Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng”

VOH - “Lo bò trắng răng” là câu thành ngữ được dùng để chỉ những người hay lo lắng vu vơ, lo những chuyện không đáng phải lo…

Ta biết rằng, đằng sau mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng thông điệp, bài học cuộc sống mà ông cha ta muốn nhắn gửi con cháu đời sau. Trong bài viết này, hãy cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “lo bò trắng răng” và bài học cuộc sống ẩn giấu đằng sau.

Ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng” là gì?

Bò là loại gia súc phổ biến ở Việt Nam. Bò được nhập lần đầu tiên vào Việt Nam năm 1923 và trở thành vật nuôi quen thuộc của người nông dân.

Cũng giống như trâu, bò là con vật gần gũi, gắn bó với đời sống lao động của người dân. Vì sự thân thuộc đó, nên hẳn là người xưa đều rõ răng của bò bao giờ cũng trắng, và “bò trắng răng” là một sự thật hiển nhiên. Vậy vì sao, ông cha ta lại còn đưa ra câu thành ngữ “Lo bò trắng răng"?

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng” 1
"Lo bò trắng răng" là thành ngữ quen thuộc của người dân Việt Nam

Thực tế, mỗi câu thành ngữ của ông cha ta ngày xưa đều chứa đựng những bài học cuộc sống. Với thành ngữ “Lo bò trắng răng” người ta đã đưa ra hai cách giải thích khác nhau.

Đầu tiên, câu nói “Lo bò trắng răng” được đưa ra dựa trên cơ sở của thực tế rõ ràng là răng của bò luôn trắng. Cho nên “Lo bò trắng răng” chính là lo cái hiển nhiên, lo điều không đáng, không cần phải lo.

Mặt khác, nhiều người cho rằng, từ “trắng” ở đây có nghĩa là “không” (như nghĩa của “trắng” trong từ “mất trắng”, tức là “mất không”). Do đó, ý nghĩa của thành ngữ “lo bò trắng răng” chính là: Lo bò không có răng.

Cách giải thích này nghe có vẻ hợp lý vì các loài trâu bò không có răng cửa hàm trên mà chỉ có 8 răng cửa hàm dưới. Thế nhưng, khi đưa vào trong câu ca dao: “Lo gì mà lo bò trắng răng/ Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò” thì lại thấy rõ ràng cách giải nghĩa đầu tiên là có cơ sở hơn. Và dù theo cách lý giải nào thì hàm ý của câu thành ngữ cũng không thay đổi, vì đều đề cập đến những sự thật hiển nhiên.

Thật ra, nếu dựa trên cơ sở của một thực tế rõ ràng để tạo ra câu thành ngữ thì trong dân gian còn có một câu thành ngữ đồng nghĩa với thành ngữ “Lo bò trắng răng”, đó là “Lo bò không có hàm trên”. Tuy nhiên, thành ngữ này lại ít được dùng phổ biến nhưng câu “Lo bò trắng răng”.

Xem thêm:
775 câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam dạy bạn những bài học đắt giá trong cuộc sống
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Tha hương cầu thực’ diễn tả thực trạng nào trong cuộc sống
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nói đến điều gì?

Bài học cuộc sống từ thành ngữ “Lo bò trắng răng”

Thành ngữ “Lo bò trắng răng” vốn là câu nói dùng để châm biếm những người hay lo lắng chuyện vu vơ, không đáng để lo.

Trong cuộc sống, đã là người ắt sẽ có lo âu, tuy nhiên chúng ta chỉ nên lo những chuyện đáng phải lo, đừng có chuyện gì cũng phải lo hay suy nghĩ quá nhiều đến những việc không thể thay đổi hoặc không thể xảy ra.

Lo lắng quá nhiều có thể khiến cho chúng ta mất đi sự tận hưởng ở thực tại, tự làm khổ bản thân với những suy nghĩ tiêu cực. Về lâu dài có thể khiến con người rơi vào tình trạng mệt mỏi, trầm cảm và tự kỷ.

Vậy nên với mọi việc, chúng ta cần giữ một thái độ tích cực lạc quan, nghĩ đến những điều tốt đẹp, không cần tự chuốc lấy phiền phức vào người.

Câu chuyện ẩn dụ về thành ngữ “Lo bò trắng răng”

Thành ngữ “Lo bò trắng răng” mang ý nghĩa tương đồng với câu thành ngữ “杞人忧天 (Kỷ nhân ưu thiên) của người Trung Quốc. Câu thành ngữ có nghĩa là: Người nước Kỷ lo trời sập.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng” 2
Thành ngữ "Lo bò trắng răng" có ý nghĩa tương đồng với một câu thành ngữ của Trung Quốc

Chuyện kể rằng, xưa ở nước Kỷ có một người ngày này qua tháng nọ không lo gì ngoài việc lo một ngày nào đó bầu trời sẽ sụp đổ khiến anh ta không có chỗ nương thân.

Lúc đi trên cánh đồng, anh ta sợ trời sập sẽ bị đè bẹp, thế là anh ta trốn trong nhà. Tuy nhiên, anh ta lại nghĩ trời sập thì nhà cũng phải sập, vậy là anh ta lại chạy đi ẩn nấp trong một cái hang. Vui mừng chưa được bao lâu, anh ta lại lo trời sập cửa hang sẽ bị bịt lại, anh ta vội chạy ra ngoài.

Chạy đến mảnh đất trũng, anh chàng bị đất lún. Anh ta kêu cứu và liên tục bám vào chỗ cao, cuối cùng cũng lên được mặt đất phẳng. Sợ hãi, anh ta chạy về ngôi nhà rách nát của mình. Không an tâm sống ở trong nhà, anh chàng nghĩ đến việc dựng bè ở trên sông, nhưng rồi lại sợ nhà bè bị ngập.

Suy nghĩ mãi mà không thể giải quyết vấn đề khiến anh ta lo lắng đến mức quên ăn quên ngủ. Sau đó, có một người nói với anh ta rằng trời thực chất chỉ là khí tích tụ mà thôi, không thể nào sụp đổ được.

Anh ta nghe thế liền hỏi lại: “Nếu trời do khí tích tụ thì mặt trời, mặt trăng và tinh tú chẳng phải đều rơi xuống sao?” Người kia lại giải thích: “Mặt trời, mặt trăng và sao cũng đều do khí tích tụ tạo thành, chỉ khác ở chỗ chúng có thể phát sáng mà thôi”.

Anh ta lại tiếp tục hỏi: “Thế đất lở thì phải làm thế nào?” Người kia nói: “Mặt đất cũng chỉ do từng khối đất tạo thành. Ở đâu chẳng có, chẳng có nơi nào là không có đất. Ngày nào anh chả đi trên mặt đất, sao còn phải lo đất lở?”. Anh chàng nghe xong mới thở phào nhẹ nhõm.

Xem thêm:
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
30 tục ngữ thành ngữ nói về sự may mắn trong cuộc sống
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Mất bò mới lo làm chuồng’ răn dạy điều gì?

Ca dao tục ngữ, thành ngữ về sự lo lắng

“Lo bò trắng răng” là một trong những câu thành ngữ dùng để ám chỉ những người hay lo gần lo xa những chuyện không đáng. Ngoài ra, trong kho tàng ca dao tục ngữ, thành ngữ Việt Nam cũng có những câu nói bàn về sự lo lắng của con người trong đời sống:

1. Ăn không ngon, ngủ không yên.

2. Canh cánh bên lòng.

3. Thắt ruột thắt gan

4. Héo gan héo ruột

5. Nóng lòng nóng ruột

6. Nóng ruột nóng gan

7. Trai ham của bể thì hèn
Gái ham của chợ có phen lỡ làng.

8. Đi đâu mà chẳng thấy về
Hay là ăn cận ngồi kề với ai?

9. Tre già tre nhỏ lo chi
Lo măng yểu điệu có khi bão bùng.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng” 3
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về sự lo lắng của con người

10. Năm canh thì ngủ lấy ba
Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn.

11. Làm người ăn tối lo mai
Việc mình hồ dễ để ai đo lường.

12. Con cá tróc vi hiềm vì nước chảy
Cái cần câu gãy vì vướng gốc tre gai
Không xong cũng tại mối mai
Nên duyên trắc trở tình này không quên.

13. Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía
Lược cài đầu thuở bé vui chơi
Ví bằng anh chửa có nơi
Thì em vượt suối vạch trời em sang
Lòng em cũng muốn đa mang
Còn e thân phận dở dang giữa vời
Cho nên chẳng muốn trao lời
Song tình như đã trọn đời không quên
Tình không quên, nghĩa không quên
Ai đem chìa bạc tra lên khóa vàng
Trách vì một nỗi lệ làng
Cho nên duyên phận nhỡ nhàng đôi ta.

Việc lo gần, lo xa có thể là điều tốt bởi nó sẽ giúp ta định hướng được những điều sắp xảy ra trong tương lai. Thế nhưng không phải chuyện gì cũng phải lo. Có những chuyện chúng ta không cần quá lo lắng, bởi cho dù có lo lắng thì cũng chẳng thay đổi được gì. Mong rằng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được ý nghĩa thành ngữ “Lo bò trắng răng” là gì cũng như bài học ẩn dụ đằng sau.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận