Nguyên nhân điện thoại phát nổ và cách phòng tránh

(VOH) - Hiểu được những lý do có thể khiến điện thoại phát nổ sẽ giúp chúng ta tránh được sự cố đáng tiếc.

Gần đây, có một số trường hợp bị thương thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng vì điện thoại phát nổ. Để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người xung quanh chúng ta nên tìm hiểu những lý do có thể dẫn đến sự cố này và chủ động phòng tránh.

Nguyên nhân khiến điện thoại phát nổ

Chuyên trang PCMag.com, cơ quan hàng đầu về công nghệ của Mỹ, cho biết có nhiều lý do khiến điện thoại thông minh phát nổ. Tuy nhiên phần lớn đều liên quan đến pin.

Khi pin sạc hoặc bộ xử lý phải làm việc quá sức, nó sẽ trở nên quá nóng. Tình trạng này có thể làm hỏng cấu trúc các bộ phận của điện thoại. Một phản ứng dây chuyền được gọi là hiện tượng thoát nhiệt có thể khiến pin sinh ra nhiều nhiệt hơn. Cuối cùng chúng sẽ bắt lửa hoặc phát nổ.

Về nguyên nhân khiến điện thoại trở nên quá nóng chúng ta có thể kể tới:

  • Hư hỏng vật lý do rơi hoặc uốn cong quá mức khiến hoạt động bên trong của pin bị gián đoạn.
  • Để điện thoại ngoài nắng trong thời gian dài hoặc lỗi sạc gây đoản mạch bên trong thiết bị.
  • Sự xuống cấp của pin điện thoại theo thời gian.
Nguyên nhân điện thoại phát nổ và cách phòng tránh 1

Với những chiếc điện thoại đã được sử dụng vài năm, các bộ phận bên trong có thể bị chai, dẫn đến phồng và nóng. Vì vậy, nếu bạn thấy chiếc điện thoại của mình có một trong các dấu hiệu sau thì hãy cẩn thận:

  • Điện thoại trở nên nóng quá mức, đặc biệt là khi sạc pin. Trường hợp này, bạn nên ngừng sạc, rút phích cắm ra ngay lập tức.
  • Hình dạng của điện thoại bị thay đổi (khung máy phồng, màn hình nhô lên…). Đây là dấu hiệu cảnh báo pin bị hỏng hoặc các bộ phận bên trong bị xuống cấp. Bạn nên tắt máy và mang chúng đến các trung tâm bảo hành để kiểm tra.

Ngoài pin, điện thoại cũng có khả năng phát nổ do sạc. Một chiếc sạc đảm bảo chất lượng phải bao hàm thiết bị có vai trò cách ly điện giữa đầu vào và đầu ra, tức chuyển đổi nguồn điện áp cao 220V xuống điện áp thấp 5V. Vì vậy nếu sạc của bạn là chính hãng và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thì điện áp đầu ra của chúng rất thấp, không thể gây bỏng hay nguy hiểm đến tính mạng.

Ngược lại, những chiếc sạc không đảm bảo chất lượng sẽ không đảm bảo được yêu cầu cách ly nguồn điện hoặc khi bị hỏng phần cách điện bên trong, phần đầu ra của chúng có thể được nối thông với phần đầu vào. Điều này nghĩa là mức áp đầu ra chính là áp điện nguồn 220V. 

Điện áp cao sẽ khiến chiếc điện thoại của bạn có khả năng bị cháy nổ. Ngoài ra, chúng ta cũng có nguy cơ bị điện giật khi chạm vào thiết bị.

Nên làm gì để phòng tránh điện thoại cháy nổ?

Nguyên nhân điện thoại phát nổ và cách phòng tránh 2
  • Tránh để điện thoại ở nơi có nhiệt độ cao hoặc nhiệt độ thấp trong thời gian dài.Việc thường xuyên để pin tiếp xúc với các điều kiện khắc nghiệt có thể làm hỏng các bộ phận bên trong và gây hư hỏng. 
  • Tránh sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin.
  • Không phủ các vật khác lên điện thoại khi đang sạc hoặc đặt điện thoại đang sạc trên những bề mặt có thể ủ nhiệt để tránh việc khiến chúng trở nên quá nóng. Tránh để điện thoại đang sạc trên giường vì chúng ta có thể đè lên hoặc phủ mền lên trong lúc ngủ mà không hề hay biết.
  • Nên sạc điện thoại trong khoảng 30 - 80% pin và tránh sạc nhanh qua đêm.
  • Sử dụng đúng bộ sạc đi kèm hoặc mua bộ sạc từ nhà sản xuất. Không dùng bộ sạc giá rẻ vì chúng có thể làm hỏng pin điện thoại, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
  • Kiểm tra dây sạc, phích cắm thường xuyên vì nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề sạc cũng như gây ra nguy cơ chập điện, bốc cháy. Nếu bộ sạc xuất hiện các vấn đề như bị chảy, bị hở thì nên thay mới để đảm bảo an toàn.