Chờ...

Người mắc bệnh trầm cảm có thể tự điều trị bằng kích thích não tại nhà?

VOH - Những người mắc bệnh trầm cảm nặng có thể giảm bớt triệu chứng bằng cách tự điều trị bằng phương pháp kích thích não bằng điện tại nhà.

Các bệnh nhân tham gia liệu trình điều trị kéo dài 10 tuần có khả năng gấp đôi khiến bệnh trầm cảm thuyên giảm so với nhóm đối chứng thực hiện cùng quy trình nhưng không dùng điện. Kết quả từ thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy bệnh nhân có thể nhận được điều trị mà không cần đến phòng khám.

tram cam (1)

Trong thử nghiệm lâm sàng, những bệnh nhân tham gia liệu trình tDCS có khả năng thuyên giảm bệnh cao gấp đôi so với những bệnh nhân nhóm đối chứng. - Ảnh: The Guardian

Kết quả cho thấy, kích thích não bằng điện có thể mang lại lợi ích cho người mắc trầm cảm mà không cần đến phòng khám. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho những người không cải thiện khi dùng thuốc chống trầm cảm hoặc không muốn tham gia liệu pháp tâm lý.

Trong thử nghiệm giai đoạn 2, 174 người mắc rối loạn trầm cảm nặng đã được trang bị một thiết bị đeo đầu để thực hiện phương pháp kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ (tDCS). Thiết bị này có hai điện cực cung cấp dòng điện yếu lên đến 2 milliamp lên trán.

Liệu trình điều trị kéo dài 10 tuần, được giám sát trực tiếp qua các cuộc gọi video, ban đầu là 5 buổi mỗi tuần trong 3 tuần đầu và giảm xuống 3 buổi mỗi tuần trong 7 tuần tiếp theo.

Một nửa số người tham gia nhận kích thích não bằng điện, trong khi nửa còn lại nhận liệu pháp giả mà họ không biết, với dòng điện chỉ xuất hiện ngắn ở đầu và cuối phiên điều trị.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tình trạng trầm cảm đã cải thiện ở cả hai nhóm trong suốt liệu trình 10 tuần, dựa trên các thang điểm chuẩn về trầm cảm. Tuy nhiên, những người nhận được kích thích não thực sự có sự cải thiện rõ rệt hơn. Tỷ lệ khỏi bệnh ở nhóm kích thích não là 44,9%, so với 21,8% ở nhóm điều trị giả.

Ước tính khoảng 5% người trưởng thành trên thế giới sống chung với trầm cảm. Các phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay là thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý, nhưng hơn một phần ba số người mắc rối loạn trầm cảm nặng không thuyên giảm hoàn toàn.

Liệu pháp tDCS giúp các nơron ở vùng trán của não hoạt động nhanh hơn, tác động tích cực đến các mạng lưới não bộ liên quan đến trầm cảm.

Dòng điện trong tDCS yếu hơn ít nhất 400 lần so với liệu pháp điện giật (ECT), phương pháp gây co giật toàn thân. Thiết bị sẽ tự động tắt sau 30 phút để giảm thiểu rủi ro từ kích thích kéo dài.

Ông Myles Jones, giảng viên ngành tâm lý học tại Đại học Sheffield, cho biết, mặc dù tDCS đã được cho là an toàn từ năm 2015, nhưng vẫn còn nhiều bất định về hiệu quả.

Nghiên cứu này cho thấy, sử dụng tDCS tại nhà nhiều lần giúp giảm đáng kể triệu chứng trầm cảm. Dù liều đơn tDCS chưa cho thấy kết quả rõ ràng, việc sử dụng kéo dài trong nhiều ngày hoặc tuần đã mang lại hiệu quả lâm sàng trong điều trị.