Những nguy cơ cần biết khi tích trữ xăng dầu

(VOH) - Việc người dân tích trữ xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao có thể dẫn đến nguy cơ về cháy, nổ với những hậu quả khôn lường.

Tích trữ xăng dầu cần chú ý điều gì?

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM, xăng dầu là chất nguy hiểm, có khả năng cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt.

Nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, với đặc tính của xăng dầu thì rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp.

Xem thêm: Hiểm họa cháy xăng dầu

cháy nổ, cháy xăng dầu
Đám cháy xăng dầu thường lan rất nhanh (vận tốc cháy lan theo bề mặt có thể đạt đến trên 40m/phút)

Khi tồn chứa xăng, dầu không an toàn có thể dẫn đến sự cố cháy hoặc nổ. Đám cháy lan rất nhanh (vận tốc cháy lan theo bề mặt có thể đạt đến trên 40m/phút), tỏa ra nhiều khói, chất độc gây nguy cơ tử vong của người trong nhà rất cao, đồng thời gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM khuyến cáo:

- Người dân không tích trữ xăng, dầu tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho gia đình;

- Trường hợp cơ sở, hộ gia đình cần thiết tích trữ xăng dầu cần thì có biện pháp bảo quản an toàn như sau:

  • Phải bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở;
  • Khu vực tồn chứa xăng, dầu phải thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu; tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao;
  • Có biện pháp ngăn xăng dầu, tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa (bếp đun, đốt rác…), nguồn nhiệt; Các thiết bị điện (công tắc, bóng đèn…) trong khu vực chứa xăng dầu phải đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa…;
  • Ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng dầu;

Cách xử lý khi gặp đám cháy xăng, dầu

Khi gặp đám cháy xăng, dầu thì chúng ta cần:

- Hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh biết;

- Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114 hoặc ứng dụng Help 114, công an hoặc chính quyền nơi gần nhất;

- Sơ tán tài sản, phuy xăng dầu lân cận (nếu có) ra vị trí an toàn;

- Không chữa cháy xăng dầu bằng nước;

- Dùng bình chữa cháy loại bọt, bột để dập tắt đám cháy;

- Dùng cát để đắp đê ngăn không cho chất cháy chảy loang;

- Dùng chăn chiên thấm nước phủ hoàn toàn bề mặt của đám cháy.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM, việc không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

cháy nổ, cháy xăng dầu

Người dân không nên chữa cháy xăng dầu bằng nước mà dùng bình chữa cháy loại bọt, bột để dập tắt đám cháy

Lưu ý về các quy định về xử phạt khi gây ra cháy nổ, thiệt hại về người và tài sản

Theo Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi bổ sung 2013, việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu tích trữ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, người dân cần hết sức cẩn trọng khi quyết định tích trữ xăng, dầu.

Về xử phạt hành chính: Theo Khoản 4, Điều 32, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 25 triệu đồng.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi tàng trữ xăng dầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, theo điều 311 Bộ Luật hình sự 2017. Tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thể bị phạt từ 01 năm đến 20 năm hoặc chung thân.

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 đến 05 năm;

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: có tổ chức, vật phạm pháp có số lượng lớn; làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Vận chuyển, mua bán qua biên giới; Tái phạm nguy hiểm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm theo Điều 312 Bộ Luật hình sự 2017 quy định: Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc.