Trong một nghiên cứu được công bố vào mùa hè năm 2024, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc cha mẹ sử dụng thiết bị công nghệ trước mặt con cái của họ "có liên quan đến tổng thời gian sử dụng màn hình cao hơn và sử dụng mạng xã hội, trò chơi điện tử và điện thoại di động có vấn đề ở lứa tuổi thanh thiếu niên".
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nếu cha mẹ muốn ‘kiểm soát’ việc sử dụng thiết bị công nghệ của con mình - ngoài các quy tắc và giới hạn thời gian sử dụng mà họ đang áp đặt cho con - thì một cách để tác động tích cực đến trẻ là làm gương về hành vi này khi họ ở bên con cái.
David Allan tác giả bài viết “Đôi khi với tư cách là cha mẹ, bạn cần phải cứng rắn và đặt điện thoại xuống” – đăng trên trang CNN cho biết, khi các con anh được 6 và 10 tuổi, anh đã cố gắng tránh sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân (máy tính xách tay, điện thoại thông minh) khi ở gần các con.
Khi anh thực sự phải nhìn vào màn hình (chủ yếu là vì công việc), anh sẽ nói cho con biết mình đang làm gì để ít nhất các con không cảm thấy bố 'lơ' mình và không phải cố làm gì đó để thu hút sự chú ý của bố.
Sự cố gắng của anh đã có tác động trực tiếp lên mối quan hệ của anh với các cô con gái. Các cuộc trò chuyện của anh và các con mang tính tương tác hơn, dài hơn. Và điều đó trở thành quyết tâm để anh duy trì việc ‘hạ màn hình’ khi gần các con.
Hiện các con của anh đã lớn và có các thiết bị công nghệ riêng. Việc làm gương về những thói quen tốt khi sử dụng thiết bị công nghệ khiến con làm theo.
Từ đó các thiết bị công nghệ không trở thành những thứ gây mất tập trung hoặc cản trở giao tiếp trực tiếp và có ý nghĩa.
Anh cho biết: “Con cảm thấy mình có thói quen xấu là dùng điện thoại trước mặt người khác, ngay cả khi con không làm gì trên điện thoại cả” - con gái lớn của anh thú nhận như vậy khi anh hỏi liệu những điều anh làm có phải là một tấm gương tốt không. Cô bé cũng đồng ý rằng bản thân mình cần phải làm điều này tốt hơn.
Kết nối nhiều hơn với gia đình, trở thành một hình mẫu tốt, trở nên chú ý hơn đến việc liệu mình có thực sự cần phải ‘quẹt’ màn hình hay không - đó là những lý do khiến Allan tiếp tục nỗ lực ‘đặt điện thoại xuống và đóng máy tính xách tay khi con vào phòng’ để nói chuyện với mình - trừ khi con biết anh đang làm công việc gì đó không thể trì hoãn.
Anh cũng thêm vợ vào danh sách ưu tiên quan tâm – như cách anh làm với con cái – bởi đó cũng là mối quan hệ quan trọng - hơn bất cứ thứ gì trên màn hình.
Và sau tất cả những thử nghiệm, tác giả thực sự nhận thấy rằng “nếu muốn kiểm soát việc sử dụng thiết bị của con, cha mẹ cần làm gương về điều đó khi ở bên chúng”.