Chờ...

Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ là gì?

(VOH) - Khi nhắc đến những người có hành vi phản bội, cấu kết với người ngoài về để hãm hại người thân, người ta thường nghĩ tới câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’.

Người Việt Nam ta từ xưa đến nay có tinh thần tương thân tương ái, vì thế những hành động kéo bè, kéo phái, câu kết với người xấu để hãm hại người khác sẽ bị lên án. “Cõng rắn cắn gà nhà” là một trong những câu thành ngữ phê phán những con người như vậy.

1. “Cõng rắn cắn gà nhà” là gì?

Trong câu thành ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà”, rắn được xem là loài vật nguy hiểm, hung ác. Bởi nọc độc của nhiều loài rắn có thể gây tổn thương đến những loài động vật khác hoặc nặng hơn có thể gây chết người. Hình ảnh những con rắn to, dài, thè lưỡi ra, vươn mình muốn vồ tới cắn xé kẻ thù không chỉ khiến chúng ta ám ảnh, sợ hãi mà còn muốn tránh càng xa càng tốt.

Giải thích câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ 1
Loài rắn có độc vô cùng nguy hiểm, nọc rắn có thể gây chết người

Còn gà là loại gia cầm hiền lành, là loại vật nuôi quen thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam. Có thể thấy, chúng là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ, đặc biệt là trước những loài động vật hiểm ác như rắn.

Giải thích câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ 2
Gà là loại vật nuôi hiền lành

Trên thực tế, một số loài rắn sẽ tìm kiếm những ổ trứng gà để kiếm ăn hoặc cắn chết gà mẹ rồi lấy trứng. Chính vì thế, “Cõng rắn cắn gà nhà” là hành động không nên làm, hành động tiếp tay không thể chấp nhận.

Xem thêm: Học cách sống tử tế để tạo ra được sức mạnh to lớn trong xã hội

2. Ý nghĩa câu thành ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà”

Ở đây, rắn được hiểu là những kẻ xấu, kẻ độc ác, kẻ hại người. Cõng là hành động khom người hay ở đây có thể hiểu là dẫn dắt, chỉ dẫn cho ai đó. Gà nhà tượng trưng cho người thân, anh em ruột thịt hay những người bạn xung quanh mình. Như vậy, “Cõng rắn cắn gà nhà” có nghĩa là cúi đầu trước kẻ thâm hiểm, đưa rước, lôi kéo chúng về hãm hại người nhà. Đây được xem là hành động của kẻ phản phúc, nham hiểm và chỉ biết đến lợi ích cá nhân và đáng được lên án.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta được tiếp xúc với nhiều người, mỗi người đều có tính cách khác nhau. Đôi khi, ta thường dễ dàng cảm kích trước việc được giúp đỡ nhưng một hành động nhỏ chưa thể hiện được hết tất cả phẩm chất thật sự bên trong của một con người. Nếu bạn gặp phải một người có dã tâm, cố tình lấy thiện cảm từ người khác mà không phát hiện được thì rất dễ rơi phải tình huống tạo điều kiện cho kẻ gian làm việc xấu. Do đó, mỗi người cần phải tự nhìn nhận và xem xét trên nhiều khía cạnh trước khi trao niềm tin cho một người để có thể bảo vệ bản thân lẫn người thân xung quanh.

Giải thích câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ 3
Người thân trong gia đình yêu thương lẫn nhau

Còn đối với những người đã biết đối tượng đó không tốt nhưng vẫn cố tình “cõng” họ vào nhà để thu lợi về cho bản thân thì đáng bị người đời chê trách. Bởi người nhà vốn là những người mà chúng ta cần chăm sóc, bảo vệ, quan tâm và đặc biệt là không bao giờ đề phòng lẫn nhau. Ra tay với người thân thiết là một hành động phản bội, nham hiểm và không thể chấp nhận được. So với việc vô tình “cõng rắn” về nhà thì trường hợp chủ động làm việc ác này sát với ý nghĩa của câu thành ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà” hơn rất nhiều.

Tóm lại, thành ngữ “Cõng rắn cắn gà nhà” phê phán một cách thẳng thắn những kẻ phản phúc chỉ vì lợi ích riêng mà cam tâm luồn cúi, cấu kết với người ngoài, với kẻ xấu để làm hại người thân, ruột thịt.

Xem thêm: Ăn cháo đá bát: Lối sống vô ơn cần nên ‘loại trừ’ khỏi xã hội

3. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa với “Cõng rắn cắn gà nhà”

Trong tiếng Việt có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ phê phán hành động của những kẻ vô ơn, phản bội chủ, đồng nghĩa với “Cõng rắn cắn gà nhà”. Dưới đây là một vài ví dụ:

  1. Rước voi về giày mả tổ: ám chỉ những hành động dụ dỗ, lôi kéo kẻ xấu xúc phạm đến ông bà, tổ tiên.
  2. Gà nhà bới bếp nhà: câu thành ngữ chỉ trích những người hay soi mói, hãm hại anh em ruột thịt trong gia đình.
  3. Nuôi ong tay áo: phê phán những người vong ơn, bội nghĩa, quay lại phản bội, làm hại người có ơn nuôi dưỡng mình.
  4. Nuôi khỉ dòm nhà: chỉ những người không khôn ngoan, chỉ biết làm theo, không phân biệt tốt xấu dẫn đến gây hại cho người chủ.
Giải thích câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ 4
Nuôi khi dòm nhà

4. Thành ngữ, tục ngữ liên quan đến con rắn

Khi bị rắn độc cắn có thể bị thương hoặc chết, chính vì thế người xưa thường ví những người có tâm địa xấu xa giống như nọc độc của con rắn. Do đó, trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu ca dao tục ngữ, thành ngữ mượn loài vật này để gửi gắm những bài học nhân sinh sâu sắc.

  1. Áp rắn vào ngực.
  2. Hùm tha rắn cắn.
  3. Khẩu Phật tâm xà.
  4. Miệng hùm nọc rắn.
  5. Đánh rắn động cỏ.
  6. Hang hùm nọc rắn.
  7. Đuôi ong lưỡi rắn.
  8. Len lét như rắn mùng năm.
  9. Nọc người bằng mười nọc rắn.
  10. Oai oái như nhái phải rắn.
Giải thích câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ 5
Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên núi.
  1. Xà cung thạch hổ.
  2. Đầu rồng đuôi rắn.
  3. Đánh rắn phải đánh dập đầu.
  4. Nói rắn nói rồng.
  5. Oai oái như rắn bắt nhái.
  6. Rắn đổ nọc cho lươn.
  7. Rắn khôn dấu đầu.
  8. Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra.
  9. Sư hổ mang, vãi rắn rết.
  10. Thao láo như mắt rắn ráo.
Giải thích câu thành ngữ ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ 6
Có phúc thì rắn hóa rồng/ Vô phúc phượng lại đổi lông hóa cò
  1. Như rắn mất đầu.
  2. Vẽ rồng vẽ rắn.
  3. Vẽ rắn thêm chân.
  4. Xà cung thạch hổ.
  5. Khi đi gặp rắn thì may/ Khi về gặp rắn thì hay bị đòn.
  6. Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên núi.
  7. Được lòng rắn, mất lòng ngóe.
  8. Khi đi gặp rắn thì son/ Khi về gặp rắn thì đòn đến lưng.
  9. Có phúc thì rắn hóa rồng/ Vô phúc phượng lại đổi lông hóa cò.
  10. Rắn già rắn lột/ Người già người tọt vào săng.

Như vậy, “Cõng rắn cắn gà nhà” là câu thành ngữ thể hiện sự phẫn nộ, sự phê phán của xã hội đối với những kẻ vô ơn, phản bội, chỉ vì lợi ích riêng mà lôi kéo, cấu kết với người xấu để hãm hại người nhà. Qua đây, ông bà ta cũng muốn khuyên bảo con cháu hãy sống tử tế và yêu thương mọi người, không nên toan tính với người thân thiết để rồi làm hại cả người lẫn mình.
Nguồn ảnh: Internet