Chờ...

'Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để phát triển hệ sinh thái tự nhiên'

(VOH) - Rừng ngập mặn Cần Giờ ngoài việctrở thành “vành đai xanh” của thành phố còn được đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch cũng như bảo tồn đa dạng sinh học.

Sau gần 20 năm khôi phục và phát triển, từ những cánh rừng hoang sơ ban đầu, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã chuyển mình từ hoang sơ trở thành “vành đai xanh” của TPHCM, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Cần Giờ còn được đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch cũng như bảo tồn đa dạng sinh học. Tất cả đều mang ý nghĩa chiến lược đối với định hướng phát triển huyện Cần Giờ của UBND TPHCM.

Xung quanh nội dung này, phóng viên VOH có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Đức Hoàn - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ; Phó Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

nghien-cuu-khoa-hoc-va-hop-tac-quoc-te-de-phat-trien-he-sinh-thai-tu-nhien-voh.com.vn-anh1
Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ. Ảnh: Tri thức trè

*VOH: Ông đánh giá vai trò của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ ra sao đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Cần Giờ nói riêng và TPHCM nói chung?

- Ông Huỳnh Đức Hoàn: Thứ nhất, góp phần phát triển kinh tế xanh bền vững gắn liền với bảo tồn thiên nhiên: Khu Dự trữ sinh quyển đều có 03 phân vùng rõ rệt, bao gồm: Vùng lõi, Vùng đệm và Vùng chuyển tiếp. Với việc phân vùng này, những tác động tiêu cực từ quá trình xây dựng, đầu tư phát triển kinh tế sẽ được hạn chế thấp nhất đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Thứ hai, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên: Thực tế cho thấy hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển Khu Dự trữ Sinh quyển cần đảm bảo có sự phối hợp liên ngành, đồng thời có sự tham gia tích cực và hiệu quả của cộng đồng địa phương. Qua đó, tận dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, tài chính của địa phương cũng như đảm bảo sự hài hòa, đáp ứng những nhu cầu của xã hội.

Thứ ba, là danh hiệu để có nhiều cơ hội đầu tư cho bảo tồn và phát triển: So với các địa phương không có danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển, thì cơ hội được đầu tư hàng năm vào Khu Dự trữ sinh quyển luôn chiếm phần thắng thế.

*VOH: Theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM thì huyện Cần Giờ có chủ trương bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ như thế nào?

- Ông Huỳnh Đức Hoàn: Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, với vai trò là Phó Trưởng Ban Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, cùng với UBND huyện Cần Giờ đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển bền vững Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và Kế hoạch quản lý và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 – 2025 và đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4320 ngày 24 tháng 11 năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý để UBND huyện Cần Giờ triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn liền với công tác bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

*VOH: Chúng ta có gặp những khó khăn, trở ngại nào trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng như bảo vệ các nguồn lợi tự nhiên từ Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ hay không thưa ông?

- Ông Huỳnh Đức Hoàn: Thứ nhất, đời sống của người dân trên địa bàn huyện và các địa phương giáp ranh còn nhiều khó khăn và phụ thuộc vào nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, qua đó tạo ra áp lực không nhỏ đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái trong Khu Dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Thứ hai, Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ nằm ở hạ lưu sông Ðồng Nai, hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ chịu ảnh hưởng trực tiếp của các hoạt động trên toàn bộ các tuyến sông trong lưu vực. Luôn có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt tại các khu vực này bởi chất thải từ các hoạt động sản xuất công – nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch, sinh hoạt của người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ðồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang, đây là thách thức không nhỏ trong việc quản lý, giám sát môi truờng tại khu vực.

*VOH: Để thật sự duy trì sự phát triển bền vững cho Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thì chúng ta cần phải làm gì?

- Ông Huỳnh Đức Hoàn: Thứ nhất, thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn hệ sinh thái Rừng ngập mặn, đồng thời làm gia tăng tính đa dạng sinh học trong Khu Dự trữ sinh quyển.

Thứ hai, chú trọng cải thiện và nâng cao sinh kế cho cộng đồng dân cư ở vùng đệm và vùng chuyển tiếp bằng cách xây dựng các mô hình kinh tế chất lượng và tăng cường sự tham gia của cộng đồng.

Thứ ba, Quản lý và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên cần dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Thứ tư, tuyên truyền phổ biến, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và bảo vệ tài nguyên, bảo tồn các di tích văn hoá lịch sử và phát triển kinh tế địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các thành phần xã hội.

Thứ năm, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa kết hợp với phát triển du lịch trong khu sinh quyển theo hướng bền vững và tăng chuỗi giá trị. Công tác truyền thông, quảng bá, giáo dục môi trường cần được nâng cao, tạo nên tầm ảnh hưởng, vị thế và vai trò của Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Thứ sáu, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, đa dạng hoá nguồn tài chính cho công tác đầu tư cho bảo tồn, phát triển bền vững trong Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.

*VOH: Cảm ơn ông.