Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống’ nói đến điều gì?

(VOH)- ‘Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống’ là một trong những câu thành ngữ phê phán tính tiêu pha phung phí của con người trong cuộc sống xã hội.

Ông bà, các cụ xưa thường nhắc nhở con cháu phải xem chừng làm ăn, tiêu xài cẩn thận kẻo “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Vậy bạn hiểu gì về câu thành ngữ này và “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” khuyên răn chúng ta điều gì? Tất cả sẽ được bàn luận trong bài viết dưới đây.

1. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” là gì?

Có 2 vế trong câu thành ngữ “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” mà chúng ta cần làm rõ là: “Tiền vào nhà khó” và “Gió vào nhà trống”.

  • Tiền vào nhà khó ám chỉ những gia đình có hoàn cảnh nghèo khổ kiếm được ít tiền thì cũng chi đâu vào đấy, tiền lại vơi đi hết, không còn lại gì.
  • Gió vào nhà trống để chỉ việc gió lùa vào một căn nhà trống trơn, không người ở, không có gì níu giữ thì rốt cuộc cũng chỉ là không khí và dễ dàng thoát ra ngoài.

Câu thành ngữ “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” dùng cách so sánh “đồng tiền” giống như “cơn gió”, để chỉ một thực tế đối những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ thì bao nhiêu tiền cũng không đủ bởi, bởi họ có được đồng nào sẽ tiêu hết ngay đồng ấy. Tương tự như một cơn gió khi lùa qua một căn nhà trống trải thì cũng chẳng giữ lại được gì.

Bên cạnh đó, câu thành ngữ này còn được xem như một lời nhắc nhở đối với nhiều gia đình trong xã hội, biết rõ mình đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu nhưng lại tiêu pha mọi thứ một cách bừa bãi, hoang phí, không biết sống tiết kiệm. 

tien-vao-nha-kho-nhu-gio-vao-nha-trong-voh-00
Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống muốn ám chỉ việc tiêu xài của nhiều gia đình.

2. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” mang đến bài học gì?

Tiết kiệm là một phẩm chất tốt đẹp, người xưa hay nói người giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu. Lối sống tiết kiệm có từ thời xa xưa và sau đó chúng được truyền dạy cho cháu thông qua từ câu ca dao tục ngữ. Đáng tiếc là không phải ai cũng ngẫm ra và thực hiện tốt tinh thần này. 

Có thể thấy ngày nay, “lãng phí” đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Một số người, nhất là các bạn trẻ dù hoàn cảnh gia đình không có điều kiện nhưng vẫn cứ thích đua đòi dùng đồ hiệu cho bằng bạn bằng bè. 

Thậm chí nhiều cá nhân còn sẵn sàng gánh một khoản nợ chồng chất qua ngày chỉ để chạy theo những thứ phù phiếm trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả đang gánh, kết quả là nghèo vẫn hoàn nghèo.

tien-vao-nha-kho-nhu-gio-vao-nha-trong-voh-01
Nhiều cá nhân còn sẵn sàng gánh một khoản nợ chồng chất qua ngày chỉ để chạy theo những thứ phù phiếm.

Không chỉ trong gia đình mà ngoài xã hội, trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tình trạng lãng phí tiền tài, vật chất, xăng xe, đất đai cũng đang diễn ra khá phổ biến.

Do đó, mỗi gia đình trong xã hội cần biết cách điều chỉnh mức chi tiêu của gia đình, cá nhân phù hợp để tránh việc phung phí vô ích để rồi cuối cùng tiền của làm ra rồi cũng tiêu xài đi nhanh chóng, tránh tình trạng khi cấp bánh lại không có sẵn tiền để rồi phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền, nợ nần khắp nơi.

Có rất nhiều phương pháp để tiết kiệm, sử dụng số tiền chi tiêu một cách hợp lý. Hãy cân nhắc việc tiêu xài đồng tiền, bạn có thể chia ra làm nhiều cột mốc như: Dành dụm - chi tiêu nhà cửa - bản thân - đầu tư, nếu duy trì tốt bạn sẽ có được khoản dư dả và làm được nhiều việc khác.

Tóm lại, mỗi người trong chúng ta cần học tập và xây dựng cho mình một lối sống giản đơn, tiết kiệm. Qua việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng đất nước phát triển, văn minh, giàu mạnh và hùng cường.

Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ 'Liệu cơm gắp mắm'

3. Những thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa tương tự “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”

Bên cạnh câu thành ngữ “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, dân gian ta còn có nhiều câu nói, thành ngữ phê phán sự tiêu pha hoang phí tiền của.

  1. Tiền vào như nước – tiền ra như giọt cà phê.
  2. Tiền mất tật mang
  3. Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ
  4. Đồng tiền liền khúc ruột
  5. Ném tiền qua cửa sổ
  6. Tiền không chân xa gần đi khắp
  7. Phí của trời, mười đời chẳng có
  8. Vào lỗ hà, ra lỗ hổng
  9. Vung tay quá trán
  10. Thừa giấy vẽ voi

Xem thêm: 50+ câu ca dao tục ngữ về tiền càng đọc lâu càng thấm

tien-vao-nha-kho-nhu-gio-vao-nha-trong-voh-03
Tiền mất tật mang

4. Những thành ngữ, ca dao nói về tiết kiệm tiền bạc

Thành ngữ “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” muốn nhắc nhở chúng ta cần theo đuổi lối sống tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí kẻo “tiền không cánh mà bay”. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam từ lâu đã có không ít những câu tục ngữ, thành ngữ nói về lối sống tiết kiệm, biết giữ của. Chẳng hạn như:

  1. Tiết kiệm là quốc sách
  2. Tích tiểu thành đại
  3. Ít chắt chiu hơn nhiều ăn phí
  4. Năng nhặt chặt bị
  5. Ăn phải dành, có phải kiệm
  6. Khi lành để dành khi đau
  7. Tiết kiệm sẵn có đồng tiền
    Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai
  8. Muốn no thì phải chăm làm
    Một hột thóc vàng, chín hột mồ hôi.​
  9. Khó nghèo cấy mướn gặt thuê,
    Lấy công đổi của chớ hề lụy ai.​
  10. Heo kia chẳng vỗ thời to
    Từng xu góp lại thành kho lúc nào.

Xem thêm: 'Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm' có ý nghĩa gì trong cuộc sống?

5. Những danh ngôn tiếng Anh về tiết kiệm tiền bạc

Trên thế giới cũng có rất nhiều danh ngôn, thành ngữ hay nói về sự tiết kiệm, tránh lãng phí mà bạn có thể tham khảo ngay bên dưới.

tien-vao-nha-kho-nhu-gio-vao-nha-trong-voh-04
  1. Do not save what is left after spending, but spend what is left after saving. – Warren Buffett
    Tạm dịch: Đừng tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm.
  2. The price of anything is the amount of life you exchange for it. – Henry David Thoreau
    Tạm dịch: Giá trị của một thứ là lượng cuộc đời phải bỏ ra cho nó.
  3. He who buys what he does not need, steals from himself. – Tục ngữ Thụy Điển
    Tạm dịch: Nếu bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán những thứ mình cần.
  4. Never spend your money before you have it. – Thomas Jefferson
    Tạm dịch: Đừng bao giờ tiêu tiền trước khi bạn sở hữu nó.
  5. You don’t have to see the whole staircase, just take the first step. – Martin Luther King, Jr. 
    Tạm dịch: Bạn có thể không nhìn thấy toàn bộ cầu thang, nhưng hãy cứ đi bước đầu tiên.

Trên đây là những khái niệm về câu thành ngữ “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, cũng như bài học cuộc sống về sự tiết kiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này, mỗi người chúng ta cần ý thức sống tiết kiệm và lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng để có thể cân bằng cuộc sống thoải mái hơn.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet