Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng" là gì?

(VOH) - Môi trường sống ảnh hưởng lớn đến phát triển nhân cách con người là điều không thể chối cãi, điều đó đã thể hiện rất rõ qua câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Từ xưa đến nay, con người luôn có quan niệm rằng khi thường xuyên ở cạnh người tốt thì ta sẽ trở nên tốt hơn, còn khi ở cạnh người xấu ta sẽ trở nên xấu. Vì vậy, ông cha ta đã răn dạy con cháu điều đó bằng câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

1. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng nghĩa là gì

Trong câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng cha ông ta đã sử dụng 2 hình ảnh rất quen thuộc, đó là “mực” và “đèn”. Có thể hiểu “mực” là loại mực được những ông đồ ngày xưa mài cùng nước để lấy mực viết. Còn “đèn” là vật dụng dùng để thắp sáng, được dùng rất phổ biến trong cuộc sống. 

“Gần mực thì đen” có nghĩa là khi sử dụng mực ta có thể hay bị dính mực lên người và bị bẩn. “Gần đèn thì sáng” đang nói đến những nơi gần ánh đèn thì đều được chiếu sáng, soi rõ. Điều này có thể hiểu người xưa đang muốn ám chỉ đến việc gần những thứ bẩn, chúng ta sẽ bẩn; gần những thứ sáng, chúng ta sẽ sáng.

Tuy nhiên, ý nghĩa thật sự của câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng chính là lời nhắn nhủ của cha ông đến với lớp người sau, nếu muốn trở thành con người tốt, muốn phát triển bản thân thì nên chọn một môi trường tốt để sống và chọn những người tốt để chơi. Những ai chọn sống trong những môi trường xấu và kết giao với bạn xấu, thì sớm hay muộn rồi cũng sẽ bị ảnh hưởng từ họ và trở nên xấu theo.

Xem thêm: Tìm hiểu về ý nghĩa của thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ và bài học gửi gắm phía sau

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng 1

Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở

2. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng khuyên chúng ta điều gì?

Mượn hình ảnh vật dụng quen thuộc như “mực” và “đèn”, ông cha ta muốn khuyên bảo con cháu một bài học về tầm quan trọng của môi trường sống. 

Nếu ta được tiếp xúc thường xuyên với những người có đạo đức tốt, giỏi giang thì ta cũng sẽ học được những điều tốt đẹp từ họ và dần hoàn thiện bản thân hơn. Ngược lại ở cạnh những người có phẩm chất xấu, lười biếng thì ta cũng sẽ càng ngày càng trở nên xấu đi.

Con người thường có xu hướng dễ thay đổi bản thân để trở nên thân thiết và hòa nhập cùng với những người xung quanh. Điều này đã được hiện rõ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội.

2.1 Đối với gia đình

Nếu con trẻ được sống trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ là tấm gương sáng về học tập, đạo đức, hướng con cái tới những điều tốt đẹp thì gia đình đó sẽ có những đứa con giỏi giang, có ích cho xã hội. Ngược lại trẻ phải sống trong gia đình bố mẹ bất hòa, không quan tâm con cái thì chúng dễ sa ngã.

Xem thêm: 55+ status gia đình nhỏ ý nghĩa, hạnh phúc, tràn ngập yêu thương

2.2 Đối với nhà trường

Khi sống trong một môi trường được giáo dục và dạy bảo những điều hay lẽ phải, thì ta cũng sẽ trở thành một người có nhân cách và đạo đức tốt. Ví dụ như khi ngồi cạnh bạn học giỏi, ngoan ngoãn thì bản thân cũng sẽ học tập tốt hơn. Còn nếu ngồi cùng với bạn thích nói chuyện trong giờ học, lười biếng không làm bài tập thì chúng ta sẽ bị họ lôi kéo, rủ rê đi chơi, dần dần sẽ trở nên học tập kém.

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng 2

Ngồi cùng bạn xấu, chúng ta cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng theo họ

2.3 Đối với xã hội

Chúng ta cần phải biết chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học. Cần chọn người giỏi giang, có đạo đức, nhân cách tốt để giao lưu học hỏi những điều hay. Nếu gặp phải những người bạn chưa tốt, chúng ta có thể khuyên nhủ để họ trở thành người tốt hơn.

Tuy nhiên, đôi khi không phải lúc nào trong thực tế, chúng ta cũng đủ khả năng và bản lĩnh để lựa chọn cho mình môi trường sống. Chúng ta không thể chọn nơi sinh ra, không thể chọn gia đình sống cùng mình nhưng chúng ta có thể quyết định mình sẽ sống như thế nào trước hoàn cảnh đó.

Dù gần mực hay gần đèn, chúng ta vẫn sẽ không bị phụ thuộc vào nó hoàn toàn nếu chúng ta đủ tỉnh táo nhận thức được đâu là đúng, đâu là sai; không lung lay bởi người khác; biết bài trừ cái xấu để tiếp thu cái tốt; có ý chí quyết tâm, khát vọng học hỏi điều hay để hoàn thiện bản thân.

Xem thêm: Những câu thơ ca dao 'Trong đầm gì đẹp bằng sen; Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn' dạy chúng ta điều gì?

3. Những câu ca dao nói về tầm quan trọng của môi trường sống.

Tương tự như câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, trong kho tàng ca dao, tục ngữ thành ngữ Việt Nam vẫn có rất nhiều câu nói nói về tầm quan trọng của môi trường sống trong việc phát triển nhân cách con người.

  1. Đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma mặc áo giấy
  2. Ở chọn nơi, chơi chọn bạn
  3. Giỏ nhà ai, quai nhà nấy
  4. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
  5. Thói thường gần mực thì đen, anh em bạn hữu phải nên chọn người
  6. Gần lửa rát mặt, gần sông sạch mình.
  7. Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở
  8. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Gần mực thì đen gần đèn thì sáng 3

Bài viết trên đã giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Hy vọng sẽ mang đến cho bạn cái nhìn sâu sắc về câu tục ngữ này cũng như có thêm nhiều bài học để vận dụng vào cuộc sống.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận