Để hoàn thiện bản thân và thành công hơn trong cuộc sống, chúng ta cần phải loại bỏ tính thụ động - rào cản thể hiện năng lực và giá trị bản thân. Cùng VOH tìm hiểu thụ động là gì mà được ví như “hòn đá cản bước” con người chạm đến thành công?
Thụ động là gì?
Thụ động được hiểu là không tự giác thực hiện bất cứ việc gì khi có thể mà luôn chờ đợi những tác động từ bên ngoài. Người có tính thụ động sẽ luôn trong trạng thái bị động, không có sự chuẩn bị chỉn chu từ trước.
Trong cuộc sống, người thụ động luôn chờ đợi sự sắp xếp từ người khác, chờ đợi kết quả để giải quyết, chờ đợi cơ hội đến với mình. Họ không có một kế hoạch cụ thể cho tương lai cũng như không nỗ lực để học hỏi, tìm tòi điều mới.
Xem thêm:
Lười biếng là gì? 5 cách chống lại sự lười biếng
Dựa dẫm là gì? Người sống dựa dẫm vào người khác sẽ trở nên vô dụng như thế nào?
Tự lập là gì? Ý nghĩa của kỹ năng sống tự lập trong đời sống hiện đại
Thụ động trong công việc là gì?
Trong công việc, một cá nhân hay tập thể thụ động là những đối tượng luôn chờ đợi tác động từ bên ngoài mới bắt đầu thực hiện. Họ chỉ làm mọi thứ theo quy trình có sẵn, theo khuôn khổ.
Đây là hành động có thể gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến tiến độ cũng như hiệu quả công việc chung. Nếu không chủ động học hỏi và tiếp thu các kiến thức mới, họ sẽ không thể tiến bộ và phát triển trong công việc.
Biểu hiện của người thụ động
Không khó để nhận ra một người có đang thụ động hay không. Dưới đây là những biểu hiện khi mắc phải tính thụ động mà ta dễ dàng nhìn thấy trong cuộc sống.
- Không chủ động đưa ra ý kiến
- Không xem trọng và bảo vệ ý kiến bản thân
- Tránh xung đột và tranh luận
- Chỉ trông chờ và tin tưởng vào vận may
- Không dám bước ra khỏi “vùng an toàn”
- Không thể hiện cảm xúc một cách rõ ràng
- Khó thay đổi và thích giữ sự ổn định
- Luôn tự ti và tự đánh giá thấp chính mình
- Khó khăn trong việc đạt được mục tiêu
Nguyên nhân dẫn đến sự thụ động
Để khắc phục tính cách này, chúng ta cần nhận ra nguyên nhân cụ thể và tìm cách giải quyết. Có nhiều nguyên nhân gây ra tính cách thụ động ở con người. Một số nguyên nhân chính bao gồm:
- Được phát triển trong sự bao bọc quá mức
- Chịu áp lực quá nhiều: áp lực đồng trang lứa, áp lực từ gia đình, định kiến từ xã hội…
- Lười làm việc và lười suy nghĩ
- Luôn sợ hãi và lo lắng: lo sợ bị từ chối, bị phê phán...
- Có những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ
- Thiếu tự tin về bản thân
- Lệ thuộc vào người khác
Xem thêm:
Vượt qua giới hạn bản thân để chạm tới thành công
16 cách giúp bạn vượt qua khó khăn trong cuộc sống, công việc
11 cách xả stress hiệu quả, 60 câu nói xả stress để đăng status
Hậu quả của sự thụ động
Sự thụ động có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Dưới đây là một số hậu quả mà tính cách thụ động gây ra.
Bỏ lỡ cơ hội tiếp cận cái mới
Sự thụ động có thể khiến người ta bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng trong cuộc sống. Không dám thử thách bản thân, không đưa ra ý kiến và không mạo hiểm trong các tình huống mới sẽ dẫn đến việc bỏ lỡ những cơ hội tiềm năng.
Thiếu tự tin
Việc không thể hiện ý kiến cũng như không đưa ra quyết định trong một thời gian dài sẽ làm sụt giảm sự tự tin và sức mạnh cá nhân của người đó. Khi sự thụ động dần trở thành thói quen, bạn sẽ cảm thấy sợ sệt khi đối mặt với những khó khăn, thử thách.
Dễ bị xâm phạm quyền lợi cá nhân
Người có tính cách thụ động dễ bị xâm phạm quyền lợi và giá trị cá nhân. Họ khó có thể bảo vệ mình và không biết cách nói "không" khi cần thiết, dẫn đến việc bị lợi dụng hoặc bị áp đặt ý kiến.
Stress và tâm lý không ổn định
Sự thụ động có thể gây ra stress và tâm lý không ổn định. Người có tính cách này có thể cảm thấy bất mãn và không hài lòng với cuộc sống, dẫn đến tình trạng căng thẳng và lo âu.
Làm thế nào để khắc phục tính thụ động?
Khắc phục tính cách thụ động là quá trình cần nhiều thời gian, nỗ lực và sự kiên trì. Để thay đổi được tính thụ động, chúng ta nên rèn luyện từ sớm và thay đổi từ những việc làm nhỏ nhất. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn vượt qua tính cách thụ động.
Tìm hiểu chính mình
Bước đầu tiên để khắc phục tính cách thụ động chính là chấp nhận rằng bạn đang có vấn đề này. Tự đánh giá bản thân một cách trung thực và tìm hiểu chính xác nguyên nhân để có thể cải thiện hiệu quả nhất.
Đừng trì hoãn nếu có thể hành động ngay
Khi phải đối mặt với một vấn đề dù nhỏ hay lớn trong cuộc sống, hãy hành động ngay nếu có thể. Ví dụ như sắp xếp lại vật dụng khi sử dụng xong, hoàn thành công việc trong ngày… Nếu khối lượng công việc quá nhiều, hãy chia nhỏ những công việc để có thể dễ dàng xử lý. Sau đó, hành động ngay nếu có thể.
Đặt mục tiêu và hành động
Xác định những mục tiêu nhỏ và thực hiện các bước nhỏ để đạt được mục tiêu đó. Bằng cách làm những điều nhỏ như thực hiện các cuộc trò chuyện, đưa ra ý kiến và tham gia vào các hoạt động xã hội, bạn sẽ dần dần cảm thấy thoải mái hơn trong việc thể hiện bản thân.
Lên kế hoạch cụ thể
Việc lên một kế hoạch cụ thể sẽ giúp bạn quản lý thời gian và quản lý bản thân hiệu quả. Biết mình đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì, bạn sẽ quý trọng thời gian và có những ngày làm việc hiệu quả hơn. Sống buông thả và không kỷ luật không chỉ là biểu hiện của tính thụ động mà còn là biểu hiện của việc không trân trọng chính mình.
Tập trung phát triển kỹ năng cá nhân
Để làm được điều này, bạn phải nhận thức được mình là ai, giá trị bản thân là gì, mình muốn trở thành người thế nào. Từ đó, lên kế hoạch phát triển bản thân và từng bước hành động.
Hãy tập trung vào việc phát triển cá nhân và học hỏi từ mỗi trải nghiệm. Đừng sợ thất bại, hãy xem nó là cơ hội để trưởng thành và tiến bộ.
Rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Phát triển kỹ năng giao tiếp là một yếu tố quan trọng để vượt qua tính cách thụ động. Tham gia vào các khóa học, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động nhóm để rèn luyện kỹ năng này. Hãy học cách thể hiện ý kiến với người khác một cách tôn trọng và cởi mở để có những cuộc trò chuyện chất lượng.
Tự đặt câu hỏi và tham khảo ý kiến của người khác
Khi bạn gặp phải một vấn đề hoặc quyết định, hãy tự hỏi và tìm kiếm ý kiến của người khác. Điều này giúp bạn không chỉ tăng tính chủ động mà còn rèn kỹ năng lắng nghe và tư duy phản biện.
Tập trung vào giải quyết vấn đề
Thay vì tránh xung đột, hãy tập trung vào giải quyết vấn đề một cách tích cực. Học cách đối diện với tình huống khó khăn, đưa ra giải pháp và thể hiện quan điểm một cách rõ ràng.
Tự tin và kiên định
Đặt niềm tin vào khả năng của mình, tin vào giá trị của bản thân và kiên định với ý kiến của mình. Học cách đánh giá cao khả năng và kiến thức cá nhân, không sợ thể hiện quan điểm sống. Hãy tự tin trong việc nói lên suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
Không ngại tìm kiếm hỗ trợ
Nếu không thể tự mình chủ động hơn trong công việc, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý nếu cần thiết. Họ có thể giúp bạn nhận ra các hành vi và cung cấp lời khuyên để phát triển tính cách tích cực hơn.
Hy vọng những thông tin mà VOH cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ thụ động là gì cũng như một số cách để khắc phục tính thụ động. Chủ động trong công việc cũng như trong các mối quan hệ, bạn sẽ tìm được cho mình nhiều cơ hội để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.
Nguồn ảnh: Internet