Tiêu điểm: Nhân Humanity

Để trường học là nơi tuyệt đối an toàn

(VOH) - Ngoài vấn đề cây xanh gãy đổ, để đảm bảo an toàn trường học, nhà quản lý còn phải lưu tâm, chủ động rà soát rất nhiều yêu tố.

Những vụ việc như học sinh bị điện giật trong quá trình lao động trong trường tại tỉnh Hải Dương, hay vụ việc kẻ xấu đột nhập vào nhà vệ sinh trường tiểu học ở Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước để đe doạ thực hiện hành vi dâm ô với học sinh... trở thành hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn trường học.

Như vậy, công tác an toàn trường học cần được thực hiện như thế nào? Làm sao để công tác an toàn trường học được thực hiện tốt nhất để trường học thật sự là nơi tuyệt đối an toàn cho học sinh?

Kính mời quý vị thính giả, độc giả cùng theo dõi kỳ 2 Tọa đàm "Các giải pháp đảm bảo an toàn trường học", với chủ đề "Để trường học là nơi tuyệt đối an toàn" với sự tham gia của các vị khách mời:

  • PGS.TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý – giáo dục TPHCM.
  • Ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 8.
  • Bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa.

an toàn trường học

Trường học là nơi an toàn cho học sinh (Ảnh: LH)

* VOH: Có thể thấy công tác quản lý an toàn trường học là công tác quan trọng và phức tạp. Để có những bữa ăn bán trú sao cho an toàn, môi trường học đường không có nguy cơ lây lan dịch bệnh, phòng tránh tốt tai nạn thương tích... đòi hỏi sự đóng góp tâm huyết của từng bộ phận trong nhà trường và hơn hết là trách nhiệm của người quản lý. Ông bà ghi nhận như thế nào về vai trò của công tác này?

- PGS.TS Đinh Phương Duy: Nỗi lo của các bậc phụ huynh là hết sức bình thường. Khi gửi các em đến trường, bố mẹ luôn luôn nghĩ tới một điều là hết sức an toàn. Phụ huynh bận đi làm, chỉ có trông cậy vào các thầy cô giáo. Thứ hai, đối với trường phổ thông, sinh hoạt rất mở, đa dạng, học sinh luôn tuân thủ quy định của nhà trường.

Theo quan sát của tôi, các trường phổ thông đã rất chú ý đến công tác bảo đảm an toàn cho các học sinh trong trường. Tuy nhiên, cũng có những sự cố ngoài ý muốn, mà không thể nào lường trước được.  Nhưng chính việc không lường trước được lại làm cho phụ huynh càng lo lắng. Làm sao cho không gian trong nhà trường, môi trường trường học an toàn, thân thiện, bảo đảm về sức khoẻ và tinh thần cho các cháu theo học.

-  Bà Trần Thị Hồng Thủy: Mỗi một đối tượng học sinh sẽ nhận được sự chăm sóc của 2 phía gia đình và nhà trường. Về phía nhà trường, chúng tôi ở trong đội ngũ lãnh đạo quản lý luôn có chủ trương và truyền thông truyền đạt các chủ trương này cho hội đồng sư phạm của nhà trường. Cần phải đặt cái tâm của mình vào các công tác, để đảm bảo có những bữa ăn bán trú an toàn, môi trường học đường không có nguy cơ lây lan dịch bệnh và đặc biệt là phải phòng tránh tốt các tai nạn thương tích. Luôn luôn nghĩ học sinh là con của mình, phải đặt điều kiện đó lên hàng đầu để xử lý các công việc có liên quan.

- Ông Dương Văn Dân: Tôi vẫn là khẳng định trường học là nơi an toàn nhất, là nơi tin cậy để cho các bậc phụ huynh gửi con đến trường. Sự cố như vừa rồi là sự cố đáng tiếc nhưng chúng tôi cũng rút kinh nghiệm.

Về việc thực hiện các bữa ăn bán trú, hiện nay TPHCM có thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn. Các sản phẩm phục vụ bán trú đều trong cái chuỗi an toàn và thực phẩm tươi ngon đến với các nhà trường. Để đảm bảo tốt, nhà trường cần kiểm tra công tác tiếp phẩm và công tác sơ chế đến công tác chế biến để làm sao có những thức ăn, những bữa ăn thật ngon, đúng và kịp cái thời gian, khi các con vừa học xong chương trình ra là có bữa ăn ngon liền. Đó là vai trò của người lãnh đạo nhà trường tăng cường công tác kiểm tra giám sát để làm sao để đảm bảo được.

* VOH: Trường học phải là nơi tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, đâu đó trong môi trường học đường vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu không có những biện pháp quản lý an toàn trường học. Xin ông bà cho biết những sơ suất dễ mắc phải trong công tác quản lý trường học là gì?

- Bà Trần Thị Hồng Thủy: Nói về nguy cơ tiềm ẩn, thì rõ ràng nhìn ở đâu chúng ta cũng có thể thấy. Tại nhà cũng như các địa điểm công cộng, đặc biệt là trường học. Ví dụ như: rêu đóng ở trên sân trường, nước mưa tạt trên hành lang, chỉ cần một em học sinh bước ra vứt rác hay gì đó trong giờ học mà có nước mưa cho hành lang và bộ phận nhân viên chưa kịp thời xử lý thì cũng có thể dẫn đến tai nạn cho học sinh. Hoặc sân trường ướt nhưng học sinh vẫn chơi bóng rổ chơi thể thao, do cái sở thích thói quen của các em mà không có người nhắc nhở. Hoặc là những việc nghịch phá của các cô cậu học trò, chẳng hạn như trái bóng thì dùng để ném để đá nhưng mà các em đứng trên trái bóng. Trường chúng tôi cũng đã từng có những tai nạn tương tự như vậy: học sinh đứng trên trái bóng và sau đó thì bật té và tai nạn.

Cho nên, tâm lý "mất bò mới lo làm chuồng" là tối kỵ trong trường học. Bởi vì, đối tượng phục vụ của nhà trường là học sinh là con người. Không phải là chỉ có các trường học hiện nay có các biện pháp phòng ngừa, mà các cấp quản lý như Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng thường xuyên có những chỉ đạo về công tác bảo đảm an toàn trong trường học.

Các bộ phận trong trường luôn phải thường xuyên rà soát và thực hiện tốt công tác tự kiểm tra tại nhà trường của mình. Không phải để đến có đoàn kiểm tra nào về thực hiện việc kiểm tra, mà trong bản thân mỗi nhà trường phải luôn thực hiện công tác tự kiểm tra. Người quản lý phải có những quy trình thật cụ thể trong việc xử lý các tình huống và đặc biệt là phải biết dự phòng các tình huống có thể xảy ra.

- Ông Dương Văn Dân: Tôi thống nhất quan điểm của cô Thủy. Nhà quản lý phải thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát. Ví dụ, những cành cây khô, gạch đá sau khi xây dựng xong, những vật trên trần nhà như bóng đèn hôm nay vẫn còn, nhưng hôm sau có thể nguy cơ bị rớt xuống, rồi sự rò rỉ điện, các cái trò chơi vận động của các em. Hôm nay, nó còn tốt nhưng mà có những con ốc nào đó bị rơi ra thì các em chơi là sẽ dẫn đến mất an toàn. Giáo dục tuyên truyền cho các em biết là chơi vận động phải giữ gìn sức khỏe phải quan tâm đến nhau.

* VOH: Theo ông bà khả năng kiểm soát mức độ an toàn trong trường học hiện nay như thế nào?

-  Bà Trần Thị Hồng Thủy: Đúng là có những trường hợp ta có thể cho là "tai bay vạ gió". Tuy nhiên, nói như vậy thì không phải nhà trường không có những công tác phải làm phải hành động để kiểm soát mức độ an toàn. Chúng ta vẫn có rất là nhiều giải pháp và nếu chúng ta thực hiện đúng những việc rà soát thường xuyên, có thực hiện công tác chuẩn bị dự trù và thực hiện một cách đều đặn, không mang tính đối phó, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu được các tai nạn ở trong nhà trường.

- Ông Dương Văn Dân: Tôi nghĩ rằng hiện nay các trường đều kiểm soát tốt về mức độ an toàn đối với trường học. Nhà trường là môi trường giáo dục toàn diện, không chỉ là dạy chữ, mà còn dạy người. Đặc biệt hiện nay, các trường đều rất quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

- PGS.TS Đinh Phương Duy: Bảo đảm an toàn trong trường học là việc hết sức quan trọng và cần sự phối hợp giữa các bên. Theo tôi được biết, hiện nay các thầy cô hiệu trưởng bận rất nhiều việc, báo cáo liên tục, báo cáo với các vấn đề của xã hội, được yêu cầu từ ngành rồi từ địa phương. Cho nên các mối quan tâm của hiệu trưởng bị phân tán rất nhiều.

Thông qua chương trình, tôi muốn đề nghị hãy xem công tác an toàn trường học như một mảng báo cáo, phải báo cáo thường xuyên. Trong các báo cáo của hiệu trưởng trong năm học, phải đưa mục an toàn vào trong báo cáo.  Muốn có báo cáo, thì phải có số liệu, muốn có số liệu thì phải tự đi kiểm tra. Chính điều đó làm cho các thầy cô tại các trường phải thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực đó.

Thứ hai, cũng cần phải được cụ thể hoá bằng các quy định, bằng các quy chế trong trường học, cơ sở giáo dục. Ví dụ: sự việc này ai làm mà làm như thế nào. Nếu có sự cố thì phải báo cáo có cho ai. Như vậy thì có trách nhiệm mới rõ hơn và nhận thức về an toàn trường học mới cao hơn. Vì vậy, mới có được thái độ tích cực với cái việc làm sao an toàn trong trường học.

Tôi nghĩ cần phải có quy định ở các trường, như quy chế nội bộ, làm sao để bảo đảm an toàn từ vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến các vấn đề khác. Như vậy, mới có một cộng đồng trách nhiệm và làm cho vấn đề càng ngày càng rõ hơn.

* VOH: Cám ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.

Toạ đàm "Các giải pháp đảm bảo an toàn trường học": Chăm chút giữ mảng xanh trường học - Dư luận chưa hết bàng hoàng vụ cây ngã bật gốc trong sân trường gây thương vong cho nhiều học sinh, thì tại Bình Dương, Đắk Lắk và Đồng Nai và nhiều nơi khác có tình trạng cây xanh bật ...

Sinh viên thể hiện năng lực ngoại ngữ tại Chung kết cuộc thi biện luận sinh viên 2020 - Chung kết cuộc thi biện luận sinh viên - S-Debate của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) đã diễn ra vào sáng nay ngày 6/6. 

Bình luận