Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Gạn đục khơi trong" và bài học nhận thức

VOH - Trong kho tàng thành ngữ Việt Nam có câu “gạn đục khơi trong”, dùng để nói về những cái có giá trị văn hóa, tinh thần. Vậy ý nghĩa chi tiết thành ngữ “gạn đục khơi trong” là gì?

“Gạn đục khơi trong” là một trong những câu thành ngữ được dùng thường xuyên khi bàn về những vấn đề liên quan đến văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong bài viết này, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu về ý nghĩa câu “gạn đục khơi trong” trong đời sống xã hội và cuộc sống cá nhân.

“Gạn đục khơi trong” nghĩa là gì?

Thành ngữ là những từ không nhằm mục đích để hiểu theo nghĩa thông thường, bởi chúng thường mang nghệ thuật ẩn dụ trong toàn bộ câu. Vậy để hiểu “gạn đục khơi trong” có nghĩa là gì, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từng từ trong câu.

Theo Từ điển Việt - Việt giải thích:

  • Gạn (động từ): Có nghĩa là lấy riêng hết phần chất nước nổi lên trên, sau khi đã để cho các thứ khác lắng xuống. Ví dụ như gạn bột, gạn nước vôi trong. Hoặc có thể dùng theo nghĩa hỏi cặn kẽ, hỏi cho đến cùng. Ví dụ: Bấy lâu mới được một ngày/ Dừng chân, gạn chút niềm tây gọi là… (Truyện Kiều)
  • Đục (tính từ): Có nghĩa là nhiều gợn nhỏ vẩn lên làm cho mờ, không trong. Ví dụ như nước đục, sống đục sao bằng thác trong (thành ngữ). Ngoài ra, “đục” còn được dùng như một động từ hoặc danh từ.
  • Khơi (động từ): Có nghĩa là làm cho thông, cho thoát bằng cách nạo vét tới tận đáy để lấy đi những vật làm nghẽn, tắc. Ví dụ: Khơi thông rãnh thoát nước, khơi mương… Từ “khơi” cũng có thể dùng như một danh từ hoặc tính từ.
  • Trong (tính từ): Có nghĩa tinh khiết, không có gợn, mắt có thể nhìn thấu suốt qua. Ví dụ: nước trong, bầu trời trong, trong như pha lê. Ngoài ra, từ “trong” còn có thể dùng như một danh từ hoặc kết từ.
Giải thích ý nghĩa thành ngữ
"Gạn đục khơi trong" là thành ngữ quen thuộc của người Việt - Ảnh: Internet

Như vậy, câu thành ngữ “gạn đục khơi trong” có nghĩa đen là gạt bỏ những tạp chất, cái xấu, chắt lọc lấy tinh chất, những cái tốt còn lại. Nghĩa bóng câu thành ngữ có thể hiểu là loại bỏ hết đi những cái không hay, cái xấu, giữ lại và phát huy những cái tốt đẹp, cái hay. Hay nói cách khác là tách bạch giữa cái xấu và cái tốt.

“Gạn đục khơi trong” trong việc giữ gìn giá trị văn hóa, tinh thần, bản sắc dân tộc

Câu thành ngữ “gạn đục khơi trong” thường được dùng để nói về những cái có giá trị văn hóa, tinh thần, bản sắc dân tộc. Việt Nam là đất nước đa tôn giáo. Ngoài ra, phần lớn người dân đều có tín ngưỡng truyền thống, điển hình như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng…

Trong xu thế hội nhập, mở rộng các mối quan hệ đối ngoại, các tổ chức, cá nhân chức sắc, tín đồ tôn giáo đã không chỉ giới thiệu tới bạn bè quốc tế nền văn hóa đặc sắc của đất nước mà còn tiếp thu nhiều yếu tố mới, có lợi cho việc phát triển tôn giáo nói riêng và văn hóa xã hội Việt Nam nói chung. Điều này góp phần giúp thế giới hiểu hơn về Việt Nam, cũng như giúp làm tăng vị thế của Việt Nam trên chính trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu, hội nhập không nên diễn ra một cách ồ ạt mà cần phải có sự “gạn đục khơi trong”, tiếp thu chọn lọc những yếu tố văn hóa có lợi cho đất nước với phương châm “Hòa nhập nhưng không hòa tan” để giữ nét độc đáo riêng của tín ngưỡng, tôn giáo nước nhà, hướng đến mục tiêu “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ngoài ra, ở Việt Nam hàng năm có đến hàng trăm lễ hội diễn ra. Lễ hội là thời điểm những giá trị văn hóa dân tộc được sống dậy mạnh mẽ. Thế nhưng, đi kèm với đó là tình trạng biến tướng, thương mại hóa, lạm dụng lễ hội để trục lợi… làm mất dần đi giá trị truyền thống và vẻ đẹp lễ hội.

Do đó, để lễ hội không bị mất đi giá trị rất cần quá trình “gạn đục khơi trong” mà trước hết là cần nhận diện rõ về sự “biến đổi” của lễ hội hiện nay. Chúng ta cần phân biệt rõ đâu là những cốt lõi cần bảo vệ giữ gìn nguyên trạng, những yếu tố nào có thể bổ sung. Khi xác định rõ điều này, sẽ hạn chế tối đa tình trạng “vẽ rắn thêm chân”.

Về lâu dài là việc thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia lễ hội. Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng hành vi ứng xử văn minh của cộng đồng đối với lễ hội. Khi hiểu rõ giá trị thật sự của lễ hội, chúng ta sẽ đến với lễ hội với một tâm thế khác, tâm thế tìm về cội nguồn, với suy nghĩ hướng thiện chứ không phải đến để “cầu may”, hay chỉ vì tính “thiêng” của đền nọ, phủ kia…

Văn hóa dân tộc là một dòng chảy không ngừng. Lễ hội là một thành tố của dòng chảy ấy. Các nội dung hoạt động của lễ hội cần được “gạn đục khơi trong” để phát huy đúng những yếu tố phù hợp. Đồng thời cần kiên quyết bài trừ những yếu tố phi văn hóa để góp phần đưa dòng chảy của văn hóa dân tộc được bền vững theo thời gian.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mưa dầm thấm lâu”
Giải thích “Đầu tắt mặt tối” có nghĩa là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì?

“Gạn đục khơi trong” trong thời đại 4.0

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0. Dưới sự phát triển bùng nổ của Internet, chỉ cần vài giây là chúng ta có thể biết rất nhiều tin tức trên toàn thế giới.

Không chỉ tìm kiếm tin tức thông qua báo chí, nhiều người trẻ hiện nay còn xem mạng xã hội như một kênh thông tin chính thống. Họ "hóng hớt" mọi thứ trên mạng xã hội mà không hề biết rằng mạng xã hội là nơi thượng vàng hạ cám, thông tin đúng sai lẫn lộn. Những thông tin vụn vặt, lá cải, thông tin mang tính cá nhân tràn lan, không biết đâu mà lần…

Do đó, là một người dùng thông minh, chúng ta cần học cách “gạn đục khơi trong” khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội. Cần có sự chọn lọc và thẩm định thông tin, chắc lọc những thông tin hữu ích để không phải trở thành một người “dốt” hiểu biết trong thời đại mới.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ
Người trẻ cần học cách "gạn đục khơi trong" khi đọc những thông tin trên mạng xã hội - Ảnh: Internet

“Gạn đục khơi trong” và bài học nhận thức về chính mình

Thành ngữ "gạn đục khơi trong" cũng được xem như một bài học nhận thức cho chính mình. Trong một bài viết của Thượng tọa Thích Tâm Hiệp có chia sẻ, nước suối từ nguồn vốn tính trong sạch, do dòng chảy mà cuốn theo rác lá, bụi bặm, đất cát hòa tan mà không còn tinh khiết.

Thế nhưng, "đục" hay "trong" không phải là cố định trường hằng. Khi biết khéo lắng, nước đục sẽ lại trong hoặc ngược lại, gặp nhân duyên khác, nước trong rồi thành đục. Cho nên, ở nước đục vốn sẵn tính trong. Nơi dòng nước tinh khiết vẫn có thể dễ dàng vẩn đục. 

Trong Phật giáo hay nói, cái này có nên cái kia có; cái này sinh nên cái kia sinh. Mọi vạn vật trên đời đều có tính tương sinh tương hữu. Nhiều người thường xem cuộc sống như cái chợ để lựa chọn và trả giá, tham dự vào cuộc đổi chác, bán mua. Nếu chúng ta xem cuộc sống như một trường học, để học được bài học nhận thức về chính, chúng ta sẽ có thể tránh được mọi phiền não.

Theo thời gian, con người sẽ thay đổi. Cho nên, một người còn vụng về, khờ dại không biết phân biệt đúng sai, hoặc tham lam sân hận, không có nghĩa là họ sẽ mãi như vậy.

Trong tận cùng tăm tối, chỉ cần có ánh sáng thì chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Ngay trong nơi thế gian nóng bức vẫn có thể cảm nhận ngọn gió thanh lương. Ngay nơi bùn nhơ vẫn có thể trồng lên những đóa sen thơm ngát. Ngay trong đau khổ vẫn có thể trưởng thành trí tuệ, nuôi lớn tâm hồn và tìm thấy chính mình.

Do vậy, chúng ta đừng hà khắc, đừng bảo thủ, cũng đừng dễ dãi trễ nải. Mọi trải nghiệm trong cuộc đời điều đáng quý như nhau. Quan trọng vẫn là chính bản thân mỗi người phải thấm nhuần ý nghĩa "gạn đục khơi trong", chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tìm thấy con đường của hạnh phúc và bình yên thật sự.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.