Mùi sách cũ có gì mà khiến nhiều người bị “ghiền” khi ngửi?

(VOH) – Có rất nhiều người bị “ghiền” mùi sách cũ nhưng không hiểu lý do vì sao? Giờ đây, các nhà khoa học đã tìm ra được lý do vì sao mùi sách cũ lại hấp dẫn nhiều người.

Với những người yêu thích việc đọc sách, hẳn sẽ không xa lạ với sách cũ, và đặc biệt là mùi của chúng. Thế nhưng, ít ai biết mùi sách cũ đến từ đâu và vì sao nhiều người lại say mê chúng đến mức “đóng đinh” ở thư viện hoặc hiệu sách cũ.

Giải mã mùi hương “khó cưỡng” của sách cũ

Tổ chức khoa học Heritage Science đã công bố kết quả nghiên cứu thói quen kỳ lạ của những người mê đọc sách: Những cuốn sách cũ được nhiều người yêu thích và trân trọng hơn những cuốn sách mới bởi chính mùi hương của chúng.

Mùi sách cũ có gì mà khiến nhiều người bị “ghiền” khi ngửi? 1
Rất nhiều người say mê ngửi mùi sách cũ nhưng không hiểu lý do vì sao

Theo trang IFL Science, trong một nghiên cứu của giáo sư Matija Strlič của Đại học College London, người đứng đầu công trình nghiên cứu về sự phân hủy của vật liệu, cho biết đã xác định được một số hợp chất dễ bay hơi được tạo ra từ sự phân hủy nhựa thông trong mực và lignin (polyme hữu cơ phức hợp trong việc hình thành tế bào ở gỗ và vỏ cây) trong giấy theo thời gian.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, giấy tạo ra acid, thành phần thiết yếu trong giấm, khi nó cũ đi. Như vậy, mùi của những cuốn sách lâu năm có lẽ chính là quá trình… phân hủy của sách cùng với thời gian.

Các chuyên gia đã tiến hành thí nghiệm bằng cách trích xuất hợp chất hữu cơ này từ một cuốn tiểu thuyết cũ, được xuất bản vào năm 1928. Những người tham gia thử nghiệm sẽ bị bịt mắt và ngửi mùi trích xuất từ sách cũ cùng với 7 thứ mùi khác như socola, mùi cà phê, mùi đồ vải để lâu, mùi chợ cá,…

Khá bất ngờ khi ở lần đầu tiên của cuộc thử nghiệm nhiều người đã nhầm lẫn mùi sách cũ với mùi socola và mùi cà phê. Ở lần thử nghiệm thứ hai, họ lại mô tả giấy sách cũ giống với mùi gỗ, mùi khói hay mùi đất.

Như vậy, mùi sách cũ gợi nhắc nhớ tới những hương vị ngọt ngào và thiên nhiên, tất cả đều là những cảm nhận và trải nghiệm đẹp. Trong tâm lý học, cảm nhận khứu giác có thể “đưa” chúng ta đến những miền ký ức xa xăm. Khi ta ngửi thấy một mùi thân quen nào đó, những ký ức cũng sẽ được đánh thức dậy. Đó là lý do vì sao, nhiều người cảm thấy thích thú khi ngửi mùi sách cũ.

Ngoài ra, trong nghiên cứu của mình, ông Strlič cũng đề xuất một số mùi nhất định có thể được coi là “di sản văn hóa”, trong đó có mùi sách cũ. Mùi hương là một phần định hình nên “di sản văn hóa” và một trong những yếu tố chủ chốt của mỗi nền văn hóa là sách.

Mùi sách cũ từ đâu mà có?

Theo trang Compoundchem.com, có 6 phân tử tạo nên mùi hương thường thấy trong sách cũ, đó là: benzaldehyde tạo ra mùi hương giống hạnh nhân; vanillin tạo ra mùi giống vani; etyl benzen và toluen tạo ra mùi ngọt và 2-ethylhexanol tạo ra “mùi của hoa”.

Mùi sách cũ có gì mà khiến nhiều người bị “ghiền” khi ngửi? 2
Sách mới thường sẽ không có mùi giống như sách cũ

Sách mới sẽ không có những mùi này, một phần vì các thành phần của chúng ít bị xuống cấp hơn; một phần vì trong khoảng một thế kỷ qua chúng ta đã sử dụng giấy có chất lượng gỗ thấp hơn.

Nghiên cứu cũng giúp tìm ra cách bảo quản sách tốt hơn ở các niên đại khác nhau. Tùy thuộc vào thời điểm cuốn sách được in, có thể sẽ có các hóa chất bổ sung và những hóa chất này có thể giúp xác định được nguồn gốc của cuốn sách. Ví dụ, nồng độ furfural cao là dấu hiệu nhận biết sách được xuất bản trước những năm 1800.