Muốn giao tiếp tốt phải biết lắng nghe

(VOH) - “Thuật thôi miên trong giao tiếp” là cuốn sách dành cho tất cả bất kỳ ai mong muốn cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống, từ chuyện yêu đương, duy trì tình bạn, mối quan hệ gia đình…

Tác phẩm của tác giả Nhật Hiroyuki Ishii, do Trần Thị Như Phượng chuyển ngữ. Cuốn sách sẽ giúp độc giả trở nên tự tin trong các cuộc giao tiếp, biết cách kết nối các cuộc trò chuyện không lãng phí thời gian, không buồn chán và không làm tổn thương bất kỳ ai.

Bác sĩ trị liệu tâm lý người Nhật Hiroyuki Ishii nhận định rằng, con người là những cá thể độc lập. Chính vì vậy, mọi người cần phải giao tiếp thông qua ngôn ngữ để thấu hiểu và thông cảm với nhau vì nếu không sử dụng ngôn ngữ thì sẽ không ai thấu hiểu lẫn nhau. Theo tác giả, mấu chốt của một người giao tiếp tốt chưa hẳn nằm ở điểm “khéo ăn khéo nói” mà chính là sự lắng nghe. “Người biết cách lắng nghe chính là người vừa trò chuyện, vừa quan sát kỹ người đối diện”. Cũng theo nghiên cứu từ “Thuật thôi miên trong giao tiếp”, chỉ ra rằng, những ai thường gặp rắc rối trong các mối quan hệ đều có điểm chung là không biết quan sát sắc mặt và lắng nghe đối phương. Vì vậy, điều kiện cần của một cuộc trò chuyện thú vị là sự cân bằng giữa nói và lắng nghe. Điều này giúp những cuộc trò chuyện của mỗi người thực sự được kết nối liền mạch với nhau.

Muốn giao tiếp tốt phải biết lắng nghe 1

Tác giả phân loại cho người đọc 2 kiểu người chính: Người thiên về cảm giác cơ thể (Physical) và người thiên về lý trí, logic (Emotional). Từ đây, vị bác sĩ Nhật gợi mở cho độc giả cách xây dựng thiện cảm, giúp bạn trở thành tuýp người dễ mến trong mắt mọi người. Khi lần giở những trang sách, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, nếu muốn tận dụng tiềm thức, sẽ phải có sự phối hợp và áp dụng các phương pháp dẫn dắt tiềm thức - nền tảng cơ bản trong “Thuật thôi miên trong giao tiếp”. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành những chuyên gia giao tiếp khi chúng ta nắm được phương pháp này.

Với quyển sách này, hãy bắt đầu, từng bước một, rồi bạn sẽ thành thục trong giao tiếp, như tác giả đã từng khuyên nhủ: “Đừng sợ hãi, đừng giận dữ, đừng vội vàng, cũng đừng đè nén cảm xúc, mà hãy bình tĩnh nói lên suy nghĩ của bản thân”. Đồng thời, hãy ra ngoài, kết nối và trò chuyện với nhiều người, lắng nghe người khác nhiều hơn. Và quan trọng hơn, mỗi người hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để đón nhận những điều mới. Đó chính là chìa khóa mở cửa tâm trí bất kỳ ai, giúp giao tiếp và kết nối hiệu quả các mối quan hệ xã hội trong công việc lẫn cuộc sống…