Mỹ: Nhân viên Gen Z sử dụng mạng xã hội tố cáo lãnh đạo, công ty

VOH - Trong số các nhân viên bất mãn đăng tải nội dung chỉ trích, tiêu cực về cấp trên và công ty trên mạng xã hội, gần 50% thuộc Gen Z.

Công ty công nghệ Owl Labs công bố kết quả khảo sát trong đó chỉ ra hơn 1/3 nhân viên bất mãn với sếp hoặc công ty, với gần 50% là Gen Z. 13% số người được khảo sát nói đã đăng bài ẩn danh trên các website đánh giá công ty,15% chia sẻ ghi âm trò chuyện hoặc cuộc họp với cấp trên.

Frank Weishaupt, CEO của Owl Labs, cho rằng xu hướng này xuất phát từ sự thay đổi trong môi trường làm việc.

Frank lý giải “Trong bối cảnh mô hình làm việc kết hợp (hybird) ngày càng phổ biến, tương tác trực tiếp giảm đi, nhân viên tìm đến mạng xã hội như cách để nêu quan điểm”.

Trước đó vào tháng 4, cơn "sốt" loud quiting (nghỉ việc ồn ào) được nhân viên trẻ đón nhận. Trong làn sóng này, người lao động trước khi nghỉ việc đã vạch trần điều kiện làm việc tồi tệ hoặc bị cấp trên đối xử bất công lên mạng xã hội.

Trào lưu dần lan rộng trong cộng đồng nhân viên Gen Z. Họ đăng các video về quá trình bỏ việc hoặc bị sa thải, thường là cuộc trò chuyện trong văn phòng hoặc gọi điện thoại với quản lý, lên các nền tảng như TikTok, với mong muốn tạo chiến dịch minh bạch tại nơi làm việc, theo các trang Worklife, Financial Times.

Giáo viên và nhân viên công nghệ là nhóm đăng video nghỉ việc nhiều nhất. Những video này được những lao động cổ cồn xanh - người làm việc chân tay, chia sẻ nhiều nhất.

Anh-man-hinh-2024-10-25-luc-15-8736-8794-1729844275-5-3
Ảnh minh họa: W.L

Luật pháp Mỹ cho phép nhân viên thảo luận trên mạng về các vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc như lương, phúc lợi…. Đây là một hình thức hoạt động tập thể được bảo vệ.

Các chuyên gia lưu ý những hành vi đăng tải thông tin sai lệch, xúc phạm nghiêm trọng hoặc công khai chê bai sản phẩm, dịch vụ của công ty nhưng không liên quan đến tranh chấp lao động, sẽ không được bảo vệ.

Luật sư lao động Jill Kahn Marshall, cho biết việc nhân viên bày tỏ sự bất mãn với công ty trên mạng xã hội ngày càng được doanh nghiệp quan tâm.

"Hầu hết công ty lớn đều có quy định về hoạt động của nhân viên trên mạng xã hội trong sổ tay nhân viên", Marshall nói.

Tuy nhiên không có chính sách chung cho tất cả. Các công ty chủ yếu ra quy định nhằm hạn chế nhân viên nói xấu, đưa thông tin sai lệch về công ty.

Các bài đăng trên mạng xã hội sẽ bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm các chính sách chống quấy rối và phân biệt đối xử của doanh nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, Ann Francke, giám đốc điều hành của Chartered Management Institute (Anh), cho biết các video bày tỏ sự bất mãn của nhân viên với công việc trên có thể là lời cảnh tỉnh mọi cấp lãnh đạo về thiếu sót trong công tác quản lý. Đặc biệt, nhân viên trẻ ngày nay càng cởi mở và minh bạch hơn về cách họ nhìn nhận chủ doanh nghiệp.

Niki Ramirez, người sáng lập và là nhà tư vấn chính tại HR Answers, một công ty tư vấn nhân sự tại Mỹ nói: "Nếu doanh nghiệp có chính sách giải quyết vấn đề tốt, cung cấp cơ chế khiếu nại và bày tỏ sự bất bình, người lao động sẽ không phơi bày lên mạng xã hội".

Bình luận