Vào tháng trước, ông Alejandro Otero ở Naples, Florida đăng trên trang X rằng, một vật kim loại “đã đâm xuyên mái nhà và xuyên qua 2 tầng” ngôi nhà của ông, sau đó suýt rơi trúng con trai ông vào ngày 8/3.
Theo các nhà quan sát không gian, vụ việc xảy ra vào thời điểm và địa điểm gần giống với các dự đoán chính thức về vụ cháy trong khí quyển của một mảnh pallet chở hàng mang theo pin cũ - bị loại bỏ khỏi tiền đồn quỹ đạo vào năm 2021.
NASA đã thu thập vật thể từ Otero để phân tích và xác nhận trong một bài đăng mới rằng, những dự đoán đó là đúng.
“Dựa trên việc kiểm tra, cơ quan xác định mảnh vỡ là một vật cố định từ thiết bị hỗ trợ chuyến bay của NASA dùng để gắn pin lên pallet chở hàng. Vật thể này được làm bằng hợp kim kim loại Inconel, nặng 0,7 kg, cao 10 cm và đường kính 4 cm” – cơ quan này cho biết.
Cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ cũng cam kết điều tra, tại sao các mảnh vỡ có thể tồn tại sau khi bị phá hủy hoàn toàn trong bầu khí quyển, đồng thời cho biết thêm, họ sẽ cập nhật các mô hình kỹ thuật của mình cho phù hợp.
"NASA vẫn cam kết hoạt động có trách nhiệm ở quỹ đạo Trái đất thấp và giảm thiểu rủi ro nhiều nhất có thể để bảo vệ con người trên Trái đất" – NASA cho biết.
Một báo cáo của hãng tin chuyên môn Ars Technica vào tháng trước cho biết, mặc dù pin thuộc sở hữu của NASA nhưng chúng được gắn vào cấu trúc pallet do cơ quan vũ trụ Nhật Bản đưa ra. Điều này có khả năng làm phức tạp các yêu cầu trách nhiệm pháp lý.
Các ví dụ trước đây về các mảnh vỡ không gian do con người tạo ra va vào Trái đất bao gồm một phần của tàu SpaceX Dragon hạ cánh xuống một trang trại cừu ở Úc vào năm 2022. Skylab, trạm vũ trụ đầu tiên của Hoa Kỳ đã rơi xuống Tây Úc.
Gần đây hơn, Trung Quốc đã bị NASA chỉ trích vì để cho tên lửa Trường Chinh khổng lồ của nước này rơi trở lại Trái đất sau khi bay vào quỹ đạo.