Một người chuyển giới nữ tại Trung Quốc vừa nhận được bồi thường thắng vụ kiện việc bị nhốt trong bệnh viện tâm thần 97 ngày và ép điều trị “đảo ngược giới tính” bằng sốc điện.
Đây là lần đầu tiên một người chuyển giới thắng kiện trong vấn đề bệnh viện tâm thần Trung Quốc sử dụng sốc điện để "đảo ngược giới tính" cho cộng đồng LGBTIQ+.
Ling’er, nghệ sĩ biểu diễn 28 tuổi đồng thời là người chuyển giới nữ nhận phán quyết từ Tòa án nhân dân huyện Changli, thành phố Qinhuangdao ở Hồ Bắc (Trung Quốc), chấp nhận bồi thường 60.000 NDT (hơn 8.200 USD).
Các nhà hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBTIQ+ nhận định chiến thắng của Ling’er ngày 31/10 cũng là chiến thắng của cộng đồng chuyển giới Trung Quốc.
Qua vụ kiện, Ling’er hy vọng ý thức về cộng đồng LGBTIQ+ tại Trung Quốc được nâng cao. Cô bày tỏ mong muốn điều hướng các tranh luận y tế và bảo vệ quyền cho người chuyển giới. “Ở Trung Quốc, những người chuyển giới sống rất khó khăn, chúng tôi thiếu sự bảo vệ”.
Nữ nghệ sĩ kể lại, cha mẹ cô sau khi nghe cô thú thật về giới tính của mình đã cảm thấy sốc, không thể chấp nhận và nghĩ tâm trí cô không bình thường. Họ gửi cô vào Bệnh viện Qinhuangdao City Fifth vào tháng 7/2022 để điều trị tâm thần.
Tại bệnh viện, cô được chẩn đoán “rối loạn lo âu và lẫn lộn xu hướng tình dục”. Dù cô chỉ “rối loạn” về xu hướng tính dục, không phải tình dục. Ling’er xác định bản thân là nữ giới dị tính nhưng sinh ra là nam.
Nữ nghệ sĩ bị giữ lại bệnh viện điều trị 97 ngày, với 7 buổi điều trị bằng sốc điện.
Cô mô tả đợt điều trị “làm tổn thương cơ thể”. “Mỗi lần trải qua điều trị, tôi gần như ngất xỉu. Tôi không đồng ý để họ điều trị nhưng không có cách nào khác”.
Cô cho biết họ muốn “sửa chữa” cô để đáp ứng những kỳ vọng của xã hội.
Ling’er nói thêm những lần sốc điện làm cô gặp vấn đề tim mạch và cần điều trị y tế.
Cô gửi đơn kiện bệnh viện vào tháng 8 và cho biết quyền tự do bị xâm hại khi bị ép chữa bệnh.
Trung Quốc có đạo luật liên quan sức khỏe tinh thần, trong đó không cho phép bệnh viện ép bệnh nhân chữa bệnh tâm lý trừ khi họ là mối nguy cho xã hội hoặc bản thân.
Truyền thông Trung Quốc cho biết bác sĩ điều trị cho Ling’er tuyên bố cô ấy có thể gây hại cho cha mẹ vì là người chuyển giới. Họ khẳng định cha mẹ cô có thể tự tử vì xu hướng tính dục của con.
Đây không phải vụ kiện liên quan chữa trị bằng sốc điện để “sửa chữa” giới tính đầu tiên tại Trung Quốc.
Năm 2017, một người đồng tính nam ở Hà Nam được bồi thường 5.000 NDT (gần 700 USD) vì bị ép đưa vào bệnh viện tâm thần 19 ngày để trị bệnh “đồng tính”.
Một án lệ năm 2014 cho biết một phòng khám phải trả người đồng tính 3.500 NDT sau khi thôi miên và dùng sốc điện “trị bệnh đồng tính” cho anh này.
Phương pháp “đảo ngược giới tính” được xem là vùng xám pháp lý ở Trung Quốc. Năm 2001, chính quyền nước này xóa đồng tính khỏi danh sách bệnh tâm thần nhưng giữ lại triệu chứng liên quan đến rối loạn xu hướng tình dục. Điều này tạo điều kiện cho các bác sĩ tâm thần quảng cáo gói điều trị “đảo ngược xu hướng tình dục” cho người thuộc cộng đồng LGBTIQ+.
Hướng dẫn y tế mới nhất của Trung Quốc cũng đã loại bỏ triệu chứng này, nhưng các lực lượng và hệ thống giáo dục ở bệnh viện Trung Quốc vẫn cố níu kéo.
Một bác sĩ giấu tên làm việc tại trung tâm y tế cho người chuyển giới nói rằng một phần của vấn đề là do thiếu kiến thức chuyên môn. Khi nhận bệnh là người chuyển giới, những bác sĩ không đủ năng lực chuyên môn sẽ không tìm ra biện pháp chữa trị. Họ cho rằng sử dụng biện pháp (như sốc điện) có thể hữu ích nhưng họ đã sai.
Nghiên cứu năm 2019 dựa trên khảo sát 385 người cho thấy cứ 5 người chuyển giới trẻ tuổi ở Trung Quốc thì có 1 người bị cha mẹ ép thực hiện “các liệu pháp đảo ngược giới tính”.