- “Ăn đơm nói đặt” là gì?
- “Ăn đơm nói đặt” trong tiếng Anh là gì?
- “Ăn đơm nói đặt” vi phạm phương châm hội thoại nào?
- Những câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam bàn về lối nói năng, ứng xử
- Bài học từ câu thành ngữ “Ăn đơm nói đặt”
- Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lời nói dối
- Ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về trung thực
Người xưa có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của lời ăn, tiếng nói trong đối nhân xử thế hằng ngày. Hiểu được tầm quan trọng của lối nói, lối ứng xử trong đời sống, người xưa vẫn thường dạy con cháu không được “Ăn đơm nói đặt”. Cùng VOH giải thích “Ăn đơm nói đặt” là gì để hiểu thêm những triết lý nhân sinh được gửi gắm thông qua câu thành ngữ này.
“Ăn đơm nói đặt” là gì?
Kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam rất đặc sắc và đa dạng. Những câu thành ngữ, tục ngữ đều chứa đựng những bài học kinh nghiệm được các bậc tiền nhân đúc kết, truyền dạy cho con cháu đời sau. Người Việt vốn rất chú trọng việc giao tiếp và đây là một trong những tiêu chuẩn dùng để đánh giá con người. Chính vì thế, có rất nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam bàn về lối nói, lối ứng xử. “Ăn đơm nói đặt” chính là một trong số những câu thành ngữ như vậy, vừa mang ý nghĩa phê phán vừa là lời nhắc nhở nhẹ nhàng trong việc lựa chọn đúng thông tin để truyền đạt đến người khác.
Để hiểu rõ ý nghĩa thành ngữ “Ăn đơm nói đặt”, bạn phải biết được “ăn nói” và "đơm đặt” là gì. Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, hai từ trên được giải nghĩa như sau:
- “Ăn nói” là hành động nói năng, bày tỏ ý kiến.
- "Đơm đặt" là bàn chuyện về người khác với dụng ý xấu.
Theo Đại Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, “Ăn đơm nói đặt” là hay đơm đặt, bịa chuyện, nói xấu người khác.
Ví dụ: Cái tính ăn đơm nói đặt của bà ta khiến người khác bị oan ức.
Theo Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ của Nguyễn Lân, “Ăn đơm nói đặt” là chê trách kẻ bịa chuyện nói xấu người khác.
Ví dụ: Ai cũng ghét anh ấy vì cái tính ăn đơm nói đặt.
Như vậy, những giải thích trên cho thấy, ông cha ta đã dùng thành ngữ “Ăn đơm nói đặt” để ám chỉ và phê phán những người sống thiếu trung thực, dùng lời nói của mình để bịa chuyện, đặt điều tiêu cực về một người nào đó nhằm mục đích xấu và gây ảnh hưởng đến danh tiếng của người khác.
“Ăn đơm nói đặt” trong tiếng Anh là gì?
Trong tiếng Anh, “Ăn đơm nói đặt” là "talk through (one's) hat", mang hàm ý nói khoác lác, nói sai sự thật về một điều gì đó.
Ví dụ: The student was caught talking through his hat. (Cậu học sinh đã bị bắt gặp ăn đơm nói đặt).
“Ăn đơm nói đặt” vi phạm phương châm hội thoại nào?
Phương châm hội thoại là các quy định, nguyên tắc bắt buộc mà mỗi người tham gia hội thoại cần làm theo và tuân thủ. Để có những cuộc giao tiếp chất lượng và thành công, người nói cần phải nắm vững 5 nguyên tắc này. Trong giao tiếp, tồn tại 5 phương châm hội thoại bao gồm:
- Phương châm về chất: Nói đúng và thật, nói những thông tin đã có sự xác thực.
- Phương châm về lượng: Nói đủ nội dung khi giao tiếp, không thừa, không thiếu.
- Phương châm quan hệ: Nói đúng chủ đề giao tiếp, tránh lạc đề.
- Phương châm cách thức: Nói ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, có trọng tâm. Không dài dòng, lan man, mơ hồ gây khó hiểu cho đối phương.
- Phương châm lịch sự: Nói tế nhị, khiêm tốn và tôn trọng người khác.
Như vậy, từ những lý giải, ta có thể thấy “Ăn đơm nói đặt” đã vi phạm phương châm về chất. Vì theo phương châm này, người nói cần đảm bảo tính xác thực của thông tin mình truyền tải, tức là có bằng chứng cụ thể và đặc biệt là không sai sự thật. Trong khi đó, cách nói “Ăn đơm nói đặt” lại là hành vi bịa đặt câu chuyện theo chiều hướng tiêu cực, không đúng với sự thật.
Khi giao tiếp, người nói cần nắm vững và thực hiện đúng, đủ các phương châm hội thoại. Giao tiếp là chìa khóa của thành công và là cách nắm bắt, giữ gìn các mối quan hệ. Giao tiếp cũng phần nào thể hiện được trình độ và nhân cách con người. Vì vậy, “học ăn, học nói” là điều mà mỗi người luôn phải trau dồi mỗi ngày để thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Đất có thổ công sông có hà bá’ nói về điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cầm đèn chạy trước ô tô’ là gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ 'Hứa hươu hứa vượn' nói lên điều gì?
Những câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam bàn về lối nói năng, ứng xử
Trong văn hóa người Việt, giữa “ăn” và “nói” luôn có sự liên kết mật thiết. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các câu thành ngữ, tục ngữ sử dụng cấu trúc “Ăn… nói…” để bàn về cách nói, cách ứng xử trong đời sống hằng ngày. Dưới đây là những câu thành ngữ, tục ngữ mà VOH chọn lọc.
- Ăn ốc nói mò: Phê phán những người ăn nói hàm hồ, thiếu suy nghĩ hoặc nội dung truyền đạt không có căn cứ.
- Ăn ngay nói thẳng: Ý chỉ những người tính cách bộc trực, thẳng thắn không xu nịnh không toan tính không giao tiếp.
- Ăn to nói lớn: Thường mang nghĩa phê phán những người nói chuyện và cư xử sỗ sàng.
- Ăn có nhai, nói có nghĩ: Lời nói trước khi nói ra hãy suy xét thật thấu đáo.
- Ăn không nói có: Câu này ám chỉ người hay dựng chuyện, đặt điều, vu khống cho người khác.
- Ăn đằng sóng, nói đằng gió: Câu này ý nói những kẻ chuyên bịa đặt, dối trá, lời nói bất nhất.
- Ăn bớt bát, nói bớt lời: Khuyên con người nên biết tiết chế, khiêm nhường, tránh nói sai gây xích mích, hiểu lầm.
- Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành: Sống ngay thẳng, trung thực, không nói lời dối gian, xuyên tạc.
- Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối: Ăn chay thì rất tốt, nhưng ăn chay niệm Phật mà nói lời sai lệch, dối trá thì thà ăn mặn mà sống ngay thẳng còn hơn.
- Ăn gian nói dối: Chỉ những kẻ gian manh, dối trá, dùng lời nói để lấp liếm, che đậy cho sự thiếu trung thực của bản thân.
- Ăn măng nói mọc: Ý chỉ những người đặt chuyện không đúng sự thật nhằm bôi nhọ người khác.
Bài học từ câu thành ngữ “Ăn đơm nói đặt”
Tục ngữ có câu “Lời nói gói vàng” nhằm đề cao tầm quan trọng của lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cần nói điều hay lẽ phải, cần suy nghĩ trước khi nói, tránh dùng lời nói làm công cụ lừa mình hại người.
Hành vi “Ăn đơm nói đặt” bị phê phán là bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến người có thói quen này mà còn ảnh hưởng đến cả người khác. Sự bịa đặt, thiếu trung thực không chỉ là vấn đề trong giao tiếp mà còn thuộc phạm vi nhân cách, đạo đức và liên quan đến pháp lý. Đây là hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác cũng như người nói.
Hiện nay, những người bịa đặt thông tin, vu khống người khác đều bị xử phạt theo quy định của pháp luật tùy theo mức độ. Vì thế, "Ăn đơm nói đặt" là hành vi, thói quen xấu mà mỗi cá nhân cần phải loại bỏ để không mắc phải những hậu quả đáng tiếc.
Xem thêm:
Ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ ‘Nhàn cư vi bất thiện’
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Há miệng chờ sung’ phê phán đức tính nào?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Trăm nghe không bằng một thấy’ nói đến đạo lý nào?
Sự trung thực là một trong những phẩm chất cao đẹp hình thành nên nhân cách con người. Đức tính này sẽ giúp chúng ta đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, có được những người cộng sự, người đồng hành đáng tin cậy trong công việc.
Khi sống ngay thẳng, không gian dối, chúng ta sẽ luôn tự tin, thoải mái và không lo sợ. Sự trung thực cũng giúp chúng ta nuôi dưỡng và phát triển những mối quan hệ bền vững, xây dựng lòng tin và tạo ra một môi trường sống lành mạnh và tích cực.
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lời nói dối
Chúng ta có thể bắt gặp sự dối trá, giả tạo trong cuộc sống tại bất cứ đâu. Chính vì thế, người Việt chúng ta có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói dối, bịa đặt, không đúng sự thật. Điều này không chỉ giúp nhìn nhận được bản chất con người mà còn là bài học quý giá để mọi người học hỏi. Dưới đây là những câu tục ngữ nói về lối sống dối trá hay và ý nghĩa.
1. Bịa láo ông táo bẻ răng.
2. Của ngang chẳng góp, lời tà chẳng thưa.
3. Con dao hai lưỡi, đòn xóc hai đầu.
4. Người ngay mắc cạn, kẻ gian vui cười.
5. Cây vạy hay ghét mực tầu ngay.
6. Đấu hàng xáo, gáo hàng dầu.
7. Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
8. Đừng bảo rằng trời không tai
Nói đơm nói đặt cậy tài mà chi.
9. Mình nói dối ta mình chửa có chồng
Ta đi qua ngõ mình bồng con ra
Con mình khéo giống con ta
Con mình bảy rưỡi, con ta ba phần.
10. Đường đi hay tối, nói dối hay cùng.
11. Rồng nằm bể cạn phơi râu
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Cha mẹ sinh con trời sinh tính’ là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo’ muốn nói lên điều gì?
Giải thích ý nghĩa của câu thành ngữ 'Thẳng mực tàu đau lòng gỗ' là gì?
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về trung thực
Trung thực là đức tính tốt đẹp và luôn được đề cao trong xã hội. Điều này đã được thể hiện qua vô vàn câu ca dao, tục ngữ thể hiện tính trung thực, chính trực.
Dưới đây là một vài câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về trung thực được truyền lại bao đời nay.
2. Thẳng mực tàu đau lòng gỗ.
3. Những người tính nết thật thà,
Đi đâu cũng được người ta tin dùng.
4. Cây vạy hay ghét mực tàu.
5. Của ngang chẳng góp, lời tà chẳng thưa.
6. Cây ngay không sợ chết đứng.
7. Nhà nghèo yêu kẻ thật thà,
Nhà quan yêu kẻ giàu ra nịnh thần.
8. Sông sâu còn có kẻ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
9. Người gian thì sợ người ngay,
Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo.
10. Tu thân rồi mới tề gia,
Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai.
11. Đời loạn mới biết tôi trung,
Tuế hàn mới biết bá tùng kiên tâm.
Trên đây là lý giải về ý nghĩa của câu thành ngữ “Ăn đơm nói đặt” là gì của VOH. Hy vọng với phần phân tích câu thành ngữ "Ăn đơm nói đặt" là gì, vi phạm phương châm hội thoại nào, bài viết đã giúp bạn có thêm cái nhìn sâu sắc về câu nói cũng như có được những bài học đắt giá cho bản thân. Qua những lời răn dạy sâu sắc của cha ông, mong rằng đức tính trung thực trong mỗi chúng ta sẽ luôn được nuôi dưỡng và phát triển.
Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.