Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Miệng ăn núi lở' nói đến hiện tượng nào?

(VOH) - 'Miệng ăn núi lở' là câu thành ngữ răn dạy con người về thói hoang phí. Vậy ý nghĩa của 'Miệng ăn núi lở' được giải thích trên những phương diện nào?

“Miệng ăn núi lở” là câu thành ngữ đầy tính hình tượng giúp khuyên răn thế hệ sau cần cù và phải biết quý trọng đồng tiền. Vậy câu “miệng ăn núi lở” xuất phát từ đâu? Những câu thành ngữ nào liên quan một cách thú vị đến “miệng ăn núi lở”?

1. Ý nghĩa của thành ngữ “Miệng ăn núi lở”

Miệng ăn núi lở là một thành ngữ sử dụng những hình tượng dễ thấy để diễn đạt ý tứ và bài học cho thế hệ sau:

  • Miệng ăn: Vào thời xa xưa, khi mà nhu cầu của con người chỉ dừng lại ở “ăn- mặc- ở” là chủ yếu chứ không phong phú như hiện tại, thì từ “ăn” đại diện cho hoạt động “tiêu tiền” của con người. Lại nói, người Việt thường có thói quen chêm từ “ăn” vào một số hoạt động nhất định, do vậy cũng có thể hiểu “miệng ăn” ở đây là “ăn xài”.
  • Núi lở: Là hình tượng thất thoát tài nguyên. Với con người, núi được so sánh với những gì lớn lao nhất (ví như "Công cha như núi Thái Sơn"...). "Núi lở” ám chỉ một sự tổn thất rất nặng nề diễn ra. Trong trường hợp “Miệng ăn, núi lở”, ứng đối với vế trước thì “núi lở” mang nghĩa mất tiền mất của.
'Miệng ăn núi lở' có nghĩa là gì? 1
Ý nghĩa của “Miệng ăn núi lở”

Theo đó, thành ngữ “Miệng ăn núi lở” có nghĩa là nếu con người chỉ biết ngồi không tiêu xài một cách hoang phí thì đến núi cũng lở chứ đừng nói đến của cải hữu hạn. “Miệng ăn núi lở” truyền tải lời răn dạy đến thế hệ sau về ý nghĩa của đức tính cần cù, tiết kiệm thông qua những hình tượng diễn tả chân thực cái giá của sự lêu lỏng và hoang phí.

Xem thêm: Qua câu thành ngữ ‘Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống’ người xưa nhắc nhở chúng ta điều gì?

2. “Miệng ăn núi lở” được sử dụng như thế nào

Là một thành ngữ quen thuộc với ý nghĩa dễ hiểu và nắm bắt, vì thế “Miệng ăn núi lở” thường được sử dụng trong nhiều tình huống để tăng giá trị biểu đạt.

2.1 Truyện cổ tích

Ý tưởng chính lấy cảm hứng từ ý nghĩa chủ đạo của câu thành ngữ, từ đó những thước phim hoạt hình cổ tích hay quà tặng cuộc sống ra đời. Hình thức giúp truyền tải những nội dung quen thuộc một cách hiệu quả và sinh động hơn.

2.2 Sử dụng như một lời khuyên

Khi muốn khuyên răn hậu bối về cách chi tiêu hiệu quả, những người lớn trong nhà vẫn hay nói “Ở không ăn thì núi cũng lở” hay những câu tương tự. Đó chính là một dị bản của “Miệng ăn núi lở”.

2.3 Sử dụng như một lời phê phán

Để châm biếm một số thói xấu về chi tiêu hay phản ánh những thực trạng đáng buồn trong xã hội, người ta cũng sử dụng “Miệng ăn núi lở”. Ví dụ, nhiều bài báo với tiêu để chứa cụm “Miệng ăn núi lở” để tăng tính hàm xúc thu hút người đọc.

2.4 Sử dụng như một lời than vãn và lo lắng

Khi lâm vào những tình huống bất khả kháng phải tạm gác công việc mưu sinh, nhiều người trào phúng hoàn cảnh éo le đó bằng câu “Miệng ăn núi lở”. Đó cũng chính là nỗi lo của họ trong những ngày tháng sắp tới.

'Miệng ăn núi lở' có nghĩa là gì? 2
“Miệng ăn núi lở” dùng trong tình huống nào

Xem thêm: Lời dạy quý báu của cha ông ta qua câu thành ngữ ‘há miệng chờ sung’

3. “Miệng ăn núi lở” trong ngôn ngữ khác

“Miệng ăn núi lở” làm một thành ngữ có nhiều ý nghĩa. Bạn có thể tham khảo một số cách diễn đạt câu này trong các ngôn ngữ khác.

  • “Miệng ăn núi lở” trong tiếng Trung: 坐吃山空 (zuò chī shān kōng). Văn hóa Trung Quốc có nét tương đồng với Việt Nam nên họ cùng sử dụng hình tượng 吃(chī -ăn) và 山 (shān -núi) để diễn đạt.
  • “Miệng ăn núi lở” trong tiếng Anh: A fool and his money are soon parted. Cả câu có nghĩa là, những kẻ ngốc thì dễ bị mất tiền. “A fool” (kẻ ngốc) được hiểu như những người không biết dùng tiền một cách đúng đắn.
'Miệng ăn núi lở' có nghĩa là gì? 3
“Miệng ăn núi lở” trong ngôn ngữ khác

Xem thêm: Ý nghĩa của lối sống giản dị và tiết kiệm trong đời sống hiện nay

4. Những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao có ý nghĩa tương đồng thành ngữ “Miệng ăn núi lở” 

Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ liên quan đến “Miệng ăn núi lở” thể hiện ý nghĩa xoay quanh vấn đề chi tiêu cũng như sự quý trọng của công sức lao động trong cuộc sống.

  1. Tay làm hàm nhai.
  2. Muốn ăn thì lăn vào bếp.
  3. Ăn lắm thì nghèo, ngủ lắm thì khó.
  4. Ăn ở trần, mần (làm) mặc áo.
  5. Ngồi dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn.
  6. Ăn nể ngồi không, non đồng cũng lở.
  7. Há miệng chờ sung.
  8. Nhàn cư vi bất thiện.
  9. Của đời cha mẹ để cho
    Làm không ăn có của kho cũng rồi.
  10. Nói thì có, mó thì không.
'Miệng ăn núi lở' có nghĩa là gì? 4

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao liên quan đến “Miệng ăn núi lở”

  1. Ăn thì muốn những miếng ngon
    Làm thì một việc cỏn con chẳng làm.
  2. Siêng ăn nhác làm.
  3. Đời người có một gang tay
    Ai hay ngủ ngày thì được nửa gang.
  4. Ai đâu thương kẻ ngu si
    Của đâu cho đứa nằm lì mà ăn.
  5. Có làm thì mới có ăn
    Không dưng ai dễ đem phần đến cho.
  6. Muốn làm ông, cái lông không muốn mất.
  7. Chín đụn chẳng coi, một nồi chẳng có.
  8. Giàu đâu những kẻ ngủ trưa,
    Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày ?
  9. Thế gian giàu bởi chữ cần,
    Có mà lười biếng thì thân chẳng còn.
  10. Vốn tôi có máu đau hàm
    Cơm ăn thì dễ, việc làm thì đau.
  11. Ăn như rồng cuốn,
    Làm như cà cuống lội ngược.

Xem thêm: 35 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về cảnh nghèo khó, sự giàu nghèo trong xã hội

Thành ngữ “Miệng ăn núi lở” không chỉ là một lời khuyên răn nhắc nhở mà còn phê phán những hiện tượng lười biếng tiêu xài phung phí trong thời buổi hiện đại. Những điều đó càng trở thành động lực để mỗi người càng phải nỗ lực hơn vì chính bản thân mình và vì những người thân yêu.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet