghĩa tận”.

Giải thích ý nghĩa câu
"Nghĩa tử là nghĩa tận" là một nét văn hóa của người Việt - Ảnh: Internet
  • Nghĩa tử: Ám chỉ ý nghĩa cuối cùng, ý nghĩa sau cùng hoặc thậm chí là ý nghĩa cuối cùng của sự sống. Trong ngữ cảnh câu nói, “nghĩa tử” thể hiện sự kết thúc của một sự tồn tại.
  • Nghĩa tận: Mang ý nghĩa là hoàn toàn, đầy đủ, không có gì thiếu. Khi sử dụng trong ngữ cảnh câu nói, “nghĩa tận” đề cập đến sự hoàn chỉnh và toàn diện của ý nghĩa cuối cùng.

Từ “nghĩa” được lặp lại ở cả hai vế câu. Từ “nghĩa” này cũng giống như là nghĩa trong nghĩa vợ chồng, nghĩa cha con, nghĩa bằng hữu… dùng để nói đến mối liên hệ giữa hai hay nhiều người, và những tình cảm cũng như nghĩa vụ kèm theo. Ví dụ về “nghĩa vợ chồng”, tức là mối liên hệ vợ chồng cũng những nghĩa vụ mà mỗi người phải giữ trong mối liên hệ đó như: trung thành, quan tâm, chăm sóc, tương kính…

Với “nghĩa tử”, đây là cái nghĩa dành cho người đã mất. Dù khi còn còn sống hai người có ghét nhau và thù hận nhau thế nào, khi một người đã mất đi, người còn sống nên rủ bỏ hết hận thù đã có và đối xử với người chết như một linh hồn không còn gì ở dương thế.

Như vậy, ý nghĩa câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận” chính là: Có nghĩa với người chết là có nghĩa đến tận cùng. “Chết” là một thế giới khác với thế giới sống. Cho nên, muốn sống tận nghĩa, có nghĩa đến tận cùng thì hãy quên đi hiềm khích cũ, xóa bỏ mọi ân oán, tha thứ mọi lỗi lầm, đừng đòi hỏi, yêu  cầu gì với người đã chết. Ngoài ra, câu nói còn có ý khuyên nhủ người ta nên xử sự nhân đạo, đúng tình người. Làm tròn bổn phận với người chết, không tính toán đắn đo.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Nhường cơm sẻ áo’ nói đến điều gì?
Tương thân tương ái là gì? Hiểu đúng để không ‘giúp người hại mình’
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ’

"Nghĩa tử là nghĩa tận" - lễ nghĩa của người Việt xưa

Người Việt cho rằng “sự vong là sự tồn”. Dù lúc còn sống, người đó có thân phận thế nào đi chăng nữa nhưng lúc “khuất núi” thì đều được đối xử như nhau. Trong truyện Phù Đổng Thiên Vương của Lĩnh Nam Chích Quái có kể rằng, giặc do vua nhà Ân dẫn đầu xâm lăng Việt Nam và bị Phù Đổng Thiên Vương giết chết. Thế nhưng, dù là kẻ thù của dân Việt, nhưng sau khi chết vua nước Ân cũng được dân Việt lập đền thờ cúng.

Ngay trong xã hội xưa, tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận” đã được người dân ghi nhớ và thực hiện. Theo nhà văn hóa Phan Kế Bính chia sẻ trên báo Thanh Niên, ngày trước làng nào cũng có “tha ma mộ địa” để thờ cúng những mồ mả vô chủ, gọi là am chúng sinh…

Tại Đà Nẵng, trên tấm bia bằng đá sa thạch, viết dưới thời vua Tự Đức, 1876, được đặt ở Nghĩa trủng Phước Ninh (nay chuyển về huyện Hòa Vang) có đoạn: “Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa hay vì lợi. Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ qua”. Tại đây, hiện có gần 3.000 hài cốt nghĩa sĩ được người dân địa phương quy tập thờ cúng.

Giải thích ý nghĩa câu
Một người có thân phận thế nào đi nữa, lúc “khuất núi” vẫn nên được đối xử như nhau - Ảnh: Internet

Hay tại Huế, còn nhớ trận binh biến kinh thành Huế (4/7/1885), tại đồn Mang Cá hàng ngàn nghĩa quân, lương dân đã anh dũng hy sinh để chống lại quân thù. Từ đó về sau, ở Huế có ngày Lễ tế âm hồn (23/5 âm lịch) để tưởng niệm tất cả những người đã thiệt mạng trong cơn binh lửa, dù đó là nghĩa quân hay dân thường.

Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu có đoạn: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”, thế nhưng, khi kẻ thù đã bỏ mạng sa trường thì dường như người Việt không còn lòng thù hận nữa.

Trên đường cảng Tiên Sa, thuộc Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà (Đà Nẵng), nay vẫn còn nghĩa địa chôn cất những người lính Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng trong cuộc xâm lược Việt Nam (1858). Ở nơi ấy, những người ngoại quốc nằm xuống đến nay vẫn mồ yên mả đẹp, chốn yên nghỉ cuối cùng của họ không bị lòng căm thù phá hủy.

"Nghĩa tử là nghĩa tận" trong xã hội nay

Trong xã hội hiện đại, “nghĩa tử là nghĩa tận” được thể hiện một cách rõ ràng nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, khi những người bộ đội nhận nhiệm vụ chăm lo mai táng cho những nạn nhân Covid-19.

Sau khi tham gia các hoạt động tuần tra, đảm bảo trật tự - an ninh, giữ vững kỷ cương giãn cách, tham gia tuyến đầu điều trị bệnh nhân… những người bộ đội nói chung và bộ đội TPHCM nói riêng lại có thêm nhiệm vụ mới: nhận tro cốt, chuyển đến từng gia đình nạn nhân, khi cần thiết thì chăm lo hậu sự, thờ cúng, cầu siêu cho người xấu số.

Khi khoác áo nhà binh, có thể các anh đã tưởng tượng ra rất nhiều viễn cảnh gian khổ, khó khăn, thậm chí phải hy sinh, nhưng có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới phải thực hiện công việc thấm buồn và xót xa đến vậy.

Một hũ tro là một linh hồn, một cảnh đời, một thân phận. Công việc này không chỉ là nghi lễ truyền thống, mà còn đòi hỏi cả một tấm lòng chân thành và sự sẻ chia. Người lính phải nỗ lực gấp nhiều lần vượt qua tâm trạng nặng nề để hoàn thành sứ mệnh nhân đạo, bởi vì “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Thương người như thể thương thân'
Giải thích ý nghĩa câu ca dao 'Khôn ngoan đối đáp người ngoài; Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau’

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng nhân ái

Lòng nhân ái, sự sẻ chia, sự bao dung, rộng lượng… luôn là những phẩm tốt đẹp của người Việt Nam. Khi con người biết sống bao dung, vị tha và chia sẻ họ mới có thể thấm nhuần câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận” của người xưa.

Cùng đọc những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng nhân ái mỗi người có thể hình thành “nét đẹp tâm hồn” bên trong của mình.

1. Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

2. Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

3. Ai ơi, ăn ở cho lành,
Tu thân tích đức để dành về sau.

4. Ăn ở có nhân, mười phần chẳng khó.

5. Ở đời có đức, mặc sức mà ăn.

Giải thích ý nghĩa câu
Học cách sống bao dung, vị tha để thấm nhuần câu nói "nghĩa tử là nghĩa tận" - Ảnh: Internet

6. Oán cừu thì cởi, nhân nghĩa thì thắt.

7. Vì tình nghĩa, không ai vì đĩa xôi đầy.

8. Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

9. Tìm nơi có đức gửi thân, tìm nơi có nhân gửi của.

10. Đường mòn nhân nghĩa không mòn.

Có thể thấy, tấm lòng san sẻ nỗi đau mất mát đã trở thành một tập quán đẹp của người Việt, thể hiện ý thức của người sống chung trong một cộng đồng, gắn kết người đang sống cư xử với nhau có tình có nghĩa hơn. Khi đã chết, dù trước đó họ là người như thế nào thì cũng được đối xử tử tế, vì nghĩa tử là nghĩa tận.

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!

Bình luận