Chờ...

Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì?

VOH - “Nước mắt cá sấu” là câu thành ngữ rất quen thuộc khi nói về những kẻ đạo đức giả, giả vờ tử tế để đạt được mục đích của mình.

Thế gian này có rất nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát được, chẳng hạn như lòng người. Chúng ta không thể nào biết được đằng sau dáng vẻ tử tế kia có phải là con người thật của họ hay không. Chính vì thế, ông cha ta đã có rất nhiều câu nói về lòng dạ người khác, về sự giả tạo trong đời sống để răn dạy con cháu. Trong đó có câu thành ngữ quen thuộc là “Nước mắt cá sấu”. Vậy “Nước mắt cá sấu” là gì? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

“Nước mắt cá sấu” là gì?

Người Việt chúng ta có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ mượn những sự vật, sự việc trong đời sống thường ngày để nói về thói hư tật xấu của con người. Mượn hình ảnh cá sấu chảy nước mắt khi nhai con mồi, ông cha ta muốn gửi gắm bài học gì qua câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu”?

Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì? 1
Ảnh: Canva

Trong tự nhiên, cá sấu là một loại bò sát ăn thịt. Loài vật này được người ta xếp vào loại động vật hung bạo nguy hiểm. Có một điểm ở cá sấu là sau khi nuốt chửng con mồi, khoé mắt nó lại chảy nước như con người chảy nước mắt khóc thương ai đó. Vì sự tương quan này, người ta nghĩ rằng cá sấu đã khóc cho nạn nhân của nó, kẻ vừa bị nó cướp đi sinh mạng. Từ đó, mọi người liên tưởng đến những hạng người luôn nói lời tử tế hiền lành nhưng thực tế lại làm điều xằng bậy.

Theo Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, “Nước mắt cá sấu” có nghĩa là khóc lóc giả dối, vờ vịt xót thương nhưng lại là kẻ đã gây nên đau khổ cho người ta.

Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê cũng giải thích rằng, “Nước mắt cá sấu” chính là nước mắt thương xót giả dối, chỉ tình cảm giả nhân giả nghĩa để lừa người.

Bên cạnh sự thật thà, tốt bụng, cái giả tạo, lọc lừa luôn cũng tồn tại song hành trong cuộc sống này. Như vậy, câu thành ngữ nhằm phê phán những hành động giả dối, giả nhân giả nghĩa của những kẻ xấu xa sau khi gây ra đau khổ cho người khác hoặc làm những điều sai trái lại tỏ ra cảm thông, thương xót trước số phận của họ. 

Đồng thời, câu thành ngữ cũng nhắc nhở mỗi con người cần phải tỉnh táo để nhìn nhận rõ ràng sự việc để nhận ra đâu là người tốt, đâu là kẻ đã hãm hại mình. 

Xem thêm:
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Ăn cháo đá bát" lên án điều gì?

Điển tích câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu”

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh, câu thành ngữ trên có câu chuyện như sau: 

Một con cá sấu nằm ở trên bờ, gần đám sình lầy. Chỗ này là nơi trú ngụ của nó. Một con khỉ có tật hay bắt chước nhưng lại hay bị kẻ khác lừa. Một hôm đến nơi cá sấu, con khỉ mạnh dạn nói với cá sấu rằng:

- Bác sấu ơi, bác nằm như chết trên bờ, khô da, đói khát cả ngày không động cựa, nhưng sao trông bộ răng của bác đáng sợ thế?

Cá sấu chỉ ti hí mắt, không thèm nhúc nhích, đáp rằng:

- Ta vốn chậm chân, chậm tay lại hay thương người, ai có mệnh hệ gì là ta dễ xúc động. Anh cứ nhìn vào mắt ta thì biết.

Khỉ nhìn vào mắt cá sấu, rồi tò mò đưa cả tay mà sờ vào con cá sấu. Con cá sấu tinh ranh liền đớp lấy rồi ngửa mặt lên ngắc ngắc hai cái là mất tăm con khỉ. Nuốt xong con khỉ, nước mắt nó giàn ra. Đằng xa, một con khỉ khác tưởng con khỉ em chết đuối, nó lại gần, thấy nước mắt cá sấu giàn giụa, tưởng là nó khóc thương con khỉ kia chết đuối, bèn bảo nó:

- Bác thương người như thể thương thân, bác bơi lội giỏi, cho tôi cưỡi lên bác để đi tìm em tôi…

Chưa nói dứt lời, cá sấu đã đáp:

- Ta vốn thương người, thấy ai hoạn nạn là không kìm nổi nước mắt. Cứ trèo lên mình ta, ta cùng bơi xuống nước để đi tìm em cậu.

Khỉ anh vội nhảy lên lưng cá sấu. Cá sấu trườn xuống, bơi ra giữa sông rồi lặn xuống. Khỉ anh lóp ngóp kêu cứu. Cá sấu giơ cái miệng đầy răng mà rằng:

- Người ta vẫn chỉ trích ta rằng: Nước mắt cá sấu. Thế mà mi vẫn tin ư!

Nói đoạn, nó ngoạm con mồi, hấc hấc lên mấy cái ngon lành.

Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì? 2
Điển tích của câu thành ngữ "Nước mắt cá sấu" - Ảnh: Internet

Truyện “Nước mắt cá sấu”

Theo Truyện Cổ tích Khmer, “Nước mắt cá sấu” còn được thể hiện như sau:

Một buổi trưa mùa hè nóng nực. Đang lúc hạn hán kéo dài, có một bác nông dân kéo một chiếc xe chở đồ đi qua ven rừng. Lúc đó, Cá Sấu đang nằm thoi thóp bên đường, tưởng như sắp chết khô đến nơi mất!

Trông thấy bác nông dân đi tới, Cá Sấu liền giả bộ khóc lóc van xin:

– Ối ông ơi, xin ông rủ lòng thương cứu con với! Cánh đầm ven rừng này khô cạn từ lâu rồi. Ông hãy làm phúc chở giùm con đến cánh đầm sâu ở bên kia núi.

Bác nông dân đáp:

– Làm sao ta mang chú đi được! Chú kềnh càng thế kia cơ mà! Ta chịu thôi!

Cá Sấu lại giả tảng, lã chã giọt ngắn giọt dài:

– Ối ông ơi, ông hữu cứu con làm phúc! Ông cứ đặt con lên xe, rồi chở con đi thôi mà!

Bác nông dân lắc đầu:

– Ta không bê nổi chú lên xe, chú nặng lắm! Vả lại xe ta đã chất đầy các thứ rồi!

Cá Sấu khẩn khoản :

– Hay ông cột chặt con vào gầm xe mà kéo đi vậy? Khi nào đến cánh đầm kia chân núi, ông cởi chão ra cho con!

Bác nông dân động lòng thương con vật khốn khổ, bèn lấy một cuộn chão to tướng cột chặt Cá Sấu vào gầm xe, rồi kéo chiếc xe lặc lè nặng gấp đôi lúc trước và đi tiếp.

Khi đến khu đầm sâu, mồ hôi nhễ nhại, bác ta cởi dây buộc Cá Sấu ra. Gã Cá Sấu liền há mõm nhe rặng chặn ngay bác nông dân lại và trở mặt:

– Này ông, ông hãy để lại xác ở đây cho ta ăn thịt, ta căm giận ông lắm!

Bác nông dân sửng sốt:

– Sao chú lại căm giận ta và muốn trả ơn ta bằng cách đó?

Cá Sấu lên giọng:

– Ông đã trói ta chặt quá làm cho suốt quãng đường dài ta nhức nhối khắp cả mình mẩy. Ta phải ăn thịt ông bạn cho bõ giận. Vả lại đã mấy ngày liền ta nằm khô, chẳng kiếm được con mồi nào cả…

Vừa lúc đó, Thỏ Rừng ở đâu chọt đi tới, thoáng nghe câu chuyện, liền hỏi Cá Sấu:

– Sao, ông bạn chuyến này lại muốn ăn thịt cả người nữa cơ à?

Cá Sấu vênh váo trả lời:

– Ừ, tớ nhờ cái nhà bác này chở tớ từ cánh đầm khô cạn bên kia chân núi sang cánh đầm bên này để kiếm ăn. Bác ta đã không thương thì chớ, lại trói chặt tớ vào gầm xe đến gãy hết cả xương và suýt nữa thì tắc thở. Tớ phải trả thù!

Thỏ Rừng lại hỏi:

– Bác ta đã trói ông bạn như thế nào? Lại đây tớ xem thử! Là người giữa, tớ sẽ phân rõ phải trái cho cả hai bên!

Thỏ Rừng nói luôn với bác nông dân:

– Bác câm lấy cuộn chão và thử trói lại anh bạn này vào gầm xe như ban nãy cho tôi xem có đúng như anh ta kể tội bác không?

Bác nông dân lại trói chặt Cá Sấu vào gầm xe. Thỏ Rừng giả vờ giật thử sợi dây, rồi hỏi Cá Sấu:

– Có phải ban nãy bác ta đã trói ông bạn như thế này không? Ồ, thế này thì đã chặt gì lắm đâu!

Cá Sấu hấp tấp phân bua:

– Không, không! Nếu chỉ trói như thế này thôi thì tớ nổi giận làm sao được cơ chứ!

Thỏ Rừng liền giúp bác nông dân siết chặt sợi dây chão hơn nữa, rồi lại hỏi Cá Sấu:

– Thế này đã đúng chưa?

Cá Sấu nhăn mặt xuýt xoa, gật đầu lia lịa:

– Đúng! Đúng như thế đấy! Tớ không tài nào cựa nổi mình nữa! Có thế tớ mới nổi giận và phải trả thù chứ!

Thỏ Rừng quay lại nói với bác nông dân:

– Bây giờ hắn đã bị trói không cựa nổi mình nữa thì bác còn đợi gì nào? Liệu cái giống bất nhân bất nghĩa này có tha cái mạng cho bác không, nếu bác lại thương hại hắn như ban nãy?

Như sực tỉnh, lập tức bác nông dân vác luôn một tảng đá to tướng nhặt ở ven đầm, vừa đập Cá Sấu vừa hét:

– Nước mắt cá sấu này!… Nước mắt cá sấu này!…

Thế là con Cá Sấu vô ơn, lật lọng đã bị trừng trị đích đáng.

Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì? 3
Truyện Cổ tích Khmer về "Nước mắt cá sấu" - Ảnh: Internet

Bài học từ câu “Nước mắt cá sấu” 

Chúng ta thường được dạy rằng: “Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” đề cập đến một vấn đề khá nan giải trong cuộc sống, chính là đôi khi người đang thương xót, động viên chúng ta lại là người đã hãm hại chúng ta. Hoặc có những người mà ta đang giúp đỡ là người đang lợi dụng lòng tốt, tình thương của mình.

Phê phán lối sống đạo đức giả

Trong cuộc sống, ai cũng có khả năng ngụy trang bản thân đằng sau những lớp mặt nạ. Có người che giấu sự yếu đuối bằng vỏ bọc mạnh mẽ. Cũng có người lại che giấu tâm tư xấu xa bằng vỏ bọc hiền lành lương thiện bên ngoài. 

Người có hành vi đạo đức giả không chỉ gây ra tác hại cho bản thân mà con ảnh hưởng lên những người xung quanh.

  • Đánh mất bản thân: Khi sống giả dối trở thành thói quen, dần dần người đó sẽ tự đánh mất nhân cách của chính mình. Khi thường xuyên "nghĩ một đằng, làm một nẻo", về lâu dài sẽ hình thành tính cách nham hiểm, giả dối.
  • Đánh mất niềm tin và sự quý trọng của người khác: Nếu bị phát hiện, người đạo đức giả sẽ không còn nhận được sự tin cậy và hòa hợp của người khác. Mọi người sẽ luôn phải dè chừng cảnh giác và đối phó lẫn nhau. Từ đó, làm những giá trị đạo đức bị ảnh hưởng tiêu cực.

Những người có tính cách này rất khó để nhận biết, bởi thói đạo đức giả được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, bạn cần thật sự thận trọng và nhạy bén để nhận ra cũng như điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.

Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì? 2
"Nước mắt cá sấu" là lối sống gây nhiều hệ quả cho bản thân và cộng đồng - Ảnh: Canva

Phê phán những người lợi dụng tình thương của người khác

Tình yêu thương là một điều kỳ diệu trên cuộc đời này. Chúng ta không thể sống hạnh phúc nếu thiếu đi tình yêu thương từ gia đình cho đến xã hội. Tuy vậy, có những người lại lợi dụng điều này để trục lợi về bản thân mình. Họ cũng là những người sử dụng "nước mắt cá sấu" để có được tình thương của người khác.

Hoài nghi về người khác không hề thoải mái, nhưng để tránh bị lợi dụng lòng tốt, chúng ta cần nên cân nhắc "đúng người, đúng việc" để tránh tiếp tay cho người xấu tiếp tục thực hiện hành vi trục lợi trên tình thương của cộng đồng. 

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “làm ơn mắc oán”
Giải thích ý nghĩa tục ngữ "Ăn cây táo rào cây sung" là gì?
Danh sách ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự phản bội thâm thúy nhất

Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo

Dưới đây là những câu ca dao, thành ngữ tục ngữ về sự giả tạo mà VOH tổng hợp.

  • Ai ngờ lòng chim dạ cá
  • Ăn gian nó giàn ra đấy
  • Miệng nam mô, bụng bồ dao găm
  • Khẩu Phật tâm xà
  • Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay
  • Cá vàng bụng bọ
  • Vấy máu ăn phần
  • Ăn bằng nói chắc
  • Ăn cho ngay, ở cho lành
  • Ăn cho thật, nói cho thà
  • Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối
  • Buôn gian bán lận
  • Bụng gian miệng thẳng
  • Buôn đằng sóng, nói đằng gió
Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì? 5
Ca dao tục ngữ nói về sự giả tạo - Ảnh: Canva

Trên đây là những lý giải về câu thành ngữ "Nước mắt cá sấu". Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về câu thành ngữ quen thuộc này và có cho mình một số bài học triết lý sâu sắc. Để tìm hiểu nhiều hơn về ý nghĩa của các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, bạn nhớ theo dõi và thường xuyên cập nhật các bài viết của chuyên mục VOH Sống đẹp.