Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giúp trẻ phát triển cân bằng giữa ‘thế giới ảo’ và ‘thế giới thực’

VOH - Công nghệ đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của trẻ em và ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Từ việc tiếp cận thông tin, học tập đến giao tiếp và giải trí, công nghệ đã thay đổi cách trẻ em tiếp nhận và tương tác với thế giới xung quanh. 

Công nghệ mang đến cho trẻ những lợi ích không thể phủ nhận như tiếp cận nguồn tri thức vô hạn, phát triển tư duy sáng tạo, dễ dàng kết nối thế giới… 

Nhưng đi kèm với đó là những thách thức và tác hại tiềm ẩn về sức khỏe, hành vi và khả năng giao tiếp xã hội… điều mà nhiều quốc gia đã nhận thức được và có sự điều chỉnh quy định pháp lý về độ tuổi sử dụng thiết bị công nghệ và sử dụng công nghệ trong trường học. 

dien-thoai-thong-minh-100125
Trẻ sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều có thể gặp vấn đề về sức khỏe, hành vi và khả năng giao tiếp xã hội… - Ảnh: Phys

Đừng coi thường “mặt trái” của công nghệ

Sử dụng quá mức các thiết bị điện tử dẫn đến mỏi mắt, đau lưng, đau tay và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Việc sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều ở khoảng cách không phù hợp, không đủ sáng cũng làm gia tăng các tật về mắt như cận thị, loạn thị ở trẻ em. 

Tỷ lệ trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe như béo phì và yếu cơ ngày càng gia tăng do sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều, làm giảm hoạt động vận động của trẻ.

Nghiêm trọng hơn, việc tiếp xúc với nội dung không phù hợp hoặc các mạng xã hội được chứng minh là có thể gây căng thẳng, lo âu từ đó có thể dẫn đến hành vi chưa phù hợp, như tức giận, khó chịu khi bị giới hạn thời gian hoặc ngừng sử dụng thiết bị điện tử.

Dành quá nhiều thời gian cho công nghệ cũng làm giảm nhu cầu và khả năng của trẻ em trong việc tương tác trực tiếp với người khác, làm mất đi cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội quan trọng.

Những phát hiện được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics mới đây đã đưa ra các bằng chứng nhằm xác nhận các tác hại thực tế của công nghệ.

Không chỉ liên quan đến tỷ lệ béo phì, trầm cảm và hiếu động thái quá cao hơn ở trẻ em, tiếp xúc với màn hình nhiều làm hạn chế các tương tác trực tiếp trong gia đình, với những tác động lâu dài đáng lo ngại.

Nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi Mary E. Brushe, nhà nghiên cứu tại Viện Trẻ em Telethon thuộc Đại học Tây Úc nhấn mạnh, trẻ mới biết đi tiếp xúc với màn hình càng nhiều, càng có ít tương tác với cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Điều này có thể bao gồm trẻ nói ít hơn, nghe ít hơn và ít trao đổi với người lớn hơn, giảm các cuộc trò chuyện với cha mẹ, vốn là yếu tố quan trọng trong gắn kết mối quan hệ gia đình và giáo dục - so với các trẻ không dành nhiều thời gian dùng thiết bị công nghệ.

dien-thoai-thong-minh-100125-1
Sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều có thể khiến kết quả học tập của trẻ sa sút - Ảnh: Global Times

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Đại học Bang Kent (Mỹ) cho thấy, những học sinh sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều có thể dẫn đến tâm trạng lo âu và kết quả học tập sa sút.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 496 học sinh về việc sử dụng điện thoại di động hằng ngày, đồng thời phân tích lối sống và điểm số học tập với mục đích xem xét liệu smartphone có giúp cải thiện cuộc sống hay không.

Kết quả khảo sát cho thấy, việc lạm dụng đến mức như nghiện điện thoại di động có hại cho học sinh. Các em trở nên lo âu hơn và thành tích học tập suy giảm.

Nghiên cứu này khẳng định lại khảo sát tương tự trước đây của Tiến sĩ Karla Murdock tại Đại học Washington Lee (Mỹ) cho thấy, học sinh gửi quá nhiều tin nhắn qua điện thoại thường ít ngủ ngon và bị stress nhiều hơn so với các bạn khác.

Có thể thấy, sự bùng nổ của công nghệ - điện tử mạnh mẽ vừa đem đến những lợi ích tuyệt vời nhưng cũng kèm theo những vấn đề - mà nhiều phụ huynh hết sức lo ngại. Do đó, xây dựng cho con trẻ thói quen sử dụng thiết bị công nghệ thích hợp là điều vô cùng cần thiết.

Để làm được điều này, cần tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, giao tiếp đời thường, giúp trẻ vừa có thể tận dụng những giá trị của công nghệ, vừa có thể cảm nhận được vẻ đẹp, sức hấp dẫn từ thế giới thực, yêu thích các kết nối trực tiếp với bạn bè và người thân, con sẽ chủ động có ý thức sử dụng công nghệ - điện tử lành mạnh hơn. 

Vai trò của các hoạt động thể chất đối với trẻ em

Để sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và mang lại lợi ích tối đa cho sự phát triển của trẻ em, phụ huynh cần quản lý thời gian sử dụng công nghệ, chọn nội dung phù hợp… nhằm đảm bảo trẻ có đủ thời gian cho các hoạt động khác như chơi đùa ngoài trời, đọc sách, và giao tiếp xã hội.

Việc tham gia đa dạng các hoạt động ngoài trời (cắm trại, tham gia các cuộc thi vận động...), đọc sách, chơi đùa với bạn bè, giúp trẻ phát triển toàn diện về các kỹ năng sức khoẻ thể chất, quản lý hành vi - cảm xúc và tương tác xã hội trực tiếp với mọi người xung quanh.

Cô Hà Thu Thảo – Hiệu trưởng trường Mầm non IGC Quận 3 cho biết, vận động thể chất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo bởi vận động giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

Cụ thể, vận động giúp tăng cường sức mạnh, cải thiện khả năng phối hợp, linh hoạt và cân bằng cơ thể, giúp xương và hệ tim mạch phát triển khỏe mạnh. Đồng thời giúp trẻ tăng cường khả năng tập trung, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vận động giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và tự tin hơn.

Về phát triển xã hội, việc vận động theo đội/nhóm giúp các em học cách tương tác, hợp tác và xây dựng mối quan hệ với bạn bè. Trẻ học cách chia sẻ, chờ đợi lượt mình và tuân thủ quy tắc.

van-dong-the-chat-100125
Trẻ vận động thông qua các hoạt động vui chơi ngoài trời

Nhấn mạnh tới những tác động tiêu cực khi các em ít vận động, cô Ngô Thị Phương Dung – Hiệu trưởng trường Mầm non IGC Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, khi trẻ em ở mọi lứa tuổi ít vận động, các em có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và tâm lý, bao gồm tăng nguy cơ béo phì, hệ miễn dịch suy yếu và dễ mắc bệnh. Trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng và có nguy cơ trầm cảm, khả năng tập trung giảm sút.

Việc thiếu vận động cũng có thể làm giảm khả năng giao tiếp, hợp tác và phát triển kỹ năng xã hội của trẻ.

Để trẻ vừa được học, vui chơi, hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi, cô Ngô Phương Dung cho rằng, các trường cần lồng ghép vào các giờ học, giờ vui chơi trong lớp, ngoài trời, các hoạt động ngoại khóa.

Thông qua các hoạt động, các dự án học tập kết hợp vận động như học bơi, học kỹ năng sống – giá trị sống…, các em được vừa học vừa chơi vừa có thể vận động thể chất phù hợp.

Với các phụ huynh, cần dành thời gian cho trẻ tham gia các hoạt động vận động, hoạt động cộng đồng. Điều này với nhiều phụ huynh không hề dễ dàng khi họ quá bận rộn, lịch học của con trẻ thì dày đặc và nhiều em có xu hướng không muốn bước ra khỏi nhà để hòa mình vào các hoạt động xã hội.

Tuy nhiên, 'vì con' - phụ huynh nên nỗ lực động viên, tạo điều kiện, thậm chí đồng hành cùng con trong các hoạt động phát triển thể chất (như võ thuật, bơi lội, aerobic…)…

van-dong-the-chat-100125-1
Phụ huynh nên tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoài trời - Ảnh: HL

Điều quan trọng hơn là cha mẹ nên tích cực làm gương cho trẻ bằng cách tham gia vào các hoạt động vận động cùng con khi ở nhà, ở trường cũng như các hoạt động ngoài xã hội.

Tất cả những nỗ lực này sẽ giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và vóc dáng cân đối, tăng sự tự tin, rèn luyện tính kiên nhẫn và sẵn sàng vượt qua thử thách với một tinh thần vững vàng, duy trì tính tự lập và cả sự lễ phép trong giao tiếp.

Bình luận