Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những điều cần nhớ khi đi chùa, hái lộc đầu năm

(VOH) - Người dân Việt Nam vốn có phong tục đến đình chùa thắp hương trong dịp năm mới và hái lộc mang về với hi vọng sẽ “rước” được nhiều tài lộc về nhà.

Tuy nhiên, hái lộc như thế nào là phù hợp thì không phải ai cũng biết.

Theo tục xưa, đầu năm mới, mọi người sau khi đến đình, chùa thắp hương đầu năm sẽ hái một nhánh cây non mang về treo trước nhà hoặc bày trên bàn thờ.

"Lộc" có 2 nghĩa: nghĩa thứ nhất là nhánh cây non (mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá) và nghĩa thứ hai là bổng lộc, may mắn bình an, tượng trưng cho những gì tươi mới được hình thành dù có khó khăn, khắc nghiệt.

hái lộc
Lộc là những mầm non xanh vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá, tượng trưng cho sự may mắn (Ảnh: HL)

Việc hái lộc được nhiều người cho là một điều không thể thiếu khi Tết đến vì họ quan niệm rằng, hái lộc sẽ mang về những điều may mắn, xua đi những điều không may mắn của năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian, nếu thành tâm xin một cành lộc nhỏ ở đền chùa, miếu sẽ được Thần Phật phù hộ, ban cho tài lộc và may mắn trong suốt cả năm. Xin lộc ở cây tượng trưng cho việc mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.

Những điều nên tránh khi hái lộc

Không hái lộc ở đình, chùa, nơi linh thiêng

Về mặt tâm linh, trong dân gian có quan niệm là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc nhờ vào cây cối.

Tại các chùa, đình, đền, miếu, điện các vong hồn tha phương không nơi nương tựa rất nhiều và khi hái lộc ở các nơi đó đưa về nhà có thể dẫn đến việc vô tình đưa các vong hồn đó vào nhà. Do đó, tốt nhất người dân không nên bẻ cành ở nơi linh thiêng.

Không bẻ, chặt cành lớn

Những năm gần đây, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực, biến tập tục này trở thành hủ tục: hái lộc bằng cách trèo lên cây bẻ cả cành to, chọn lộc to, lộc đẹp; đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc... để hái lộc với mong muốn có một năm “đại cát đại lợi”…

Hái lộc có rất nhiều cách, không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây theo kiểu phá hại môi trường, mất mỹ quan như vậy. 

Không bẻ lá úa, cành có gai nhọn

Nếu hái lộc vào lúc giao thừa, mỗi người cần chú ý lựa chọn cẩn thận để không mang cành lá héo úa hay cành có gai nhọn vào nhà, vì làm thế sẽ mang theo sát khí, không tốt cho gia đình.

Những điều nên làm để hái lộc được may mắn

"Lộc" là những cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... một số vùng, người dân chọn lộc của cây trà xanh, trầu hay cây trứng gà… để hái. Những cây được chọn để hái lộc đầu năm thường là những loại cây quanh năm tươi tốt với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.

  • Khi hái lộc, mỗi người cần giữ cho tâm hồn thanh tịnh và thuần khiết thì Lộc chúng ta hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và ý nghĩa.
  • Khi hái lộc về nên đặt ở những nơi trang trọng như gian chính diện hoặc phía trước bàn thờ. Với những loại có nhựa, chịu khô hạn giỏi thì chỉ cần hơi ấm đầu xuân cũng đủ giúp chúng tươi lâu. Còn loại cây không có nhựa thì cắm trong lọ nước để lộc được tươi lâu hơn.
  • Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, không muốn làm tổn hại cây cối, có thể hái lộc bằng việc mua vài cây mía hoặc một chậu cây nhỏ… như là một hình thức hái lộc trong ngày đầu năm.
  • Bên cạnh việc hái lộc, thì mỗi người nên nghĩ và làm nhiều việc thiện, sống từ tốn, yêu thương. Ông bà ta có quan niệm cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên ắt sẽ đến.
Bình luận