Chờ...

Muốn hạn chế hành vi bạo lực gia đình, cần tự nhận diện cảm xúc bản thân

VOH - Theo thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra 36.534 vụ bạo lực gia đình, trong giai đoạn 2018 - 2022, chưa kể những vụ việc không được phát hiện và thống kê.

Gia đình luôn là tổ ấm của mỗi người, là nơi các thành viên cùng chia sẻ, cùng tạo nên những điều tốt đẹp. Nhưng trong tổ ấm đó cũng có những mầm mống và những nguy cơ xảy ra bạo lực kể cả thân xác và tâm hồn.

bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình hiện hữu rõ nét ở nhiều gia đình trong xã hội ngày nay.

Bạo lực gia đình có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ thành viên nào trong gia đình từ cha mẹ, con cái từ chồng lên vợ, từ vợ lên chồng hay từ cha mẹ lên những đứa con ruột của mình.

Bạo lực gia đình không chỉ là những trận đòn roi những vết thương lên thể xác mà còn là những hành vi gây tổn hại về mặt tình thần, gây hậu quả về lâu dài trong tâm thức.

Xem thêm: Từ 1/7/2023: Cha mẹ cưỡng ép con cái học tập cũng là hành vi “bạo lực gia đình”

Điển hình là những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây như: ngày 29/5, xảy ra vụ việc chồng đánh vợ bằng cán chổi tại Huyện Tam Bình, Tỉnh Vĩnh Long; ngày 24/4 xảy ra vụ việc chồng đánh vợ bằng ghế, vỏ chai thủy tinh ở Đà Nẵng; ngày 1/1 xảy ra vụ việc chồng đốt nhà khiến vợ và 3 con nhỏ tử vong... Nguyên nhân đều được xác định là mâu thuẫn gia đình.

Nhiều người đặt câu hỏi bạo lực gia đình xuất phát điểm từ đâu? Có phải từ việc không thể nhận diện được cảm xúc của từng cá nhân trong gia đình, từ đó không thể dung hòa các thành viên hay không? Làm sao để kiềm chế được cảm xúc và hành vi của bản thân?

Theo TS. Tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, bạo lực gia đình nguyên nhân cốt lõi từ trong chính bản thân những thành viên trong gia đình. Đó là những xung đột về lợi ích, tinh thần, là xung đột về nhận thức, về chia sẻ trách nhiệm, giáo dục con cái…

Theo bà Hạnh, để dung hòa với người khác, đầu tiên cần phải chế ngự bản thân mình, cụ thể là cảm xúc nóng giận, sau đó mới dung hòa được với người xung quanh.

Khi nóng giận, các thành viên trong gia đình phải tìm cách giải tỏa bằng cách phù hợp và lành mạnh. Khi đã ổn về mặt tinh thần, chúng ta mới có thể dung hòa cảm xúc với người xung quanh.

Những vụ việc bạo lực gia đình hầu hết xảy ra trong lúc nóng giận hay do áp lực công việc và người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là những người thân trong gia đình.

Do đó, theo TS. Tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, thay vì dùng những biện pháp tiêu cực như đánh đập, các thành viên cần sử dụng những cách văn minh hơn như ngồi thư giãn, lặng mình một chút ở những nơi yên tĩnh để nhận diện lại cảm xúc, sau đó sẽ có thể ứng xử một cách hài hòa hơn.