Tạp chí Family Medicine and Primary Care từng mô tả, chứng nghiện điện thoại di động còn được gọi là “nomophobia” hoặc “Hội chứng lo sợ khi không có điện thoại” – có thể hiểu là nỗi sợ bị tách khỏi kết nối điện thoại di động.
Các nhà nghiên cứu Alexandra Maftei và Acnana-Maria Pătrăușanu tại Đại học Alexandru Ioan Cuza ở Iași, Romania, đã đánh giá 559 người trong độ tuổi từ 18 đến 45.
Họ được yêu cầu hoàn thành một cuộc khảo sát trực tuyến bao gồm các bài kiểm tra đánh giá lòng tự ái, căng thẳng, các triệu chứng nghiện mạng xã hội.
Bài đánh giá bao gồm các câu hỏi như “Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái nếu không thường xuyên truy cập thông tin qua điện thoại thông minh của mình” và “Trong năm qua, bạn có thường xuyên sử dụng mạng xã hội đến mức nó có tác động tiêu cực đến công việc/việc học tập của bạn không?”
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người đạt điểm cao hơn trong thang điểm đặc điểm tự ái có nhiều khả năng mắc chứng nomophobia ở mức độ đáng kể.
Họ cũng phát hiện ra, những người tự ái có nhu cầu cảm thấy mình quan trọng thông qua sự ngưỡng mộ từ người khác. Điều này có thể dễ dàng được đáp ứng thông qua lượt thích và bình luận từ việc tương tác trên mạng xã hội.
Tâm lý học ngày nay mô tả, người tự ái là người “có khao khát được đánh giá cao hoặc ngưỡng mộ, mong muốn trở thành trung tâm của sự chú ý và kỳ vọng được đối xử đặc biệt phản ánh địa vị cao hơn”.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa rối loạn nhân cách tự ái và chứng tự ái. Một cá nhân mắc chứng rối loạn nhân cách tự ái gặp khó khăn trong việc tạo dựng và duy trì các mối quan hệ lâu dài vì họ “thiếu sự đồng cảm”, không giống như một người mắc chứng tự ái và khao khát được chú ý.
Kết quả của nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Tâm lý học đã giải thích chứng nomophobia, tự ái, căng thẳng và nghiện mạng xã hội đều ảnh hưởng đến hành vi của một người.
Các tác giả nghiên cứu viết: “Phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu có liên quan đến vai trò trung gian của chứng nghiện mạng xã hội và chứng nomophobia với mối liên hệ giữa chứng tự ái và căng thẳng”.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, những người có lòng tự ái cao có thể dễ mắc chứng nghiện hành vi này hơn, điều này càng dẫn đến mức độ căng thẳng gia tăng.
Để chống lại sự thôi thúc kết nối mạng mọi lúc, mọi người nên tập “ngó lơ” các tương tác trên mạng xã hội, xem xét cảm xúc của họ khi đăng nhập và tắt ứng dụng mạng xã hội và không dành quá nhiều thời gian trên mạng.