Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những “khắc tinh” của rắn hổ mang

VOH - Rắn hổ mang khiến nhiều loài e sợ vì nọc độc chết người của chúng. Tuy nhiên không phải chúng không có “khắc tinh”.

Rắn hổ mang sinh sống ở nhiều môi trường khác nhau nên “thiên dịch” của chúng cũng rất đa dạng.

Cầy Mangut

Cầy Mangut không chỉ là “khắc tinh” của các loài rắn độc, chúng còn có gan đối đầu với sư tử châu Phi.

Nhờ có các thụ thể acetylcholin chuyên biệt, tạo ra khả năng kháng hoặc miễn nhiễm với nọc rắn độc, loài cầy Mangut nhanh nhẹn, tinh ranh và nổi tiếng về khả năng diệt rắn độc, đặc biệt là rắn hổ mang – món khoái khẩu của chúng.

Khi tấn công rắn hổ mang, cầy Mangut thường dựng đứng phần đuôi khiến con rắn độc bối rối. Cầy Mangut, giống như nhiều loài săn rắn khác, sẽ cố cắn vào con rắn hổ mang từ phía sau đầu. Đây là phát cắn chí mạng mà vẫn giúp cầy Mangut tránh khỏi những chiếc răng nanh sắc nhọn đầy nọc độc.

Herpestes_edwardsii_at_Hyderaba
Cầy mangut - Nguồn: Internet

Kỳ đà

Loài bò sát này dễ dàng “xơi tái” các loài rắn không độc hoặc có độc, thậm chí là rắn hổ mang. Kỳ đà được cho rằng có khả năng miễn dịch với nọc độc của rắn, tuy nhiên theo Daniel Bennett, tác giả cuốn sách A Little Book of Monitor Lizards (Tạm dịch: Cuốn sách nhỏ về kỳ đà), cho biết, vẫn chưa rõ cơ chế kỳ đà chống chọi với nọc rắn.

Rất có thể, lớp da của kỳ đà cứng và dày khiến răng nanh của rắn hổ mang không thể xuyên qua để bơm nọc độc vào cơ thể. Kỳ đà khi xử lý rắn hổ còn nhắm mắt nên con rắn không thể tấn công vào đó.

kydagiong5_hxsa
Nguồn: Internet

Lửng mật

Lửng Mật có tên khoa học Mellivora capensis, là một loài động vật có vú thuộc họ chồn. Chúng sở hữu những "siêu năng lực" khiến chúng ta phải bất ngờ.

Lửng Mật mang trong mình dòng máu “chiến binh” thực thụ. Dù đối thủ là nhím, báo, sư tử hay trâu, chúng đều không hề e sợ. Sự mạnh mẽ này được cho là nhờ sở hữu lớp da dày mà răng của các động vật ăn thịt hay thậm chí là nhiều loại vũ khí cũng khó lòng xuyên thủng.

Đặc biệt nhất, chúng có khả năng đề kháng nọc độc. Các nhà làm phim về thế giới động vật đã chứng kiến cảnh lửng mật bị rắn hổ lục và rắn lục phì cắn làm nó hôn mê, tưởng như đã chết. Tuy nhiên, chỉ 2 giờ sau, nó đã tỉnh dậy và... khỏe mạnh bình thường. Sau đó, chúng thản nhiên ăn thịt con rắn phì vừa giết được.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu về nọc độc cho rằng lửng mật có thể phát triển khả năng miễn dịch trong suốt vòng đời của chúng sau khi chịu vô số các vết cắn, chích nhỏ từ ong, bọ cạp, rắn... 

lung-mat-co-suc-de-khang-voi-noc-cua-nhung-loai-ran-doc-nhat-smithsonian-15422885266401843270743
Nguồn: Internet

Diều săn rắn

Diều săn rắn là loài chim cao, sống ở vùng đồng bằng châu Phi. Khi ăn rắn, diều săn rắn sử dụng phần chân dài, có vảy cứng, nhiều lông của mình để ngăn không cho con rắn cắn lại.

Chim diều ăn rắn tên thường gọi là Sagittarius serpentarius sống trong những đồng cỏ hoang thuộc miền Nam Sahara. Người phương Tây còn đặt tên cho chúng là "chim thư ký".

Chúng có khả năng chế ngự rắn tuyệt vời, có thể xơi tái bất cứ con rắn nào bất kể con rắn đó có nọc độc mạnh.

name-secretary-bird-sagittarius-serpentarius-7-1703130694973-17031306951762084982162-1703132912969-1703132913066537876870
Nguồn: Internet

Tuy nhiên do không sở hữu khả năng kháng nọc độc rắn nên nếu bị rắn độc cắn trúng, diều săn rắn vẫn chết.

Cảnh chim Sagittarius serpentarius bắt rắn cũng rất thú vị: Nó tóm lấy con rắn bằng những móng chân chắc khỏe và đập đầu con rắn cho đến chết, đồng thời tự bảo vệ mình khỏi bị cắn bằng đôi cánh to lớn đầy lông. Cũng có khi nó chộp con rắn và tung con rắn lên cao nhiều lần khiến cho con mồi bất tỉnh. Nó biết kiểm tra con rắn cẩn thận trước khi nuốt. Ở Nam Phi, người ta thường nuôi loại chim này để giết rắn và chuột.

Hầu hết những con vật bò trên mặt đất như côn trùng, thằn lằn, rắn hay một số động vật hữu nhũ nhỏ đều có thể trở thành mồi của chúng.

Ngoài việc dùng mỏ sục sạo, chim Sagittarius serpentarius còn biết giẫm đạp vào bụi cây cỏ để làm con mồi hoảng sợ chạy ra.

Bình luận