Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích thành ngữ “Khua môi múa mép” nghĩa là gì?

VOH - Người Việt xưa nay cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và đề cao sự trung thực, thật thà. Do đó, “Khua môi múa mép” được xem là thói xấu cần phải loại bỏ.

Trong cuộc sống, người “Khua môi múa mép” là một trong những kiểu người khiến mọi người phải dè chừng và không muốn kết giao. Vậy “Khua môi múa mép” là gì? Mời bạn cùng VOH tìm hiểu qua bài viết sau.

“Khua môi múa mép” là gì?

“Khua môi múa mép” là câu thành ngữ vô cùng quen thuộc với người Việt Nam. Nó được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày và mang ý nghĩa châm biếm, phê phán.

Cụ thể, mượn một hình ảnh và cách diễn đạt hết sức dí dỏm, duyên dáng, thành ngữ “Khua môi múa mép” nói đến một trong những kiểu người chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Ấy là những kẻ nói năng ba hoa, khoác lác, bẻm mép, nói nhiều nhưng không có căn cứ, không chính xác. Những kẻ phóng đại sự thật để lừa gạt, tự đề cao, phô trương.

Giải thích thành ngữ “Khua môi múa mép” nghĩa là gì? 1
“Khua môi múa mép” là thành ngữ dùng để chỉ những người bẻm mép, nói năng ba hoa, khoác lác - Ảnh minh họa: Annelisa Leinbach, Olena/Adobe Stock

Ngoài ra, câu thành ngữ này cũng có thể được dùng để châm biếm, phê phán những trường hợp nói rất hay, nói rất giỏi nhưng không thực tế, không làm được hoặc làm dở. Đây là thói xấu không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người mắc phải mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Do đó, mọi người thường có xu hướng tránh xa cũng như ngại kết giao với kiểu người này.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "thùng rỗng kêu to" và bài học đằng sau
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “Người khôn nói ít nghe nhiều” khuyên điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mèo khen mèo dài đuôi” là gì?

“Khua môi múa mép” vi phạm phương châm hội thoại gì?

Trong 5 phương châm hội thoại gồm: phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm quan hệ, phương châm cách thức và phương châm lịch sự thì “Khua môi múa mép” vi phạm phương châm về chất.

Bởi theo phương châm này, khi giao tiếp con người cần nói đúng sự thật, không nói những điều mình không biết, những thông tin chưa được xác thực. Trong khi đó, thành ngữ “Khua môi múa mép” lại đề cập đến kiểu người nói năng ba hoa, khoác lác, phóng đại sự thật.

Bài học từ thành ngữ “Khua môi múa mép”

Mỗi câu thành ngữ, tục ngữ của người xưa đều chứa đựng những kinh nghiệm sống, những bài học sống ý nghĩa. Với thành ngữ “Khua môi múa mép”, ông cha ta không chỉ muốn phê phán thói ba hoa, khoác lác, bẻm mép mà còn muốn nhắn nhủ các thế hệ nhiều điều.

“Khua môi múa mép” và những hệ lụy

Trong giao tiếp, rộng hơn là trong cuộc sống và công việc, thói khoác lác, nói nhiều, nói phóng đại sự thật nhằm khoe khoang có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề. Dưới đây là một số hệ lụy dễ thấy từ thói “Khua môi múa mép”.

Giải thích thành ngữ “Khua môi múa mép” nghĩa là gì? 2
Người ba hoa, khoác lác không chiếm được lòng tin từ mọi người và thường không có những mối quan hệ lâu bền - Ảnh minh họa: iStock
  • Gây hiểu lầm: Nói nhiều nhưng không có căn cứ, nói khéo nhưng không thật, nói phóng đại… là hành vi tạo ra những thông tin không chính xác trong quá trình giao tiếp. Điều này sẽ khiến cho người khác hiểu lầm, hiểu sai thậm chí gây ra tranh cãi, xung đột.
  • Giao tiếp không hiệu quả, lãng phí thời gian: Người ba hoa, khoác lác thường nói rất nhiều, rất hay nhưng không có trọng tâm. Thông tin họ đưa ra cũng không đáng tin việc giao tiếp với đối tượng này vừa không hiệu quả vừa tốn thời gian.
  • Mất lòng tin, khó xây dựng và duy trì các mối quan hệ: Những người thường xuyên ba hoa, khoác lác không thể xây dựng được lòng tin với mọi người. Việc thiếu đi sự khiêm tốn, trung thực - nền tảng của các mối quan hệ - cũng khiến cho vòng xã giao của kiểu người này bị thu hẹp. Hơn nữa, trong môi trường làm việc và trong xã hội, người “Khua môi múa mép” cũng không được đánh giá cao, không được trọng dụng.
  • Hệ lụy khác: Từ ba hoa về bản thân với mục đích xây dựng hình tượng “đẹp”, khoe khoang… người ta có thể ba hoa về người khác, lan truyền những thông tin không đúng sự thật. Ngày nay, thói “Khua môi múa mép” cũng có rất nhiều biến tướng, thậm chí có cả những biến tượng liên quan đến mục đích tiêu cực như thu lợi bất chính.

Lời nhắc nhở khiêm tốn, trung thực

Qua việc phê phán thói “Khua môi múa mép”, câu thành ngữ của người xưa cũng nhắc nhở chúng ta phải chú ý lời ăn tiếng nói. Đó là phải trung thực, nói đúng sự thật, nói có cơ sở và có trách nhiệm với những gì mình nói. Khi giao tiếp, phải khiêm tốn, tránh phô trương, phóng đại những điều không có thật, cẩn trọng khi nói về người khác.

Tư duy phản biện

Rõ ràng thói ba hoa, khoác lác, “Khua môi múa mép” không chỉ gây ảnh hưởng đến bản thân người mắc phải mà còn ảnh hưởng tới mọi người. Do đó, bên cạnh việc rèn luyện chúng ta cũng phải học cách dùng tư duy phản biện để tự bảo vệ bản thân, để đánh giá các thông tin, các vấn đề một cách toàn diện, chính xác hơn.

Tránh việc dễ dàng tin vào những lời nói hoa mỹ, hấp dẫn nhưng không có căn cứ… hay để người khác dẫn dắt mà không kiểm chứng, không có chủ kiến…

Giải thích thành ngữ “Khua môi múa mép” nghĩa là gì? 3
Tư duy phản biện giúp chúng ta đánh giá các thông tin một cách khách quan, toàn diện - Ảnh minh họa: Getty

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chủ động tránh xa, đề phòng những người có biểu hiện sau:

  • Thích khoe khoang: thích phô trương, thường xuyên khoe khoang là biểu hiện của một người ba hoa, sĩ diện.
  • Lời nói không đi đôi với hành động: điểm chung thường gặp ở những người ba hoa, khoác lác là nói được, thậm chí nói rất hay nhưng không làm được.
  • Dễ hứa dễ quên: hứa không cần suy nghĩ sau đó quên luôn việc thực hiện lời hứa cũng là dấu hiệu nhận biết một người ba hoa.
  • Phóng đại sự thật: với mong muốn tạo một hình ảnh đẹp, gây ấn tượng cho người khác, người ba hoa, khoác lác thường thêm thắt, phóng đại sự thật, đôi khi khiến cho mọi thứ phức tạp hơn.

Xem thêm:
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
60 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự trung thực, chính trực, thật thà
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày

Tục ngữ, thành ngữ phê phán thói ba hoa, khoác lác, bẻm mép

Ông cha ta để lại rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ bàn về cách giao tiếp, cách ứng xử trong cuộc sống. Trong số đó, có không ít những ví dụ phê phán thói ba hoa, khoác lác tương tự như ý nghĩa thành ngữ “Khua môi múa mép”.

Giải thích thành ngữ “Khua môi múa mép” nghĩa là gì? 4
Ngoài “Khua môi múa mép” chúng ta còn có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ châm biếm thói khoác lác, nói phóng đại để khoe khoang - Ảnh minh họa: Shutterstock
  1. Nói tràng ba, khoát bảy
  2. Rượu vào lời ra
  3. Ăn tục nói khoác
  4. Ba hoa chích chòe/Ba hoa thiên địa
  5. Được thể dễ nói khoác
  6. Miệng bà đồng như lồng chim khướu
  7. Một tấc đến trời
  8. Nói khoác một tấc đến trời
  9. Mười voi không được bát nước xáo/Trăm voi không được bát nước sáo
  10. Nói như trạng
  11. Bán trời không văn tự
  12. Nói phét (khoác) thành thần
  13. Nói hươu nói vượn/Hứa hươu hứa vượn
  14. Nói nhăng nói Cuội
  15. Nói dơi nói chuột
  16. Ba bà chín chuyện
  17. Kẻ nói suông như vườn cỏ dại
  18. Ăn như rồng cuốn,
    nói như rồng leo,
    làm như mèo mửa.
  19. Ở đây tai vách mạch dừng
    Có mồm thì giữ xin đừng ba hoa.

Học ăn học nói học gói học mở”, từ xưa đến nay chuyện ăn nói, giao tiếp, đối nhân xử thế vẫn luôn là kỹ năng cơ bản và quan trọng đối với con người. Qua câu thành ngữ “Khua môi múa mép” cổ nhân đã chỉ ra một hiện tượng xấu trong xã hội ấy là ba hoa, khoác lác, bẻm mép. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở, răn dạy mỗi người phải biết khiêm tốn, trung thực và chú ý đến lời ăn tiếng nói của mình.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của VOH để cập nhật những kiến thức mới, những xu hướng thú vị, những bài viết hữu ích về các lĩnh vực của cuộc sống.

Bình luận