Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Mồm miệng đỡ chân tay’ nói về điều gì?

(VOH) - ‘Mồm miệng đỡ chân tay’ là câu thành ngữ phê phán việc dùng miệng lưỡi khéo léo để che đậy thói lười nhác của một số người. Cùng đi phân tích chi tiết về câu thành ngữ trong bài viết này.

Trong cuộc sống, bên cạnh những tấm gương người tốt, việc tốt thì vẫn còn một số cá nhân sống ích kỷ, cá nhân, vụ lợi. Qua câu thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay” chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này. 

1. Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay” 

Mồm (miệng), chân, tay là các bộ phận trên cơ thể con người, có các chức năng khác nhau. Mồm miệng có chức năng để nói hay ăn uống, chân tay để cầm nắm, nâng đỡ, thực hiện các hoạt động hàng ngày. 

“Mồm miệng đỡ chân tay” hiểu theo nghĩa đen là sử dụng lời nói để giảm nhẹ những phần việc mà đáng ra phải sử dụng chân tay để thực hiện.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Mồm miệng đỡ chân tay’ 1

Mồm miệng đỡ chân tay ý chỉ việc dùng lời nói để trốn việc cần làm

Theo nghĩa bóng, “Mồm miệng đỡ chân tay” tức là việc nhiều người lười biếng, để trốn tránh việc nào đó, họ sẽ dùng tài ăn nói để đánh lạc hướng, để khiến người khác quên đi việc mà họ cần làm.

2. Những bài học đáng giá từ câu thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay”

Câu thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay” mang đến nhiều bài học cho mọi người, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

1. Bài học về kinh nghiệm - mặt tiêu cực 

“Mồm miệng đỡ chân tay” ý chỉ việc ai đó chuyên dùng tài ăn nói, mồm mép tép nhảy để lấp liếm, che giấu, trốn tránh việc mà họ phải làm. Nói thẳng ra thì họ lười biếng, họ không muốn làm việc và họ khiến đối phương quên đi việc họ cần làm, cuối cùng công việc đó không được hoàn thành.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Mồm miệng đỡ chân tay’ 2
Dùng “Mồm miệng đỡ chân tay” không phải là việc làm được hoan nghênh trong một số trường hợp

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những cá nhân như vậy trong môi trường làm việc. Một số người sẽ không lựa chọn con đường nỗ lực, chăm chỉ mỗi ngày để đạt được thành tựu trong sự nghiệp. Thay vào đó, họ thường xuyên dùng những lời lẽ hay ho, “rót mật” vào tai hay dùng các hành động để lấy lòng sếp của mình. Họ không phải làm nhiều, nhưng họ vẫn được thăng chức nhanh hơn những nhân viên chăm chỉ khác.

Tuy nhiên nếu bị nhận ra bản chất, ngay cả khi họ có thể thăng tiến trong công việc thì vẫn sẽ bị đồng nghiệp, cấp dưới coi thường, và chắc chắn mọi người sẽ không “tâm phục khẩu phục”. Một khi đã không nhận được sự tin tưởng và trợ giúp từ đồng nghiệp thì sự nghiệp của họ cũng sẽ không thể phát triển được.

2. Bài học mang ý nghĩa tích cực

Bên cạnh mặt tiêu cực thì câu thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay” cũng có những mặt tích cực. Người nói lời hay, ý đẹp, thật tâm thường không chỉ khiến người khác cảm thấy dễ chịu, thoải mái, được cổ vũ mà còn giúp bạn được nhiều người quý mến, yêu thích. Từ đó bạn có thể dễ dàng mở rộng được các mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống cũng như trong công việc. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho mỗi người, nhất là khi gặp phải những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Mồm miệng đỡ chân tay’ 3
Lời nói khéo léo thật lòng luôn mang đến những ý nghĩa tích cực 

Những lời nói mềm mỏng, khéo léo và chân thành sẽ rất dễ được người khác đón nhận. Khi lời nói của bạn mang hàm ý tốt thì mọi chuyện sẽ rẽ theo những hướng tích cực. Trong trường hợp người nghe đang có tâm trạng buồn bã, những lời động viên tinh thần, động lực phấn chấn sẽ giúp ích cho họ rất nhiều. Lời nói tốt và đúng lúc đôi khi có thể làm thay đổi cả một cuộc đời.

Người khéo ăn nói nói cũng là người có tài và ưu thế này cũng đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên cần sử dụng cái tài này đúng lúc, đúng chỗ, không dùng nó vào những mục đích hay những việc không tốt.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ 'Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe"
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Học ăn học nói học gói học mở"
Bài học về giao tiếp từ câu "Nói gần nói xa chẳng qua nói thật"

3. Các câu tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa với thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay” 

Bên cạnh “Mồm miệng đỡ chân tay”, ông cha ta còn rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ dạy bảo chúng ta về việc sử dụng lời ăn tiếng nói trong cuộc sống.

1. Lưỡi không xương trăm đường lắt léo.

Ý chỉ những người giỏi mồm miệng, chuyên sử dụng mồm miệng để chống chế, mang lại lợi ích cho bản thân.

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Mồm miệng đỡ chân tay’ 4
Thành ngữ đồng nghĩa với “Mồm miệng đỡ chân tay”

2. Nói một đằng, làm một nẻo. 

Nói về những người không đáng tin cậy, khi lời nói và hành động của họ không thống nhất với nhau.

3. Ăn đằng sóng, nói đằng gió.

Ám chỉ những kẻ chuyên bịa đặt, dối trá, lời nói không nhất quán với hành động. Đây cũng là những người không đáng tin.

4. Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Nói về việc lời nói thì dễ dàng nói ra, không mất gì để mua, vì vậy hãy lựa chọn lời nói sao cho người khác vui lòng.

5. Lời nói không đi đôi với việc làm.

Ám chỉ việc không làm đúng những gì đã nói, đã hứa.

6. Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,

Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.

Ý nói người khôn ngoan chỉ cần dùng tài ăn nói cũng thể hiện được sự khôn ngoan, không cần nói nhiều hay làm nhiều.

Có thể thấy, câu thành ngữ “Mồm miệng đỡ chân tay” để lại cho chúng ta những bài học vô cùng ý nghĩa. Hãy hành động để tạo ra giá trị thay vì tìm cách trốn tránh, thoái thác cho người khác. Khi lời nói và việc làm đi đôi với nhau chắc chắn sẽ giúp bạn gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận