Năm Tân Sửu điểm lại các lễ hội chọi trâu, đâm trâu truyền thống tại Việt Nam

(VOH) - Trâu không chỉ giữ vai trò quan trọng đối với nhà nông, mà còn gắn liền với nhiều lễ hội truyền thống lâu đời như chọi trâu, đâm trâu…

Lễ hội chọi trâu được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có những lễ hội tồn tại lâu đời, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cũng có những lễ hội đã bị mai một và chỉ được phục hồi trong vài năm trở lại đây.

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) 

Theo sách Lịch sử Người Hà Nội của nhà văn Hà Ân, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có ít nhất từ thời nhà Trần.

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, voh.com.vn
Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng (Ảnh: Tổng cục du lịch)

Lịch sử lễ hội chọi trâu gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế, do có thai với vua Thủy Tề, bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, cộng đồng địa phương lập đền thờ, tên gọi đền Bà Đế. Nơi bà chết, tôm cá kéo đến tập trung, năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá. Về sau, cộng đồng địa phương tổ chức Lễ hội chọi Trâu. Những con trâu thắng được mang ra biển cúng tế Bà Chúa.

Cũng có ý kiến cho rằng, truyền thuyết dìm chết nàng Đế ở ngoài khơi Hòn Độc là di vết của tục hiến sinh các cô gái cho Thủy Thần có từ thời kỳ nguyên thủy đến thời sơ kỳ phong kiến. Về sau, khi xã hội phát triển, việc hiến sinh được thay thế bằng hiến sinh con vật.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.

Hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc)

Làng Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có lệ chọi trâu khá quy mô được tổ chức hàng năm vào ngày 16 - 17 tháng Giêng.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, voh.com.vn
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc (Ảnh: Vietnammoi)

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc.

Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Tương truyền rằng các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiệt sức khỏe hơn người. Chính vì thế, người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

Từ năm 1947, do chiến tranh ác liệt và nhiều lý do khác, lễ hội chọi trâu này không được tổ chức, cho tới năm 2002 mới được khôi phục trở lại.

Nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là trâu được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là các xóm, làng hoặc họ tộc...) đã gắn bó lâu đời với nhau.

Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, gia đình này phải là gia đình có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo, trên kính dưới nhường, kinh tế khá giả, nghĩa là một gia đình rất văn hóa, các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (thường là bột ngô, cám gạo...).

Nét đẹp văn hóa nữa là trâu chọi bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khoẻ để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn.

Sau lễ hội, tất cả các con trâu, kể cả trâu thắng cuộc đều được đưa ra giết thịt, liên hoan và bán cho du khách.

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang)

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) được tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên đã có từ rất lâu đời song trải qua những biến cố, thăng trầm nên có một thời gian dài gián đoạn. Từ năm 2007, lễ hội này mới được khôi phục lại với mục đích bảo tồn lễ hội dân gian, phát triển giống trâu Ngố của địa phương, phục vụ sản xuất và thu hút khách du lịch.

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên, voh.com.vn
Lễ hội chọi trâu Hàm Yên, Tuyên Quang (Ảnh: TTXVN)

Với mỗi người dân địa phương, hội chọi trâu Hàm Yên là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn. Sau giải đấu, con trâu chiến thắng được hóa kiếp và mang về tế lễ tại Đền Bắc Mục, cầu cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu.

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ)

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) không biết có từ bao giờ.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội được tổ chức tại chợ Hàm Rồng (thuộc địa phận làng Cão, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vào hai ngày chợ phiên, 5/5 và 10/10 âm lịch hàng năm.

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh, voh.com.vn
Lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Phú Thọ (Ảnh: Khám phá di sản)

Trải qua hơn 60 năm gián đoạn, lễ hội đã được UBND huyện Phù Ninh khôi phục lại vào năm 2009 và được tổ chức vào khoảng giữa tháng 2 âm lịch hàng năm.

Theo truyền thuyết, khi vua Hùng và các tướng lĩnh đi săn qua chợ Hàm Rồng thì thấy hai con hổ đang đánh nhau. Vua liền sai các tướng giết hổ mổ thịt khao quân. Từ đó, để tưởng nhớ vua Hùng và các tướng lĩnh, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ, hàng năm, cứ vào 2 ngày chợ phiên, người dân trong vùng lại tổ chức lễ hội chọi trâu. Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia thi đấu, dù thắng hay thua đều bị sát sinh để cúng tế thần linh.

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh không những là lễ hội cổ xưa, mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương mà còn là lễ hội của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện ở tục lệ gắn biểu tượng con trâu với tục sát sinh vật thiêng để hiến tế thần linh cầu cho “mưa thuận, gió hoà”, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.

Để chuẩn bị cho lễ chọi trâu bốn làng là: Cão, Phú Mãn, Ngọc Trù, Ngọc Khôi mỗi làng phải chọn mua một con trâu cà (trâu phải đen tuyền), khi mua phải xin âm dương, nếu thánh ứng mới mua.

Trâu mua rồi mỗi làng phải cử người làm mo nuôi để đến ngày chợ cho chúng chọi nhau và mổ thịt tế thần. Đến ngày chợ phiên dân làng tắm rửa cho trâu thật sạch sẽ, trước khi vào trận đấu người ta cho trâu uống nửa lít rượu.

Phiên chợ ngày 5/5 cho chọi cả 4 con trâu, 2 cặp trâu chọi con nào thua thì mổ thịt, còn 2 con thắng cuộc được giữ lại cho chọi trận chung kết vào phiên chợ ngày 10/10.

Khi mổ trâu làm lễ tế thần, người dân chuẩn bị những thứ để đựng thịt trâu (không bầy vào bát đĩa), đó là những cái rế tết bằng dây thừng, đan dầy và nông, trên lòng rế có lót lá chuối. Thịt bày vào những cái rế ấy và đem đặt lên một mô đất vuông bằng phẳng ở ngay giữa chợ để làm lễ cúng thần. Khi cúng lễ xong mọi người tập trung ăn uống ngay ở chợ.

Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên 

Nhiều cư dân bản địa ở vùng Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên từ xưa đã nhận con trâu làm vật tổ trong tín ngưỡng tô tem (totemism) của mình. Con trâu có vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ, ngày nay vẫn còn ở một vài nơi, như miền Tây Nguyên Việt Nam, còn tục đâm trâu, giết trâu tế Giàng. 

Lễ đâm trâu được tổ chức từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch - là một sinh hoạt văn hoá dân gian nổi bật nhất, mang tính tổng hợp cao, có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa.

Lễ hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu (Ảnh: Bazan travel)

Lễ hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của người Tây Nguyên. Nhiều loại hình dân gian cũng tham gia vào lễ hội này như âm nhạc, sân khấu, múa hát, múa kiếm, nghệ thuật tạo hình.

Lễ hội đâm trâu góp phần làm nên bản sắc Tây Nguyên bởi từ người Stiêng, Ba na, Cờ tu, Êđê, Xê đăng, Yẻh, Xeđrá đến người Brâu đều có lễ hội đâm trâu, dù nghi thức lễ hội mỗi nơi một khác nhưng mục đích thì giống nhau.

Đối với các dân tộc Tây Nguyên, việc giết trâu là một cử chỉ thờ cúng của bản làng. Con trâu vừa là con vật truyền thống dâng hiến cho cuộc sống. Lúc sắp bị giết, trâu được chăm sóc. Họ đánh đồng la, thổi kèn khi con trâu bị giết. Giao chiến bên cọc trâu và con trâu, cuộc giao chiến nghi lễ. Khi giết xong, thịt được mang cúng thần.

Những buổi lễ này được dân làng cử hành thường vào mùa thu hoạch cuối năm là cơ hội để các trai và gái làng biểu diễn tài năng của mình. Nam thì múa khiên, múa giáo, hay phóng lao. Trong khi nữ thì múa hát (xoang) cổ động cho buổi lễ đâm trâu. Còn người già đảm trách nhiệm vụ cúng tế và đặc biệt là đánh ching (tức chiêng bằng không có núm).

Con trâu tế thần (gọi là Kapô) được cột dưới cột Gưng. Nó có thể chạy quanh cột Gưng thành vòng tròn. Sau lời tế lễ, vị trưởng lão làng ra lệnh bắt đầu hành lễ, các chàng trai khoẻ mạnh như những dũng sĩ đóng khố Ktel (khố hoa) múa khiên, múa lao. Tiếng chiêng đuổi trâu chạy chàng dũng sĩ liền bám theo con trâu phóng những mũi lao ác nghiệt vào con vật hy sinh cho buổi lễ.

Theo nhịp chiêng nhún nhảy, các cô gái nắm tay nhau xoang vòng quanh. Họ múa hát vui mừng cho tới khi con trâu bị lao đâm gục ngã quỵ và lời cúng tế dâng lên các thần linh của vị trưởng lão làng chấm dứt thì lễ kết thúc.