“Chim sa cá lặn” là hình tượng trong văn học cổ dùng để miêu tả nhan sắc người phụ nữ. Vậy có điều thú vị nào khác xoay quanh câu thành ngữ này không? Hãy cùng VOH tìm hiểu câu thành ngữ này nhé!
“Chim sa cá lặn” là gì?
Theo Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, "Chim sa cá lặn" có nghĩa như sau: Cực tả vẻ đẹp của người con gái có nhan sắc tuyệt vời (đến nỗi cá bị quyến rũ, không muốn bơi xa, chim nhạn trông thấy cũng ngẩn ngơ, sà xuống chiêm ngưỡng).
Một số biến thể khác của câu thành ngữ này là "Cá đắm nhạn sa", "Cá lặn nhạn sa", "Nhạn lạc chim sa" đồng nghĩa miêu tả vẻ đẹp. Còn "Chim sa cá lặn thì đừng có ăn", "Chim sa cá nhảy" được hiểu theo nghĩa ám chỉ điềm xấu trong cuộc sống.
Thành ngữ này mang tính văn chương nhiều hơn tính khẩu ngữ vì được sử dụng nhiều trong văn học cổ. Trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng mượn ý thành ngữ trên để miêu tả vẻ đẹp nàng cung phi:
“Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình!”
Xem thêm:
775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam dạy bạn những bài học đắt giá trong cuộc sống
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng”
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nói đến điều gì?
Nguồn gốc của câu thành ngữ “Chim sa cá lặn”
Câu thành ngữ "Chim sa cá lặn" được đảo ngữ từ thành ngữ Trung Quốc. Câu thành ngữ gốc đầy đủ là: "Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa" /沉魚落雁, 閉月羞花/. Tạm dịch nghĩa là cá lặn chim sa, nguyệt thẹn hoa hờn.
"Trầm ngư lạc nhạn" đã xuất hiện tương đối sớm và trở nên kinh điển. Tuy vậy, ý nghĩa ban đầu không dùng để miêu tả động vật bị quyến rũ bởi vẻ đẹp như nghĩa phổ biến sau này.
Trong Tề vật luận (齐物论) của Trang Tử, khi miêu tả nhan sắc hai nữ nhân xinh đẹp, tác giả nói như sau: "Mao Tường và Lệ Cơ, có tiếng là xinh đẹp. Cá thấy thì lặn sâu dưới nước, chim thấy thì bay cao, hươu Mi Lộc thấy thì chạy nhanh. Những thứ vật này nào đâu biết đến cái đẹp chứ!"
Thi nhân đời Đường là Tống Chi Vấn (宋之问) viết về Tây Thi cũng có bài: "Điểu kinh nhập tùng la, ngư úy thẩm hà hoa" /鸟惊入松萝,鱼畏沈荷花/. Những ví von "chim sa cá lặn" ban đầu chỉ sự tỏ vẻ sợ hãi của động vật khi thấy người. Dần dần trong văn chương, thi ca mới dùng để chỉ người đẹp.
Như vậy, ý nghĩa ban đầu của thành ngữ "Chim sa cá lặn" không phải như chúng ta vẫn hiểu lâu nay. Tuy vậy, nét nghĩa miêu tả vẻ đẹp của người con gái có nhan sắc tuyệt vời là nét nghĩa được sử dụng phổ biến nhất.
Điển tích “Chim sa cá lặn” và "Tứ đại mỹ nhân" Trung Quốc
Theo điển tích Trung Quốc, thành ngữ gốc “Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” xuất phát từ “Tứ đại mỹ nhân” trong lịch sử của nước này. Bốn “tuyệt sắc giai nhân” đó gồm:
- Tây Thi (sống vào thời Xuân Thu, khoảng thế kỷ VII – VI Trước CN)
- Vương Chiêu Quân (thời Tây Hán, khoảng thế kỷ I Trước CN)
- Điêu Thuyền (thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ III)
- Dương Quý Phi (thời Nhà Đường (719 – 756)
Dân gian Trung Quốc thường truyền tụng rằng:
- 西施沉魚- Tây Thi trầm ngư: Tây Thi có nét đẹp làm cá phải lặn.
- 昭君落雁- Chiêu Quân lạc nhạn: Vương Chiêu Quân khiến chim nhạn mãi ngắm nhìn quên bay nên rơi rớt.
- 貂嬋閉月- Điêu Thuyền bế nguyệt: Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải khép, núp vào mây.
- 貴妃羞花- Quý Phi tu hoa: Dương Quý Phi khiến cho hoa rũ héo vì hổ thẹn không được đẹp bằng.
Xem thêm:
200 câu thành ngữ hay về cuộc sống mà bạn dùng hằng ngày
110 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con người xã hội được sử dụng hằng ngày
39+ câu ca dao tục ngữ, thành ngữ nói về cái đẹp đặc sắc nhất
Các thành ngữ miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ
Dù ở thời đại nào, người phụ nữ luôn được miêu tả vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất bằng những từ ngữ xinh đẹp, mỹ miều nhất. Cùng VOH đến với các thành ngữ dưới đây để "bỏ túi" những cụm từ hay khi miêu tả vẻ đẹp của người con gái.
- Bách bàn nan miêu: Vẻ đẹp khó có thể miêu tả.
- Bách niên nan ngộ: Trăm năm khó gặp.
- Bàn bàn nhập họa: Đẹp như tranh vẽ.
- Băng cơ ngọc cốt: Vóc dáng thon thả và nước da trắng bóng.
- Băng thanh ngọc khiết: Vẻ đẹp trong sáng như băng, như ngọc.
- Diễm áp quần phương: Đẹp điên đảo, lấn át tất cả mọi thứ xung quanh.
- Diễm mỹ tuyệt luân: Người con gái xinh đẹp tuyệt trần.
- Diễm mỹ tuyệt tục: Người con gái có vẻ đẹp thanh cao.
- Diện như quan ngọc: Vẻ ngoài đẹp như ngọc.
- Diện tái phù dung: Xinh đẹp hơn cả hoa sen.
- Dương chi bạch ngọc: Người con gái cao quý, thanh khiết.
- Hoa dung nguyệt mạo: Dung mạo như trăng như hoa.
- Hương thảo mỹ nhân: Người xinh đẹp như hoa cỏ.
- Khinh vân tế nguyệt: Vẻ đẹp thanh thoát.
- Khuynh quốc khuynh thành: Vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.
- Kinh tài tuyệt diễm: Vẻ đẹp khiến người khác phải kinh sợ.
- Lê hoa đái vũ: Người con gái lúc khóc vẫn xinh đẹp như hoa lê trong mưa.
- Mạo tự thiên tiên: Đẹp như tiên trên trời.
- Mâu hàm thu thủy: Ánh mắt trong veo như nước mùa thu.
- Ngọc nhuyễn hoa nhu: Vẻ đẹp mềm mại như hoa ngọc.
- Ôn nhuận như ngọc: Vẻ đẹp ấm áp, ôn nhu như ngọc.
- Quốc sắc thiên hương: sắc nước hương trời.
- Quỳnh tư hoa mạo: Dung mạo xinh đẹp như hoa.
- Thiên sinh lệ chất: Vẻ quyến rũ xinh đẹp bẩm sinh.
- Thiều nhan nhã dung: Dung mạo xinh đẹp thanh thoát.
- Tiên tư ngọc sắc: Dung mạo như tiên, khí chất như ngọc.
- Viễn sơn phù dung: Mày như núi xa, mặt như phù dung.
- Vưu vật di người: Báu vật khiến người ta say mê
- Xán như xuân hoa, kiểu như thu nguyệt: Xinh đẹp như hoa xuân, trong sáng như trăng thu.
- Xuất thủy phù dung: Hoa sen mới nở, chỉ vẻ đẹp xuân sắc.
Trên đây là những lý giải về câu thành ngữ "Chim sa cá lặn" nghĩa là gì mà VOH cung cấp. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được thành ngữ này là gì, nguồn gốc từ đâu và có những thành ngữ nào tương tự. Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.