Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì?

VOH - “Trứng khôn hơn vịt” là câu thành ngữ xuất hiện từ rất lâu và vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Vậy ý nghĩa câu “Trứng khôn hơn vịt” là gì?

Thành ngữ Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng khi ông cha ta khéo léo sử dụng những hình ảnh, sự vật đời thường để mang đến cho con cháu cho nhiều bài học đắt giá. Vậy, câu thành ngữ “Trứng đòi khôn hơn vịt” nói về vấn đề gì? Hãy cùng VOH đi tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

“Trứng khôn hơn vịt” là gì? 

“Trứng đòi khôn hơn vịt” là câu thành ngữ không còn quá xa lạ với tất cả mọi người. Chúng ta có thể nghe thấy câu thành ngữ "Trứng mà đòi khôn hơn vịt" khi hai nhân vật được nhắc đến là hai người có sự chênh lệch về tuổi tác như ông bà, cha mẹ, chú bác với con cháu, anh chị với em nhỏ, tiền bối với hậu bối... Những người nói câu này đa phần là người lớn tuổi hơn hoặc có vai vế, chức vụ cao hơn người còn lại.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì? 1
“Trứng đòi khôn hơn vịt” có ý chê trách những người không biết lắng nghe kinh nghiệm từ người đi trước - Ảnh: Internet

Chúng ta đều biết, theo lẽ tự nhiên, trứng là phần mà vịt đẻ ra khi đến tuổi đẻ trứng. Như vậy, vịt xuất hiện trước và tạo ra trứng. Cũng từ đấy, ông cha ta đã dùng hình ảnh trứng và vịt để ẩn dụ về hai người có sự chênh lệch với nhau về tuổi đời hoặc kinh nghiệm trong cuộc sống. Trong đó:

  • "Trứng" đại diện cho những người non nớt, suy nghĩ còn chưa chín chắn, nông nổi, kiêu ngạo. 
  • "Vịt" là những người từng trải, đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều trải nghiệm trong cuộc sống.

Thông qua việc giải nghĩa, câu thành ngữ “Trứng đòi khôn hơn vịt” muốn nói trứng không bao giờ khôn hơn vịt, cũng giống như sự hiểu biết, trải nghiệm của con cái, người nhỏ tuổi hơn không thể nào bằng cha mẹ, người lớn hơn. Đồng thời, câu thành ngữ còn có ý phê phán con cái, những người trẻ tuổi non nớt và thiếu kinh nghiệm lại tỏ vẻ hiểu biết, khôn ngoan hơn cha mẹ và những bậc tiền bối của mình. 

Đặt câu với thành ngữ "Trứng khôn hơn vịt"

Câu thành ngữ "Trứng khôn hơn vịt" được sử dụng phổ biến trong các cuộc hội thoại hằng ngày, đa phần khi một người lớn hơn muốn răn dạy người nhỏ hơn. Dưới đây là một số ví dụ về đặt câu với thành ngữ "Trứng khôn hơn vịt":

  1. Con phải nghe lời khuyên của mẹ chứ, trứng mà đòi khôn hơn vịt à.
  2. Đừng bao giờ cãi người lớn, trứng đòi khôn hơn vịt làm sao được.
  3. Em nên tập lắng nghe lời cô ấy nói, trứng mà đòi khôn hơn vịt là không được đâu.
  4. Cứ giữ thái độ trứng khôn hơn vịt như thế thì cậu sẽ chẳng trưởng thành được đâu.
  5. Đáng nhẽ tôi không nên tỏ thái độ trứng khôn hơn vịt với anh ấy như thế.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Cốc mò cò xơi” nhắc đến bài học nào?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Đầu xuôi đuôi lọt’ muốn nói điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Miệng ăn núi lở' nói đến hiện tượng nào?

Bài học từ thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì?

Trong cuộc sống có rất nhiều người “xem trời bằng vung”, không biết tự lượng sức mình. Tai hại hơn nếu người đó có tuổi đời còn nhỏ, còn ít kinh nghiệm nhưng lại không có thái độ lắng nghe, học hỏi. Nếu còn non yếu mà lại muốn thể hiện qua mặt người lớn, hậu quả chắc chắn rất khó lường.

Người trẻ như là những “quả trứng” non nớt, chập chững bước vào đời. Cho dù có thật sự tự tin về tài năng, kiến thức của bản thân thì cũng nên tham khảo ý kiến của những người đi trước. Điều mà mỗi người trẻ cần làm chính là lắng nghe, tiếp thu kinh nghiệm, sau đó chọn lọc những gì phù hợp để áp dụng cho cuộc sống của chính mình. Có như vậy thì cuộc sống sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì? 2
Lắng nghe, tiếp thu và chọn lọc kinh nghiệm phù hợp sẽ giúp cuộc sống thuận lợi hơn - Ảnh: Unsplash

Kiến thức trên đời mênh mông và vô tận. Những điều mỗi cá nhân hiểu biết chỉ như một giọt nước trong đại dương mênh mông. Những người lớn, như “Gừng càng già càng cay”, sau khi đi qua thăng trầm ở đời nên có nhiều trải nghiệm, hiểu được nhiều đạo lý, có được nhiều kinh nghiệm sống.

Trong công việc, khi một người mới vào nghề được một một nhân viên kỳ cựu trao đổi kinh nghiệm, đó là sự dìu dắt quý báu. Những lời góp ý từ tiền bối là kinh nghiệm của những “con vịt” đã trải qua thời kỳ “ấp trứng”. Tuy không phải lúc nào cũng phù hợp với suy nghĩ của một số người trẻ, chúng ta không thể phủ nhận kinh nghiệm của bậc tiền bối là những điều chỉ có được khi đúc kết từ thời gian và sự áp dụng thực tiễn - thứ mà người trẻ chưa thể so bì.

Với những lời lý giải trên, có thể thấy, câu thành ngữ “Trứng đòi khôn hơn vịt” đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Cụ thể:

Hãy biết khiêm tốn

Khiêm tốn là một đức tính quý báu của con người. Trong mọi trường hợp, chúng ta không nên lên mặt dạy đời bất kỳ ai. “Núi cao còn có núi cao hơn”, có rất nhiều người giỏi, ưu tú hơn chúng ta. Khiêm tốn, cầu thị, biết trước biết sau… sẽ là những phẩm chất giúp bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp và có được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

Đừng kiêu ngạo

Sự kiêu ngạo có thể giết chết khả năng phát triển của một người và làm rạn nứt các mối quan hệ. Khi kiêu ngạo, bạn sẽ mãi đắm chìm trong sự tự mãn của bản thân, không thể nhìn lại chính mình để rèn giũa và có cơ hội hoàn thiện hơn. Những người có tính kiêu căng, khoác lác cũng khó có được những mối quan hệ sâu sắc, lành mạnh trong cuộc sống.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì? 3
Khiêm tốn, không kiêu ngạo sẽ giúp bạn dễ dàng thành công và được mọi người quý mến - Ảnh: Unsplash

Học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước

Những người đi trước luôn có nhiều hơn chúng ta sự trải nghiệm. Biết học hỏi và tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước, bạn sẽ trang bị cho mình thêm được những kiến thức hữu ích để làm hành trang bước vào đời.

Chưa bao giờ là thừa thãi khi lắng nghe những kinh nghiệm mà người đi trước truyền đạt. Chúng ta còn trẻ, đoạn đường phía trước vẫn còn rất dài. Những khó khăn và chông gai vẫn đang chờ đợi phía trước. Biết khiêm tốn đúng lúc và tự tin đúng chỗ, đó mới là cách sống khôn ngoan để dễ dàng đạt được thành công.

Xem thêm:
30 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lối sống giản dị, khiêm tốn
70 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về kinh nghiệm sống hay và ý nghĩa
50+ danh ngôn, ca dao tục ngữ về tôn trọng người khác ý nghĩa nhất

“Trứng khôn hơn vịt” có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống hiện nay?

Ngày nay, với sự phát triển năng động của xã hội, người trẻ tự tin và chủ động tiếp thu những cái mới, cái hiện đại rất nhanh thì câu thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” đôi lúc sẽ giới hạn sự tự do trong tư duy của họ. Tuy vậy, kinh nghiệm của người đi trước vẫn sẽ luôn là “kim chỉ nam” để người trẻ hạn chế mắc phải những sai lầm trong cuộc sống. Về tình lẫn về lý, nghe theo lời dạy của cha mẹ, các bậc tiền bối là không sai. 

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì? 4
Kinh nghiệm của cha mẹ chính là những bài học thực tiễn quý báu dành cho con - Ảnh: iStock

Có nhiều người cho rằng, câu nói “Trứng mà đòi khôn hơn vịt” đã làm những người trẻ mất đi sự tự tin vào bản thân. Họ muốn tự mình trải nghiệm cuộc sống nhưng bị cha mẹ, người lớn ngăn cản, dẫn dắt rập khuôn. Khoảng cách thế hệ với những luồng tư tưởng trái ngược nhau sẽ dễ dẫn tới những cuộc tranh luận không có hồi kết.

Có những vấn đề khá nan giải khi phân định đúng sai chính là những thứ thuộc về cá nhân như hôn nhân, sự nghiệp, đam mê. Đó là những chuyện trọng đại có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời mỗi người. Vì vậy, ngoài tham khảo ý kiến của cha mẹ, người lớn, chúng ta cũng phải tự phán đoán, cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh, mưu cầu của mình.

Trong gia đình, về phía cha mẹ, chúng ta không nên ép buộc con trẻ nghe theo ý mình trong mọi trường hợp. Điều mà các bậc phụ huynh nên làm chính là quan sát và lắng nghe, sau đó định hướng, gợi ý, động viên con cái để chúng tự lập và tốt hơn mỗi ngày. Cho con cái tự do quyết định với mọi mong muốn bản thân nhưng vẫn phù hợp với những chuẩn mực xã hội, đó là cách giúp con mình được phát triển và hạnh phúc trọn vẹn.  

Đặc biệt, không nên dạy dỗ con cái theo kiểu rập khuôn, cứng nhắc như chỉ có người lớn tuổi mới có tiếng nói, còn người vai vế thấp hơn thì không được lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình. Cách giáo dục này sẽ ảnh hưởng xấu đến tư duy sáng tạo, tính độc lập, tự chủ của con cái. Những đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường bị áp đặt quá mức sẽ rụt rè, thụ động, thu mình lại với thế giới xung quanh, đặc biệt là ngày càng xa cách cha mẹ.

Về con cái, chúng ta nên chủ động tham khảo ý kiến và lắng nghe suy nghĩ của cha mẹ. Bởi suy cho cùng, cha mẹ cũng chỉ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Nếu có sự bất đồng, hãy trình bày những điều mà mình mong muốn với thái độ chân thành. Sau đó, tự mình phân tích kỹ lưỡng và con đường đúng đắn, và phù hợp nhất với bản thân.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì? 5
Cha mẹ và con cái nên trao đổi, lắng nghe để thấu hiểu nhau hơn - Ảnh: CanStock Photo

Trong công việc, khi muốn trình bày ý tưởng nào đó, hãy trình bày cho cấp trên với thái độ khiêm tốn và sẵn sàng lắng nghe những lời góp ý. Cấp trên thường nhìn thấy rủi ro trong những cơ hội và dùng những trải nghiệm của mình để suy xét vấn đề. Đôi lúc, sự bảo thủ của cấp trên làm ảnh hưởng đến tâm lý của người trẻ, khiến họ cảm thấy bị mất tự do và sự chủ động. 

Thời thế, công nghệ thay đổi nhanh như vũ bão nhưng nhân sinh quan không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Vì vậy, việc bất đồng quan điểm vẫn luôn là điều khó tránh khỏi. Dù sao đi nữa, những kinh nghiệm của cấp trên vẫn rất tốt để người trẻ có được định hướng đúng đắn. Điều quan trọng là người trẻ nên biết tiếp thu và chắt lọc những điều phù hợp để hạn chế thất bại, rủi ro trong công việc và cuộc sống, hoặc ít nhất là có sự chuẩn bị cho những rủi ro xảy đến.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’ nói đến điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư'
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Đi một ngày đàng học một sàng khôn’ nói lên điều gì?

Những câu thành ngữ, tục ngữ mang nghĩa tương tự “Trứng khôn hơn vịt”

Ngoài câu thành ngữ “Trứng đòi khôn hơn vịt”, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam còn nhiều câu nói mang ý nghĩa tương tự. Cùng VOH tìm hiểu trong các câu thành ngữ, tục ngữ dưới đây.

  1. Con cháu hơn ông vải.
  2. Áo mặc sao qua khỏi đầu.
  3. Múa rìu qua mắt thợ.
  4. Vải thưa che mắt thánh.
  5. Đánh trống qua cửa nhà sấm.
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì? 6
  1. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.
  2. Chó chạy trước hươu.
  3. Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe.
  4. Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già.
  5. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Thành ngữ, tục ngữ về sự khiêm tốn

Khiêm tốn không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng dẫn tới thành công. Con người không được tự mãn hay quá tự tin. Người có thực lực mà khiêm tốn sẽ luôn nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Cùng VOH đọc những lời răn dạy của cha ông về đức tính khiêm tốn lưu truyền thông qua ca dao, tục ngữ dưới đây.

  1. Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự cao.
  2. Núi cao còn có núi cao hơn.
  3. Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu.
  4. Học thầy chẳng tày học bạn.
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Trứng khôn hơn vịt” là gì? 7
  1. Cậy tài, cậy khéo, khoe khôn
    Đừng cậy có của đa ngôn quá lời
    Của thời mặc của ai ơi
    Đừng cậy có của coi người mà khinh.
  2. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
  3. Khiêm tốn bao nhiêu vẫn thấy thiếu
    Tự kiêu một chút đã thấy thừa.
  4. Nhún nhường quý trọng biết bao
    Khoe khoang kiêu ngạo ai nào có ưa.

Qua câu thành ngữ “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”, hy vọng mỗi chúng ta đều rút ra được bài học cho chính bản thân mình. Mỗi câu tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian đều là hành trang hữu ích giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm sống quý báu. Hãy biết tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước và tự mình chắt lọc những gì phù hợp với bản thân, bạn sẽ có cơ hội chạm đến thành công trong cuộc sống.

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích, thú vị.

Bình luận