Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ việc dùng gia cầm chết chế biến

VOH - Bộ Y Tế đã đưa ra các các khuyến cáo về việc không sử dụng gia súc, gia cầm đã chết để chế biến thực phẩm, nhằm tránh nguy cơ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm.

Tình hình thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh miền Bắc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, với con số báo động. Tính đến ngày 12/9, hơn 2.500 gia súc và 1,5 triệu gia cầm đã chết, tập trung ở các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng và Thái Nguyên. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là tại Hà Nội, nhiều người dân bất chấp nguy cơ, đổ xô mua gia cầm chết ngập nước với giá chỉ 50.000 đồng/con. Thực phẩm giá rẻ trở thành lựa chọn hấp dẫn trong thời điểm khó khăn, nhưng ẩn chứa nguy cơ lớn về sức khỏe, đặc biệt khi số lượng gia súc, gia cầm chết ngày càng tăng do lũ lụt.

Theo các số liệu trước đây cho thấy, các đợt lũ lớn tương tự cũng đã dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm từ gia cầm chết. Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện thiếu thốn nguồn lực y tế và nước sạch tại các khu vực bị chia cắt bởi lũ.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, ngoài thiệt hại về tài sản, lũ lụt lần này đã khiến 325 người chết và mất tích, trong đó các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng và Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các khu vực này không chỉ đối mặt với lũ lụt mà còn với nguy cơ bùng phát dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt nguồn thực phẩm.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (1)
Nguồn gia cầm giá rẻ có thể mang đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Ảnh: VN Express

Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe, người dân vùng lũ được khuyến cáo không sử dụng gia súc, gia cầm đã chết để chế biến thức ăn. Thay vào đó, họ nên sử dụng các loại thực phẩm đóng gói sẵn, có thể ăn ngay như lương khô, mì ăn liền và nước uống đóng chai.

Đối với những khu vực bị ngập úng nghiêm trọng, các địa phương cần đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống sạch đến người dân. Nếu nguồn nước giếng bị ô nhiễm, người dân phải tiến hành lọc và khử trùng nước trước khi sử dụng để tránh các bệnh truyền nhiễm.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vùng lũ lụt. Những sản phẩm có dấu hiệu hỏng, mốc hoặc hết hạn sử dụng cần được loại bỏ ngay để tránh gây hại cho sức khỏe người dân.

Trong bối cảnh thiên tai phức tạp như hiện nay, việc tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm là vô cùng cần thiết để bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm.